Sầu riêng Việt Nam bùng nổ sau khi được Trung Quốc cho vàoVOA Tiếng Việt
10/03/2023
VOA
“Thị trường Trung Quốc là thị trường tỷ mấy dân. Khi họ tiêu thụ sản phẩm gì mà họ thích rồi thì không có bao nhiêu mà cung cấp cho đủ hết. Hiện giờ không đủ số lượng cung cấp cho Trung Quốc,” chủ doanh nghiệp này nói với VOA.
Ông cho biết hiện giờ đã có tình trạng một số nhà vườn đã đốn những vườn cây khác, trong đó có mít, một loại trái cây lâu nay vẫn được nhập chính ngạch sang Trung Quốc nhưng giá không cao bằng sầu riêng, để chuyển sang trồng sầu riêng.
“Phải mất 5-6 năm nữa khi số sầu riêng mới trồng này bắt đầu ra trái thì sản lượng sầu riêng sẽ tăng gấp 3-4 lần.”
Thêm nữa, chi phí đi tiểu ngạch quá cao, khoảng 600-700 triệu đồng một công, có lúc lên đến 800-900 triệu, cũng theo lời ông Lợi, trong khi chi phi xuất chính ngạch chỉ vào khoảng 100 triệu một công. Phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu nông sản còn khi qua Trung Quốc, tiền thuế nhập khẩu do bạn hàng Trung Quốc chịu.
Nâng cao tiêu chuẩn
Ông Võ Tấn Lợi cho biết các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đề ra ‘rất khắt khe’ nhưng nhờ vậy người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam mới nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm của mình.
Ông liệt kê ra một số yêu cầu như phải dùng thuốc sạch, phải bón phân hữu cơ, nhà xưởng phải khang trang, thao tác đúng quy trình…, và cho rằng chi phí phát sinh thêm là có nhưng không đáng kể so với rủi ro lớn của con đường tiểu ngạch.
“Trung Quốc giờ đòi hỏi rất cao chứ không phải như hồi xưa đi tiểu ngạch cứ đóng thùng là đi. Doanh nghiệp chúng tôi đa số ai cũng thích làm cho minh bạch, vả lại trái sầu riêng sạch thì mình cũng đi Mỹ được, đi Úc được, đi Singapore được chẳng hạn, thì mình an tâm hơn,” ông giãi bày.
Theo lời ông thì các sở nông nghiệp địa phương đã cho người xuống tập huấn về kỹ thuật cho nông dân trong khi các doanh nghiệp phải đi tìm vùng trồng sạch để đăng ký mã số với Trung Quốc và nâng cấp nhà xưởng.
“Phải xuống tận vườn kiểm tra trực tuyến cho hải quan Trung Quốc xem, cái nào được yêu cầu mới được cấp mã số,” ông nói. “Riêng nhà xưởng phải quay cho họ xem, phải thao tác cho họ thấy mình làm có đúng không.”
Còn giá cả, ông nói các doanh nghiệp Việt Nam không chủ động được mà phải đợi bạn hàng Trung Quốc nói mức giá nào rồi mới thu mua theo giá tương ứng từ nhà vườn.
Riêng công ty ông đã xuất hàng đi Mỹ từ trước đến nay nên dễ dàng đáp ứng các điều kiện của phía Trung Quốc, ông cho biết.
Xuất Trung Quốc có lợi hơn?
Tuy nhiên, ông Lợi cũng chỉ ra một số ưu thế của thị trường Trung Quốc so với thị trường Mỹ vốn hiện giờ chưa cho nhập sầu riêng tươi mà chỉ cho phép nhập sầu riêng cấp đông của Việt Nam.
“Nói đúng ra sầu riêng sang Mỹ chỉ người châu Á mới ăn thôi nên số lượng không được nhiều.”
Hơn nữa, đường sá sang Mỹ xa xôi cộng thêm chi phí vận chuyển đắt đỏ, ông cho biết, trong khi chỉ cần 3 ngày đã đưa được trái sầu riêng tươi sang các siêu thị bên Trung Quốc, nên công ty ông xuất sang Mỹ ‘là chỉ cho có chứ không đáng kể như xuất sang Trung Quốc’.
“Đi sang Mỹ mất từ một tháng rưỡi đến hai tháng, thời gian ngâm vốn ngân hàng lâu hơn, phải trả lãi nhiều hơn,” ông chỉ ra.
Không những thế, giá sầu riêng bên Mỹ ‘không được giá bằng như bên Trung Quốc’. Theo lời ông thì sầu riêng cấp đông Việt Nam ở Mỹ bán lẻ từ 4 đến 5 đô một pound, tức khoảng 250 ngàn đồng một ký mà phải bỏ chi phí cấp đông hay xử lý các thứ, trong khi sầu riêng tươi xuất sang Trung Quốc mua tại vườn ‘đã có giá 200 ngàn đồng một ký rồi’, qua tới Trung Quốc phải bán hơn 300 ngàn đồng một ký.
Nếu sầu riêng qua Mỹ mà có giá cao quá thì ‘sẽ không có người mua’, cũng theo lời ông, nên nếu giá tăng cao thì ông sẽ ‘ngưng không làm thị trường Mỹ nữa’. “Người Việt hay người Hoa ở Mỹ họ mua sầu riêng với giá cả giới hạn, giá cao quá họ mua không nổi, còn phía Trung Quốc tôi không ngờ họ chịu mua sầu riêng với giá cao vậy,” ông phân bua.
Ông nhắc lại lúc cao điểm dịch bệnh, chi phí vận chuyển cho một công sầu riêng sang California vào khoảng 11-12 ngàn đô la, mặc dù trước đó chỉ có 2 ngàn đô la, còn sang bang Texas chi phí lên tới 15-17 ngàn đô một công.
Khi được hỏi ưa chuộng thị trường nào hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, ông nói ông thích cách làm việc của bạn hàng bên Mỹ hơn (chủ yếu là người Việt hay người Việt gốc Hoa) vì ‘họ nói sao thì y chang như vậy, không bao giờ thay đổi’.
“Phía Trung Quốc thì hay bị trục trặc. Chẳng hạn họ đặt 10 công với giá 200 ngàn đồng một ký, nhưng giữa chừng khi đi mới 5 công mà bị tuột giá thì họ sẽ kỳ kèo không thực hiện hết hợp đồng hay kiếm chuyện này chuyện khác để bớt giá,” ông dẫn chứng.
Nguy cơ khi phụ thuộc
Người chủ doanh nghiệp này cũng chỉ ra những rủi ro từ việc nông dân ồ ạt đốn các loại trái cây khác để chuyển qua trồng sầu riêng và nói rằng ‘Việt Nam đã bị mấy cú như vậy từ Trung Quốc rồi’, từ nhãn, thanh long cho đến mít, những loại cây đã được Trung Quốc cho nhập chính ngạch trước sầu riêng, và nếu lần này bị dính sầu riêng thì ‘hậu quả sẽ rất nặng’.
“Lúc mít lên 60-70 ngàn đồng một ký thì ào ào đốn các cây khác như là cây cam, cây quýt, đốn hết để trồng mít. Khi mít tuột giá và bắt đầu sầu riêng lên ngôi thì họ bắt đầu đốn mít. Bây giờ họ đốn mít nhiều lắm.”
Do trồng sầu riêng bây giờ thì cũng phải 7-8 năm mới có trái. Nếu khi đó thị trường Trung Quốc có biến động khiến sầu riêng mất giá thì coi như người nông dân ‘mất trắng 7-8 năm’. Trong khi nếu giữ lại cây mít chẳng hạn thì năm nào người nông dân cũng có trái bán.
“Nhưng biết sao giờ, người Việt Nam mà. Người nông dân thấy trước mắt cái gì được họ cứ trồng tới. Chính quyền khuyên can họ đâu có nghe. Thí dụ ông trồng nhãn năm nay nguyên hectare thu nhập có trăm triệu còn ông trồng sầu riêng năm nay thu hoạch 2 tỷ thì họ trồng gì đây?”
“Cùng làm nông như nhau, tôi hectare ông cũng hectare mà tôi đi xe gắn máy còn ông kia đi xe hơi cất nhà lầu rồi thì có chết tôi cũng phải làm theo ông kia.”
Để tránh tình trạng này, ông nói ông mong chính quyền Việt Nam đàm phán với phía Trung Quốc để cho nhập chính ngạch các loại trái cây khác của Việt Nam. Khi đó người nông dân sẽ không vì lợi ích trước mắt mà đổ dồn trồng một loại cây nữa, ông nói.
“Chẳng hạn họ cho nhập trái bưởi đi. Vùng Bến Tre trồng bưởi da xanh là ngon nhất. Khi đó họ đã có sẵn vườn bưởi rồi thì họ cứ xuất đi chứ cần chi phải đốn để trồng sầu riêng,” ông lập luận và cho rằng nếu mít ổn định ở mức giá 40-50 ngàn đồng một ký thì họ cũng không bỏ mít mà trồng sầu riêng vì mít cho thu hoạch quanh năm.
Hiện giờ, theo lời ông thì các thương lái Trung Quốc sang tìm mua sầu riêng cũng đã đặt vấn đề với ông là họ ‘chuẩn bị nhập dừa tươi’.
“Họ nói vài tháng nữa họ sẽ nhập được dừa chính ngạch. Họ đưa ra con số không thể tưởng là cố gắng làm sao mỗi ngày có được 5-10 công, 5 công dừa là đến một trăm mấy chục ngàn trái thì doanh nghiệp không thể làm nổi,” ông cho biết.
Người tiêu dùng Việt Nam chịu thiệt?
Một hậu quả của việc Trung Quốc nhập sầu riêng Việt Nam là ‘người dân trong nước không còn sầu riêng giá rẻ để ăn’ và giờ đây sầu riêng ‘đã trở thành mặt hàng xa xỉ đối với dân Việt Nam’.
Ông cho biết, lúc chưa xuất chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng Ri 6, một trong những giống sầu riêng ngon nhất của Việt Nam, bán ở siêu thị có giá là 80-100 ngàn đồng một ký cho hàng đẹp, ngon. Bây giờ phải 195 ngàn đồng một ký mà là hàng dạt vì hàng đẹp ‘đã xuất sang Trung Quốc hết rồi’.
“Lúc sầu riêng còn ở giá 80-90 ngàn đồng một ký thì thiên hạ bu nhau mua cân ký. Tôi nhớ ở các khu công nghiệp, họ đẩy xe bán những trái sầu riêng nhỏ khoảng 1-2 ký họ để đầy trên sạp bán theo trái mà công nhân mua đầy,” ông nói. “Bây giờ mỗi ký sầu riêng giá gần 200 ngàn mà mỗi trái nặng gần 2-3 ký thì công nhân tiền đâu mà mua.”
No comments:
Post a Comment