VNTB – Ông Trọng đã ‘xuất hết chiêu’?Hà Nguyên
28.04.2024 1:41
VNThoibao
Cuối tháng 12-2020, báo chí ngợi ca hết lời công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng; như, “trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và chuẩn bị nhân sự Đại hội XII của Đảng, sau khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, gồm 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Chỉ đạo”.
“Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phục vụ công tác nhân sự Đại hội XIII được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch hơn. Trên cơ sở danh sách quy hoạch của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, đã được Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ, khách quan từng nhân sự trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định”.
Kết quả thì hàng loạt cán bộ được cho là do tham nhũng cần phải triệt bỏ từ giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Thanh Long cùng loạt quan chức bộ, ngành khác qua việc lợi dụng dịch bệnh Covid đưa đến con số thương vong đến vài chục ngàn người trong thời gian ngắn để mà trục lợi, tham nhũng.
Tiếp theo đó là nhân danh ‘củi – lò’, người ta thấy ban đầu là ‘song kiếm hợp bích’ giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với Bộ Công an trong phối hợp các vụ việc tham nhũng, để rồi dần về cuối nhiệm kỳ khóa XIII thì Bộ Công an lấn lướt hẳn, không che giấu tham vọng bằng việc thanh trừng nội bộ để tạo thế lực, vây cánh cho củng cố ngôi vị Tổng bí thư đối với người đứng đầu bộ chuyên trách hành pháp này.
Gọi là tham vọng quyền lực vì Bộ Công an còn lấn sân cả vai trò lập pháp, khi đây là nơi chấp bút soạn thảo các dự luật, như trong năm 2023 vừa qua, Bộ Công an đảm nhiệm các dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật về Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp).
Trong năm nay 2024, Bộ Công an tiếp tục chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Việc lập pháp theo kiểu soạn thảo luật ở Bộ Công an là không tránh khỏi lợi ích nhóm.
Theo nghĩa chung nhất, “lợi ích nhóm” là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau để cùng có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Về chủ thể, nhóm người này là “nhóm lợi ích”.
Xét trên thực tế có hai loại “lợi ích nhóm” với tính chất khác nhau: “lợi ích nhóm” tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhóm người, không làm ảnh hưởng, không mâu thuẫn với lợi ích chung của xã hội, của quốc gia, dân tộc; “lợi ích nhóm” tiêu cực là lợi ích cục bộ của nhóm người hoặc của ngành, địa phương, không chính đáng, bất hợp pháp, mâu thuẫn, gây thiệt hại cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam, loại “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” thường được đề cập là loại “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực. Và trong chiều hướng đó cho thấy tham vọng thâu tóm quyền lực ngày càng lộ rõ với Bộ Công an từ cả những vụ thanh trừng trong nội bộ Đảng.
Xem ra sau 3 khóa liền trên cương vị Tổng bí thư, về cuối nhiệm kỳ càng lộ rõ việc ông Nguyễn Phú Trọng dường như đã cạn vốn liếng, chiêu trò của việc kiểm soát quyền lực dần đang ‘chuyển chủ’ (!?).
No comments:
Post a Comment