Friday, December 20, 2024

VNTB – Bắt cóc, tra tấn, tù đày: câu chuyện gia đình chồng H’mông vợ K’ho
Hải Di Nguyễn
20.12.2024 9:06
VNThoibao



(VNTB) – Sau 12 năm bấp bênh ở Thái Lan, qua bao nhiêu cơ cực và mất mát, gia đình anh Dương Văn Quân và chị Ko Sa K Lan cuối cùng đã tới Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 12. 

 Ngày 18 tháng 12 vừa qua, thêm một gia đình tỵ nạn ở Thái Lan đã đặt chân tới Seattle, Hoa Kỳ. Đây là một gia đình khá đặc biệt: anh Dương Văn Quân (sinh năm 1984) là người H’mông theo đạo Tin Lành, sau đổi đạo; vợ anh, chị Ko Sa K Lan (sinh năm 1985) là người K’ho theo Công giáo.

Cuộc đời họ lại càng đặc biệt, lắm gian truân mất mát từ khi ở Việt Nam tới khoảng thời gian lưu vong tại đất khách quê người. Anh Dương Văn Quân còn bị truy lùng sang tận Thái Lan và bắt cóc về Việt Nam. 

Ngày 30/11/2024 vừa qua, tôi đã có dịp phỏng vấn cả hai vợ chồng. 

Anh Dương Văn Quân: cha bị đánh, ra máu lỗ tai 

Anh Quân gốc là ở Ba Bể, Bắc Kạn. 

“Bố tôi theo đạo Tin Lành. Chính quyền bắt, đánh đập bố tôi. Về sau bắt bố tôi 4 tháng tù,” anh kể. “Tù về, lúc đó tôi còn nhỏ, tôi thấy máu ra từ hai lỗ tai. Về ở nhà được một tháng thì chết luôn.” 

Đó là năm 1993. 

“Hồi đó tôi đi học lớp 3, lớp 4, lớp 5… Mấy đứa con của công an xã đá… Nó nói bố tao công an, tụi mày theo đạo, đập cho tụi mày chết. Nó cứ nói như vậy, tôi còn nhớ tới bây giờ.” 

Đời sống khó khăn, vì họ là người H’mông theo đạo Tin Lành, đặc biệt khi cha lại bị giam giữ 4 tháng. “Muốn làm gì cũng không làm được. Người ta quản lý đất đai. Đất ruộng của bố tôi, nhà nước quản lý, không cho làm bất kỳ cái gì. Nhà tôi có 30-40 con bò, họ cũng thu mất một nửa… Dưới miền Nam có tự do tôn giáo hơn, mình xuống miền Nam để sống.” 

Anh tới Đà Lạt, Lâm Đồng năm 2007. 

 

Thời gian ở Đà Lạt

Anh Dương Văn Quân và chị Ko Sa K Lan quen và cưới nhau ở Đà Lạt. Vợ anh là người K’ho theo đạo Công giáo—anh Quân thấy theo đạo Tin Lành khó khăn nên dần dần đổi đạo và chính thức chuyển sang Công giáo năm 2010.

Theo lời họ kể, hai vợ chồng sinh sống bình thường, trồng cà phê, chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ rời Việt Nam. Mọi sự phiền nhiễu bắt đầu khi một người cháu trốn sang Thái Lan tìm đường tỵ nạn và bị từ chối nên trở về Việt Nam khoảng cuối năm 2010 và bị công an tìm bắt. 

“Nó sợ, nó chạy trốn. Cháu của vợ tôi. [Lan] mới đem cơm nước cho nó trong rừng. Người ta lại đổ cho vợ tôi là đem cơm cho người FULRO chống phá nhà nước… Bắt vợ tôi. Không có tội gì, chỉ mang cơm cho đứa cháu ăn mà họ đổ tội là muốn lật đổ chính quyền, che giấu tội phạm.” 

Chị kể “Lúc đó tôi mới sinh thằng cu đầu lòng. Tôi đang nghỉ dưỡng lúc đó… [Cháu] về, không ai đưa cơm cho nó, nên tôi cũng tội, tôi cõng thằng cu với vợ nó đi cho nó đồ ăn. Ít thôi.” 

Bị “điều tra lên điều tra xuống, ở không được”, người cháu chạy qua lại Thái Lan tháng 11/2011. 

 

Vì sao trốn sang Thái Lan? 

Bị nhiều lần tra hỏi, điều tra về người cháu, lại hoảng sợ vì bị dọa đi tù, lúc đó chồng lại đang đi làm xa, chị Ko Sa K Lan cũng trốn sang Thái Lan tháng 2/2012. 

“Bỏ lại [đứa con] với chị gái. Lúc đó không muốn đi, vừa đi vừa khóc… Tôi cũng nghĩ quẩn, sợ không thoát được, sợ con nó không an toàn, tôi mới bỏ lại con ở nhà. Nếu thoát được thì sau này đón con sang.” 

Anh Dương Văn Quân sang Thái Lan tháng 3/2012, cùng con và anh rể của vợ (cha của người cháu bị truy bắt). 

 

Bị bắt cóc về Việt Nam 

Tại Thái Lan, cuộc sống họ chật vật khó khăn, đặc biệt khi bị Cao ủy Tỵ nạn từ chối đơn xin tỵ nạn. 

Một lần, tháng 12 năm 2013, anh Dương Văn Quân đang đi mua đồ cho con thì gặp vài người Việt bảo có việc làm, nên đi theo. 

“Lên xe với họ. Đi mãi, đi mãi. Cứ hỏi tới chưa… Khi đi 3-4 tiếng đồng hồ rồi, tôi mới hỏi tại sao các anh đưa tôi đi như thế, đi đâu, tôi xuống xe. Họ khóa xe chặt lại, không cho xuống…” 

Đi thêm mấy tiếng thì thấy mình ở Campuchia. 

“Qua Campuchia, họ đưa hình tôi, hình ảnh cột kèo [anh rể của vợ], hình đứa cháu, rồi hỏi mày có biết mấy người này ở đâu?” anh kể lại. “Họ chở tới TP.HCM. Chở về tới Việt Nam. Một tuần ở TP.HCM rồi họ chuyển tôi tới tỉnh Gia Lai.”  

Anh Dương Văn Quân kể mình bị đánh đập ép cung ở Gia Lai, bị buộc ba tội là tổ chức người khác đi nước ngoài và lật đổ chính quyền và cưỡng ép người khác đi nước ngoài. Anh nói đi nói lại mình không có tội, không biết gì, nhưng công an mớm lời khai ép ký.  

“Không ký thì họ kẹp cây bút vào tay, họ bóp tay sưng lên hết… Trong một tuần đó, họ đánh đập… Họ bắt tôi ký mấy giấy đó… Họ lấy dùi cui điện, dùi cui cao su đánh sau lưng tôi. Đánh vào bắp tay. Họ đá vào ngực, gãy một cái xương… Đá xỉu luôn. Họ bỏ tôi vào phòng giam lại, bảo một người tù lấy nước tưới. Họ sợ tôi chết.” 

Kể lại câu chuyện, anh lặp đi lặp lại “Tôi không có mấy cái tội đó.” 

Người đánh là Công an tỉnh Gia Lai, Đại tá Trần Việt Dũng và Công an tỉnh Lâm Đồng, Đại úy Nguyễn Duy Truyền. Cũng có mặt tại đó là ông Rahlan Lâm, người sau này dẫn đầu phái đoàn công an Việt Nam sang Thái Lan gặp người tỵ nạn vào tháng 3/2024. 

Theo lời kể, anh Dương Văn Quân bị đánh đập ép cung suốt 15 ngày, không những bị cưỡng bức ký lời khai giả mà còn bị quay phim, ép buộc nói “bà con không được đi tỵ nạn ở Thái Lan, sẽ bị người ta lừa dối; không được nói xấu chế độ CSVN…” rồi bị đưa lên VTV. Sau đó bị giam 6 tháng mới được xét xử, bị tuyên án 5 năm tù giam và bị nhốt ở trại giam T20 ở Gia Lai.   

 

Vợ ở Thái Lan 

Chị Ko Sa K Lan nói “Lúc anh bị bắt, tôi không biết. Khoảng mấy ngày, tôi mới nhận tin từ chị gái. Một anh ở trong làng, làm bên xã, công an gửi hình chồng tôi cho họ xem… Hình bị bắt ở Gia Lai.”  

“Lúc đó tôi rất vất vả. Tiếng tăm cũng không biết, nuôi con còn nhỏ thì không ai giúp đỡ. Lúc đó tôi kiếm việc làm, may anh rể và đứa cháu giới thiệu chỗ để đi quét đường, kiếm tiền qua ngày để nuôi con cái,” chị nói trong nước mắt. “Tôi đeo [con] sau lưng để đi làm.” 

Trong thời gian này, chị cầu cứu khắp nơi, nhờ đến văn phòng CAP (Centre for Asylum Protection) là văn phòng pháp lý do BPSOS tài trợ, BRC (Bangkok Refugee Centre), JRS (Jesuit Refugee Service), v.v. và được cấp quy chế tỵ nạn năm 2015. Gia đình chị cũng nhận được phần quà từ nhà báo Mặc Lâm. 

 

Tra tấn, tù khổ sai 

Anh Dương Văn Quân kể, trong tù, họ phải trồng mì, trồng lúa. “Người bên ngoài không hiểu được. Họ khoán cho mình, mình làm không hết… họ đập, không thể tả nổi.” 

Mỗi ngày làm từ 7 giờ sáng tới 11 giờ rưỡi trưa, sau đó từ 1 giờ chiều tới 5 giờ chiều. Thứ 2 đến thứ 7. Chủ Nhật nghỉ. 

“[Lúc đầu] tôi bị đánh liên tục… Làm không hết, ngày nào cũng đánh.” 

 

Hai vợ chồng đoàn tụ, cuộc sống cơ cực ở Thái Lan 

Anh cho biết mình được “đặc xá, tha trước thời hạn” và ra tù vào tháng 12/2016, nhưng bị 3 năm quản chế. 

Ra tù, anh Dương Văn Quân đi thẳng sang Thái Lan ở với vợ con. Được nhập chung hồ sơ với vợ con nên một tuần sau đã có quy chế tỵ nạn từ LHQ. 

Anh nói “Cuộc sống ở Thái Lan rất khó khăn… Công việc mình đi làm, người ta chỉ nhận 3-4 ngày, người ta hỏi giấy tờ, mình không có, người ta lại đuổi mình ra. Có người Thái tốt thì trả tiền, có người không tốt, biết mình không có giấy tờ là cứ cho làm…không đưa tiền cho mình. Rồi mình không có tiền trả tiền nhà, tiền điện tiền nước.” 

Anh cũng bị cảnh sát Thái Lan bắt nhiều lần, mỗi lần phải trả tiền mới được đi. Ít thì 500-1000 baht (khoảng 15-30 USD). Nhiều thì 4000-5000 baht (khoảng 117-146 USD). Lần bị giam lâu nhất là một ngày, do không có tiền đưa cảnh sát. 

 

“Bọn tôi dẫn đi làm gái”

Chị Ko Sa K Lan cho biết mình cũng bị cảnh sát Thái Lan tra hỏi nhiều lần, lúc thì đang đi làm, lúc thì ngay ở nhà. 

Một lần, họ đi cả nhóm ba xe khác nhau. 

“Họ nói đưa hết vào IDC luôn. Không đưa vào tù thì trục xuất hết về Việt Nam. Mấy đứa sợ mà… Nó lật áo thằng con trai lớn, hỏi tại sao gầy thế này, có dùng cái này cái kia không? Thằng cu sợ, run hết người luôn.” Chị nói cảnh sát Thái Lan lúc đó nhìn thấy con gái chị ngồi ở cầu thang. “Hỏi nó mấy tuổi rồi. Lúc đó nó 16-17 tuổi thôi. Nó (cảnh sát) hỏi đang làm việc gì… Nó nói khỏi học đi, cho bọn tôi, để bọn tôi dẫn đi làm gái.” 

Chị kể “Chồng tôi nói, nó còn nhỏ, sao các anh có thể nói thế? Nó chỉ vào chồng tôi, nó nói mày im mồm… Mày mặc cái áo màu đỏ, tao ghét lắm. Lúc đó anh Quân mặc áo màu đỏ.” 

Hai vợ chồng không biết khi đó ở Thái Lan đang có biểu tình áo vàng và áo đỏ. Áo đỏ là phe ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị lật đổ sau đảo chính. Áo vàng là phe chống ông Thaksin. 

 

Mất mát ở xứ người 

Anh Dương Văn Quân có hai con riêng, sinh năm 2004 và 2006. Hai vợ chồng có thêm hai con, sinh năm 2010 và 2013. 

12 năm ở Thái Lan, gia đình họ cũng trải qua bao thăng trầm mất mát.

Năm 2016, họ mất một đứa con. Anh Dương Văn Quân kể “Lúc tôi ở trong tù, mẹ nó đưa đi làm, nó rớt vào bể nước.” Đứa nhỏ sinh năm 2010. 

Năm 2022, lại thêm bi kịch xảy đến. 

Chị Lan kể “Tối hôm đó, không thấy [Vũ] về ăn cơm. Mới hỏi chị nó và thằng em nó là anh Vũ đi đâu… Thằng nhỏ nói, mẹ ơi, khi nãy con học, con thấy anh Vũ đi đá bóng, tới giờ chưa về. Hỏi chị gái nó thì chị gái nó không biết, con cũng nấu cơm nấu canh, không để ý.” 

Họ gọi điện thoại thì điện thoại để trong phòng, quần áo cũng để ở nhà. 

“Ăn cơm xong, bắt đầu đi tìm… Có người nói nó ngồi ở góc cầu kia nó khóc, không biết lý do gì… Bạn bè nó đều nói nó ngồi ở góc cầu kia nó khóc, rồi nó đi qua đi lại.” 

Họ đi tìm khắp nơi, huy động bạn bè phụ giúp, mà không thấy. Rồi đăng hình tìm Vũ, khi đó 16 tuổi. 

“Một người đi thuyền, họ thấy xác nó nổi lên ở bờ sông… Lúc đó, ôi, tôi run hết chân tay, không biết làm sao nữa. Mấy người chở chúng tôi đi xác nhận, đúng là nó luôn. Cũng không biết nguyên nhân lý do gì luôn.” 

 

Bắt đầu cuộc sống mới 

Sau 12 năm bấp bênh ở Thái Lan, qua bao nhiêu cơ cực và mất mát, gia đình anh Dương Văn Quân và chị Ko Sa K Lan cuối cùng đã tới Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 12. 

Trước khi họ lên đường, một nhà hảo tâm ở Houston, tiểu bang Texas từng dạy Anh văn cho 2 vợ chồng và nhóm thân hữu BPSOS ở Seattle, tiểu bang Washington góp tiền hỗ trợ cho gia đình tị nạn này đóng tiền phạt thay cho ngồi tù vì nhập cư và cư trú bất hợp pháp ở Thái Lan.

 

___________________________________

Nguồn: Mạch Sống Media

 

No comments:

Post a Comment