Monday, December 30, 2024

Đại Việt dưới thời Lê Dụ Tông (1705-1728)
Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
29/12/2024
NghiencuuQT


Tháng 5 năm Bính Tuất [11/6-9/7/1706], Ai Lao sang dâng lễ cống. Chúa Trịnh Căn đưa lời yên ủi, rồi đem người con gái họ Trịnh, lấy danh nghĩa là Quận chúa gả cho Tù trưởng Triều Phúc. Tại miền Nam, vào tháng 8 năm Đinh Hợi [27/8-25/9/1707], Chúa Nguyễn cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Cửu chiêu tập dân xiêu dạt các nơi như Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cày, Hương úc, Cà Mau lập thành 7 xã thôn, đất ấy tương truyền có người tiên thường hay hiện ra ở trên sông, nhân thế đặt tên là Hà Tiên.

Tháng Giêng năm Quí Tỵ [26/1-24/2/1713], đã lâu không mưa, giá thóc gạo cao vọt, dân gian có người phải ăn vỏ cây, rễ, cỏ, chết đói đầy đường, làng xóm các nơi tiêu điều hiu quạnh, vì thế, triều đình bàn định thi hành chẩn cấp. Tiếp đến vào tháng 7 [21/8-19/9/1713], nước lụt, vỡ đê, các trấn Sơn Tây, Sơn Nam và Thanh Hoa, mấy vạn nhà bị nước cuốn đi mất, nhân dân bị đói. Triều đình hạ lệnh cho các xã dân, chiếu theo mẫu ruộng và suất đinh trong hộ nộp tiền, để thuê người sửa đắp.

Vua Dụ Tông được Vua cha Hy Tông truyền ngôi vào tháng 4 năm Chính Hòa thứ 26 [23/5-20/6/1705], niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất. Nhà vua trị vì 25 năm, vào tháng 4 năm Bảo Thái thứ 10 [28/4-27/5/1729] truyền ngôi cho con là Duy Phường, rồi cũng lên làm Thái thượng hoàng được 2 năm thì mất.

Tháng 5 năm Bính Tuất, Vĩnh Thịnh thứ 2 [11/6-9/7/1706], tức năm Khang Hy thứ 45, Ai Lao sang dâng lễ cống. Trước kia dân Man Chan [Trấn Ninh, Lào] thuộc Ai Lao thường khổ sở vì bị bộ lạc Lạc Hòn [Savannakhet, Lào] xâm lấn ngược đãi, cứ phải chạy lánh, triều đình nhà Lê vẫn phải che chở cho. Khi tù trưởng Triều Phúc trở về nước, thì thành quách hào lũy đổ nát, binh lính thuộc dưới quyền chỉ có hơn 700, khí giới dự trữ không được đầy đủ, lễ cống khiếm khuyết. Chúa Trịnh Căn cho người trách hỏi, Triều Phúc sai sứ tỏ bày tình trạng, dâng phẩm vật địa phương, xin giúp cho binh khí và xin cho kết nghĩa hôn nhân để được nương nhờ ơn nước lớn. Trịnh Căn đưa lời yên ủi, từ đấy Triều Phúc cống nạp không bao giờ gián đoạn, sau Chúa đem người con gái họ Trịnh, lấy danh nghĩa là Quận chúa gả cho Triều Phúc.

Tháng 2 năm Đinh Hợi, Vĩnh Thịnh thứ 3 [4/3-2/4/1707], tức năm Khang Hy thứ 46, định rõ lại phép khảo công. Theo chế độ cũ vào năm Chính Hoà thứ 6 [1685], về việc khảo công, tính chung ba lần khảo trong cả ba năm, rồi mới thi hành việc truất bãi hoặc thăng thưởng. Đến nay định rõ lại rằng trong ba năm, quan chức đều phải đủ ba lần khảo theo thể lệ thượng, trung, hạ, rồi sẽ cân nhắc như sau: người nào ba lần khảo đều liệt vào thượng hạng sẽ được thăng chức hai bậc, người nào hai lần thượng hạng, một lần trung hạng, được thăng chức một bậc và được thưởng thêm 50 quan tiền, người nào năm đầu vào thượng hạng, năm thứ nhì vào trung hạng, năm thứ ba vào hạ hạng, là loại trung bình, sẽ thuyên chuyển làm việc ở địa phương thiếu chỗ, người nào hai lần trung hạng, một lần hạ hạng, sẽ phải giáng chức một bậc, người nào hai lần hạ hạng, một lần trung hạng, phải giáng chức hai bậc.

Tháng 7 [29/7-26/8/1707], nới rộng thời gian ban ơn cho dân phiêu tán. Tai họa hạn hán và đói kém xảy ra từ năm Chính Hòa thứ 24 [1703] khiến nhân dân phần nhiều phiêu tán, triều đình đã nhiều lần thi hành lệnh ân xá rộng rãi, nhưng dân các làng xóm vẫn chưa trở về đông đủ. Nay định niên hạn: người phiêu tán sẽ được tha phú thuế và dao dịch trong năm năm, người trở về mà tình cảnh nghèo khổ sẽ được miễn thuế hộ trong ba năm.

Tại miền Nam vào tháng 8 [27/8-25/9/1707], nhà Nguyễn mở khoa thi, lấy trúng cách về Chính đồ được 3 người Giám sinh, trúng cách về Hoa văn 3 người, trúng cách về Thám phỏng 5 người.

Tháng 8 năm Mậu Tý, Vĩnh Thịnh thứ 4 [4/9-13/10/1708], tức năm Khang Hy thứ 47, hạ lệnh sửa đắp đê sông Nhị Hà. Hàng năm, nước sông Nhị tràn ngập, đường đê nhiều chỗ hư hại, triều đình bèn hạ lệnh hai ty Trấn thủ và Thừa chính đốc sức dân phu, tùy theo địa thế bồi đắp sửa chữa, để có lợi cho nông dân.

Tháng 9 [14/10-11/11/1708], cấm Thổ tù ở các phiên trấn dân tộc thiểu số không được giao thiệp riêng với người quyền quý trong triều đình. Lúc ấy, Phụ đạo các phiên trấn phần nhiều vào kinh sư chơi, giao thiệp liên kết với người có quyền lực hoặc người giữ địa vị trọng yếu, vì thế mới hạ lệnh cấm. Nếu triều đình có lễ tiết lớn, các Phụ đạo vào kinh, không được đem quá 4 người đi theo, khi lưu ở kinh sư, không được quá 20 ngày. Từ đấy, sự phân biệt người Kinh, người thiểu số trở nên nghiêm ngặt.

Tại miền Nam, vào tháng 8 năm Đinh Hợi [27/8-25/9/1707], cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Cửu người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, nhà Minh mất, không chịu dóc tóc theo phong tục Mãn Thanh, chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức Ốc Nha. Thấy phủ Sài Mạt ở nước ấy có nhiều người buôn các nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn, nên thành giàu. Nhân chiêu tập dân xiêu dạt đến các nơi như Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cày, Hương úc, Cà Mâu [thuộc tỉnh Hà Tiên] lập thành 7 xã thôn. Đất ấy tương truyền có người tiên thường hay hiện ra ở trên sông, nhân thế đặt tên là Hà Tiên. Bấy giờ Mạc Cửu ủy cho người bộ thuộc là Trương Cầu và Lý Xã dâng thư xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa nhận cho, trao cho chức Tổng binh. Cửu xây dựng dinh ngũ, đóng ở Phương Thành, nhân dân ngày càng đến đông.

Tháng 5 năm Kỷ Sửu, Vĩnh Thịnh thứ 5 [8/6-6/7/1709], tức năm Khang Hy thứ 48, Trịnh Căn mất, chắt 4 đời là Trịnh Cương lên nối ngôi. Căn giữ ngôi Chúa 28 năm, khi mất truy xưng là Khang Vương. Tháng 9 [3/10-1/11/1709], Tiết chế Cương được gia phong làm Nguyên soái tổng quốc chính, An đô vương. Nhân dịp này, Trịnh Cương tha cho dân một nửa thuế tô năm ấy và các thuế còn thiếu lại đã lâu, lại thăng chức cho các quan văn võ, người chức cao, kẻ chức thấp khác nhau.

Tại miền Nam, vào tháng Giêng [10/2-10/3/1709], Nội hữu phò mã Tống Phước Thiệu mưu phản, bị cách làm dân thường. Trước đó Thiệu cùng Cai đội Nguyễn Cửu Khâm âm mưu làm phản. Thiệu ngầm sai thuộc hạ là bọn Trịnh Nghệ, Tường Vân vào Quảng Nam, ngầm cấu kết với những tay hào kiệt, mưu đồ trước lấy Bình Khang [Khánh Hòa, Ninh Hòa], sau lấy Phú Yên, rồi trở về lấy Quảng Nam, thẳng tới Chính dinh, phóng lửa nổi loạn. Tôn Thất Thận cũng dự mưu ấy, đến khi mưu tiết lộ thì đem việc cáo giác ra. Cửu Khâm, Trịnh Nghệ, Tường Vân đều bị giết. Thiệu bị bãi làm thứ dân và bị tù ở vườn Bát Khải, Thận bị cách làm lính.

Tháng 7 [6/8-3/9/1709], Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử đến cống phương vật.

Ngày Nhâm dần tháng 12 [5/1/1710], đúc ấn Quốc bảo, trên khắc 9 chữ “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”. Năm ấy đúc xong, về sau truyền đời làm quốc bảo. Đến đời Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long, binh lửa hơn 20 năm, ấn ấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần.

Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ Hoàng thái tử, tức Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mệnh rằng:

Ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu[1] lại trở về để truyền cho con cháu. Vả lại nhà nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, Phước chứa vốn đã lâu rồi. Kinh Thi có câu “Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới,[2] sự mở mang cơ nghiệp vốn bắt đầu tự Văn vương Vũ vương, mà công gây dựng buổi đầu thực là tự Cổ công và Vương Quý. Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống chi cái ấn quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư ? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi”.

Tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 1 [14/3-12/4/1820], vào ngày tốt, Thánh tổ Nhân hoàng đế tự tay phong kín cất đi. Đến ngày 22 tháng Chạp năm thứ 18 [17/1/1838] lại mở xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền mãi về sau.

Ngày 14 tháng 2 năm Canh Dần, Vĩnh Thịnh thứ 6 [13/3/1710], tức năm Khang Hy thứ 49, sứ bộ nước ta đến nhà Thanh triều cống, với danh hiệu Nguyễn Duy Chính tức Vua trước Lê Hy Tông, được ban yến và thưởng:

Ngày 14 tháng 2 năm Khang Hy thứ 49 [13/3/1710]

Quốc vương An Nam Lê Duy Chính sai bọn Bồi thần Trần Ðình Gián tiến cống. Ban yến và thưởng theo lệ.” (Thanh Thực LụcThánh Tổ Thực Lục quyển 241, trang 9)

Tại miền Nam, vào tháng 4 [29/4-27/5/1710] cho đúc chuông chùa Thiên Mụ nặng 3.285 cân. Chúa Nguyễn Phúc Chu đích thân làm bài minh khắc vào chuông.

Tháng Giêng năm Tân Mão, Vĩnh Thịnh thứ 7 [17/2-18/3/1711], tức năm Khang Hy thứ 50, bắt đầu sai quan trong kinh đi đôn đốc việc đắp đê. Trước đây, việc đốc thúc dân đắp đê, giao quyền cho các quan ở trấn, phần nhiều chỉ làm cẩu thả cho xong việc, nên mỗi năm đến mùa nước lũ, đê lại vỡ, dân vùng ven sông luôn luôn bị tai hại. Đến nay mới hạ lệnh cho quan trong kinh là bọn Lê Dị Tài và Trần Công Trụ chia nhau đi đôn đốc. Công việc sửa đắp đê bận rộn hơn, nhưng cũng không sao ngăn ngừa được nạn nước lụt.

Tại miền nam, cũng vào tháng Giêng [17/2-18/3/1711], 2 Tù trưởng dân tộc thiểu số là Đôn vương và Nga vương, thuộc Nam Bàn và Trà Lai[3] [Gia Lai], giáp giới Phú Yên và Bình Định, sai sứ đến dâng sản vật địa phương và trình bày rằng dân họ không chịu đóng thuế, nên không lấy gì để cống, xin phát quân ra oai. Chúa cho rằng viên quan là Kiêm Đức đã từng đi chiêu dụ hai dân tộc này, quen hiểu thói tục, nên cho đem thư đến hiểu dụ, cho áo sa, áo đoạn và đồ đồng, đồ sứ, lại lấy nghĩa kẻ trên người dưới khuyên bảo dân, định ra thuế lệ, khiến phải nộp cho Tù trưởng. Người dân ai cũng theo mệnh.

Tháng 4 [17/5-15/6/1711], Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn. Chúa hậu thưởng. Sai đo bãi cát Trường Sa dài ngắn rộng hẹp bao nhiêu.

Trước đó Chúa sai Tướng thần lại ty Thuận Đức sang Chân Lạp chiêu tập những dân xiêu tán, đến bấy giờ họ đã dần dần trở về. Vào tháng 8 [13/9-11/10/1711] Phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Vân thường bắt họ làm việc riêng, nhiều người sinh oán. Chúa trách rằng:

Khanh là con nhà tướng, chế ngự một phương, sao không nghĩ lấy sự vỗ về làm trọng, mà chỉ mưu lợi cho mình? Những dân xiêu tán mới về kia, thất sở đã lâu, nay lại sai bắt quấy nhiễu thì họ chịu sao nổi ? Xưa Tiêu Hà [bề tôi vua Hán Cao tổ] giữ đất Quan Trung [Trung Quốc], Khấu Tuân [bề tôi vua Hán Quang Vũ] giữ đất Hà Nội [Trung Quốc] đều hay vỗ yên trăm họ, giúp nên đế nghiệp, khanh nên coi đó mà gắng lên”.

Lại ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn rằng phàm dân lưu tán mới trở về thì chia ruộng đất để thiết lập thôn phường, tha các thứ binh dịch tô thuế trong 3 năm, do đó dân đều yên nghiệp làm ăn.

Tháng 10 [10/11-9/12/1711], Nặc Thâm nước Chân Lạp từ nước Xiêm về, cùng với Ốc Nha Cao La Hâm mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người Ai Lao là Nặc Xuy Bồn Bột chạy đến báo cho hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn xin quân cứu viện. Phó tướng Nguyễn Cửu Vân và Tổng binh Trần Thượng Xuyên đem việc báo lên. Chúa viết thư trả lời rằng:

Nặc Yêm đã theo mệnh xưng thần, nên phải an ủi dung nạp. Nhưng Nặc Thâm là con Nặc Thu, mà Nặc Thu cũng không bỏ triều cống, sao nỡ đem quân đánh được. Bọn khanh nên xét kỹ tình hình bên địch, tùy cơ ứng biến, khiến cho Nặc Thâm bỏ mối thù oán, mà Nặc Yêm cũng được bảo toàn. Đó là thượng sách”.

Tháng 12 [8/1-6/2/1712], chúa muốn dời phủ sang bãi phù sa xã Bác Vọng [huyện Quảng Điền, Thừa Thiên]. Sai Ký lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ dâng lên, đến tháng Giêng năm sau [7/2-6/3/1712] khởi công xây dựng.

Tháng 3 năm Nhâm Thìn, Vĩnh Thịnh thứ 8 [6/4-4/5/1712], tức năm Khang Hy thứ 51, lại hạ lệnh cấm đạo Thiên Chúa. Triều đình đã nhiều lần ra điều lệnh cấm đạo Thiên Chúa, nhưng quan và dân sở tại bao che, nên đạo lan truyền mỗi ngày sâu rộng. Vì thế, triều đình lại định điều lệ ngăn cấm, phát 100 quan tiền thưởng cho người tố cáo, người theo đạo sẽ phải cắt tóc trên đỉnh đầu, thích vào mặt bốn chữ “học Hoa Lang[4] đạo“.

Từ tháng 6 [7/7-1/8/1712] đến cuối năm, trời không mưa, dân bị đói to. Hạ lệnh thả các tù tội nhẹ hiện đương bị giam, hoãn thu các thứ thuế thiếu đã lâu, giảm một nữa thuế tuần ty và bến đò, đình hoãn việc bắt phu làm việc, tế lễ tế các nơi thờ tự mà ít lâu nay bỏ không tế.

Tại miền Nam, vào tháng 8 [1/9-29/9/1712] Chúa thấy nước Chân Lạp sản nhiều sơn tốt, sai người đem sang 100 lạng vàng theo giá mà mua để dùng về việc nước, và gửi thư cho phiên vương là Nặc Thu.

Tháng 9 [30/9-29/10/1712], phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử xin định điển lệ cho vùng đất Chiêm Thành. Chúa sai quan văn định 5 điều ban cho:

1) Viên nào có sự trạng gì đến cáo ở Vương phủ, thì tiền đòi xét mỗi viên tả hữu trà phải nộp 20 quan, mỗi viên tả hữu phan dung phải nộp 10 quan. Đến cáo ở dinh Bình Khang [Khánh Hòa] thì mỗi viên tả hữu trà nộp 10 quan, mỗi viên tả hữu phan dung nộp 2 quan.

2) Phàm người kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do Phiên vương và Cai bạ ký lục xử đoán, dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xử đoán.

3) Hai trạm Kiền Kiền và Ô Cam sai quân canh giữ nghiêm mật để phòng kẻ gian, người sai đi không được bắt ép dân trạm đài đệ.

4) Khách buôn đến các sách Man [Chiêm Thành] để mua bán thì phải trình với người cai phái tấn sở của nguồn để cấp giấy thông hành.

5) Dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn [Gia Định], đều đã thả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên.

Đốt Vương tại nước Tà Bồn sai sứ đến cống, Chúa sai Nội lệnh sử đưa thư phúc đáp và cho phẩm vật để phủ dụ.

Tháng Giêng năm Quí Tỵ, Vĩnh Thịnh thứ 9 [26/1-24/2/1713], tức năm Khang Hy thứ 52, bấy giờ đã lâu không mưa, giá thóc gạo cao vọt, dân gian có người phải ăn vỏ cây, rễ, cỏ, chết đói đầy đường, làng xóm các nơi tiêu điều hiu quạnh. Vì thế, triều đình bàn định thi hành chẩn cấp: hạ lệnh cho quan hoặc dân nộp thóc, sẽ lượng theo số thóc mà trao cho chức tước, hoặc phẩm hàm, rồi đem số thóc ấy phân phối phát chẩn cho dân nghèo. Lại trích tiền tại nội phủ phát chẩn cho dân kinh kỳ, trích một vạn quan tiền ở kho An Trường [huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa] cấp cho dân Thanh Hóa, cân nhắc để xá tô thuế cho dân ở các trấn, nơi nhiều nơi ít khác nhau.

Tháng 7 [21/8-19/9/1713], nước lụt, vỡ đê. Lúc ấy mưa dầm không ngớt, nước các sông tràn ngập, vỡ đê các trấn Sơn Tây, Sơn Nam và Thanh Hoa, mấy vạn nhà bị nước cuốn đi mất, nhân dân bị đói. Triều đình hạ lệnh cho các xã dân đều chiếu theo mẫu ruộng và suất đinh trong hộ nộp tiền, để thuê người sửa đắp.

Theo Tập Kỷ của Cao Lãng, thì năm ấy triều đình hạ lệnh cho dân các xã, tùy theo số mẫu ruộng công và tư quản lãnh, nộp tiền để thuê người sửa đắp. Cùng tính các dân nội vi tử và tạo lệ, tự sự, ân lộc, ngụ lộc, chế lộc,[5] cộng 206.311 suất, liệu lượng thu mỗi suất một quan tiền, cấp phát cho dân phu, để làm việc đắp đê.

Lại đặt chức Trấn thủ ở Tuyên Quang. Thời Vua Lê Thánh Tông chia đặt hai xứ Thừa tuyên Tuyên Quang và Hưng Hóa. Lúc bắt đầu Trung Hưng, Vũ Văn Mật được chuyên giữ quyền thống trị Tuyên Quang, cha truyền con nối đến đời Vũ Công Đắc. Sau con Công Đắc là Vũ Công Tuấn làm phản, triều đình dẹp yên được, mới sai quan đến giữ địa phương này, cho thuộc quyền thống trị của Trấn thủ Hưng Hóa. Đến nay mới đặt riêng từng trấn, bổ dụng Hoạn quan Trần Công Tôn Trấn thủ Hưng Hóa, Phạm Gia Vương Trấn thủ Tuyên Quang, Hưng Hóa và Tuyên Quang, lại chia ra hai trấn bắt đầu từ đấy.

Tại miền Nam vào tháng Giêng [26/1-24/2/1713], Nặc Thu nước Chân Lạp mưu phản, thám tử biết được tình trạng báo lên. Chúa sai đưa thư dụ, đại lược nói rằng:

Trời đất đạo công che chở, muôn vật đều được sống vui. Đế vương lượng cả bao dung, bốn bên giữ nghĩa thân mục. Duy nước Chân Lạp nhà ngươi thực là một nước phên dậu, từ triều trước đã vâng mệnh lớn, từng phen phụng cống trước sân rồng, tới nay ta nối giữ cơ đồ, lại tới xưng thần nơi cửa ngọc. Như thế là sợ uy trời mà giữ nước, chỉ người trí giả mới hay. Ta vốn quý lòng thành mà khen việc tốt, ban cho phẩm vật, để tỏ ơn thêm. Ngươi nên thể lòng ta, đừng quên thần phục, khiến biên cảnh nhờ đó mà tắt mối can qua, cho sinh dân nhờ đó mà yên vui đồng ruộng, trong ngoài được vô sự đời đời”.

Tháng 8 [20/9-18/10/1713], mở khoa thi. Bấy giờ học trò thi Chính đồ, kỳ đệ nhị có 130 người, khảo quan đánh hỏng cả, duy thi Hoa văn và Thám phỏng thì lấy trúng cách được hơn 10 người. Chúa cho rằng khảo quan quá khắc, đặc biệt ra lệnh thi lại. Chúa ra đề mục. Lấy trúng cách 1 người Sinh đồ, bổ làm Huấn đạo, 7 người Nhiêu học, bổ Lễ sinh, còn những người trúng Hoa văn và Thám phỏng thì bổ vào các ty Tướng thần lại, Lệnh sử và Xá sai.

Tháng Giêng năm Giáp Ngọ, Vĩnh Thịnh thứ 10 [14/2-15/3/1714], tức năm Khang Hy thứ 53, Lưu thủ Yên Quảng [Quảng Ninh] Văn Đinh Nhậm, đánh giặc biển, dẹp yên được. Bọn giặc biển ở Yên Quảng nhiều lần cướp bóc dân ở biên giới một cách bạo ngược. Lưu thủ Văn Đình Nhậm người xã Lạc Phố, huyện Hương Sơn [xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh] và Đốc đồng Đinh Phụ Ích đem quân lùng bắt, chiêu dụ được đảng này 300 người ra hàng, bắt sống và giết chết hơn 70 người, hết thảy giặc này đều dẹp yên được.

Tại miền Nam vào tháng 2 [16/3-13/4/1714], bộ tộc thiểu số Cam Lộ [Quảng Trị] quấy rối biên thùy. Chúa sai Nội hữu Nguyễn Cửu Thế đem quân Cựu dinh đi đánh, bắt được Tù trưởng là Trà Xuy và đồ đảng đem về.

Tháng 6 [12/7-9/8/1714], trùng tu chùa Thiên Mụ, sai bọn Chưởng cơ Tống Đức Đại trông nom công việc. Quy mô bắt đầu từ cổng chùa đến điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, hai bên thì lầu chuông, lầu trống, điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà Tri Vị, nhà Thiền Đường, điện Đại Bi, điện Dược Sư và phòng tăng nhà thiền có tới vài mươi sở. Đằng sau các nơi phương trượng trong vườn Côn Gia cũng không kém vài mươi sở, đều là rực rỡ chói lọi, làm tới một năm mới xong. Chúa thân chế bài văn bia để ghi, sai người sang nước Thanh mua kinh Đại Tạng cùng Luật và Luận hơn nghìn bộ để ở tự viện. Đằng trước chùa kề sông, dựng đài câu, Chúa thường ra chơi. Bấy giờ nhà sư Trung Quốc tên là Thích Đại Sán, tự là Thạch Liêm, chuyên tu thiền mà được Chúa yêu dùng, sau về Quảng Đông, dùng những gỗ quý Chúa ban cho mà dựng chùa Trường Thọ.

Tháng 7 [10/8-8/9/1714], mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Chúa ăn chay một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu. Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử cũng đem con và tướng tá tới hội, Chúa ban yến rất hậu, phong cho ba người con là Phù Xác, Phác Xác và Tỳ Thôn Phù tước Hầu.

Tháng 10 [7/11-6/12/1714], Nặc Thâm nước Chân Lạp cùng bầy tôi là Cao La Hâm dấy binh vây Nặc Yêm rất gấp. Nặc Yêm cầu Xuy Bồn Bột ứng tiếp. Xuy Bồn Bột chọn trong quân của mình 2.000 người kéo về theo đường bộ. Bấy giờ số quân của Nặc Thâm có 4 vạn, mà số quân của Nặc Yêm và Xuy Bồn Bột không đầy 1 vạn, Nặc Yêm lo quân ít, phải cầu viện với hai dinh Phiên Trấn, Trấn Biên. Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên phát binh qua Sài Gòn, phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú phát binh đóng ở Lôi Lạp [cửa Xoài Rạp, sông Đồng Nai, Gia Định], thủy quân thì đóng ở Mỹ Tho, để làm thanh viện ở xa. Sai người đem việc báo lên. Chúa trả lời rằng:

Việc ở ngoài biên khổn, ủy cả cho hai khanh, phải xét nên đánh hay nên giữ, sao cho yên nơi phiên phục”.

Rồi sai Cai cơ Tả bộ dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân thủy bộ của dinh Bình Khang để ứng tiếp, lấy quân 4 thuyền cơ Tả thủy dinh Quảng Nam để tiếp giữ dinh Bình Khang.

Bấy giờ Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử xin lập nhà công đường. Chúa sai vẽ đồ hình công đường, phía trái quan văn, phía phải quan võ, định thứ tự chỗ ngồi các cấp khi làm việc công và khi xử kiện.

Tháng 11[7/12/1714-5/12/1715], tướng sĩ hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn cùng với Xuy Bồn Bột và Nặc Yêm hợp quân vây Nặc Thâm ở thành La Bích [Longvek, Campuchia]. Cao La Hâm đã trốn đi trước. Nặc Thu đưa thư xin chịu tội, nói vì Nặc Thâm tin dùng nịnh thần Cao La Hâm mà thành anh em không hòa, gây nên mối loạn. Nay xin lập Vua mới lên giữ nước, để khỏi giết hại nhân dân. Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú đem việc báo lên. Chúa cả mừng, bảo hai tướng rằng:

Việc ngoài biên khổn là ở tướng quân định đoạt, nên làm sao cho ra trận thì quyết thắng, chế phục được người xa, còn việc xin lập vua mới thì đợi sau sẽ bàn”.

Tháng Giêng năm Ất Vị, Vĩnh Thịnh thứ 11 (4/2-5/3/1715), tức năm Khang Hy thứ 54, triều đình cử 2 sứ bộ sang nhà Thanh dâng lễ cống, gồm Chánh sứ Hộ bộ tả thị lang Nguyễn Công Cơ và Thái bốc tự khanh Lê Anh Tuấn, Phó sứ Thượng bảo tự khanh Đinh Nho Hoàn và Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Mậu Áng. Đến năm sau, bọn Công Cơ trở về nước, mang chỉ dụ của vua nhà Thanh nội dung: Sau này phẩm vật tuế cống, lư hương và bình hoa bằng vàng, chậu bằng bạc, được theo số lượng đã định mà thay thế làm thành vàng đĩnh, bạc đĩnh, rồi giao quan chức tỉnh Quảng Tây thu nhận lưu trữ, còn ngà voi và tê giác đều được miễn, người tùy hành cũng liệu lượng giảm bớt.

Thanh Thực Lục xác nhận vào tháng Giêng năm sau, sứ bộ đến Bắc Kinh, được Vua Khang Hy xét miễn tiến cống tê giác, ngà voi:

Ngày 21 Nhâm Tý tháng Giêng năm Khang Hy thứ 55 [13/2/1716]

Quốc vương An Nam Lê Duy Chính sai bọn Bồi thần Nguyễn Công Cơ đến cống sản vật địa phương. Ban yến và thưởng theo lệ.” (Thanh Thực LụcThánh Tổ Thực Lục quyển 267, trang3 )

Ngày 15 Bính Tý tháng 2 năm Khang Hy thứ 55 (8/3/1716]

Bộ lễ đề xuất:

‘An Nam tiến cống lễ vật, xin giao cho phủ nội vụ xem và thu.’

Thiên tử dụ bọn Ðại học sĩ rằng:

‘Nước An Nam theo niên lệ đến tiến cống các vật như tê giác, ngà voi. Vật nặng nề, mà đường sá xa xôi, việc vận tống không khỏi lao khổ, trái với ý nghĩa của chính sách nhu viễn. Từ nay trở về sau miễn tiến cống tê giác, ngà voi.” (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục, quyển 267, trang 9-10)

Trong các sứ bộ sang nhà Thanh có Phó sứ Tiến sĩ Đinh Nho Hoàn người tổng An Ấp, Hương sơn [xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh] chẳng may bị chết dọc đường. Khi đem quan tài về quê chôn, bà vợ bé là Phan Thị thương cảm, thắt cổ để chết theo, triều đình bèn ban phong tiết nghĩa.

Tại miền Nam, vào tháng Giêng [4/2-5/3/1715], Nặc Thâm nước Chân Lạp ở thành La Bích cùng quẫn, bèn phóng lửa đốt nhà cửa trong thành, rồi ra cửa Nam trốn đi, Nặc Thu nghe tin cũng trốn.

Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú bèn điều quân vào thành, thu hết các đồ khí giới, dò xét biết Nặc Thu sợ không dám ra, xin nhường ngôi cho Nặc Yêm. Hai tướng đem sự trạng báo lên. Chúa ra lệnh phong Nặc Yêm làm Vua nước Chân Lạp, và gửi thư dụ Nặc Thu nên nhường Ngôi cho Nặc Yêm.

Tháng 2 [6/3-3/4/1715], Nặc Thâm dẫn quân Xiêm đến cướp Hà Tiên. Bấy giờ Hà Tiên không có phòng bị, quân Xiêm thình lình tới, Tổng binh là Mạc Cửu chống không được, chạy giữ đất Luống Cày, bọn chúng cướp hết của cải đem đi. Mạc Cửu trở về Hà Tiên, đắp thành đất, đặt tiền đồn, để làm kế phòng thủ.

Tháng 4 [3/5-1/6/1715], Vua Xiêm La sai người đưa thư trách Nặc Yêm nước Chân Lạp gây hấn, lại muốn phát binh để giúp Nặc Thâm. Nặc Yêm cáo cấp với hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú đem việc báo lên. Chúa cho rằng việc binh ở xa khó tính, hạ lệnh cho hai tướng tùy nghi xử trí. Lại lo Nặc Yêm binh lực chẳng đủ, bèn cho tất cả khí giới bắt được và trả lại những người bị bắt. Nặc Yêm cảm tạ, hiến 6 thớt voi, Chúa sai nhận lấy.

Bấy giờ Ai Lao đến cống phẩm vật địa phương. Tù trưởng dân tộc thiểu số là Chiểu Đồn Không bị người nước Tạo Vĩ bức bách, nên sai sứ sang cống để cầu giúp quân. Chúa sai sứ mang thư sang an ủi vỗ về và xem binh thế mạnh yếu cùng địa thế hiểm dễ như thế nào .

Sai dinh Trấn Biên [Biên Hòa] dựng Văn miếu, giao cho Trấn thủ Nguyễn Phan Long, Ký lục Phạm Khánh Đức trông coi công việc. Miếu ở địa phận hai thôn Bình Thành và Tân Lại huyện Phước Chính [Biên Hòa], đằng trước kề sông Phước Giang, đằng sau dựa núi Long Sơn.

Tháng 11 [26/11-25/12/1715], triệu phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú về, lấy phó tướng Nguyễn Cửu Triêm làm Lưu thủ dinh Trấn Biên. Triêm đến nơi, xin lấy những ruộng hạng hai hạng ba ở xứ Cù Lao do cha là Nguyễn Cửu Vân đã khai khẩn, làm quan điền ăn riêng. Chúa tự tay phê cho, nhân gọi ruộng ấy là ruộng “châu phê”, nay là đất thuộc ba thôn Bình Khuê, Bình Trung và Phú Thịnh thuộc tổng Bình Cách.

Tháng 4 năm Bính Thân, Vĩnh Thịnh thứ 12 [21/5-19/6/1716], tức năm Khang Hy thứ 55, Thái thượng hoàng mất, tôn thụy hiệu là Chương hoàng đế, miếu hiệu Hy Tông. Thượng hoàng ở ngôi vua 30 năm, sau khi truyền ngôi, ở điện Kiền Thọ 12 năm, hưởng thọ 54 tuổi. Khi mất làm lễ táng ở Phú Lăng, thuộc xã Phú Lâm, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.

Tháng 6 [19/7-16/8/1716] bắt đầu định phép chia đều thuế khóa và tạp dịch. Từ lúc thi hành phép Bình lệ vào năm Kỷ Dậu [1669], thuế khóa và tạp dịch cứ chiếu nhân khẩu phải chịu, đem việc gánh vác đổ dồn về một bên. Nên nay bàn định dùng khoa điều để phân phối giữa nhân khẩu và chủ điền cùng chịu. Phàm có công việc đóng góp, thì nhân đinh và chủ điền mỗi bên đều phải chịu một phần.

Tại miền Nam vào tháng 8[16/9-14/10/1716], bấy giờ trong nước cường thịnh, Chúa muốn cử đại quân Bắc phạt. Thấy tướng Trịnh là Lê Thời Liêu trấn Nghệ An, phòng giữ nghiêm mật, bèn mật sai người khách buôn Phúc Kiến tên là Bình và Quý sang Quảng Tây, theo ải Lạng Sơn mà vào, để dò xem tình hình hư thực ở Bắc Hà. Bình và Quý đến Đông Đô, hỏi biết tình trạng quân quốc binh dân, ở 2 tháng, lại theo đường cũ mà về Quảng Đông.

Đến tháng 2 năm sau [13/3-11/4/1717], bọn Bình và Quý từ miền Bắc về, đều nói Bắc Hà chưa có thể thừa cơ được, việc Bắc phạt bèn thôi.

————————

[1] Triệu bích: Lạn Tương Như nước Triệu đem ngọc bích sang Tần để đổi lấy 5 thành, Tần không đổi thành, Tương Như đem ngọc bích về.

[2] Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới, điển từ Kinh ThiChu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân.

[3] Trà Lai: Sau gọi là Gia Lai, giáp giới Phú Yên và Bình Định, hình như thuộc về Hỏa quốc.

[4] Hoa Lang: Tức Hòa Lan châu Âu, tập tục đọc sai thành Hoa Lang.

[5] Nội vi tử và tạo lệ, tự sự, ân lộc, ngụ lộc, chế lộc:

-Nội vi tử: Tức dân nội tịch chính cung.

-Tạo lệ: Người hầu hạ thân vương và các quan được phong tước công, hầu, bá, tử, nam.

-Tự sự: Quan văn, quan võ được triều đình chiếu theo chức phẩm, chuẩn cấp cho dân xã cung phụng việc tế tự lúc mất gọi là tự sự.

-Ân lộc: Các viên quan đã trí sĩ về nhà được hưởng lộc của dân để nuôi dưỡng.

-Ngụ lộc: Ngự sử đài và hai ty Thừa chính, Hiến sát được cấp cho thủ lê dân, để làm ngụ lộc.

-Chế lộc: Quan võ được cấp dân gọi là chế lộc.

No comments:

Post a Comment