Monday, December 30, 2024

Toà án Việt Nam không có thẩm quyền xét xử luật sư Trần Đình Triển
Bình luận của luật sư Đặng Đình Mạnh
2024.12.29
RFA

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, tháng 1 năm 2018.
REUTERS



Trong giới luật sư Việt Nam, ca ngợi lãnh tụ Cộng Sản hoặc Đảng Cộng Sản trên mạng xã hội, chắc chắn không có ai qua mặt được Luật sư Trần Đình Triển.

Cho nên, công chúng đã khá bất ngờ trước thông tin ông ấy bị bắt giữ và khởi tố hình sự vào thượng tuần tháng 06/2024.

Nhưng thật ra, nếu theo dõi ông ấy đủ lâu trên mạng xã hội, thì việc bắt giữ ông ấy sẽ không phải là thông tin quá đáng bất ngờ. Vì lẽ, bên cạnh việc ca ngợi lãnh tụ hoặc Đảng Cộng Sản, thì ông ấy cũng đã kịp tạo cho mình khá nhiều kẻ thù nặng ký. Cựu Trung tướng Công an kiêm Tổng Biên Tập báo Công An Nhân dân - ông Hữu Ước, hoặc cựu Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, nay là đương kim Phó Thủ Tướng Chính Phủ - ông Nguyễn Hòa Bình, là hai trong số đó.

Ông Trần Đình Triển, cựu luật sư kiêm cựu sĩ quan an ninh đã mất trọn nghề nghiệp cùng danh tiếng của mình vì một trong hai kẻ thù nặng ký đó, khi đăng tải ba bài viết trên trang Facebook cá nhân chỉ trích đích danh Nguyễn Hòa Bình, khi đó là Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, người khá quen mặt với công chúng qua vụ án oan Hồ Duy Hải nổi tiếng trong nền tư pháp Việt Nam.

Đến nay, sau sáu tháng bị tạm giam, cơ quan công tố đã ban hành cáo trạng truy tố ông Trần Đình Triển. Theo quy định, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển từ cơ quan công tố đến tòa án để chờ xếp lịch xét xử.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án (tác giả bài viết đã được tham khảo), trong đó bao gồm bản Kết luận Điều tra Vụ án Hình sự đã cho thấy một điều khá khôi hài khi tính đến hệ quả vụ án, rằng sẽ không có tòa án nào tại Việt Nam có thẩm quyền xét xử vụ án ông Trần Đình Triển cả.

Thật vậy, hồ sơ vụ án đã thể hiện: Vụ án bắt đầu khởi động bằng Văn bản số 122/TANDTC-VP của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, lập ngày 10/05/2024. Trong văn bản đã đề nghị Bộ Công An tiến hành điều tra trang Facebook “Trần Đình Triển” có nội dung gây ảnh hưởng uy tín Tòa Án Nhân Dân Tối Cao và cá nhân Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình.

Rất nhanh, chỉ hai ngày sau, ngày 15/05/2024, Thủ Trưởng Cơ Quan An Ninh Điều Tra Bộ Công An đã ra quyết định phân công điều tra vụ án.

Qua đó, tham chiếu theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sư hiện hành, bằng Văn bản số 122, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã mặc nhiên chiếm vai trò tố tụng là “Người tố giác tội phạm”. Mà đã là người tố giác tội phạm với thiên kiến có sẵn rằng ông Trần Đình Triển có tội, thì làm sao tòa án còn giữ được “nguyên tắc vô tư”, khách quan cần thiết để tham gia vụ án với tư cách như là người xét xử được nữa? [1]

Đây là trường hợp mà theo thuật ngữ pháp lý gọi tên “Xung đột lợi ích”.

Cho dù trong thực tế, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao sẽ không tham gia xét xử vụ án. Thế nhưng, điều đó cũng không giải quyết được gì cả. Vì tất cả mọi tòa án hiện có trong hệ thống pháp đình Việt Nam đều dưới quyền và thuộc quyền của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Cho nên, các tòa cấp dưới vẫn phải chịu chung hậu quả pháp lý về trường hợp “Xung đột lợi ích”.

Bên cạnh đó, thẩm phán của các tòa án cấp dưới khi được phân công xét xử vụ án, cũng không thể tránh được áp lực khi tòa án cấp trên đã có quan điểm “có tội” đối với ông Trần Đình Triển. Áp lực này khiến cho phán quyết của họ không còn bảo đảm “Nguyên tắc độc lập xét xử” được nữa [2].

Còn nhớ, chính ngành truyền thông trong nước đã từng dẫn lời thuật của một quan chức ngành tòa án đi khảo sát nền tư pháp nước ngoài, rằng: Một chánh án đã hỏi thẩm phán khi nào đưa vụ án ra xét xử? Ngay khi ấy, vị thẩm phán đã lập tức khiếu nại vì cho rằng câu hỏi ấy của chánh án đã gây áp lực, ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của thẩm phán.

Lẽ ra, ông Nguyễn Hòa Bình có thể làm đơn tố giác tội phạm với tư cách cá nhân. Mặt khác, hiện nay ông ấy không còn lãnh đạo của ngành tòa án nữa. Ít nhất, điều ấy sẽ loại trừ được khả năng “Xung đột lợi ích”, vì ông ấy không còn tư cách có thể can thiệp hoặc gây ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư và nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán.

Tuy đánh giá về phương diện pháp lý là như vậy. Thế nhưng, sự xung đột lợi ích lại chẳng mấy ý nghĩa đối với nền tư pháp mông muội của chế độ Cộng Sản trong nước. Thậm chí, bị hại trong vụ án là ông cựu Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã từng nắm giữ tiền lệ “Xung đột lợi ích” hết sức nghiêm trọng trong vụ án “Hồ Duy Hải”, như là sự ô nhục của nền tư pháp.

Trong đó, ông Nguyễn Hòa Bình cũng từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (2011 – 2016). Khi đó, chính ông ký văn bản khẳng định không kháng nghị bản án, dẫn đến việc Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, khi chuyển làm Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, ông lại ngồi ghế Chánh Án cùng với Hội Đồng Thẩm Phán xét xử, khẳng định lại lời tuyên án Hồ Duy Hải có tội.

Thế nên, có thể thấy, trong vụ án cáo buộc hình sự đối với Luật sư Trần Đình Triển, không chỉ ông ấy bị oan vì bị bắt giữ, mà còn bị khởi tố về một tội danh bất công (điều 331 Bộ Luật Hình Sự). Vì lẽ thế giới văn minh không xem các hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” là tội phạm. Mặt khác, ông ấy sẽ còn là nạn nhân của việc xét xử bởi tòa án không có thẩm quyền, vì xung đột lợi ích.

___________

Tham khảo

[1] Tham chiều Bộ luật Tố Tụng Hình Sự (điều 21);

[2] Tham chiếu Hiến pháp 2013 (khoản 2 điều 103 ) và Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (điều 23)

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.

Tin, bài liên quan
Blog

No comments:

Post a Comment