Monday, April 1, 2024

Việt Nam - Úc : Mối quan hệ “thực chất” dựa trên “niềm tin chính trị”
Thu Hằng
Đăng ngày: 01/04/2024 - 12:12
RFI

Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đánh dấu thành công mới trong chiến lược “ngoại giao cây tre” của Hà Nội. Trong thông cáo chung ngày 07/03/2024, hai nước “chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, “không bị ép buộc, nơi độc lập, chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng”. Dù không nêu đích danh Úc và Việt Nam nhưng Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ “ưu tiên đối đầu, lập liên kết độc quyền”.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (P), và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại lễ ký kết nâng cấp quan hệ, Quốc Hội Úc, Canberra, ngày 07/03/2024. AP - Lukas Coch

Nếu được ký trong năm 2023, đúng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, “niềm vui sẽ được trọn vẹn”, theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Vin, Hà Nội. Tuy nhiên, lịch trình đã được dãn ra. Phải chăng để tránh chọc giận Bắc Kinh ? Tháng 09/2023, Việt Nam đón tổng thống Joe Biden và nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang tầm quan trọng với Trung Quốc vì “đối với Mỹ, thời điểm đó không thể trì hoãn hơn”.

Nhưng lùi sang năm 2024 không có nghĩa là làm giảm ý nghĩa chiến lược và lòng tin của hai bên, đặc biệt là Úc là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và duy trì “mối quan hệ thân hữu”, theo ca ngợi của thủ tướng Scott Morrison trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 08/2019.

Trên đây là một trong số những nhận định khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt của tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp thỉnh giảng về chính trị học tại Đại học Công nghệ Queensland, phó giáo sư thỉnh giảng về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Sunshine Coast ở Úc.


RFI : Năm 2023, thủ tướng Anthony Albanese, tiếp theo là ngoại trưởng Penny Wong thăm Việt Nam. Từ ngày 04-08/03/2024, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự thượng đỉnh Úc-ASEAN, sau đó thăm chính thức Úc. Chuyến công du của ông Chính có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ giữa hai nước ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải : Tôi cho rằng cả hai nước đều thực sự muốn nâng cấp quan hệ bởi vì cả hai nước đều nhìn thấy được vai trò, vị trí chiến lược của nhau, tầm quan trọng của mỗi nước đối với vấn đề phát triển và an ninh của nhau. Ngay từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm, phía Úc đã nhìn thấy vị trí, vai trò chiến lược của Việt Nam trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, ngay cả khi chiến tranh thời đó chưa kết thúc, Úc cũng sẵn sàng tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với một nước vốn là cựu thù, với một nước vốn còn chiến tranh với cả một đồng minh của họ, đó chính là Mỹ vào thời điểm đó.

Ngược lại, Việt Nam cũng nhìn nhận Úc khác với cả những nước phương Tây khác. Mặc dù Úc cũng đưa quân tham chiến, giống như một số đồng minh khác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng cách tiếp cận cũng khá độc lập, khá tiến bộ và khá thân thiện với Việt Nam. Cho nên việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, tức là mức quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam đối với một đối tác nước ngoài, là điều được cả hai bên rất mong đợi. Tôi chỉ tiếc rằng việc này diễn ra hơi trễ một chút, lẽ ra các bên đều mong đợi nâng cấp từ năm ngoái (2023).

Việc nâng cấp quan hệ như vậy sẽ tạo điều kiện cho hai nước thực hiện những bước đi mang tính chiến lược hơn, kể cả từ góc độ kinh tế hay từ góc độ hợp tác quốc phòng-an ninh, cũng như một số lĩnh vực mới nổi khác như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới-sáng tạo… Đặc biệt là trong việc chống biến đổi khí hậu, cả Úc và Việt Nam đều đặt mục tiêu là đến năm 2050 giảm lượng phát thải về 0. Cả hai nước đều đặt mục tiêu đầy tham vọng như vậy, cho nên thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo điều kiện cho cả hai nước hỗ trợ cho nhau được tốt hơn.

Đặc biệt như chúng ta thấy thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổng kết lại việc nâng cấp quan hệ từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ở 6 “hơn” : tin cậy hơn về mặt chính trị, hợp tác sâu sắc hơn, hợp tác mạnh mẽ hơn, hợp tác thực chất hơn và gắn kết hơn. Tất cả những cái đó cho thấy sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Cho tới nay, mặc dù Việt Nam đã thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện với cả 7 nước, bao gồm cả Úc, nhưng qua nghiên cứu, theo dõi của tôi thì tôi cho rằng mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam và Úc sẽ thực chất và toàn diện đúng với nghĩa so với một số mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện khác của Việt Nam.

RFI : Việt Nam và Úc đều mong đợi nâng cấp từ năm 2023, nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vậy mối quan hệ song phương được phát triển như thế nào trong suốt nửa thế kỷ qua ?

TS Nguyễn Hồng Hải : Như tôi vừa nói, khi chiến tranh Việt Nam còn chưa kết thúc, Úc đã mạnh mẽ và sẵn sàng, dũng cảm - tôi hay dùng là “quyết định một cách dũng cảm” của các nhà chính trị, các nhà ngoại giao của cả hai bên - phải thừa nhận như vậy - tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/02/1973.

Trong suốt 50 năm, từ cựu thù, theo từng bước, hai nước tiến tới mối quan hệ thực sự tin cậy, chiến lược : từ cựu thù chuyển sang bạn bè, đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và bây giờ là đối tác chiến lược toàn diện. Không dễ dàng thấy được một mối quan hệ nào lại phát triển nhanh như vậy, và tôi nghĩ rằng không chỉ có ý nghĩa song phương mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực. Mối quan hệ đó phát triển theo toàn bộ chiều rộng và chiều sâu, từ kinh tế đến giáo dục, quốc phòng, an ninh, thương mại và đầu tư. Tất cả những mục tiêu mà hai nước đặt ra trong từng giai đoạn của sự phát triển quan hệ ngoại giao đều đạt được cả.

Ví dụ trước khi hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế của hai nước cũng đã phát triển nhưng chưa phải là những đối tác hàng đầu với nhau. Tôi nhớ là năm 2017, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 15 của Úc. Còn với Úc, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 12 hoặc 13. Nhưng khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2018, cả hai nước đặt mục tiêu sớm trở thành 1 trong 10 đối tác hàng đầu của nhau. Thậm chí là một năm sau đó, Úc đã trở thành đối tác lớn thứ 10 của Việt Nam. Còn Việt Nam đương nhiên chậm hơn một chút. Đến năm 2023, lần đầu tiên hai nước đã trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nhau : Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Úc, Úc là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam.

Hơn nữa, hai nước đã thiết lập những cơ chế hợp tác ở tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, chính trị. Ví dụ hai nước đã thiết lập cơ chế hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao thường niên từ năm 2018, hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng thường niên, hội nghị đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên cấp thứ trưởng. Vừa qua, khi nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, lần đầu tiên hai nước cũng đã tổ chức hội nghị bộ trưởng Thương Mại thường niên lần thứ nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư.

Nhìn vào đối ngoại của Việt Nam với các nước phương Tây, khó có một mối quan hệ đối tác nào mà thiết lập các cơ chế toàn diện đến như vậy và có sự tin cậy cao đến như vậy. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến cụm từ “tin cậy thực sự : Hai chế độ chính trị khác nhau, hai hệ thống chính trị khác nhau, lại vốn là cựu thù của nhau nhưng hai nước đã vượt qua tất cả những khó khăn của quá khứ, tất cả rào cản kể cả về mặt ý thức hệ để tiến tới mối quan hệ chặt chẽ, cao nhất như vậy. Tôi nghĩ là phải nói đến lòng dũng cảm, lòng tin cậy một cách thực sự đối với nhau. Tôi vẫn luôn nói là ở Việt Nam khó tìm được một đối tác phương Tây nào thân thiện và tốt như là Úc với Việt Nam.

RFI :Trong ngày khai mạc thượng đỉnh ASEAN-Úc, ngoại trưởng Penny Wong thông báo tài trợ 64 triệu đô la Úc cho vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông, cũng như sông Mêkông. Dù không nêu chi tiết nhưng bà ca ngợi nỗ lực “xác định lãnh hải” của bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia. Vậy Úc có thể hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong vấn đề an ninh hàng hải, bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông ?

TS Nguyễn Hồng Hải : Khoản tài trợ này dành cho chương trình “Sáng kiến đối tác hàng hải Đông Nam Á của Úc” (Australia’s Southest Asia Maritime Partnerships Initiatives). Mục tiêu là nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Úc trong việc nâng cao năng lực hàng hải và tăng cường việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực. Chúng ta hiểu rằng khoản tài trợ này không dành riêng cho một đối tác cụ thể nào, tức là các nước trong khu vực đó đều có thể được thụ hưởng và tham gia vào sáng kiến đó. Đương nhiên Việt Nam nằm trong Đông Nam Á, bây giờ có thể coi là một trong những thành viên chủ chốt trong ASEAN, cũng sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.

Chúng ta thấy là còn thiếu thông tin để xác định ưu tiên cụ thể của việc hỗ trợ của Úc đối với sáng kiến này. Ví dụ có thể diễn giải rằng Úc sẽ hỗ trợ việc nâng cao năng lực chấp pháp biển có được không ? Hoặc là hỗ trợ các nước trong việc thăm dò khai thác tài nguyên biển có được không ? Tuy nhiên, bộ trưởng Ngoại Giao Penny Wong thông báo sáng kiến này trong bối cảnh, theo phát biểu của bà, là Úc đang hợp tác với ASEAN để nâng cao khả năng đối kháng. Tôi dùng cụm từ “đối kháng”, ở đây rõ ràng là đối kháng hành động cưỡng ép để đảm bảo các tuyến hàng hải phục vụ lợi ích chung và luôn rộng mở, đi lại dễ dàng.

Đồng thời, theo bà, sự hợp tác này sẽ góp phần vào an ninh, thịnh vượng và quản lý hoạt động hàng hải trong khu vực. Đặt trong bối cảnh như thế, rõ ràng là sáng kiến này của Úc sẽ tập trung hỗ trợ cả về vật chất và đào tạo nhằm nâng cao năng lực chấp pháp trên biển, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, chia sẻ thông tin để quản lý hoạt động hàng hải và ứng phó với những thách thức trên biển.

Chúng ta biết rằng là Việt Nam và Úc lâu nay cũng có sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đặc biệt là hai bên đã có những cơ chế hợp tác ổn định. Nhưng sự hợp tác hàng hải cụ thể là nâng cao năng lực chấp pháp biển thì giữa hai bên chưa có. Nếu đọc tuyên bố chung, chúng ta cũng thấy rằng trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải - đây cũng là điều rất mới - tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý hàng hải giữa hai nước, bao gồm cả vấn đề về chia sẻ thông tin tình báo và quản lý bền vững tài nguyên biển, chống đánh bắt cá trái phép.

Như vậy, có thể thấy rằng Úc có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải, trong khuôn khổ sáng kiến về hợp tác hàng hải Đông Nam Á nói ở trên và hợp tác cả trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cấp. Tôi cho rằng Việt Nam và Úc đều là hai quốc gia biển, cả hai nước đều đặt mục tiêu là phát triển, mạnh vì biển, nên chắc chắn là hai nước không có lý do gì không phát triển mạnh vì biển và trở thành cường quốc biển.

Tôi mong đợi rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong thời gian tới, đặc biệt là trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cấp này, sẽ mở rộng ra các hoạt động huấn luyện và tuần tra hải quân chung. Hy vọng rằng chúng ta sẽ chứng kiến các tàu hải quân của Việt Nam có thể sẽ viếng thăm Úc và giao lưu với lực lượng hải quân hoàng gia Úc, thậm chí là thường xuyên hơn. Hiện nay chúng ta mới chỉ thấy tàu chiến Úc đến thăm các cảng biển của Việt Nam, chứ chưa có chiều ngược lại. Tôi hy vọng trong thời gian tới có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa lực lượng hải quân hai nước.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải.

No comments:

Post a Comment