Lê Học Lãnh Vân - Lan man khi nghe cựu tổng thống Carter từ trần
lundi 30 décembre 2024
Thuymy
Năm 1977, ông Carter thắng cử trước đối thủ Gerald Ford, tổng thống đương nhiệm, để thành tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, vị tổng thống được đánh giá rất ôn hòa, trí thức.
Vị tổng thống đó ân xá vô điều kiện cho mọi công dân Hoa Kỳ trốn lính để không tham dự cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai tại Việt Nam. Vị tổng thống ấy cử ông Richard Charles Albert Holbrooke làm trưởng đoàn thương thuyết với Việt Nam về bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Lúc ấy bức màn tre tại Việt Nam quá dầy rậm, Vương chỉ biết qua ai đó rỉ tai rằng thằng Mỹ thua Việt Nam mới biết mình quá bậy khi tham chiến, giờ muốn vào tái thiết Việt Nam. Nhưng Việt Nam đâu có ngu để nó dây máu ăn phần, tiếp tục kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt người Việt!
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Carter đánh dấu bằng sự kiện thất bại ngoại giao của Hoa Kỳ tại Iran, góp phần lớn cho sự thất cử của ông trước ông Ronald Wilson Reagan. Lúc ông Carter tranh cử với ông Reagan, Vương được xem trên một tờ báo (quên tên báo rồi) một bức biếm họa vẽ hình ông Carter với trái đậu phộng trong óc, còn óc ông Reagan trống không.
Xin mở ngoặc, tờ báo nước ngoài ấy được một người trong Thông tấn xã Việt Nam, bạn với một người trưởng thượng trong gia đình cho xem. Vương tới thăm vị trưởng thượng đó, tình cờ thấy hai ông đang trò chuyện, tờ báo để trên bàn. Sau đó ít lâu thấy một hình biếm họa tương tự trên báo Việt.
Vương kể bức biếm họa cho ông bà Trọng nghe, nói báo Mỹ ủng hộ ông Carter, chê ông Reagan. Bà Trọng nói không biết ý nhà báo đó ra sao. Hoặc nó chê ông Reagan không có chiến lược gì hết, hoặc nó khen ông Reagan không vướng bận vào cái gì hết nên có thể linh động trong chiến lược, sách lược. Có trái đậu phộng thì giỏi lắm cũng chỉ là trái đậu phộng mà thôi! Con ơi, đọc báo phải đọc cho hết, đọc một phần dễ bị người ta xỏ mũi!
Qua Pháp, Vương hối hả tìm đọc những gì bị không cho đọc trước đó. Anh mới hiểu Hoa Kỳ thực sự có thiện chí tái lập bang giao với Việt Nam. Các điều kiện về kỹ thuật gần như xong hết, nhưng phía Việt Nam, do ông Phan Hiền đại diện, yêu cầu Hoa Kỳ phải thực thi trách nhiệm tài chánh theo như hiệp định Paris quy định. Phía Hoa Kỳ không đồng ý vì cho rằng Hiệp định đã không được tuân thủ!
Lúc đó là nửa sau thập niên 1980, Vương tiếc ngẩn ngơ! Nếu bang giao Việt-Mỹ được tái lập, Việt Nam có tránh được cuộc chiến biên giới Tây Nam, cuộc chiến biên giới phía Bắc không? Có giữ được người tài của hai Miền đất nước góp tài trí xây dựng quê hương?
Không dám trả lời câu hỏi quá lớn này, Vương chỉ biết lúc đó Việt Nam được lãnh đạo bởi ông Lê Duẩn. Khi từ chối tái lập bang giao với Mỹ sau năm 1975, ông Lê Duẩn có đại diện cho ý muốn của đa số người Việt không? Lại một câu hỏi lớn Vương không dám trả lời!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 30.12.2024
No comments:
Post a Comment