Đặng Sơn Duân - Chút suy nghĩ về thời cuộcmardi 31 décembre 2024
Thuymy
Năm nay những cuộc trò chuyện lại càng sôi nổi hơn với những biến động hiếm thấy cả trong và ngoài nước, có ảnh hưởng tiềm tàng đến vận mệnh đất nước và xu thế toàn cầu.
Cảm nhận đầu tiên là một bầu không khí khá hồ hởi và phấn chấn. Sự chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất, dù ban đầu gặp nhiều hoài nghi, đã nhanh chóng nhận được nhiều thiện cảm. Chưa đầy nửa năm, người ta đã chứng kiến những bước đi táo bạo và những sách lược đổi mới được triển khai đồng bộ và gấp rút, khiến ngay cả những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận họ thực sự bất ngờ.
Không còn những khẩu hiệu suông hay những hội nghị rề rà, mà là những mệnh lệnh quyết đoán hướng đến hiệu quả. Điều này khiến không ít người, trong đó có cả tôi, thắc mắc liệu có phải đã có một chiến lược hoạch định rõ ràng từ trước và lúc này người ta chỉ đang triển khai thực thi, chứ không phải là một kiểu ứng phó, ghi dấu ấn hoặc nước đến chân mới nhảy?
Có thể nhìn thấy sự chuyển mình đồng bộ rõ nhất qua hai sự kiện tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đó là sự hình thành của Luật công nghiệp công nghệ số và Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Những phân tích chuyên sâu xin nhường cho các nhà chuyên môn. Nhưng cảm nhận cá nhân sau khi đọc qua những văn bản này là chúng thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, trong việc dịch chuyển một nền kinh tế từ phụ thuộc vào “bán hàng Trung Quốc” và bất động sản, sang đầu tư phát triển khoa học, công nghệ như là một đột phá chiến lược. Với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.
Tất nhiên, để thực hiện thành công các mục tiêu này đòi hỏi nhiều yếu tố, bao gồm các giải pháp cụ thể, nguồn lực đủ mạnh, sự thay đổi tư duy của cả bộ máy và thích ứng với bối cảnh quốc tế đầy biến động. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là những tín hiệu rất lạc quan.
Một quan điểm mà không phải ai cũng đồng tình, nhưng là kết luận của cá nhân tôi và có lẽ cũng của một số người khác. Đó là sự thay đổi thực sự cần bắt nguồn từ bên trong, từ nhận thức và hành động của chính những người trong hệ thống, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tương tác, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng. Khi vận mệnh của đất nước được đặt lên hàng đầu, khi nhận ra rằng nếu không thay đổi, chúng ta sẽ ngày càng tụt hậu trong một thế giới mà các học thuyết cũ kỹ hay ranh giới địch - ta không còn là yếu tố quyết định, mà lợi ích quốc gia dân tộc mới là trên hết.
Liệu có phải chúng ta đang ở thời khắc chuyển mình quan trọng đó, với ý chí và quyết tâm chính trị rất cao? Nếu vậy đó quả là điều đáng mừng! Và cũng từ đó là câu hỏi về tâm thế cá nhân của mỗi người? Thay vì thái độ bàng quan và bi quan, cho rằng các nỗ lực là vô vọng, liệu chúng ta có nên hòa mình vào dòng chảy tích cực này, đóng góp ý kiến một cách xây dựng và tham gia vào sự vận động này một cách có trách nhiệm.
Khía cạnh lạc quan là như thế, nhưng không phải không có những nỗi âu lo, khi không gian cho những tiếng nói khác biệt có vẻ như ngày càng bị thu hẹp. Ngày trước, nhiều người có thể tự tin rằng “tôi chỉ phê phán xây dựng, tôi độc lập, không chống đối, không nằm trong một hội nhóm hay tổ chức hay phụ thuộc vào một phe phái nào cả thì tôi không có gì phải sợ”.
Đó là một niềm tin vào tự do ngôn luận, vào sự tôn trọng những ý kiến khác biệt, đa chiều và vào tâm thế cởi mở của những người nắm quyền. Nhưng cảm giác đó có vẻ không còn đúng nữa. Thay vào đó là một cảm giác bất an, dè dặt, thậm chí là sợ hãi khi bày tỏ quan điểm, sợ bị hiểu lầm, bị quy chụp, ngay cả khi đó là những ý kiến thiện chí và mang tính xây dựng.
Những sự lạc quan lẫn bi quan đó dẫn đến một ưu tư liệu có thể có một không gian an toàn và cởi mở cho mọi tiếng nói, để từ đó xây dựng nên một khối đại đoàn kết vững chắc, chứ không chỉ là sự đồng thuận trên bề mặt, làm bàn đạp cho dân tộc vươn tới kỷ nguyên mới? Đây không chỉ là một câu hỏi, mà còn là một kỳ vọng được gửi gắm vào năm mới, với niềm tin và mong ước về những bước đột phá mạnh mẽ hơn.
ĐẶNG SƠN DUÂN 31.12.2024
No comments:
Post a Comment