NCQT: Thế giới hôm nay-10/03/2023Nguồn: The Economist
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
10.03.2023
NghiencuuQT
Tổng thống Joe Biden công bố đề xuất ngân sách sẽ tăng chi tiêu năm từ khoảng 6,3 nghìn tỷ đô la, tương đương 25% GDP, lên 6,9 nghìn tỷ đô la trong năm tài chính tiếp theo. Nó sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách của Mỹ khoảng 2,9 nghìn tỷ đô la trong thập niên tới theo dự đoán hiện tại, tương đương mức giảm từ 6% xuống 5% GDP, nhờ khoản 4,5 nghìn tỷ đô la tăng thuế nhắm vào các công ty và người có thu nhập cao. Song dự thảo chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc chiến đàm phán gay gắt tại Hạ viện, nơi có các đảng viên Cộng hoà đang yêu cầu giảm mạnh chi tiêu.
Nhà điều hành lưới điện của Ukraine cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở phía đông nam đất nước đã được cấp điện trở lại. Nó bị cắt khỏi lưới điện sau khi Nga phóng một loạt tên lửa qua Ukraine để tấn công vào các khu dân cư và cơ sở hạ tầng năng lượng. Đây là lần thứ sáu nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu này bị mất điện kể từ đầu chiến tranh.
Trong chuyến thăm Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông “quan ngại” về các vụ bạo lực nhắm vào người Palestine do những người định cư Israel gây ra. Trước đó, 3 dân quân Palestine đã thiệt mạng trong một cuộc đột kích của quân đội Israel. Trong một diễn biến khác, một số người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp Israel để phản đối kế hoạch đại tu hệ thống tư pháp của của chính phủ.
Đảng cầm quyền của Gruzia thông báo “rút vô điều kiện” dự luật “tác nhân nước ngoài” sau các cuộc biểu tình rầm rộ và chỉ trích từ quốc tế. Dự thảo luật này nếu được thông qua sẽ xem các tổ chức phi chính phủ và cơ quan truyền thông có nguồn tài trợ từ nước ngoài là “tác nhân nước ngoài,” qua đó bóp nghẹt bất đồng chính kiến. Nhiều người Gruzia lo ngại nó sẽ làm ảnh hưởng đến triển vọng gia nhập EU.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng lên 211.000 từ 190.000 trong tuần đầu tiên của tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 12. Dù điều này có vẻ cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt nhẹ, các số liệu khác vẫn thể hiện một thị trường lao động nóng. Đây là một nan đề cho các ngân hàng trung ương, vì các nỗ lực kiềm chế lạm phát sẽ không thể phát huy tác dụng nếu thị trường liên tục vững mạnh.
Cựu thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin bị bắt vì tội tham nhũng. Ông Muhyiddin, người lãnh đạo đất nước từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 8 năm 2021, phủ nhận hành vi sai trái và cáo buộc thủ tướng hiện tại, Anwar Ibrahim, “đàn áp chính trị”. Vụ bắt giữ đến ngay trước thềm các cuộc bầu cử khu vực, mà liên minh của ông Muhyiddin có khả năng đe dọa đảng cầm quyền của ông Anwar.
Cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ ba người trong nỗ lực trấn áp “khủng bố sushi,” tức những trò đùa tại các nhà hàng sushi băng chuyền. Các đối tượng tự quay cảnh mình bôi nước bọt vào các món ăn đi qua băng chuyền và liếm chai nước tương dùng chung, rồi sau đó đăng lên mạng xã hội. Vụ việc đã buộc một số nhà hàng phải ngừng vận hành các băng chuyền và gây sốc cho người dân ở một quốc gia vốn rất coi trọng vệ sinh.
Con số trong ngày: 20%, là tỷ lệ người Ai Cập làm việc cho chính phủ trong năm 2021, giảm so với 27% của một thập niên trước.
TIÊU ĐIỂM
Ngân hàng trung ương Nhật Bản thay thống đốc
Thứ Sáu này Kuroda Haruhiko sẽ chủ trì cuộc họp chính sách cuối cùng của ông trên cương vị thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Trong 10 năm nắm quyền, ông Kuroda đã làm thay đổi chính sách tiền tệ của Nhật Bản, tung ra cái gọi là chương trình “bazooka” siêu nới lỏng tiền tệ để giải quyết tình trạng giảm phát kéo dài. Giờ đây ông sẽ từ nhiệm với lạm phát cao nhất 40 năm qua là hơn 4% — dù chủ yếu do chi phí nhập khẩu tăng cao. BoJ đã duy trì chính sách nới lỏng với hy vọng có tăng trưởng tiền lương bền vững hơn trước khi thắt chặt. Song làm vậy tạo áp lực rất lớn lên chương trình kiểm soát đường cong lợi suất, tức mức trần đặt ra cho lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn.
Ueda Kazuo, vị học giả sẽ kế nhiệm ông Kuroda, có nhiệm vụ đầy khó khăn phía trước. Ông Ueda nói tại các phiên điều trần trước quốc hội là ông sẽ không vội tung ra những thay đổi chính sách lớn. Và ông Kuroda cũng sẽ không điều chỉnh hoặc loại bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trước khi nghỉ. Nhưng cũng cần lưu ý là Kuroda thường có các động thái gây ngạc nhiên cho thị trường.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu thăm Mỹ
Khi Joe Biden gặp chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Nhà Trắng vào thứ Sáu, hai bên sẽ dễ dàng tìm thấy điểm chung về tình đoàn kết với Ukraine. Cả hai lãnh đạo đều thăm Kyiv vào tháng trước để gặp tổng thống Volodymyr Zelensky và bày tỏ cam kết của mình. Một nỗ lực chung ở Washington sẽ tiếp tục củng cố thông điệp đó.
Nhưng còn các chủ đề phức tạp hơn. Không rõ châu Âu và Mỹ có cùng quan điểm về khả năng Trung Quốc đang cân nhắc gửi vũ khí cho Nga hay không (như Washington nghi ngờ) — và cách phản ứng nếu Bắc Kinh thực sự làm vậy. Ngoài ra, người châu Âu đang ngày càng lo lắng về các khoản trợ cấp khổng lồ theo Đạo luật Giảm Lạm phát cũng như các chính sách công nghiệp khác của Mỹ. EU lo ngại chúng phân biệt đối xử các công ty châu Âu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp xanh. Song khả năng cao là hai nhà lãnh đạo sẽ kiềm chế bất đồng: Ukraine sẽ gặp bất lợi nếu có căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Ngày mai công bố dữ liệu việc làm ở Mỹ
Cho đến nay chuỗi dữ liệu tốt khó tin của thị trường lao động Mỹ hầu như không có dấu hiệu đảo chiều. Số liệu mới được công bố vào thứ Sáu dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế tạo ra khoảng 200.000 việc làm mới trong tháng 2, trên tổng số gần 25 triệu việc làm tăng thêm kể từ thời điểm sa thải hàng loạt vào đầu đại dịch covid năm 2020. Kết quả là với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3,4%, thấp nhất trong 5 thập niên qua, tiền lương danh nghĩa của người lao động tăng lên nhanh chóng.
Nhưng đối với các ngân hàng trung ương, đây là một vấn đề đau đầu. Nếu không thể làm dịu thị trường lao động, họ sẽ khó có thể kiềm chế lạm phát. Do đó, một dữ liệu việc làm tháng 2 tốt hơn mong đợi sẽ khiến thị trường đặt cược vào việc Fed đẩy mạnh tăng lãi suất tại cuộc họp cuối tháng 3. Ngược lại, số việc làm mới ít hơn và tăng trưởng tiền lương giảm tốc sẽ giúp xoa dịu những lo ngại.
Thượng đỉnh Anh-Pháp ở Paris
Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ tới Paris vào thứ Sáu cho một ngày gặp mặt với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cung điện Elysée. Năm năm kể từ hội nghị thượng đỉnh song phương gần đây nhất, chỉ riêng việc hội nghị này diễn ra cũng đã mang tính biểu tượng. Nó cho thấy những tranh cãi gần đây sẽ được thay thế bằng mối quan hệ công việc nghiêm túc. Hai lãnh đạo dự kiến tập trung vào hỗ trợ chung cho Ukraine, hợp tác quốc phòng, năng lượng hạt nhân và nạn di cư bằng thuyền nhỏ.
Nhưng đằng sau những lời ấm áp, hội nghị thượng đỉnh sẽ không có phạm vi quá rộng. Nó không có tham vọng quốc phòng song phương như thượng đỉnh Anh-Pháp ở London năm 2010. Còn về vấn đề người di cư, Pháp bác bỏ bất kỳ ý tưởng nào của Anh về việc hồi hương một cách có hệ thống những người đến Anh qua đường eo biển Manche. Và trên hết, người Pháp vẫn chưa quên được hiệp ước phòng thủ ba bên Anh-Mỹ-Úc AUKUS, vốn đã phá hỏng hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Úc của họ. Lịch trình lại càng đáng ngại, khi chỉ ba ngày sau hội nghị thượng đỉnh, các lãnh đạo AUKUS sẽ gặp nhau ở Mỹ.
No comments:
Post a Comment