VNTB – Công an cố tình đốt nhà tạm giữ xe để phi tang chứng cứ?Cảnh Chân
02.04.2024 12:22
VNThoibao
Chỉ trong tháng 3 đã có hai vụ cháy nhà tạm giữ xe tang vật cách nhau chỉ 4 ngày. Vụ đầu tiên là cháy nhà tạm giữ xe máy vi phạm hành chính của Công an huyện Tánh Linh, Bình Thuận, ngày 15/03. Chỉ trong 45 phút mà ngọn lửa đã thiêu rụi 232 xe máy, gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng, chưa kể những vật dụng khác. Tiếp đó, ngày 19/03, nhà tạm giữ xe của Công an huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cũng bất ngờ bốc cháy.
Trước đó, chiều ngày 26/12 năm ngoái, một vụ hoả hoạn tại nhà để xe công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã thiêu rụi hơn 100 chiếc xe máy. Ở Bình Dương thì trưa ngày 22/05/2022 có 140 chiếc xe máy bị cháy rụi bãi tạm giữ phương tiện vi phạm thuộc công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một.
Thiệt hại lớn nhất có lẽ là vụ cháy bãi xe tang vật do Phòng CSGT Đường bộ đường sắt Công an TP.HCM quản lý ngày 06/6/2022. Ngọn lửa đã làm cháy một diện tích khoảng 1.100 m2 thiêu rụi 2.244 xe máy và 10 xe hơi. Cũng tại Thủ Đức, một năm trước đó, khuya ngày 30/03/2021, 75 chiếc xe máy cũng cháy trơ khung tại bãi tạm giữ thuộc Đội CSGT khu vực 3 TP.Thủ Đức. Đáng chú ý là cả 75 chiếc xe này đều không có giấy tờ, bị tạm giữ thời gian dài và đang trong thời gian hoàn tất thủ tục hồ sơ, chờ bán đấu giá.
Cơ quan công an là nơi nắm rõ nhất về các nguyên tắc phòng cháy chữa cháy. Khi thu giữ xe của người dân thì phải rút hết xăng, đặt xe ở vị trí thoáng để bảo quản tài sản của người dân một cách an toàn. Đó cũng là một cách tôn trọng người dân của người cán bộ, người luôn tự nhận mình là “đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Cho nên việc để cho tài sản người dân bị cháy dễ dàng như vậy chính là thể hiện sự tắc trách, thiếu nghiệp vụ và coi thường người dân.
Ngoài ra, theo điều 9 Nghị định 115/2013 quy định: “Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện”. (1)
Dựa vào quy định trên, việc nhà tạm giữ xe dễ dàng bị cháy rụi một cách nhanh chóng và thường xuyên khiến người dân nghi công an cố tình đốt nhà giữ xe để che giấu việc thay thế phụ tùng xe. Những chiếc xe vi phạm luật giao thông dẫn tới bị tạm giữ thường là xe độ với phụ tùng đắt tiền, chỉ cần tháo ra và thay bằng đồ giả, kém chất lượng thì sẽ thu được lợi nhuận cao. Hoặc đơn giản là công an đã bán nguyên chiếc xe của người dân để thay xe cũ, xe nát vào đó, và một vụ cháy sẽ xóa hết dấu tích của việc “trộm long tráo phụng”.
Không chỉ vậy, đây cũng có thể là một hình thức trục lợi tiền bảo hiểm của cơ quan công an. Khi công an tạm giữ xe của người dân thì Nhà nước đã chịu trách nhiệm về tài sản của người dân. Trong trường hợp bị cháy hoặc bị thiệt hại bất khả kháng, thì phía bảo hiểm sẽ chuyển tiền cho phía nhà giữ xe, từ đó thì công an mới đền bù cho người dân.
Nhưng đối với những xe không có giấy tờ thì chủ xe khó mà nhận được đền bù, như trường hợp 75 chiếc xe bị cháy ở bãi tạm giữ thuộc Đội CSGT khu vực 3 TP.Thủ Đức ngày năm 2021. Tuy nhiên trong trường hợp người dân có đủ giấy tờ thì cũng chưa chắc nhận được tiền đền bù bởi những thủ tục phức tạp hiện nay. Còn nếu bảo hiểm không đền bù, phải lấy Ngân sách Nhà nước ra để đền thì thiệt hại nhất vẫn là dân vì ngân sách cũng từ thuế của dân mà ra…
_______________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment