Wednesday, September 11, 2024

VNTB – Đằng sau các hoạt động kiểm tra và giám sát là gì?
Minh Hải
11.09.2024 4:23
VNThoibao



(VNTB) – Người dân có quyền hoài nghi về tính trung thực trong phát ngôn và việc làm của cán bộ thanh tra, kiểm tra và giám sát là chuyện thường tình.


Dư luận Việt Nam hiện vẫn chưa nguôi cơn phẫn nộ vụ việc hơn 80 em bé ở mái ấm Hoa Hồng (Q.12, TP. Hồ Chí Minh) bị các bảo mẫu bạo hành dã man vừa mới được báo chí phanh phui. Từ vụ bạo hành này và cũng như nhiều vụ bạo hành trẻ em tương tự xảy ra trước đó, dư luận cũng đặt câu hỏi, vậy vai trò kiểm tra và giám sát của cơ quan chức năng địa phương ở đâu? Sao lại để một vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong khoảng thời gian dài mà không phát hiện?.

Trả lời câu hỏi này, tại buổi họp báo Kinh tế- Xã hội vào ngày 5/9/2024, Phó Chủ tịch UBND Q.12 bà Võ Thị Chính cho biết, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Lao động & Thương binh-Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 2 lần; Lần thứ nhất là vào tháng 11/2023 và Lần thứ 2 là vào tháng 4/2024 đối với mái ấm Hoa Hồng.

Ngoài ra, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của quận vào tháng 7/2024 cũng đã thực hiện giám sát đối với mái ấm này. Tuy nhiên, những lần kiểm tra, giám sát Cơ quan chức năng đều không phát hiện sai phạm, cơ sở hoạt động đúng với giấy phép thành lập.

Thật khó tin cho câu trả lời của bà Chính là trung thực. Bởi lẽ, mái ấm Hoa Hồng dù thế nào cũng là cơ sở dân sinh, hoạt động trá hình tinh vi cỡ nào mà qua mặt được cơ quan chức năng với đầy đủ nghiệp vụ? Tiếp nữa là, cơ sở này chỉ được cấp phép nuôi dưỡng 39 em bé nhưng thời điểm phanh phui vụ bạo hành thì phát hiện ở đây có trên 80 em bé, con người chứ có phải sinh vật nào đâu mà không phát hiện được? Cuối cùng, các em bé bị các bảo mẫu bạo hành khóc cả đêm, người dân biết, báo đài vào cuộc điều tra mà cơ quan chức năng địa phương nói không biết là điều hết sức vô lý.

Phải chăng, cơ quan chức năng Q.12 hễ khi thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát đã có người tiếp tay cho những sai phạm, báo trước cho bà Giáp Thị Sông Hương-chủ mái ấm Hoa Hồng biết trước đặng chuẩn bị giải pháp đối phó?

Như đã nói trên, từ trước đến nay có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em do người dân và báo đài phát hiện, phanh phui rồi sau đó Cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, xử lý.

Do đó, những nghi vấn về phát ngôn của đại diện Q.12 không phải là không có sở. Thực tế ở Việt Nam thời gian gần đây, có nhiều vụ án được đưa ra xét xử mà bị cáo từng là những cán bộ chuyên kiểm tra, giám sát vụ việc. Họ đã thông đồng, nhận hối lộ để bỏ qua, bỏ lọt sai phạm, hoặc lợi dụng chức vụ để tống tiền, trục lợi cá nhân.

Đơn cử như vào năm 2020, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đã đưa vụ án “nhận hối lộ” và “hối lộ” ra xét xử 8 bi can gồm: 3 giám đốc doanh nghiệp và 5 cựu cán bộ Thanh tra tỉnh.

Cáo trạng vụ án cho biết, vào tháng 4/2019, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát công tác quản lý ngân sách xây dựng tại huyện Thiệu Hóa gồm 5 người: trưởng đoàn Lê Mạnh Hà (SN 1962) và 4 thanh tra viên là Nguyễn Thị Cúc (SN 1964), Nguyễn Hưng (SN 1962), Nguyễn Quý Diễn (SN 1969), Dương Văn Bằng (SN 1962).

Quá trình thanh tra, giám sát, Hà cùng 4 thanh tra viên phát hiện 3 doanh nghiệp mắc nhiều sai phạm gồm Hải Lam (địa chỉ: P. Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) do ông Nguyễn Gia Hải làm Giám đốc, Cường Quý (địa chỉ: Thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa). Đoàn thanh tra đã ép 3 Giám đốc của các công ty này hối lộ để bỏ qua sai phạm. Ngoài ra, 5 cán bộ Thanh tra trên còn nhận hối lộ từ một trường học.

Vào ngày 18/4/2019, hành vi của các bị can bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang. Tổng số tiền sai phạm là hơn 594 triệu đồng.

Thêm một vụ án khác là vào tháng 8/2021, Tòa án tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án 4 cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cáo trạng vụ án cho biết, vào tháng 3/2019, Bộ Xây Dựng cho thành lập đoàn Thanh tra gồm: Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1975)- Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng –Thanh tra Bộ Xây dựng làm Trưởng đoàn Thanh tra và 3 thanh tra viên là: Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1977), Đặng Hải Anh (SN 1981), Nguyễn Thùy Linh (SN 1994) để thanh tra, giám sát các công trình, dự án do UBND huyện Vĩnh Tường làm Chủ đầu tư theo Quyết định số 1369QĐ/-BXD ngày 24/10/2018 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, vì có động cơ trục lợi nên vừa đến huyện Vĩnh Tường, 4 cán bộ Thanh tra yêu cầu cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng tổng hợp, báo cáo toàn bộ các dự án, công trình xây dựng từ năm 2013- 2018 do 29 xã và thị trấn làm Chủ đầu tư, tức là không đúng đối tượng thanh tra theo Quyết định số 1369QĐ/-BXD.

Khi có được các báo cáo, 4 cán bộ Thanh tra đã vạch ra những sai phạm của chủ đầu tư, doanh nghiệp lẫn nhà thầu và yêu cầu các nhà thầu tư vấn phải nộp 5% giá trị hợp đồng, nhà thầu thi công phải nộp 0,15% giá trị hợp đồng để bỏ qua những sai phạm. Số tiền thu được, 4 cán bộ Thanh tra chi cho việc thanh tra và bỏ túi riêng.

Tháng 6/2019, khi đang nhận hối lộ tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường thì cả 4 cán bộ Thanh tra bị Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang.

Hoặc vụ án gần đây nhất là đại án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan. Đây là đại án kinh tế-tài chính tham nhũng lịch sử từ trước đến nay của Việt Nam. Hồi tháng 4/2024 vừa qua, đại án đã kết thúc với phiên xét xử sơ thẩm, một án tử hình dành cho bị cáo Trương Mỹ Lan, hơn 80 bị cáo còn lại lãnh bản án từ 3 năm tù cho đến chung thân.

Một trong những điểm nhấn của vụ đại án này là 100% thành viên trong đoàn Thanh tra và Ngân hàng Nhà nước gồm 24 cán bộ trong quá trình kiểm tra, giám sát Ngân hàng SCB đều nhận hối lộ từ 100 triệu đồng cho đến 5,2 triệu USD để bao che cho những sai phạm của Ngân hàng này. Hành vi của những bị cáo đã tiếp tay, tạo điều kiện cho bà Trương Mỹ Lan- Vạn Thịnh Phát và đồng phạm sau đó tiếp tục rút tiền, sử dụng đồng tiền trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.

Qua đó mới thấy, thanh tra thì cứ thanh tra, kiểm tra và giám sát thì cứ việc kiểm tra và giám sát, còn về báo cáo kết luận như thế nào lại là chuyện khác. Cho nên, trước khi sự thật của vụ việc được phơi bày, người dân có quyền hoài nghi về tính trung thực trong phát ngôn và việc làm của cán bộ là chuyện thường tình.

No comments:

Post a Comment