Tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lụcVOA Tiếng Việt
31/12/2024
VOA
Một ông bố chở các con trên xe máy trên đường phố Hà Nội. Các gia đình Việt Nam ngày càng có ít con
Tỷ lệ sinh của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1,91 con/phụ nữ - đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tỷ lệnh sinh của Việt Nam giảm xuống dưới mức thay thế, Thông tấn xã Việt Nam, dẫn nguồn từ Cục Dân số thuộc Bộ Y tế cho biết.
Số liệu của cơ quan này được dẫn lại cho thấy tỷ lệ sinh của Việt Nam tuần tự giảm trong vài năm qua: từ 2,11 con/phụ nữ vào năm 2021 xuống còn 2,01 vào năm 2022 và tiếp tục xuống còn 1,96 vào năm 2023.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Một nguyên nhân là nguồn lực do chính quyền trung ương và địa phương đầu tư cho công tác dân số không đủ, theo một bài đăng trên trang web của Bộ Y tế dẫn lời Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương được Bloomberg dẫn lại.
Theo lời ông Phạm Vũ Hoàng, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, được hãng tin nhà nước dẫn lại thì dân số Việt Nam có thể bắt đầu giảm sau năm 2054 nếu tỷ lệ sinh tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Các dự báo cho thấy dân số Việt Nam có thể giảm 0,04% từ năm 2054 đến năm 2059 và 0,18% từ năm 2064 đến năm 2069, tương đương với giảm trung bình 200.000 người mỗi năm.
Ngược lại, nếu Việt Nam duy trì được tỷ lệ sinh ở mức thay thế, thì hàng năm nước này sẽ có mức tăng dân số nhẹ là 0,17%, tức có thêm khoảng 200.000 người mỗi năm, ông Hoàng được dẫn lời nói.
Cũng như nhiều quốc gia trên khắp châu Á vốn đang chứng kiến tỷ lệ sinh giảm, Việt Nam ngày càng lo ngại về tác động lâu dài của tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi.
Việt Nam thậm chí còn phải nhờ tới các show hẹn hò và áp phích tuyên truyền để khuyến khích người trẻ sinh con nhiều hơn khi mà cấu trúc dân số cùng nhu cầu tài chính đã dẫn đến việc nhiều người muốn có gia đình ít con hơn.
Tỷ lệ sinh thấp kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động, dân số già nhanh chóng và căng thẳng về an sinh xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Vào năm 2019, người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 11,9% tổng dân số nước này nhưng sẽ tăng lên hơn 25% vào năm 2050, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết.
Dự thảo Luật Dân số đề xuất một số biện pháp để khuyến sinh, bao gồm hỗ trợ công nhân nuôi con nhỏ. Nó cũng đề nghị sửa đổi quy định phạt những gia đình sinh con thứ ba, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước 30 tuổi và có hai con trước 35 tuổi.
Dự thảo luật này dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ 10 vào đầu năm sau, theo Bloomberg.
Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ ba ở Đông Nam Á và là đông dân thứ 15 trên thế giới khi dân số của họ vượt mức 100 triệu người vào năm 2023.
Quốc gia này đã bước vào thời kỳ dân số vàng vào năm 2007 sau khi chính thức đạt mức sinh thay thế vào năm 2006.
Hôm 15/10, ông Nguyễn Thiện Nhân, người từng là Ủy viên Bộ Chính trị và chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã cảnh báo tại một hội thảo về công tác dân số ở thành phố Hồ Chí Minh rằng dân số Việt Nam có thể sẽ giảm xuống còn 46 triệu dân, tức là giảm hơn một nửa, vào năm 2200, nếu tỷ lệ sinh thấp như hiện nay tiếp tục được duy trì.
Ông lưu ý rằng chính quyền Việt Nam cần có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội cũng như dân số, nếu không thì tỷ suất sinh ở Việt “sẽ tiếp tục giảm sâu dưới 2,1 và duy trì lâu dài”.
Số liệu của Tổng cục Thống kê được VietNamNet trích dẫn cho thấy dân số của Việt Nam trong năm 2023 là trên 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người – tương đương với 0,84% – so với năm 2022.
Cũng theo cơ quan này, Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế trong suốt 15 năm kể từ năm 2006 cho đến 2021.
No comments:
Post a Comment