Jimmy Nguyen Nguyen - Saigon Noel (5)samedi 28 décembre 2024
Thuymy
Cũng vì … nghệ sĩ nên nhiều quán tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa. Nghệ sĩ mà. Không thể có đầu óc tính toán chi ly được.
Saigon có nhiều quán đẹp. Sân vườn được ưa thích. Thường nằm trong hẻm. Đầu tư loại quán này tốn kém vì phải dựng phong cảnh. Thường là suối, thác nước. Cá bơi lội và cây cảnh. Khách mới đầu đến kêu ly nước. Ngồi lâu đói bụng thì kêu món ăn. Lúc này quán mới có lời.
Việt kiều về nước đều hẹn nhau ở các quán loại này. Ngổi bao lâu cũng được. Tới trước tới sau đều vui. Tiếp viên luôn thân thiện chiều khách. Mấy chục năm qua, thời gian của tui khi về Việt Nam đều dành cho… ngồi đồng. Thí dụ như hôm nay, đang ngồi ở quán Trung Nguyên đường Trường Sơn. Có tiếng bíp từ điện thoại. Tin nhắn hỏi anh ở đâu? Ít phút sau là có mặt đầy đủ. Rồi ai bận đi trước, ai có thời gian thì ngồi tâm sự. Quá tiện lợi.
Về Việt Nam hồi hai năm trước, tui có kể là vô quán 2 … gì đó. Mấy cháu trẻ tiếp đãi lạnh lùng. Cà phê tự phục vụ. Bưng nước rồi kiếm bàn. Tui tự nhủ sẽ không đến lần thứ hai. Mấy ông già khó tánh chớ giới trẻ là “ne pas”. Vô Trung Nguyên kỳ này thấy được. Thực đơn màu mè đầy triết lý. Không cần cái kiểu này. Miễn là các cháu bán hàng có tâm. Rót nước lễ phép mời khách. Ly nước hai trăm ngàn ư. Tui còn “bo” thêm. Saigon phải vậy. Phong cách lịch thiệp, duyên dáng. Thể hiện tấm lòng cầu khách. Chớ để cái mặt lạnh tanh là đã không có lần thứ hai rồi. Nói chi còn…to tiếng.
Quán cà phê bây giờ không cần mở nhạc như xưa nữa. Hoặc nếu có thì rất nhỏ. Đã qua cái thời đến quán để được nghe nhạc. Mỗi người có một gu nghe nhạc của riêng mình và chọn quán cũng chỉ vì nhạc. Thế nên xưa chiều khách rất khó. Giờ chỉ cần password là xong. Mỗi người một máy chìm vào thế giới riêng mình (tui hai máy). Thế thời phải thế. Ấy vậy mà hỏi tui anh còn nhớ một quán xưa nào không? Tui nói có.
Thuở trung học thì có quán cà phê Thăng Long ở một hẻm giáo xứ Nghĩa Hòa. Cà phê hay nhạc cũng bình thường. Nhưng ông bà chủ có hơn mười… cô con gái (chắc ổng ráng kiếm một … cu). Chia ra. Anh lớn “địa” cô chị. Em trai ngắm cô em. Còn mấy lóc nhóc để dành đó. Lớn mấy hồi. Chừng mấy cô lấy chồng hết thì quán nghỉ bán.
Quán thứ nhì mà tui không thể quên trong đời. Ông chủ luôn mặc áo hoa hòe. Hút pipe. Tóc hippy. Đón khách ngay cửa rất lịch sự. Quán nằm góc đường Nguyễn Thiện Thuật với Hồng Thập Tự. Khách đa phần là sinh viên (Khoa Học, Sư Phạm gần đó). Quán che màn tối om như rạp ciné. Ông bật “poong”. Cái Zippo soi đường mới thấy chỗ ngồi.
Quán này kén khách vì nhạc của ổng…”khó hiểu”. Phải bập vài điếu thuốc hay thứ khác “nặng đô” hơn mới thấy nó hay. Tuổi trẻ bấy giờ bế tắc. Thần chết treo lơ lửng nếu lơ là học hành. Mà người xưa có câu “học tài thi phận”. Thi là phải có người rớt. Nghĩa là phải có người ra đi. Thôi thì trước mắt, hãy hưởng thụ nếu có thể. Rồi tiếng nhạc nổi lên. Khi phê thì ta nghe bass là bass mà treble là treble. Không lẫn lộn. Tiếng guitare rít lên xoáy từng nốt nhạc.
Và ngước nhìn lên một vùng sáng duy nhất của quán mà ai ngồi góc nào cũng thấy. Cô thu ngân ngồi ở quầy. Không động đậy. Không nói cười. Như một bức tượng. Chủ quán trang trí bằng người thật. Nhưng trong lòng ông già bây giờ là một bức tranh. Vâng! Một người đẹp. Cà phê. Khói thuốc. Bóng tối và người đẹp. Làm nên một quán cà phê. Có lẽ cho đến cuối cuộc đời. Không gặp lại lần thứ hai…
Tất cả mọi thứ trên đời này đều có thể mua được. Người đẹp thì không. Ai có hãy trân trọng.
JIMMY NGUYEN NGUYEN 19.12.2024
No comments:
Post a Comment