Friday, March 10, 2023

VNTB – Việt Nam không được buồn vào mùa thu!
Trần Quí Thường
10.03.2023 4:55
VNThoibao



(VNTB) – Liệu sau này có sửa “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” thành “Hai mươi năm kháng chiến từng ngày”?

 Dư luận đang xôn xao câu chuyện danh ca hải ngoại Tuấn Ngọc hát “Việt Nam buồn lắm em ơi” thành “chiều nay buồn lắm em ơi” (nhạc phẩm Tình bơ vơ của nhạc sĩ Lam Phương). Đoạn nhạc được Tuấn Ngọc hát vào ngày 31/12/2022 tại TPHCM tại chương trình Mây SaiGon Live Stage. Ca sĩ này cũng hát “trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi” tại Chương trình Mây Đà Nẵng vào ngày 19/2/2023.

Vì sao Việt Nam không được buồn vào mùa thu?

15 năm trước, ca khúc Tình bơ vơ được cấp phép vào tháng 4-2008 nhưng chỉ sau một tháng, tháng 5-2008, sau khi đĩa phát hành thì bị thu hồi. Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ cho biết ca khúc này bị rút phép vì cụm từ “trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”. Tuy nhiên sau đó ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng có tiết lộ là đã mất thêm 8 năm để xin được giấy phép trình diễn ca khúc này.

Dư luận cho rằng cụm từ này nhạy cảm vì mùa thu là mùa cách mạng của đảng cộng sản Việt Nam. Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh làm cách mạng cướp chính quyền của thủ tướng Trần Trọng Kim. Có thể từ đó, đảng cộng sản, không cho phép Việt Nam được buồn vào mùa thu. Nhưng thực tế có buồn hay không là cảm nhận của từng người. 

Tuy nhiên, nếu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được cấp phép biểu diễn nhạc phẩm này, thì không có lý do gì Tuấn Ngọc không hát được. Một số facebookers cho rằng có thể nhà nước cộng sản Việt Nam không cấm hát, nhưng khi nghệ sĩ muốn trình diễn thì lại không được. Còn nhớ năm ngoái, liveshow của danh ca Khánh Ly bị huỷ vào giờ chót do cơ quan chức năng cắt điện, vụ việc cho thấy nhà cầm quyền cộng sản không cấm trên văn bản, mà họ sẽ phá trên thực tế. Có lẽ Tuấn Ngọc hiểu điều này nên đã chọn cách thoả hiệp để có thể được biểu diễn lâu dài tại Việt Nam.

Những bài hát trước 1975 sẽ ra sao?

Rất nhiều ca khúc trước 1975 bị đảng cộng sản cho rằng nhạy cảm và nhà chức trách đã cho các trang mạng lề đảng liên tục viết bài chỉ trích, giật dây cho lực lượng dư luận viên tuyên truyền sai sự thật về bối cảnh trong bài hát. Gần đây nhất, nhà cầm quyền chỉ trích lời bài hát “Gia tài của mẹ” do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác là không đúng chủ trương của đảng. Họ cho rằng việc dùng từ “nội chiến” trong câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” sai quan điểm, họ tuyên truyền rằng đó là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước chứ không phải nội chiến “Quốc – Cộng”.

Cơ quan quản lý văn hoá nghệ thuật của đảng cộng sản đã từng yêu cầu đổi lời nhiều bài hát để được cấp phép trình diễn. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ cũng đã chấp nhận. Thậm chí, một người dùng facebook bình luận rằng: “Nói về sửa lời thì nhiều lắm anh ơi, karaoke trên YouTube quá trời bài sửa lời, không biết vô tình hay hữu ý, từ Những đóm mắt hỏa châu, Thành phố buồn, Chiều Tây Đô… qua tới Về Quê Ngoại”.

Khi mà bài hát Câu chuyện đầu năm, lời gốc là “đón xuân nơi trận tiền” phải sửa thành “đón xuân trên mọi miền”. Thì liệu một ngày họ có đổi “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” thành “Hai mươi năm kháng chiến từng ngày”? Hay là “Trời vào thu, Việt Nam (mừng) quá em ơi “? Có bạn trẻ nói vui rằng rồi cũng có lúc câu hát “bao năm giải phóng như thế này phải không anh” trong bài Chiều Tây Đô có bị đổi thành “bao năm giải toả như thế này phải không anh” để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Một viễn cảnh hãi hùng cho những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian.

Có thể nói mỗi bài hát là tâm huyết, là nơi tác giả đặt tình cảm, tâm sự của mình, là một tác phẩm nghệ thuật lưu danh người nhạc sĩ trong lòng khán thính giả. Thiết nghĩ người ca sĩ muốn chỉnh sửa lời bài hát thì cần phải xin phép tác giả, được sự đồng ý của tác giả. Nhất là những ca sĩ thành danh nhờ vào những tác phẩm để đời của người nhạc sĩ.

Việc khán giả và dư luận phản ứng gay gắt trước hành động đổi lời tuỳ tiện là vô cùng cần thiết để bảo vệ nét đẹp của một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian. Phản ứng đó cũng là lời cảnh tỉnh dành cho những người đã và đang có ý định thoả hiệp với cường quyền vì những lợi ích cá nhân thấp kém. Hãy nhớ rằng không có cơ quan kiểm duyệt nào hơn được sự kiểm duyệt của giới mộ điệu, của người  dân.


 

No comments:

Post a Comment