“Liệu pháp sốc” tinh gọn bộ máy của Tô Lâm sẽ định hình tương lai Việt Nam thế nào?
Bình luận của blogger Huỳnh Trần
2024.12.28
RFA
Tổng bí thư Tô Lâm tại phiên họp của Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024 (minh hoạ)
AFP
Năm 2024 với những biến động lớn sắp qua đi và, năm 2025 với tương lai bất định, khó lường sắp đến. Trong thời khắc này nếu phải chọn sự kiện quan trọng nhất đối với chính trường Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực khác của xã hội, thì đó là việc qua đời (ngày 19/7/2024) giữa nhiệm kỳ 13 của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau hơn 13 năm tại vị và việc ông Tô Lâm thay thế (ngày 3/8/2024) với không ít ‘đồn đoán’ trong bối cảnh chống tham nhũng “không vùng cấm.”
Hãy bỏ qua những lời ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng là “nhà lý luận xuất sắc, tấm gương đạo đức…”[1], bởi vì đó là truyền thống giữ ổn định chính trị của Đảng CS cầm quyền. Nhưng việc tân TBT Tô Lâm phát động cuộc cải cách thể chế, trong đó và trước hết là cuộc “tinh gọn bộ máy” của hệ thống chính trị mang tính “cách mạng”, là một trong những điều ‘bất ngờ’ lớn nhất. Tuy nhiên, ông là người hành động và có quyền lực tuyệt đối, có lý do và ‘tự tin’ để hành động. Sự thay đổi được chờ đợi nhưng kết quả khó lường.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá 12 năm 2017[2] (gọi tắt là NQ18) về tinh gọn bộ máy… là căn cứ pháp lý để cải cách. Hơn thế, từng là Bộ trưởng Bộ công an, vượt khỏi chức năng giữ trật tự an ninh xã hội để trở thành trụ cột của chiến lược an ninh chế độ, được thể chế hoá, tăng cường lực lượng và tích luỹ kinh nghiệm từ cải tổ nội bộ, ông Tô Lâm nắm trong tay những ‘lá bài tẩy’ chống “tự diễn biến, tự chuyển hoá” để cải cách sâu rộng hệ thống chính trị hiện hành. Và, sau đây là một vài ‘phương châm’ hành động được tuyên truyền rộng rãi: “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, “vừa chạy vừa xếp hàng”, “khối ung thư cần cắt bỏ”, “không thể chậm trễ hơn nữa!”… Phương án tinh gọn các tổ chức Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc… và các tỉnh thành phải hoàn tất vào quý 1/2025.
Để bước đầu có thể đưa ra những đánh giá tác động chính sách cần coi cuộc tinh giản bộ máy lần này như những ‘liệu pháp sốc’, một chiến lược cải cách chính trị - hành chính sẽ thực hiện một cách nhanh chóng, toàn diện và quyết liệt, tạo ra sự thay đổi ngay lập tức và sâu rộng để thoát khỏi tình trạng trì trệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Đảng – Nhà nước. Quan sát sự vận hành sau bốn tháng, tính từ khi ông tân TBT phát động, chúng ta thấy rằng, cấu trúc chính trị về cơ bản không thay đổi nhưng luật pháp, hành chính và nhân sự đang có những chuyển động bổ sung, sửa đổi ở Quốc hội cũng như sự chuẩn bị trong mỗi bộ ngành, địa phương. Không thấy sự ‘chống đối nhưng sự ‘lo ngại’ có chiều hướng tăng lên về thất nghiệp, giảm thu nhập và gia tăng bất bình đẳng, đặc biệt đối với các nhóm dân cư yếu thế, hoàn cảnh khó khăn... Theo bà Bộ trưởng Bộ Nội, chỉ riêng sau sau sáp nhập huyện, xã, dự kiến sẽ dôi dư khoảng 21.800 cán bộ, công chức…[3]
Như liệu pháp sốc, cuộc cách mạng tinh gọn BM hệ thống chính trị được áp dụng trong bối cảnh trì trệ và tham nhũng nghiêm trọng. Hy vọng về tiềm năng mang lại kết quả tích cực khi các nguồn lực được giải phóng, nhưng nó cũng đi kèm nhiều rủi ro và thách thức. Câu hỏi quan trọng nhất vẫn là động lực tăng trưởng, phát triển trong “kỷ nguyên mới” là gì? Liệu “kỷ nguyên mới” sẽ cân bằng với cuộc ‘cách mạng’ tinh gọn BM thế nào hay sẽ là thử thách đối với nhiệm kỳ 14 của Đảng, trước hết là năm 2025 đầy biến động.
“Kỷ nguyên mới” vẫn là cách quảng bá truyền thống hướng sự chú ý xa với hiện thực đời thường, những ‘ồn ào’ triển vọng về thu nhập cao, những công trình đồ sộ như đường sắt tốc độ cao hay các dự án ‘khủng’ nhà máy điện hạt nhân, các nhà đầu tư nước ngoài hăng hái như Nvidia… dần lắng xuống... trong khi người dân bình thường lo toan cuộc sống hàng ngày và thị trường phản ứng thực tế hơn. Thị trường chứng khoán sau nhiều năm vẫn chịu dưới “mức kháng cự” 1.300 điểm, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, tăng trưởng GDP và xuất khẩu phụ thuộc lớn vào khu vực đầu tư nước ngoài, đầu tư công vẫn ì ạch…
Thành công của liệu pháp sốc không những chỉ phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng và năng lực quản trị, mà còn khả năng thích nghi của xã hội, của các quan chức còn ‘trụ lại’ sau tinh giản, của doanh nghiệp và người dân. Về hình thức, người ta thấy cả hệ thống chính trị đang ‘tất bật’ vào cuộc nhưng hầu như người ta không nghe hay đọc thấy từ dân chủ. Tình hình suy thoái về dân chủ khiến cho chế độ độc tài, chuyên chế lên ngôi. Đối với những nước có chế độ đảng CS toàn trị như Việt Nam những nguyên tắc dân chủ căn bản như tự do bầu cử, nhân quyền, pháp quyền, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền… là những điều còn xa vời nhưng hãy đặt vấn đề vị trí của người dân ở đâu trong cuộc ‘cách mạng’ này để niềm tin của họ, vốn là tài sản quý giá, đã sụt giảm liệu sẽ được khôi phục thế nào? Người dân phải là một trong những đối tượng của cải cách, bởi vậy sự tham gia của họ sẽ là một kênh phản hồi, một chỉ báo quan trọng để đánh giá về hiệu quả của cải cách thể chế.
Trong lịch sử hiện đại gần đây một số quốc gia từng trải qua các liệu pháp sốc trong chính sách cải cách, có những thất bại và thành công. Ví dụ, Ba Lan năm 1990 đã áp dụng liệu pháp sốc để chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang thị trường tự do. Các biện pháp bao gồm tự do hóa giá cả, tư nhân hóa, và cải cách thuế. Kết quả là nền kinh tế ổn định và tăng trưởng mạnh sau giai đoạn khủng hoảng ban đầu. Ngược lại, Liên bang Nga, vào những năm đầu 1990, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, đã thực hiện liệu pháp sốc với mục tiêu chuyển đổi từ nền kinh tế Xô Viết sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do thiếu sự chuẩn bị và quản lý, cải cách này gây ra lạm phát cao, sụp đổ các ngành công nghiệp, và gia tăng bất bình đẳng… Hiện nay, giới quan sát đang hướng sự chú ý vào Argentina. Tổng thống Javier Milei nhậm chức vào tháng 12 năm 2023 với tầm nhìn và chính sách tự do cấp tiến để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc của đất nước. Từ việc cắt giảm chi tiêu công và kiểm soát lạm phát cho đến bãi bỏ luật kiểm soát tiền thuê nhà, các cải cách toàn diện đã dần ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng… Cuối cùng, đối với trường hợp của Hoa Kỳ dưới thời chính phủ 2.0 của tân tổng thống tái nhiệm Donald Trump việc thành lập bộ phận hiệu quả chính phủ ‘DOGE’ do tỷ phú Elon Musk với việc hứa hẹn tinh gọn và cắt giảm chi tiêu lớn của chính phủ, mặc dù còn tranh cãi nhưng là những liệu pháp thực sự ‘sốc’!
Khi bước sang năm 2025, con đường cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng CS Việt Nam dưới sự lãnh đạo của TBT Tô Lâm vẫn đầy gian nan, thử thách. Dù các cải cách khởi đầu cho thấy sự quyết tâm và tiềm năng, nhưng chi phí xã hội và kinh tế sẽ tiếp tục định hình tương lai của đất nước. Liệu cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị này sẽ mang lại một "phép màu" thay đổi hay cái giá nhất định phải trả khi người dân đứng ngoài cuộc của cuộc cải cách thể chế này? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
___________
Tham khảo:
- https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nhung-hoi-uc-ky-niem-nho-mai-ve-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong/-/2018/943902/dong-chi-nguyen-phu-trong---nha-ly-luan-xuat-sac-cua-dang%2C-tam-guong-dao-duc-sang-ngoi.aspx;
- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-18-NQ-TW-2017-sap-xep-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri-tinh-gon-hoat-dong-hieu-luc-365493.aspx;
- https://www.youtube.com/watch?v=XYtqRe5ssCI
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tin, bài liên quan
BlogÔng Tô Lâm cải tổ Việt Nam với kế hoạch tái cơ cấu bộ máy chính quyền
Giữ lại Ban Kinh tế Trung ương: Một bước lùi để tiến xa hơn?
Việt Nam cải cách: chủ nghĩa xã hội mờ dần, chủ nghĩa dân tộc lên ngôi
Hồi kèn xung trận “rất đời” của Bí thư Thành Hồ
Tô Lâm “vừa sắp hàng vừa chạy” tại Hội nghị Trung ương bất thường
No comments:
Post a Comment