Thursday, April 25, 2024

VNTB – Bộ Ngoại giao VN tiếp tục phản đối Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
Lynn Huỳnh
26.04.2024 6:29
VNThoibao



(VNTB) – Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao cho rằng Hoa Kỳ đã “đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam”.

 Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 25-4, trả lời đề nghị bình luận về báo cáo nhân quyền vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 22-4 rồi, trong đó có phần đề cập đến Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho là: “Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22-4 mặc dù đã phản ảnh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam”.

Theo báo cáo này dẫn chứng, mục sư Đinh Diêm là người dân tộc Hre, là Uỷ viên Truyền giáo khu vực miền Trung thuộc Giáo hội Liên Hữu Tin Lành Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ, là Ủy viên mục sư đoàn VPEF thuộc Ban Đại Diện Dân Tộc Hre. Ông bị công an Quảng Ngãi cáo buộc vi phạm điều 79 Bộ luật hình sự về tội “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Ông bị bắt giam và bị tuyên án tù 16 năm vào ngày 12-07-2018. Mục sư bị giam giữ tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, và đã chết sau khi nhập viện ngày 5-1-2023. Nhà chức trách cho ông chết do bệnh. Gia đình ông Diêm phản đối điều này và nói với giới truyền thông rằng ông có nhiều vết bầm tím trên cơ thể.

Một trường hợp khác, ngày 25-5-2023, Nguyễn Tấn Dương tử vong khi đang bị cơ quan công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước tạm giữ. Truyền thông Nhà nước đưa tin ông Dương bị bắt cùng hai nghi phạm khác vào sáng sớm ngày 25-5. Đến 10 giờ sáng, ông Dương đã chết. Thi thể của ông được đưa đến bệnh viện, trên người có đầy vết bầm tím ở đầu, chân tay và mông.

Chính quyền đã sách nhiễu và đe dọa những gia đình của mục sư Đinh Diêm, Nguyễn Tấn Dương đặt câu hỏi về các kết luận chính thức nguyên nhân tử vong của người thân mình.

Việc tra tấn cùng những hình phạt vô nhân đạo cũng được dẫn chứng trong  báo cáo. Theo đó, vào tháng 2-2023, các nhóm nhân quyền cho biết an ninh Đắk Lắk đã bắt giữ và hành hung hai người đứng đầu các nhóm người dân tộc thiểu số H’mông thuộc Phân khu 179 ở tỉnh Lâm Đồng sau khi họ tiếp xúc với các nhà ngoại giao nước ngoài.

Tương tự, vào ngày 23-6-2023, các nhóm nhân quyền đưa tin chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã bắt giữ một nhà hoạt động người Khmer Krom vì phổ biến các ấn phẩm của Liên hợp quốc về nhân quyền. Các nhân viên an ninh được cho là đã hành hung nhà sư này khi nhà sư đang bị giam giữ.

Theo các nhóm nhân quyền, chính quyền đã cưỡng bức điều trị ít nhất bốn nhà hoạt động tại bệnh viện tâm thần.

Trong xét xử, nhà bất đồng chính kiến Trần Văn Bang bị kết án 8 năm tù và 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống Nhà nước”. Thế nhưng theo một nguồn tin giấu tên, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Bang ở phiên tòa sơ thẩm đã rút khỏi phiên tòa phúc thẩm vì bị áp lực.

Vào tháng 3-2023, Công an tỉnh Long An được cho là đã triệu tập năm luật sư bào chữa cho các thành viên của một nhóm tôn giáo (Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền an bên bờ vũ trụ) vì bàn luận công khai trên mạng xã hội.

“Luật quy định bị cáo vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Quyền của bị cáo được cung cấp thông tin chi tiết, nhanh chóng liên quan đến cáo buộc chống lại họ hiếm khi được tôn trọng. Quyền của bị cáo được xét xử kịp thời đã bị bỏ qua, và mặc dù các phiên tòa thường được mở công khai nhưng các thẩm phán đã cho xử kín, hoặc hạn chế nghiêm ngặt sự tham dự trong các vụ án nhạy cảm.

Có một số trường hợp, đặc biệt là các nhà hoạt động chính trị, trong đó chính quyền từ chối yêu cầu người thân, hoặc những người quan sát khác đến tham dự các phiên tòa, mặc dù các phiên tòa bề ngoài có vẻ được cho xử công khai” – trích báo cáo, qua đó cho thấy một số ghi nhận kể trên về hành vi nhân quyền ở Việt Nam đúng là thiếu tôn trọng, và cần thiết cầu thị sửa đổi.

 


 

No comments:

Post a Comment