Saturday, April 27, 2024

Trung Quốc thực sự có bao nhiêu đòn bẩy trước Iran?
27.04.2024
Nguồn: Christina Lu, “How Much Leverage Does China Really Have Over Iran?,” Foreign Policy, 19/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
NghiencuuQT


Washington muốn Bắc Kinh kiềm chế Tehran, nhưng giới chuyên gia cho rằng điều đó không đơn giản.

Ngay từ trước khi Iran phóng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa vào Israel, các quan chức Mỹ đã thúc giục Trung Quốc – một đối tác thương mại hàng đầu của Iran – sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Tehran hạn chế các hành động khiêu khích của họ và của các lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông.

Cuộc tấn công trả đũa hôm thứ Bảy (13/04/2024), đánh dấu cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel, chỉ làm tăng thêm sự soi xét của Mỹ đối với đòn bẩy tiềm năng của Bắc Kinh ở Trung Đông. Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại lớn nhất của Iran và các quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã công khai thúc ép Bắc Kinh giúp kiềm chế Tehran, đặc biệt khi các cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động vận tải biển toàn cầu.

Jon Alterman, Giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tiết lộ “Trung Quốc hiện chiếm khoảng 1/3 tổng thương mại của Iran, đồng thời là người bảo vệ quan trọng cho các lợi ích của Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo tôi, có lẽ Trung Quốc là quốc gia có khả năng mạnh nhất để gây ảnh hưởng đến Iran nếu họ muốn.”

Trong lúc căng thẳng giữa Israel và Iran tiếp tục leo thang, các nhà lập pháp Mỹ đang gia tăng áp lực. Trong động thái mới nhất, hôm thứ Hai (15/04/2024), Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Trừng phạt Năng lượng Iran-Trung Quốc với tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Dự luật này vốn được thiết kế để nhắm vào các công ty Trung Quốc mua dầu thô từ Iran, theo đó đó bơm tiền vào nền kinh tế Iran. Tiếp theo, dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện.

Cũng trong ngày 15/04/2024, Hạ nghị sĩ Mỹ Josh Gottheimer phát biểu “Trong lúc chúng ta còn đang nói, Iran đã sử dụng hoạt động buôn bán dầu mỏ với Trung Quốc để tạo ra doanh thu đáng kinh ngạc 150 triệu đô la mỗi ngày. Bằng cách nhập khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày, Trung Quốc đang giúp chế độ Iran tiếp tục hoạt động và cung cấp nguồn vốn quan trọng cho chương trình nghị sự hỗn loạn của Tehran, bao gồm cả việc phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.”

Dù Mỹ đang ngày càng trông cậy vào Trung Quốc để gây ảnh hưởng với Iran, một số chuyên gia cảnh báo rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Hiếm có quốc gia nào có quan hệ kinh tế đáng kể với Tehran như Bắc Kinh. Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, một quan hệ lâu dài chủ yếu xoay quanh buôn bán dầu mỏ. Từ năm 2020 đến năm 2023, các công ty Trung Quốc đã tăng gấp ba lần lượng dầu nhập khẩu từ Iran, khiến doanh số bán hàng tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 năm.

Nhưng quan hệ kinh tế của họ cũng là một trong những quan hệ có ảnh hưởng bất cân xứng. Chẳng hạn, vào năm ngoái, hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran là sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc còn có nhiều nhà cung cấp khác ngoài Iran, và nguồn cung của Tehran chỉ chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Patricia Kim, một nghiên cứu viên tại Viện Brookings, nói với tờ Foreign Policy qua email “Là đối tác thương mại lớn nhất và là cường quốc bảo trợ của Iran, Bắc Kinh có các kênh liên lạc đặc quyền với Tehran và chắc chắn có nhiều ảnh hưởng đối với nước này hơn Mỹ hoặc các đồng minh của họ.” Tuy nhiên, bà nói thêm, “rất khó để xác định Bắc Kinh có thể kiềm chế Tehran đến mức nào nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định lựa chọn một cách tiếp cận mang tính can thiệp hơn.”

William Figueroa, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Iran tại Đại học Groningen ở Hà Lan, nhận xét rằng: dù Trung Quốc có một số đòn bẩy về dầu mỏ và thương mại, nhưng các đòn bẩy đó rất khó triển khai cả về mặt chính trị lẫn hậu cần. Ví dụ, các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc đang hoạt động trên thị trường chợ đen, mua phần lớn dầu của Iran một cách trái phép, chứ không phải thông qua các nhà máy lọc dầu nhà nước. Ông nói, những nhà máy lọc dầu tư nhân này “nổi tiếng là khó quản lý,” khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc kiểm soát trực tiếp việc nhập khẩu dầu từ Iran.

Quy mô đầu tư của Trung Quốc vào Iran, chủ yếu do các công ty tư nhân thúc đẩy, cũng là một điểm nhức nhối trong quan hệ giữa hai nước. Figueroa cho biết, Trung Quốc đã “thường xuyên đầu tư dưới mức” vào Iran, theo đó dẫn đến những lời phàn nàn từ Tehran và “ảnh hưởng đến thiện chí của họ trong việc chấp nhận áp lực từ Trung Quốc.”

“Tóm lại, Trung Quốc có thể làm gì? Có rất ít khoản đầu tư đang bị đe dọa hủy bỏ, và người Trung Quốc cũng đã không tuân thủ các cam kết trước đó,” ông nói. “Tức là có rất ít củ cà rốt và rất ít cây gậy.”

Trước đây, Iran từng thể hiện thái độ sẵn sàng thách thức khách hàng lớn nhất của mình. Tháng 12 năm ngoái, Iran đã giới hạn việc xuất khẩu dầu và tăng giá bán cho người mua Trung Quốc, làm giảm doanh số bán dầu và “cho thấy quan hệ kinh tế cũng có những giới hạn của nó,” theo Eric Olander, Tổng biên tập của Dự án Trung Quốc-Phương Nam toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào quan hệ của Trung Quốc với châu Phi và các nước phương Nam.

“Ở Washington đang có quan điểm cho rằng nếu anh có sức mạnh kinh tế thì điều đó sẽ chuyển thành sức mạnh chính trị,” Olander nói. “Nhưng lập luận đó không đúng với Iran. Người Iran đã bị thử thách suốt hàng chục năm dưới các lệnh trừng phạt. Họ sẽ không hạ thấp nhu cầu an ninh quốc gia và những cân nhắc chính trị của mình trước người Trung Quốc chỉ vì những cân nhắc về kinh tế.”

Trong khi đó, Trung Quốc cũng không có dấu hiệu chấp nhận áp lực từ Washington. Bắc Kinh đã cẩn trọng đứng bên lề cuộc chiến Israel-Hamas, tận dụng cuộc xung đột để liên kết với các nước phương Nam. Và mỗi khi Bắc Kinh lên tiếng, chẳng hạn như để thúc giục Iran hạn chế các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, họ chỉ tập trung vào việc giảm thiểu tác hại đối với lợi ích của chính Trung Quốc.

Washington và Bắc Kinh cũng có quan điểm rất khác nhau về cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông. Sau cuộc tấn công của Iran nhắm vào Israel, Bắc Kinh dường như ủng hộ hành động của Tehran và cho biết họ sẵn sàng “thúc đẩy hợp tác thực tế một cách ổn định.” “Trung Quốc lên án mạnh mẽ và phản đối cuộc tấn công vào Đại sứ quán Iran ở Syria, và tin rằng cuộc tấn công này là sự vi phạm nghiêm trọng và không thể chấp nhận được đối với luật pháp quốc tế,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết. Ông cũng gọi phản ứng của Iran là “một hành động tự vệ.”

Ông nói thêm: “Trung Quốc đánh giá cao việc Iran nhấn mạnh sẽ không nhắm mục tiêu vào các nước láng giềng và khu vực, cũng như việc nước này nhắc lại cam kết tiếp tục thực hiện chính sách láng giềng hữu nghị và thân thiện.”

Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, nhận định “Đối với Trung Quốc, việc đánh bom đại sứ quán của một quốc gia có chủ quyền khác là không thể chấp nhận được. Vì vậy, trước khi cộng đồng quốc tế nói về cách ngăn chặn Iran, tôi nghĩ câu hỏi phản bác của Trung Quốc sẽ là: ‘Thế thì làm cách nào để ngăn chặn Israel?’”

Tóm lại, Bắc Kinh chẳng mấy quan tâm đến việc can thiệp vào Trung Đông và để bị coi là cúi đầu trước áp lực của Mỹ.

“Lý luận của việc yêu cầu Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của họ để kiềm chế hoặc hạn chế người Iran về cơ bản là vô nghĩa. Nó chẳng mang lại lợi ích chính trị gì cho người Trung Quốc,” Olander nói. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “sẽ không bao giờ nhận lệnh từ Mỹ, đặc biệt là về vấn đề Iran. Quan điểm đó hoàn toàn không hợp lý.”

Christina Lu là phóng viên của tờ Foreign Policy.

No comments:

Post a Comment