Monday, March 27, 2023

Vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus : Phương Tây khó lên án Nga tại Hội Đồng Bảo An
Minh Anh
Đăng ngày: 27/03/2023 - 16:07
RFI

Hình minh họa: Các quan chức Nga tham quan triển lãm các loại vũ khí chiến thuật tại Matxcơva, ngày 02/02/2023. AP - Ekaterina Shtukina

Ngày 25/03/2023, tổng thống Vladimir Putin thông báo sẽ cho bố trí các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Tuyên bố này khiến Kiev và các đồng minh phương Tây lo ngại Nga dùng vũ khí chiến thuật trên chiến trường Ukraina. Liệu Nga có vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Matxcơva đã ký kết dưới thời Liên Xô cũ như cáo buộc từ nhiều nước phương Tây ?  

Kể từ lúc Chiến Tranh Lạnh kết thúc, rất ít người biết chính xác Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW), loại vũ khí được dùng cho các lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường thay vì phá hủy các thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ hoặc là Nga, theo như định nghĩa của giới học thuật và các nhà đàm phán kiểm soát vũ khí.  

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, người ta chỉ biết Nga có khoảng 22000 TNW, còn Mỹ là 11500. Hầu hết số vũ khí này đã được tháo dỡ hoặc đang chờ tháo dỡ. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ rất nỗ lực thúc đẩy việc đưa về Nga các kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô đóng tại Belarus, Ukraina và Kazakhstan vì Nga kế thừa kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô.  

Theo Reuters, số đầu đạn hạt nhân và TNW còn lại đó được lưu trữ tại ít nhất 30 căn cứ quân sự và hầm chứa dưới sự kiểm soát của Tổng cục 12, thuộc bộ Quốc Phòng. Và cũng kể từ đó, Nga không công bố bất kỳ hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân nào bên ngoài lãnh thổ. Do vậy, nếu thông báo triển khai TNW của tổng thống Putin thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Matxcơva có một kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân ngoài lãnh thổ.   

Theo lập luận của chủ nhân điện Kremlin, ngoài việc nhằm đáp trả việc Anh Quốc sẽ cấp cho Ukraina các loại vũ khí có chứa chất uranium nghèo, thỏa thuận triển khai TNW với Minsk không vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân được ký kết từ dưới thời Liên Xô cũ.  

Theo Hiệp ước này, « không một cường quốc hạt nhân nào có thể chuyển giao vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ cho một cường quốc phi hạt nhân, nhưng được phép  bố trí các vũ khí này, dưới sự kiểm soát của Hiệp ước – đây chính là những gì Mỹ đã làm tại châu Âu.  

Và đây cũng chính là điều tổng thống Nga chỉ trích. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình, ông Putin cho rằng quyết định này là « không có gì bất thường » khi mà « Hoa Kỳ đã triển khai 200 TNW của mình từ lâu tại sáu nước đồng minh châu Âu là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Ý và Hy LạpĐể có thể sử dụng chúng, 257 chiến đấu cơ đã được chuẩn bị, không những của Mỹ mà cả từ các nước châu Âu ».  

Những con số mà chuyên gia Hans M. Kristensen, giám đốc « Dự án Thông tin hạt nhân », thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, phản đối với nhật báo Le Figaro, khi cho rằng tổng thống Nga đã thổi phồng dữ liệu. Theo đó, trong số 200 TNW, chỉ có 100 là được triển khai ở châu Âu, ở 6 căn cứ Mỹ tại 5 nước : Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Hà Lan và riêng tại Ý là 2 căn cứ. Số TNW còn lại là tại Mỹ.  

Dẫu sao thì trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraina đang rơi vào bế tắc do không tìm được một giải pháp hòa bình, việc Anh Quốc thừa nhận sẽ cung cấp vũ khí có chứa uranium nghèo cũng có thể sẽ là một cái cớ để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ra bên ngoài lãnh thổ.   

Năng lực bố trí hạt nhân của Nga tại Belarus có thể đi đến đâu vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhưng theo ông Pavel Podvig, Viện Nghiên cứu về Giải trừ Vũ khí của Liên Hiệp Quốc, khi trả lời RFI, việc Ukraina đòi hỏi một cuộc họp khẩn tại Hội Đồng Bảo An để chấm dứt « trò bắt chẹt hạt nhân » của Nga là điều khó thể. Bởi một lẽ đơn giản, Hoa Kỳ - một thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An – cũng đã và đang làm điều tương tự như ông Putin tố cáo, dù rằng số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại châu Âu có thể là có tầm mức răn đe thấp hơn so với của Nga cả về tầm bắn lẫn số lượng.    

No comments:

Post a Comment