Sunday, September 22, 2024

VNTB – Nghịch lý chỉ có ở Việt Nam: bạt núi chống sạt lở
Dân Trần
23.09.2024 12:37
VNThoibao



(VNTB) – Thay vì di dời các hộ dân dưới chân đồi, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi bỏ 14 tỷ đồng ra phá núi để “gia cố” chống sạt.

Núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) bị sạt lở nặng suốt từ năm 2021 tới nay. Mùa mưa năm ngoái, 5 gia đình sống dưới chân núi phải bỏ chạy trong đêm khi núi sạt. Mùa mưa bão năm nay thì núi càng đứng trước nguy cơ sạt nặng và không loại trừ khả năng sẽ vùi lấp 5 căn nhà phía dưới chân núi.


Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã lập dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi và xin 14 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương Hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Thế nhưng thay vì dùng tiền đó để đền bù, di dời khẩn cấp các hộ dân dưới chân núi rồi trồng lại rừng trên núi, thì họ lại phá hết số cây còn lại, bạt núi, san ủi, hạ độ cao núi rồi dựng các mái ta-luy tạm và đào thêm 14 rãnh đỉnh thoát nước. (1)

Thế là người dân vẫn nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa tới. Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy dự án này sẽ đạt hiệu quả. Trước đây, ở Đà Lạt cũng từng có nhiều vụ sạt lở cho xây ta-luy chắn bùn đất. Trời mưa xuống, khối lượng bùn đất càng ngày càng tăng, một vài dãy tường ta-luy mỏng manh làm sao đỡ được mẹ thiên nhiên. Và thế là tiền ngân sách thì có nguy cơ trôi theo nước mưa, còn tính mạng người dân thì vẫn treo trên sợi tóc.

Nhưng phải chi công trình thi công xong trước mùa bão cũng đỡ lo được phần nào. Vậy mà dù có chỉ đạo gấp rút hoàn thành dự án trong 108 ngày, nhưng đến nay 60 ngày đã qua mà vẫn mới đạt 23% tiến độ.

Điều này cho thấy bốn vấn đề. Thứ nhất, việc vẽ dự án mà không khảo sát địa hình, không có chiến lược bảo vệ rừng, tái tạo rừng bền vững mà chỉ tìm cách làm theo kiểu phá hoại, đi ngược với quy luật tự nhiên. Thứ hai, gấp rút làm nhanh cho xong bất chấp hậu quả, 108 ngày để giải ngân dự án 14 tỷ đồng thì ai dám đảm bảo chất lượng. Thứ ba là việc rút ruột công trình, muốn làm nhanh để tham nhũng ngân sách. Thứ tư, coi thường tính mạng người dân, sẵn sàng đổi mạng dân lấy tiền ngân sách.

Sạt lở là do phá rừng, muốn chống sạt lở thì điều tốt nhất là trồng rừng để giữ đất. Bây giờ núi đã sạt rồi, thì phải trồng lại rừng, di tản người dân dưới chân núi. Chẳng hiểu ai lập ra cái dự án ngược đời là bạt núi để chống sạt và giữ lại nhà dân phía dưới. Thật sự nếu không có lương tâm thì cũng phải có kiến thức. Đằng này họ lại ngang ngược chống lại mẹ thiên nhiên thì chẳng biết những cái bằng cấp, chứng chỉ của quan chức cán bộ ở Quảng Ngãi là từ đâu ra.

Cũng sẽ có những quan điểm lập luận rằng việc hạ thấp độ dốc của núi thì sẽ giảm khả năng sạt lở. Nhưng nên nhớ, kết cấu tự nhiên của đồi núi được liên kết với nhau qua nhiều yếu tố, từ rễ cây, tới đất đá, mạch nước ngầm… Chỉ cần một thay đổi nhỏ so với tự nhiên sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng lớn.

Hơn nữa, công nghệ kỹ thuật, và những tiền lệ rút ruột công trình của cán bộ thì càng khiến người dân có thêm lý do để lo lắng hơn là đặt niềm tin. Ngoài ra, ngọn núi lớn, nếu năm nay bỏ 14 tỷ ra phá mặt hướng này, rồi năm sau lở phía bên kia thì chẳng lẽ lại bỏ thêm 14 tỷ để phá tiếp mặt kia. Phá bốn phía đông tây nam bắc thì thôi thà bỏ tiền trồng lại rừng, di dời nhà dân thì lại đỡ tốn kém hơn!

Bây giờ thì mọi chuyện cũng đã rồi, dù chưa xong thì dự án cũng đã thi công, tiền cũng đã chi. Nhưng thảm hoạ thì vẫn treo trên đầu dân. Nếu người dân nhìn rõ vấn đề thì phải mau chóng dọn khỏi chân núi. Nhưng nếu thiếu tiền để di dời thì… có ai dám mở miệng xin tiền nhà nước không?

Trong 14 tỷ đồng đó, chỉ cần chi cho mỗi nhà 1 tỷ, thì 5 nhà chỉ tốn 5 tỷ, còn lại quan chức chia nhau, miễn là giữ được mạng dân. Nhưng có lẽ đó chỉ là cách tính của người thường, lãnh đạo dùng mạng dân để đổi lấy tiền thì làm sao có chuyện chia tiền cho dân?

____________________

Tham khảo:

No comments:

Post a Comment