'Sứ quán VN lạm thu' ở Ba Lan, người Việt chọn đối thoại, biểu tình hay cả hai?
09.03.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,THANH SON NGUYEN
Đại sứ quán VN tại Warsaw, CH Ba Lan trong hình chụp một cuộc biểu tình phản đối Formosa năm 2016
Từ tuần đầu tháng 3, dư luận trong các hội nhóm người Việt tại CH Ba Lan nóng lên câu chuyện một cán bộ Lãnh sự tại Đại sứ quán VN ở Warsaw bị "tố cáo lạm thu phí hộ chiếu".
Theo lời kể của một số công dân Việt Nam ở Ba Lan, gồm cả những người tỵ nạn từ Ukraine sang tạm cư ở Ba Lan thì có hiện tượng "đã kéo dài" là lãnh sự Q thường từ chối nhận hồ sơ cấp, đổi hộ chiếu VN cho họ. Sau đó, chính cơ quan ngoại giao này gợi ý trực tiếp để người làm giấy tờ "liên lạc với dịch vụ".
Các khoản chi cho "đường dây dịch vụ" thường cao hơn phí quy định nhiều lần, gây bức xúc lớn cho người Việt tại Ba Lan.
Giấy miễn thị thực cho công dân nước ngoài gốc Việt cũng bị "đội giá", khiến có người mô tả đây là câu chuyện "Xin hay ăn cắp, hay cướp ngày", trên trang Uwaga (nghĩa tiếng Ba Lan là Chú ý).
Những câu chuyện được trang Uwaga-Người Việt ở Ba Lan trên Facebook đăng tải đã làm nổ ra làn sóng đòi Đại sứ quán CHXHCN VN tại Ba Lan "chấn chỉnh công tác lãnh sự".
Theo trang Quê Việt, một tờ báo được sự ủng hộ của chính quyền Việt Nam, thì hôm 04/03/2023 đã có một cuộc họp "và làm việc giữa đại diện ban lãnh đạo Hội Người Việt Nam tại Ba Lan với Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ba Lan. Tham dự cuộc họp về phía Đại Sứ Quán có Đại sứ Nguyễn Hùng, Tham tán công sứ Nguyễn Minh Quế, ban công tác cộng đồng, phía Hội Người Việt Nam tại Ba Lan".
Điều quan trọng là theo bản tin này thì Đại sứ quán VN "nhất trí với các kiến nghị sau:
"-Tăng thêm 01 buổi tiếp khách lãnh sự trong tuần;
Cải thiện thái độ ứng xử, tận tình hỗ trợ bà con theo đúng quy định;
Thực hiện việc thu phí theo đúng quy định của Bộ Tài chính và
Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, trong đó hướng dẫn cụ thể quy trình giải quyết công việc."
Tuy thế, trong các nhóm hoạt động khác đã có tiếng nói chất vấn hai việc.
Một là tính chính danh của "Hội người VN tại Ba Lan" (đại diện cho ai), và hai là việc đột nhiên hủy một cuộc gặp Hội này tuyên bố sẽ tổ chức ngày 05/03 với các bên quan tâm vì lý do "ít người đăng ký".
Nội dung thông báo trên, được xác nhận từ một thành viên báo Quê Việt với BBC là có thật và đã diễn ra đúng ngày 04/03, tuy thế đã đặt ra một loạt các câu hỏi khác.
Ví dụ, lời cam kết từ nay ĐSQ VN tại Ba Lan mới "thu phí đúng quy định của Bộ Tài chính" có hàm ý thừa nhận (thú nhận) các khoản thu phí từ trước tới nay là sai phạm, lạm thu?
Và nếu vậy thì cơ quan này đã làm gì với các khoản tiền đó (chia nhau, chuyển lậu về VN sai luật Ba Lan?), và quan trọng hơn là ai sẽ trả lại các khoản lạm thu cho con số đông đảo người làm lấy tờ mấy năm qua?
Biểu tình lên lịch ngày 12/03
Được biết, nhóm các nhà hoạt động khác trong cộng đồng sau đó tuyên bố mời người quan tâm đến dự một cuộc biểu tình đã xin phép thành phố Warsaw vào 14 giờ chiều Chủ Nhật 12/03 trước Đại sứ quán VN tại Warsaw.
Từ đó, cuộc tranh luận tiếng Việt trên trang Uwaga chuyển sang hướng có cần "đối thoại" mà không biểu tình, hay cứ làm cả hai, hoặc chỉ biểu tình vì không tin "đối thoại" giải quyết được gì.
Một trí thức Ba Lan gốc Việt, cựu lưu học sinh tốt nghiệp một đại học danh tiếng ở Warsaw, người tham gia các hoạt động cộng đồng nhưng không thuộc ban tổ chức, vận động cho cuộc biểu tình nói với BBC News Tiếng Việt trưa 08/03 rằng mọi việc thực ra bắt nguồn từ "thái độ rất xấu của một cán bộ tên là Q".
NGUỒN HÌNH ẢNH,UWAGA
Một phiếu hẹn công dân trong chùm hồ sơ công khai trên mạng XH Facebook của một số người VN tại Ba Lan liên quan đến vụ "Lãnh sự lạm thu"
Một phụ nữ viết trên mạng xã hội Facebook về người này, "Đã ăn tiền còn hành dân , giọng điệu thì hách dịch, khuôn mặt thì kiêu căng!"
Có vẻ như quan chức trên và các quan chức ĐSQ Việt Nam khác ở Ba Lan không hiểu được "văn hóa sinh hoạt dân chủ, xã hội dân sự, dân quyền rất cao của người Việt Nam ở đây," vị trí thức nói với BBC.
Nhưng đây không phải là việc của một cá nhân mà đã "diễn ra từ lâu, qua các đời lãnh sự", theo các ý kiến phản ánh trên mạng xã hội.
Việc được cho là "tận thu những người từ Ukraine sang Ba Lan tỵ nạn nghèo khó mất nhà mất cửa, mất giấy tờ đã là giọt nước tràn ly, tạo ra làn sóng phẫn nộ chung trong cộng đồng gốc Việt và công dân VN ở Ba Lan, theo ý kiến của vị trí thức từ Warsaw.
Điều đáng chú ý là các thông tin trên trang Uwaga cũng khen ngợi lãnh sự quán VN ở Đức (Frankfurt) nỗ lực làm giấy tờ cho cả người Việt từ Ba Lan, kể cả làm muộn giờ, và thu phí đúng.
Một số người từ Ukraine sang Ba Lan tỵ nạn đã nhờ bạn bè đưa xe sang tận Frankfurt, Đức để làm giấy tờ vì sợ hãi nạn bắt nạt và lạm thu tại cơ quan lãnh sự VN ở Warsaw.
Cũng có thông tin đăng tải trên trang Uwaga nhắc lại vụ việc mà một phụ nữ VN nói bà bị "thu tiền hàng nghìn USD" cho chuyến bay giải cứu về VN thời đại dịch Covid.
Được biết ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan chưa bị nêu tên trong số các cơ quan ngoại giao nước này bị Bộ Công an điều tra trong án "chuyến bay giải cứu giá cắt cổ", đem lại hàng trăm triệu USD cho các nhân vật liên quan.
Tin mới nhất vẫn trên trang Quê Việt hôm 09/03 cho hay chính phủ Việt Nam vừa cử Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Viết Nam ở nước ngoài, ông Mai Phan Dũng làm Trưởng Đoàn công tác Bộ Ngoại giao Việt Nam để đối thoại với cộng đồng Việt tại Warsaw ngày 11/03.
Lời mời ghi rõ Đoàn công tác mời "những người là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan, muốn phản ánh, góp ý với ĐSQ về việc giải quyết các thủ tục lãnh sự và đại diện Lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Ba Lan", với số lượng tổng cộng không quá 25 người.
Hiện chưa rõ sự can thiệp hiếm có này có tháo gỡ được khiếu nại trong việc giải quyết các thủ tục lãnh sự của những năm qua hay không, và liệu cuộc biểu tình sẽ có diễn ra ngày 12/03.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, một trong những người đứng ra tổ chức biểu tình thì sự kiện này sẽ vẫn diễn ra.
Trước đó, ông viết trên Facebook cá nhân, "biểu tình không có gì là to tát, là nghiêm trọng, là đối đầu, đây gần như là sinh hoạt bình thường trong một xã hội dân sự dân chủ, văn minh".
"Hãy cho Sứ quán thấy có lạm thu, có bất công là có phản đối, có biểu tình, chứ không phải có lạm thu là có đối thoại, thương lượng. Biểu tình không phải để giải tỏa hận thù cá nhân, mà là để đòi công lý."
Được biết cộng đồng Việt tại Ba Lan từng các các cuộc biểu tình như phản đối Trung Quốc trong sự kiện Giàn khoan 981 năm 2014 và vụ Formosa gây ô nhiễm biển Hà Tĩnh, Việt Nam.
Xem thêm:
Tin liên quan
Video,Người Việt di tản từ Odessa: 'Chặng đường chạy sang Ba Lan quá khổ'10 tháng 3 năm 2022
Video,Ba Lan: Thăm trung tâm Wolka với 'tour guide' là doanh nhân VN15 tháng 12 năm 2019
Sáu cách chống tham nhũng để VN chọn9 tháng 12 năm 2016
Kỹ sư ở Silicon Valley gửi thư ngỏ về 'lạm thu' ở một số sứ quán VN18 tháng 11 năm 2019
No comments:
Post a Comment