Thursday, September 26, 2024

VNTB – Giải quyết nạn lạm phát của Harris
Đỗ Văn Phúc
26.09.2024 10:41
VNThoibao



(VNTB) – Bất cứ ai hiểu biết căn bản về kinh tế cũng nhìn thấy những biện pháp bà Harris đưa ra hoàn toàn không thể giải quyết được vấn nạn, mà trái lại, còn làm cho nó trở nên trầm trọng hơn.

 Một vấn đề được coi là quan trọng nhất trong mùa bầu cử năm nay là nạn lạm phát và vật giá gia tăng. Nó là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người trong nước, nhất là giới lao động lãnh tiền lương và những người sống nhờ vào tiền hưu trí hay trợ cấp xã hội. Các nhà tỷ phú, triệu phú cũng không phải không bị ảnh hưởng, vì đồng tiền của họ trong các trương mục cũng teo lại theo năm tháng nếu không đầu tư vào đúng chỗ để sinh lợi.

Mức lạm phát tại Hoa Kỳ được tính tròn một năm từ tháng 9 năm trước cho đến tháng chín năm sau. Theo tài liệu của Bộ Lao Động, mức lạm phát tại Hoa Kỳ trước đây thường ở mức dưới 1% mỗi năm. Năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama lên tới 2.1% và giữ cùng mức độ đó cho đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump là 1.4%. Trong năm đầu hành pháp của Tổng thống Biden, nó tăng vọt lên 7% và 6.5% trong hai năm 2021 và 2022; rồi 3.4% năm 2023 và năm nay, ở mức 2.5% là con số chưa chính thức. Con số chính thức phải chờ đến 8:30 sáng ngày 10 tháng 10, 2024.

Để tính mức lạm phát ( thường lấy tháng 9 làm mốc) người ta lấy hiệu số của CPI vào tháng 9 năm nay trừ CPI cùng tháng chín của năm trước rồi chia hiệu số này cho CPI tháng chín năm trước, xong nhân với 100. Đó là tỷ số bách phân của mức lạm phát trong năm. CPI là viết tắt của chữ Consumer Price Index, là chỉ số giá cả tiêu thụ.

Ví dụ: Tìm mức lạm phát năm 2004 theo công thức như sau:

CPI (Sept. 2004) – CPI (Sept. 2003)

                         __________________________________             x 100%

CPI (Sept. 2003)

Tại sao có nạn lạm phát?

Trong kinh tế học, lạm phát được định nghĩa là sự tăng lên một cách đồng bộ của khối lượng tiền tệ, của giá cả, và của lợi tức. Nó là sự giảm sút giá trị đồng tiền qua một thời hạn nào đó. Lạm phát là sự gia tăng tiệm tiến rất thông thường của giá cả hàng hóa và dịch vụ trong xã hội. Vật giá tăng lên một phần là do chi phí sản xuất tăng; cũng là do sự gia tăng của nhu cầu về sản phẩm hay dịch vụ nào đó mà người tiêu thụ sẵn lòng mua với giá cao hơn. Lạm phát làm giảm sức mua của tiền tệ vì càng ngày cũng đồng tiền đó bỏ ra, nhưng nhận lại càng ít vật phẩm hay dịch vụ. Nói rõ ra là đồng tiền càng ngày càng mất giá. Người tiêu thụ bị thua lỗ vì thông thường, lợi tức gần như bị kìm lại trong khi vật giá thì tăng lên.

Có cả chục lý do gây ra lạm phát trong một nền kinh tế. Xin kể ra vài trường hợp: (1) Một nền kinh tế đang tăng trưởng cũng gây ra lạm phát, (2) sự gia tăng mức lương và giảm thất nghiệp cũng thế, (3) những người có của nắm trong tay khối tiền lớn và không ngại vung ra mua sắm những thứ xa hoa. Ba thí dụ trên cho thấy mức cầu về dịch vụ và sản phẩm vọt lên làm cho giá cả phải tăng theo và hiệu quả dây chuyền là cơ hội có công ăn việc làm cũng tăng theo, làm cho sự luân lưu của đồng tiền trong xã hội tăng theo.

Làm Sao Giải Quyết Lạm Phát và Giá Cả Gia Tăng?

Mỗi khi được hỏi làm thế nào để giải quyết nạn lạm phát và vật giá gia tăng, ứng cử viên Kamala Harris thường nói vòng vo những câu vô nghĩa hoặc chỉ giải thích về việc tăng giá xăng dầu, thực phẩm như để né tránh phải trả lời. Trong lần tranh luận với cựu Tổng thống Trump do đài ABC tổ chức, hay trong một hai lần nào đó, bà ta trả lời rằng sẽ ấn định vật giá, và thực hiện chương trình kinh tế cơ hội trong đó có những khoản tiền cho người mua nhà lần đầu, tiền tín dụng cho trẻ con đầu lòng hay tiến trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ.

Bất cứ ai hiểu biết căn bản về kinh tế cũng nhìn thấy những biện pháp bà Harris đưa ra hoàn toàn không thể giải quyết được vấn nạn, mà trái lại, còn làm cho nó trở nên trầm trọng hơn.

 (1) Ấn định giá cả!

Sự khác biệt giữa chế độ/chủ nghĩa Tư Bản và chế độ/chủ nghĩa Cộng Sản là nền kinh tế thị trường và nền kinh tế chỉ huy.

Trong chế độ Tư Bản, nền kinh tế (sản xuất và dịch vụ) nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân. Do sự cạnh tranh mà các chủ xí nghiệp, dịch vụ luôn tìm tòi, sáng kiến những gì thật mới, thật tiện dụng, thật tốt, thật bền, mẫu mã thật đẹp… để quyến rũ khách hàng.

Chính trong các nước tư bản, mà khoa học kỹ thuật tiến nhanh vượt mức, phát minh nhiều máy móc để giảm sức người nhưng sản xuất nhanh chóng làm cho giá cả sản phẩm càng ngày càng rẻ. Giá cả được tính toán rất kỹ sao cho hợp túi tiền của khách, rẻ hơn giá sản phẩm cạnh tranh, và dĩ nhiên luôn luôn dựa trên quy luật cung cầu. Cầu nhiều cung ít thì giá phải cao; ngược lại cầu ít, cung nhiều thì hàng rẻ lại.

Hoàn toàn đối nghịch với kinh tế tư bản, nền kinh tế trong các nước Cộng Sản/Xã Hội Chủ Nghĩa là do nhà nước độc quyền nắm giữ, kiểm soát, ấn định. Trong các nước Cộng Sản không có sự canh tranh vì đã do nhà nước quản lý rồi. Người tiêu thụ không có sự lựa chọn giữa nhiều sản phẩm từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Do đó, hàng hoá có thể rẻ (có thể thôi, chưa hẳn); nhưng phẩm chất thì rất kém cỏi. Ai đã từng ở Việt Nam đều biết qua những hàng hoá sản xuất từ các nước Liên Xô, Trung Hoa vĩ đại. Và hàng quốc doanh mậu dịch của Cộng Sản Việt Nam thì khỏi nói! Mua hàng mà như đi ăn xin; không chịu mua thì không có mà dùng!

Vậy, việc bà ứng cử viên Kamala Harris đưa ra giải pháp “ấn định giá cả” là hoàn toàn không ổn. Nó sẽ đưa nước Mỹ đi lùi lại về hướng XHCN mà thế giới đã ghê sợ và chôn vùi từ hàng chục năm qua. Ông Trump cũng hơi quá lời khi nói bà Kamala là Cộng Sản khi chưa biết chắc bà là đảng viên của đảng CS Mỹ hay không. Nhưng rõ ràng khuynh hướng chính trị quả bà là khuynh hướng Cộng Sản rồi đó.

 (2) Chính sách Kinh tế Cơ hội

Trước đây, không ai hay biết một điều nào về chương trình hoạt động của Kamala Harris cho đến khi có cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Trump. Sự bất đắc dĩ phải chấp nhận đẩy Harris ra tranh cử thay thế ông Biden đã quá suy nhược, Đảng Dân Chủ đã to son vẽ phấn cho bà để tạo nên một con người mới khác hẳn với một Harris bất tài, mờ nhạt mà khả năng độc nhất là những câu nói vô nghĩa kèm theo với những tràng cười sằng sặc. Có lẽ những ưu tú trong đảng Dân Chủ đã mớm cho bà về cái gọi là Chính Sách Kinh Tế Cơ Hội (Opportunity Economy).

Những ai theo dõi các chính sách của phe Dân Chủ thì biết đến chủ trương của họ là DEI (Diversity-Equity-Inclusion), trong đó “bình đẳng” (E viết tắt của equity) là sự bình đẳng của kết quả, hưởng thụ chứ không phải bình đẳng về cơ hội như là chủ trương của các chế độ dân chủ Tây Phương (Equality of Outcome vs. Equality of Opportunity). Chúng tôi đã có một bài phân tích về DEI này nên không thể bàn thêm ở đây!

Kiểu flip flop này cũng chẳng khác gì khi bà ta trong hơn ba năm từng tuyên bố “biên giới rất ổn định” (Border Secure) rồi mới đây xoay ngược 180 độ,  hô hào “bảo vệ biên giới” (Secure Border)!

 Vậy kế hoạch Kinh tế Cơ hội của bà Harris có những gì?

Ba điều then chốt chúng tôi nghe bà Harris lập đi lập lại:

– Giúp hoàn thuế cho những gia đình với đứa con đầu tiên $3600. Chúng tôi không có số liệu để ước tính tiền chi cho vụ này là bao nhiêu.

– Tài trợ tiền mua nhà cho những người mua nhà lần đầu, mỗi người $25,000. Theo ước tính hiện nay sẽ có không dưới 400 ngàn người đủ điều kiện này. Như thế, nhà nước sẽ chi ra khoảng 10 tỷ đô la.

– Tài trợ 50 ngàn đô la cho những ai muốn mở doanh nghiệp nhỏ. Người ta tính có đến hơn 25 triệu đơn xin. Vậy tiền chi ra sẽ là khoảng 1,250 tỷ đô la (xin nói rõ là một ngàn hai trăm năm mươi tỷ đô la).

Tổng cộng hai chương trình 2 và 3 là 1,260 tỷ (một ngàn hai trăm sáu mươi tỷ đô la)!

Với hơn 330 triệu dân Mỹ, mà chỉ có khoảng 25, 30 triệu người (chưa tới 10%) được hưởng quyền lợi kinh tế cơ hội này. Vậy thì sự công bằng là ở đâu? Chín mươi phần trăm kia không ở trong sự quan tâm của bà Harris ư?

 Tiền đâu?

Không rõ khi đề ra những chương trình vĩ đại này, bà Harris có dịp tham khảo các tài liệu về số tiền nợ quốc gia và thu nhập của Hoa Kỳ không?

Con số nợ quốc gia của Hoa Kỳ vào lúc này (15 giờ ngày 24 tháng 9, 2024) là 35.401 ngàn tỷ đô là; so với Tổng sản lượng (GDP) là 28.678 ngàn tỷ đô la (tỷ lệ 124%). Làm thử con tính, Hoa Kỳ hiện đang thâm thủng đến 7.723 ngàn tỷ đô la.

Chúng tôi xin mời quý vị xem qua mức nợ của các đời Tổng thống gần đây:

Sau 8 năm thời Tổng thống Bill Clinton, nợ tăng 1.4 ngàn tỷ

Sau 8 năm thời Tổng thống George Bush, nợ tăng 6.1 ngàn tỷ.

Sau 8 năm thời Tổng thống Obama, nợ tăng 8.34 ngàn tỷ. (là mức tăng cao nhất, từ 11.9 ngàn tỷ tháng 9 năm 1998 lên 20.24 tháng 9 năm 2017).

Sau 4 năm thời Tổng thống Trump, nợ tăng 8.18 ngàn tỷ. Điều này được giải thích do đại nạn Covid mà cả thế giới đều gánh hoạ. Hoa Kỳ dù có tài giỏi đến đâu cũng không tránh được..

Thời Tổng thống Biden, chưa hết 4 năm, nợ tăng 6.17 ngàn tỷ.

 Hoa Kỳ đang đứng vị trí nào?

Hiện nay Hoa Kỳ đứng hàng thứ tư trong các quốc gia có mức thâm thủng ngân sách cao nhất. Chúng tôi dùng số liệu của những nước lớn và có sự sai biệt so với số liệu chính thức của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ.

Ông Biden chỉ còn hơn ba tháng nữa là trở thành quá khứ. Nhưng chưa tới bốn năm, ông đã gây bao thảm hoạ cho đất nước. Ông chi phí vung vít cho những chương trình không nằm trong kế sách ích quốc lợi dân. Điển hình, chi tiêu cho hai cuộc ở Israel và Ukraine lên tới hàng trăm tỷ đô là nhưng vẫn không giúp giải quyết dứt điểm vấn đề. Mới lên cầm quyền, ông khóa ống dẫn dầu Keyston làm cho Hoa Kỳ lệ thuộc nguồn dầu ngoại bang, giá xăng dầu lên hơn 50% kéo theo các giả khác trong sinh hoạt hàng ngày của dân chúng. Đột ngột rút ra khỏi Afghanistan, ông đã bỏ lại cho bọn khủng bố Taliban hơn 80 tỷ đô la chiến cụ tối tân! Trong hơn ba năm, ông mở cửa biên giới rước vào hơn 10 triệu di dân bất hợp pháp và đã chi ra cũng tới vài trăm tỷ đô la để lo cho những người này từ y tế, học hành, nơi ăn chốn ở. Trong khi đó, Hoa Kỳ có 1 phần sáu dân số đang ở mức nghèo, phải nhận trợ cấp thực phẩm, hàng trăm ngàn dân không nhà. Hạ tầng cơ sở tại nhiều thành phố xuống cấp nghiêm trọng; nhiều khu dân cư tàn tệ chẳng hơn gì ở các nước thứ ba, ngay cả chẳng khá hơn ở Haiti!

Với cái đà thâm hụt này, nếu bà Harris may mắn đắc cử và đem áp dụng những chương trình của bà thì có ngày Hoa Kỳ sẽ bán hết đất đai, công nghiệp cho Trung Cộng hay bất cứ kẻ thù giàu có nào để sống lê lết qua ngày!

Giải quyết nạn gia tăng giá cả là phải tăng thu giảm chi; là nhìn vào luật cung cầu của thị trường khuyến khích sản xuất, đầu tư để có sản phẩm sung mãn cho nhu cầu; giảm những thứ chi tiêu vô lý; dành ngân sách cải thiện hạ tầng cơ sở thay vì đi viện trợ tứ phương chỉ làm giàu cho tài phiệt vũ khí, năng lượng. Ngay sự tăng tiền lương cũng không phải là giải pháp hay, vì nó lại sẽ làm tăng giá sinh hoạt ở mức độ cao hơn.

Cường quốc Hoa Kỳ rồi sẽ tiến theo kịp Bắc Hàn một ngày không xa?

No comments:

Post a Comment