Sunday, December 29, 2024

Dân đức và quan đức
Tưởng Năng Tiến
29-12-2024
Tiengdan

Tui định đi Nhật nhiều lần nhưng chỉ “định” thế (cho đỡ buồn) chứ chưa bao giờ đặt chân tới Xứ Hoa Anh Đào cả. Chả phải vì tôi thiếu dịp may mà chỉ tại tôi nghèo thôi. Tiền rượu còn bữa thiếu (bữa không) mà nói đến chuyện viễn du làm chi, cho má nó khi.

Cứ sống mãi ở nhà (cơm nhà quà vợ) thì cũng chả sao, nếu bạn bè khá giả đừng cứ tung tăng đi đây/ đi đó, rồi lên Facebook kể lể tùm lum đủ chuyện khiến mình – đôi lúc – cũng nóng … như hơ!

Từ Nhật về, vừa bước vào cửa, nhà báo Từ Thức đã hớn hở kể chuyện (làm quà) khiến ai cũng phải xuýt xoa:

 “Loạng quạng, đánh rơi cái ví (portefeuille), trong đó có thẻ kiểm tra (ID/ carte didentité), carte bleue (credit card), 250 Euros và một số tiền Nhật mới đổi. Ra bót cảnh sát đầu đường. Nhân viên cảnh sát có vẻ mừng rỡ vì có việc làm.

Thường thường, cảnh sát Nhật ngồi buồn tênh, đi ra đi vào, không có ai thưa gởi gì, không có ẩu đả, ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp, lừa đảo. Thỉnh thoảng vớ được một bà già té xỉu, chở tới bệnh viện. Hay đưa một ông cụ qua đường (đưa thực, không phải dìu ông già trước máy quay phim, quay phim xong đá đít ông già) hay chỉ lối cho một du khách tới một địa chỉ không có tên đường.

Một ông cảnh sát mở computer, coi danh sách những đồ vật lượm được trong thành phố. Một bà gọi điện thoại tới phi trường. Người thứ ba đứng coi, sẵn sàng phụ tá hai đồng nghiệp. Họ hơi thất vọng vì không tìm thấy gì, khuyên nên trở lại buổi chiều.

Chiều, trở lại, họ đã tìm được cái ví. Có người lượm được dưới ghế một xe bus, đưa cho tài xế. Giấy tờ, tiền bạc còn y nguyên. Xứ sở gì kỳ cục”.

Hết Từ Thức lại đến vợ chồng Huong Tran và Hon Viet. Cả hai đang lang thang khắp xứ Phù Tang, vừa đi vừa huyên thuyên đủ chuyện:

“Dân du lịch đi lạc có thể hỏi đường bắt cứ một người Nhật nào trên đường, dù không biết một chữ tiếng Anh, họ cũng sẽ tận tình giúp đỡ. Mặc dù đây là lần thứ 3 đi Nhật, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bị lạc.

Ngày đầu tiên đi tìm hotel, mặc dù có Google map nhưng vẫn đi lạc. May có cô bé mới đi làm ra, mình cho cô xem địa chỉ, cô ta coi Google map rồi đưa mình tới tận cửa hotel luôn. Cô bé này chỉ nói được vài chữ tiếng Anh. 

Tới Nagoya, lại cũng đi tìm hotel, dừng lại hỏi đường một vài người Nhật đang đứng truyền đạo, mấy cô xem Google map xong nói: Thôi để chúng tôi đưa ông bà tới hotel đó luôn. Và họ vui vẻ đưa tới tận cửa”.

Nghe mà không khỏi liên tưởng đến hình ảnh những bảng đòi tiền chỉ đường (ở đất nước mình) cùng với đề xuất 350.000 tỷ đồng để “chấn hưng phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam”, của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Mười lăm tỉ Mỹ kim đối với chính phủ hiện hành (nói nào ngay) chỉ là chuyện nhỏ, nếu so với con số 67,3 tỷ USD xây đường sắt cao tốc Bắc Nam, để sáng ăn điểm tâm ở Hà Nội và trưa nhậu sương sương ở Sài Gòn. Câu hỏi cần được đặt ra là liệu có thể “chấn hưng văn hóa” bằng tiền (?) và dân tộc này – sau nhiều thập niên “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại – lại “xuống cấp” tới cỡ cần phải “tân trang” bằng nhiều đô la dữ vậy sao ?

Vấn đề cứ khiến cho tôi băn khoăn mãi, nên cuối cùng quyết định phải trở lại quê nhà vài bữa xem hư/thực ra sao? Qua Nhật thì mới lo tiền, chớ về Việt Nam đi tuốt tuồn tuột từ Bắc ra Nam (bằng xe hỏa) thuê nhà nghỉ loại ngủ chung chạ – nằm trên những cái giường đôi, gọi là ở dorm, như đám Tây con và chỉ uống Vodka (Hà Nội) thôi thì nào có tốn kém bao nhiêu.

Thế là bay thôi!

Ra khỏi phi trường Nội Bài, tôi bảo Taxi “cho về Yên Hoa” nhưng tài xế lại nghe ra “Yên Hòa”. Thế là xe chạy lòng vòng bằng thích. Cuối cùng rồi cũng đến nơi nhưng chú em nhất định không nhận số tiền hiển hiện trên máy mà hào sảng bớt hẳn một phần ba, với lý do giản dị: “Lỗi tại cháu nghe lầm, chứ đâu có đến cái giá đó.”.

Hôm ở Bồng Sơn (Bình Định) cũng vậy. Tôi đặt chỗ ngủ tại nhà nghỉ Tiến Vương. Bác xe ôm đã già quá cỡ (cỡ như tui) nên nghễnh ngãng nghe ra Tiến Phát. Thế là lại mất thêm một đoạn đường (dài) nhưng lại rất vui vì chúng tôi vừa đi vừa chuyện trò vô cùng rôm rả. Cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp tôi đều ngọng nghịu (chớ) còn tiếng Nam, tiếng Bắc, tiếng Huế, tiếng Thanh, tiếng Nghệ, tiếng Quảng thì tôi phát âm nhuần nhuyễn như nhau – kể cả Quảng Bình.

Tới nơi mới biết là mình lại gặp một tay “hảo hớn”, dù y nghèo ra mặt:

– Đúng rơ (ra) là trem hơi (trăm hai) nhưng lẫu (lỗi) tại tui nghe lộn nên cho tém (tám) chục lờ (là) được rầu (rồi).

Ông bạn đồng hương (và đồng thời) hào sảng của tôi ơi! Chúng ta đều gần đất xa trời lắm rồi, lẽ ra, ông không còn phải vất vả mưu sinh bằng một cái Honda tàn tạ như vậy nữa. Tôi thương ông (thương cả cái xe rệu rã) cùng tất cả mọi thứ, chả may, hiện hữu ở đất nước khốn khổ và khốn nạn này!

Cũng như bao nhiêu địa danh hẻo lánh và nghèo nàn khác, thị xã Hoài Nhơn không có chỗ mô để đi (và cũng không có cái chi để nhìn) ngoài bãi biển Tam Quan hoang sơ, vắng ngơ (vắng ngắt) nhưng thơ mộng và an lành chưa từng thấy. Suốt đời tôi chưa bao giờ được đứng (bơ vơ) một mình giữa biển trời bao la xanh ngát, với tiếng sóng vỗ rì rào (dịu êm) như thế cả.

Sao mà bỏ đi cho được (chớ) nên tôi lưu lại Bồng Sơn tới đôi ba bữa. Thời gian đủ để tôi làm quen được một gia đình bán cơm, gần chỗ trọ. Tôi sinh trưởng ở Cao Nguyên (Lâm Viên) nên hoàn toàn không mặn mà gì với cá mắm (hay cá mú) dù đồ biển ở đây tươi lắm. Tôi nhờ họ làm cho món đậu rán chiên dòn, để chấm nước tương đen, ăn cùng với ớt đỏ.

Cô em không chỉ vui vẻ nhận lời mà còn cho thêm tôi một chén canh tép nữa. Không biết là nấu với thứ rau chi nhưng húp mát rượi và ngọt lừ hà, ngọt nhất là đôi lời “khuyến mãi” vô cùng mộc mạc và hết mực chân tình:

– Cứ en (ăn) đi. En hết lấy thêm. Tui không tính tiền keng (canh) đâu.

Người đâu mà tốt bụng nhưng xấu số. Chồng đi biển rồi đi luôn, vào một ngày biển động. Con trai lớn (lái xe tải) cũng theo cha sau một tai nạn giao thông, để lại bốn đứa con lau nhau lắt nhắt. Vậy là cô em (cùng đứa gái út, mới mười mấy tuổi) và con dâu bèn mở một cái quán cơm lụp xụp bên hè, sau khi cân nhắc kỹ rằng nếu không có lời thì cũng không lỗ lắm:

– Khéc (khách) không en thì nhờ (nhà) mình en chớ mớt (mất) chi mờ (mà) lo.

Nghe thiệt muốn ứa nước mắt!

Bữa cơm chiều cuối cùng, tôi kín đáo để lại một số tiền nho nhỏ (có lẽ chỉ đủ để mua vài bộ quần áo Tết cho mấy đứa bé mồ côi lam lũ, tết sắp đến nơi rồi) nhưng vừa quay lưng thì đã bị phát hiện ngay tại … hiện trường! Cô em tức tốc đuổi theo để trả lại cho bằng được tờ giấy bạc, đang nắm chặt trong tay, khiến tôi ngượng chín người:

– Ông chú cho nhiều quớ (quá). Tui cởm (cảm) ơn lém (lắm) nhưng nhờ (nhà) tui bớn hờng (bán hàng) chớ đâu en xin!

Mà nào có riêng chi mình tôi phải đỏ mặt. Lẽ ra, bọn thống trị – ở xứ sở này – cũng phải có kẻ còn biết ngượng (chớ) khi họ đọc được những mẩu tin ngăn ngắn hàng ngày:

– Thanh Niên: “Chị phụ hồ trả lại 150 triệu đồng nhặt được … Ba hôm trước, chị Dung mua tấm bạt nhựa ở tiệm tạp hóa của bà Nguyễn Thị Mai cách nhà khoảng một km. Lúc trải tấm bạt ra sân, chị bất ngờ thấy túi nylon đựng 150 triệu đồng. Khi chị báo với chồng, anh Thanh không chút đắn đo, hối thúc vợ đem số tiền trả lại cho chủ tiệm”.

– Tuổi Trẻ: “Phát hiện 180 triệu đồng và 1,3 lượng vàng trong chiếc tủ sắt cũ phế liệu vừa mua với giá 20.000 đồng, người đàn ông làm nghề thu gom ve chai nghèo khó đã liên hệ công an xã, trả lại cho người mất”.

– Vnexpress: “Chị Lê Thị Đại (ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) cũng trả 19 triệu đồng nhặt được cho người mất. Khi được biếu lại 1,5 triệu để cảm ơn, chị Đại đã ủng hộ vào quỹ phòng chống Covid-19 của huyện”.

Trong khi người dân “biếu lại tiền” để “ủng hộ vào quỹ phòng chống Covid-19” thì giới quan chức các cấp (từ trung ương đến địa phương) đều lợi dụng nước đục thả câu bằng “những chuyến bay giải cứu” và những mũi “tiêm chủng phòng ngừa” để trấn lột thiên hạ, một cách vô cùng dã man, giữa cơn đại dịch.

Dân tộc này không cần đến hàng chục tỷ Mỹ Kim để “chấn hưng phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam” đâu. Họ chỉ cần loại bỏ cái đám quan chức vô nhân tính hiện hành, cùng cái cơ chế đểu cán/ gian trá/ độc ác và thối rữa … đã tạo ra bọn chúng thôi!

No comments:

Post a Comment