Monday, March 27, 2023

Mỹ - Philippines thắt chặt hợp tác quân sự ở Biển Đông : Tín hiệu tốt hay xấu cho Việt Nam ?
Thu Hằng
Đăng ngày: 27/03/2023 - 15:14
RFI

Tình hình Biển Đông có nhiều biến động trong thời gian gần đây, với trọng tâm là Philippines. Manila thắt chặt hợp tác quân sự với Washington, chuẩn bị cuộc tập trận Balikatan lớn nhất, diễn ra từ ngày 11 đến 28/04/2023, chỉ cách phía nam Đài Loan 300 km. Mỹ và Philippines cũng nhất trí nối lại các chuyến tuần tra chung ở Biển Đông. Từ tháng 02/2023, quân đội Mỹ được phép tiếp cận tổng cộng 9 căn cứ của Philippines.

Ảnh lưu trữ : Trực thăng của quân đội Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan thường niên với quân đội Mỹ, ngoài khơi Claveria, tỉnh Cagayan, phía bắc Philippines, ngày 31/03/2022. AP - Aaron Favila

Trước việc hai đồng minh thắt chặt quan hệ quân sự và ngoại giao, Trung Quốc liên tục có những động thái đấu dịu. Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) công du Manila ngày 23-24/03 để phản đối việc Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở trong vùng, theo một quan chức ngoại giao Philippines tham gia cuộc họp khi trả lời AP. Về mặt chính thức, hai nước nhất trí rằng « các vấn đề hàng hải phải được giải quyết qua đường ngoại giao và đối thoại và không bao giờ bằng cách ép buộc và đe dọa ».

Những biến chuyển trên tác động như thế nào đến Việt Nam ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon (École normale supérieure de Lyon), Pháp, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt.

*

RFI : Mỹ và Philippines tổ chức tập trận chung Balikatan có quy mô chưa từng có, từ ngày 11 đến 28/04/2023. Sự kiện này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh giận dữ. Liệu Trung Quốc viện cớ đó để tỏ ra hung hăng hơn trong phát biểu và hành động ở Biển Đông không ?

Laurent Gédéon : Đợt tập trận Balikatan năm 2023 chắc chắn sẽ không làm giảm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như giữa Bắc Kinh và Manila. Cụm từ « Balikatan » cũng có nghĩa là « vai kề vai » nhắc đến sự gần gũi giữa Mỹ và Philippines.

Tôi nghĩ là cũng cần phải nhắc lại rằng đợt tập trận này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ thường xuyên trắc nghiệm khả năng đáp trả của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Sự cố gần đây nhất là Trung Quốc, trong thông cáo ngày 23/03, khẳng định đã « đuổi » tàu khu trục Mỹ USS Milius ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trước đó còn có nhiều sự kiện như thông báo hôm 21/02 của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn về tăng cường quan hệ quân sự giữa Đài Bắc và Washington, hoặc đợt tập trận chung Mỹ-Hàn lớn nhất từ 5 năm qua, diễn ra từ ngày 13 đến 23/03.

Balikatan 2023 là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất, huy động khoảng 18.000 quân nhân, trong đó có 12.000 người Mỹ. Theo tôi, cần chú ý theo dõi xem Balikatan 2023 diễn ra như thế nào, những đơn vị nào được huy động. Ngoài ra, cũng cần biết rằng Balikatan 2023 nhắm đến hai mục đích lớn : kiểm tra khả năng tương tác của lực lượng Hoa Kỳ và Philippines, đưa ra những kịch bản khủng hoảng trực diện, với các giả thuyết về phòng thủ và tấn công.

Theo tôi, dường như những yếu tố này có ý nghĩa mấu chốt để hiểu được tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Quốc Hội ở Bắc Kinh hôm 06/03 khi ông nhấn mạnh Trung Quốc bị các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, bao vây. Phát biểu đó cho thấy rõ Trung Quốc lo lắng về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Trước tình hình đó, Bắc Kinh có thể có nhiều cách đáp trả, như kịch liệt phản đối thông qua các thông cáo chính thức, hoặc có thể gây sức ép ngoại giao cũng như ban hành nhiều biện pháp nhắm vào Philippines chẳng hạn. Bắc Kinh cũng có thể tăng cường tuần tra trên không ở các vùng sát với khu vực tập trận. Cũng có thể là Hải Quân Trung Quốc lại quấy rối ngư dân Philippines, cấm họ vào các ngư trường đánh bắt như từng làm cách đây vài tháng. Cuối cùng, có thể là Hải Quân Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông để gây sức ép với Philippines.

RFI : Cuộc tập trận Balikatan có thể có ích cho Việt Nam không ?

Laurent Gédéon : Chắc chắn là có. Việt Nam được lợi khi chú ý theo dõi cuộc tập trận này vì bốn lý do. Thứ nhất là phân tích cách Hoa Kỳ sát cánh với một đồng minh. Điều này sẽ mang lại những yếu tố có ích cho Hà Nội về mức độ tin cậy vào Mỹ trong bối cảnh gần đây Washington đưa ra nhiều tín hiệu rất tiêu cực, nhất là rút quân khỏi Afghanistan mà không tham vấn đối tác, bào mòn niềm tin của các đồng minh của Mỹ.

Thứ hai là Việt Nam có thể sẽ phân tích được khía cạnh thuần túy quân sự của cuộc tập trận Balikatan, những vấn đề về mô phỏng chiến lược, thiết bị quân sự được sử dụng. Điều đó sẽ mang lại những yếu tố quý giá về quân sự, chiến lược cho sĩ quan Việt Nam.

Thứ ba là Việt Nam phân tích được cách đáp trả của Trung Quốc. Yếu tố này có ý nghĩa căn bản bởi vì mức độ cứng rắn trong phản ứng của Trung Quốc sẽ cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh, các lằn ranh đỏ có thể do Trung Quốc vạch ra, cũng như ý chí bảo vệ chúng. Lý do cuối cùng là phân tích năng lực, những điểm yếu trong tác chiến của quân đội Việt Nam trong giả thuyết xảy ra một cuộc xung đột cường độ cao.

Tôi cho rằng bốn lý do quan trọng này cho thấy Việt Nam tìm cách có được nhiều yếu tố và thông tin nhất liên quan đến cuộc tập trận Balikatan.

RFI : Hoa Kỳ được tiếp cận nhiều căn cứ của Philippines hơn. Điều này có nghĩa là Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở trong vùng, gia tăng tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông. Đây có phải là dấu hiệu tốt cho Việt Nam không trong khi Hà Nội cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhiều thực thể hiện do Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa ?

Laurent Gédéon : Đúng là Hoa Kỳ giữ vững lập trường về việc bảo vệ tự do lưu thông ở những vùng biển chung nơi luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có Biển Đông. Ngược lại, Mỹ cũng luôn từ chối nêu quan điểm về tính chính đáng trong những đòi hỏi chủ quyền của các nước liên quan đối với các thực thể ở Biển Đông, dù thuộc quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa.

Đúng là Mỹ và Philippines xích lại gần nhau có thể khiến Việt Nam quan ngại vì Hà Nội và Manila bất đồng cơ bản về chiến lược. Philippines là đồng minh chính thức của Mỹ thông qua nhiều thỏa thuận được ký từ thập niên 1950 trong khi Việt Nam không có bất kỳ thỏa thuận quân sự nào với Mỹ dù hai nước đã xích lại gần nhau từ hai thập niên gần đây. Ngoài ra, có thể thấy là Hà Nội có xu hướng kìm hãm quá trình này dù Washington liên tục đề nghị.

Từ đó có thể đưa ra một giả thuyết là trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng với các đồng minh của Mỹ ở trong vùng, trong đó có Philippines, giả sử cuộc xung đột dẫn đến thất bại của Trung Quốc hoặc ít ra là làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và nếu Việt Nam không tham gia vào cuộc xung đột đó, thì có khả năng Philippines sẽ được Washington ủng hộ trong trường hợp đàm phán về quy chế của các thực thể. Tương tự, việc Trung Quốc bị giảm ảnh hưởng cũng khiến Việt Nam mất bớt tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ.

Hà Nội hiện duy trì chính sách « Bốn Không » : không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc. Tôi cho rằng lập trường đang bảo vệ lợi ích của Việt Nam có thể trở thành phản tác dụng trong trường hợp xảy ra xung đột trực diện Mỹ-Trung và giả sử là cuộc xung đột đó làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

RFI : Dưới thời tổng thống Marcos Jr., Philippines tìm cách tăng cường quan hệ quân sự và ngoại giao với nhiều cường quốc trong vùng (Úc, Nhật Bản) để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam cũng mở rộng mạng lưới đối tác quốc phòng. Có thể thấy các nước Đông Nam Á có tranh chấp ở Biển Đông vẫn thiếu tinh thần chung chống Trung Quốc ?

Laurent Gédéon : Mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines có gì đó mơ hồ theo nghĩa hai nước tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa nhưng lại có một kiểu thỏa thuận ngầm chống Trung Quốc vì Hà Nội và Manila đều coi Bắc Kinh là đối thủ nguy hiểm nhất trong khu vực. Có thể nêu ví dụ chuyến công du Philippines hôm 07/11/2022 của thượng tướng Nguyễn Tân Cương, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như trao đổi phái đoàn cấp cao, hợp tác hàng hải, đào tạo, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chuyên môn, cũng như việc Việt Nam và Philippines ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là ở ASEAN.

Dù có những chuyến thăm như vậy, Việt Nam và Philippines không có thỏa thuận rõ ràng về tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Hai nước vẫn duy trì sự mập mờ và đều cho là phải giải quyết vấn đề với Trung Quốc trước đã, sau đó mới có thể giải quyết được bất đồng giữa hai nước. Nói tóm lại, Hà Nội và Manila không tìm cách hoặc không triển khai được một liên minh rõ ràng. Nhiều nước Đông Nam Á khác thì không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong đó có một số nước thân Bắc Kinh, như Cam Bốt. Hiện giờ, Trung Quốc đang tận dụng những lục đục này, ví dụ tranh chấp giữa Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, để thúc đẩy lợi ích của họ.

Vấn đề đặt ra ở trong vùng hiện nay là Hoa Kỳ có nguy cơ đưa ra một chương trình ngoại giao và chiến lược mới mà trên thực tế sẽ buộc các quốc gia trong khu vực phải thể hiện lập trường. Nếu chiến lược đó dẫn đến hệ quả là gây ra một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung, ví dụ là một cuộc đối đầu trên bộ với giả thuyết là Trung Quốc bị suy yếu, thì có khả năng là những nước thân với Washington nhất sẽ được lợi lớn. Trong bối cảnh đó, lấy ví dụ chiến lược của Việt Nam là xích lại với các nước xa hơn như Ấn Độ, có thể sẽ không phải là một lợi ích địa chiến lược vì Viêt Nam và Philippines phải ý thức được rằng sự cạnh tranh Mỹ-Trung hiện là trọng tâm địa-chính trị chính ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, chí ít là cho thập niên tới.

Bối cảnh này phải được các nước liên quan, các nước cạnh tranh với Trung Quốc, cân nhắc đúng đắn, kể cả trong giả thuyết xấu nhất là xảy ra một cuộc xung đột với Trung Quốc. Bởi vì căn cứ vào những căng thẳng không suy giảm từ 5 năm nay, căng thẳng về Đài Loan, tiếp theo là khủng hoảng ở Ukraina, Nga-Trung xích lại gần nhau, ý đồ của Nga và Trung Quốc muốn làm lung lay thế ưu việt của Mỹ, cũng như những cơ chế liên minh do Mỹ triển khai, như AUKUS, hay các cuộc tập trận với Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì khả năng xảy ra một cuộc xung đột cường độ cao trong khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông hay Đài Loan là một giả thuyết xuyên suốt. Giả thuyết đó cũng đáp ứng những mục tiêu mà Mỹ đề ra để ngăn chặn Trung Quốc trước khi sức mạnh hàng hải của nước này trở nên quá lớn.

Dĩ nhiên cũng có giả thuyết ngược lại là ảnh hưởng của Mỹ bị giảm. Nhưng như vậy, Việt Nam sẽ không ở thế tốt vì Trung Quốc càng củng cố yêu sách tối đa ở Biển Đông và loại trừ khả năng đàm phán chia sẻ các vùng ảnh hưởng. Do đó, đây là một bối cảnh nhạy cảm, cần một tầm nhìn hiện thực địa-chính trị từ các nước trong vùng, nhất là từ Việt Nam và Philippines. Hai nước cần có chiến lược tăng cường xích lại gần nhau để cố gắng thu được tối đa lợi ích hoặc giảm thiểu tổn thất trong trường hợp xảy ra xung đột.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon (École normale supérieure de Lyon), Pháp.

No comments:

Post a Comment