Chảy máu chất xám, vũ khí ế ẩm : Putin còn gồng được bao lâu ?Thụy My
Đăng ngày: 28/03/2023 - 20:51
RFI
Theo Le Figaro, điện Kremlin đang bất lực trước tình trạng hàng ngàn chuyên gia tin học ồ ạt chạy ra nước ngoài. Kỹ nghệ quốc phòng Nga cũng xuống dốc sau khi xâm lăng Ukraina, nhiều khách hàng hủy hợp đồng mua vũ khí, ngân sách thâm thủng. Putin không thể không biết rằng Liên Xô trước đây, bị kiệt lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, rốt cuộc đã thở hơi cuối cùng.
Hai đợt di tản của các chuyên gia tin học Nga
Le Figaro nhận định « Điện Kremlin bất lực trước tình trạng chảy máu chất xám trong công nghệ ». Việc hàng ngàn chuyên gia tin học ồ ạt chạy ra nước ngoài đe dọa nền kinh tế Nga, vốn đang chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tờ báo nêu ra trường hợp của Nikolai, 32 tuổi, chuyên gia về hệ thống kiểm soát tự động. Cuộc đời anh bất chợt rẽ sang một hướng khác, vài tuần sau khi cuộc chiến tranh ở Ukraina được khởi động. Công ty ngoại quốc nơi Nicolai làm việc quyết định rời khỏi Nga, và đề nghị anh hoặc nghỉ việc, hoặc tiếp tục nhưng ở một nước khác. Nikolai nhanh chóng chọn lựa sang Kazakhstan. Anh phản đối cuộc chiến nhưng nếu ở lại trong nước sẽ không thể bày tỏ chính kiến, còn nếu chống đối thì bị bỏ tù.
Câu chuyện của hàng ngàn « aitichniki » (high-tech) khác cũng tương tự. Một đợt di cư thứ hai lại diễn ra sau lệnh động viên từng phần vào cuối tháng 9/2022. Theo số liệu của tạp chí Forbes vào tháng Hai, 16 % chuyên gia tin học làm việc trong 300 công ty lớn của Nga đã di tản. Những điểm đến chính là Gruzia, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Serbia.
Dẫn dụ hay trừng phạt ?
Tháng 12/2022, bộ trưởng Phát triển Kỹ thuật số Maksut Chadaiev ước lượng « khoảng 100.000 nhà chuyên môn về công nghệ thông tin (IT) đang ở ngoài nước Nga ». Tiếng chuông báo động được gióng lên vào đầu tháng Ba bởi Herman Gref, ông chủ ngân hàng lớn nhất nước Sberbank. Ông nhấn mạnh đang rất thiếu lớp người « middle » hay « senior », tức những chuyên viên IT giỏi nhất. Các nguồn tin Nga ước tính năm 2023 thiếu khoảng 250.000 đến một triệu chuyên gia IT trong kỹ nghệ quốc phòng, nông nghiệp, xây dựng…
Từ năm ngoái chính quyền đã có những ưu đãi, nhất là trong kỹ nghệ vũ khí như miễn đi quân dịch. Kết quả nghèo nạn đạt được khiến có những ý kiến cho rằng nên trừng phạt. Một thượng nghị sĩ thậm chí còn đòi tịch biên tài sản của « tất cả công dân Nga ra đi hoặc chỉ trích đất nước ». Cuối tháng Hai, Quốc Hội thông qua nghị quyết khuyến cáo cấm các chuyên gia IT làm việc từ bên ngoài Nga, nhưng bị chính bộ liên quan phản đối. Đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra để giữ lại nguồn nhân lực quý báu này.
Nga, nhà xuất khẩu vũ khí thứ 2 thế giới có nguy cơ mất ngôi
Kỹ nghệ quốc phòng đã thiếu người, vũ khí do Nga sản xuất ra lại khó bán, theo nhận xét của Le Monde. Những cuộc diễn binh đầy ấn tượng, những đoàn xe thiết giáp diễu qua Quảng trường Đỏ, khán đài danh dự, lăng Lênin…vốn là niềm hãnh diện của Liên bang Xô viết, và nước Nga thời Vladimir Putin vẫn tiếp tục tự hào. Nhiều loại vũ khí sẽ tiếp tục được phô bày tại Matxcơva ngày 9 tháng Năm tới để kỷ niệm chiến thắng của Stalin trước Hitler trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Những người lính rập ràng bước, hỏa tiễn đạn đạo, chiến xa thế hệ mới, tiêm kích, oanh tạc cơ bay biểu diễn phía trên điện Kremlin…
Các kỹ sư Nga đã chế tạo được hàng loạt vũ khí đáng gờm : hỏa tiễn siêu thanh, xe tăng T-14 Armata, phi cơ tàng hình Su-57 Felon, lá chắn chống tên lửa S-400…Ông Putin thường xuyên khoe những thiết bị quân sự thế hệ mới, hỏa tiễn « bất khả chiến bại ». Tuy nhiên trên thực tế, kỹ nghệ quốc phòng Nga, cách đây 10 năm từng sản xuất ra 1/5 lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới, đang xuống dốc không phanh.
Cuộc chạy đua tay đôi Mỹ-Nga thời chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Hoa Kỳ nay dẫn đầu số vũ khí bán ra (40 %), Nga vẫn còn đứng thứ nhì (16%), Pháp thứ ba (11 %), nhưng còn được bao lâu nữa ? Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Stockholm, cuối 2022 Pháp nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn Nga. Chuyên gia Siemon Wezeman của Viện cho rằng cuộc xâm lăng Ukraina khiến xuất khẩu vũ khí của Nga giảm.
Xâm lăng Ukraina, bị cấm vận : Khách mua vũ khí vắng dần
Matxcơva phải tập trung thay thế số thiệt hại nhiều chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến. Chuyên trang Oryx ước lượng sau một năm chiến tranh, gần 10.000 thiết bị đã bị tiêu hủy hay bị Ukraina tịch thu, gồm chiến xa đủ loại, đại bác…
Một mối đe dọa chết người khác là áp lực của Washington lên các khách hàng của Nga. Đạo luật của ông Donald Trump trừng phạt bên mua vũ khí Nga và các ngân hàng tài trợ, vẫn được Joe Biden duy trì, và đã phát huy tác dụng từ năm 2018. Philippines hủy hợp đồng mua trực thăng Mi-17, thay bằng Black Hawk của Mỹ và trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ ; Indonesia từ chối mua Su-35, Koweit rút lui không mua xe tăng T-90.
Những biện pháp trừng phạt mới của phương Tây khiến Matxcơva thiếu các phụ tùng thiết yếu, ngay cả các đối tác thân thiết cũng phải cân nhắc. Serbia đang thương thảo để mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Ấn Độ mà kho vũ khí có đến phân nửa mua của Nga, đang muốn đa dạng hóa nguồn cung để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc. Cuộc xâm lăng Ukraina không phải là nguyên nhân duy nhất : các đồng minh của Matxcơva đang cạnh tranh dữ dội. Trung Quốc nay đã tự sản xuất được đại bác, các drone của Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt vô số thiết giáp của…Nga, và vừa cho bay thử phi cơ tàng hình đầu tiên.
Chạy đua vũ trang với Mỹ và tấm gương nhãn tiền của Liên Xô
Nhất là khách mua hàng luôn quan sát hiệu quả của vũ khí trên thực địa. Chiến trường Ukraina cho thấy vũ khí phương Tây công hiệu hơn. Đại pháo Caesar của Pháp, hỏa tiễn chống tăng vác vai Javelin của Mỹ tung hoành từ một năm qua đã chứng tỏ tác dụng.
Yếu tố còn chưa rõ là khả năng tài chánh để kéo dài chiến tranh của ông Putin. Từ năm 2007, ông đã đổ vào kỹ nghệ quốc phòng hàng trăm tỉ rúp, chủ yếu cho tập đoàn Rostec và chi nhánh Rosoboronexport. Nhưng hai tháng đầu năm nay, ngân sách Nga bị thâm hụt 31,5 tỉ đô la do chi tiêu tăng 51 %, còn số thu giảm 25 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó Lầu Năm Góc, lo âu trước tham vọng của Trung Quốc nhiều hơn là Nga, đã yêu cầu Quốc Hội thông qua ngân sách khổng lồ là 842 tỉ đô la cho năm 2024. Vladimir Putin không thể không biết rằng Liên Xô trước đây, bị kiệt lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, rốt cuộc đã thở hơi cuối cùng.
Vũ khí nguyên tử tại Belarus : Lại là trò bắt bí của Putin
Cũng về quân sự, Le Monde và La Croix cùng chú ý đến việc « Putin lại bắt chẹt về nguyên tử với sự hỗ trợ của Minsk ». Nga tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, bên cạnh các hệ thống hỏa tiễn Iskander đã có.
Như thường lệ, Vladimir Putin khẳng định đó là theo « yêu cầu » của đồng nhiệm Alexandre Lukashenko. Thực ra từ năm 2020, sau khi gian lận để tái đắc cử và bị dân chúng phản ứng dữ dội, phải mượn tay Nga đàn áp, Lukashenko hoàn toàn thần phục Matxcơva. Điểm mới ở đây là việc xây dựng một trung tâm chứa vũ khí nguyên tử chiến thuật trên đất Belarus, dự kiến hoàn thành ngày 01/07, do quân đội Nga kiểm soát.
Putin viện lý do là vì Anh quốc sẽ cung cấp cho Ukraina những quả đạn có uranium nghèo. Tuy nhiên đặt chung loại đạn - rất hiệu quả để chống xe tăng, thiết giáp này – với vũ khí nguyên tử là một sự so sánh khiên cưỡng. Tổng thống Nga còn lấy cớ Mỹ đã bố trí các vũ khí này trên lãnh thổ đồng minh từ nhiều thập niên. Trên thực tế, Hoa Kỳ không còn triển khai đầu đạn nguyên tử trên hỏa tiễn của các đồng minh châu Âu. Loan báo của Vladimir Putin được coi như tiếp tục từ bỏ tất cả các hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân từ thời chiến tranh lạnh, sau khi ngưng tham gia New Start.
Theo Le Monde, Putin muốn gây sức áp lên các đồng minh phương Tây trong việc chi viện vũ khí cho Kiev. Chuyên gia nguyên tử lực Maxim Starchak của đại học Queen’s (Canada) nhận định, đây là mưu toan thu hút sự chú ý của Washington để Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và nhìn nhận những lãnh thổ mà Nga chiếm được của Ukraina. Nhưng Hoa Kỳ nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga chuyển vũ khí hạt nhân sang Belarus, và Vladimir Putin không có ý định dùng đến loại vũ khí này tại Ukraina, chứng tỏ Mỹ không muốn bị lôi vào trò chơi dọa dẫm.
Dubai, đất hứa của các đại gia Nga
Cũng liên quan đến Nga nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro có bài phóng sự cho biết « Dubai là miền đất hứa của những người Nga đang bị trừng phạt ». Thành phố lớn nhất của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất trở thành nơi lưu vong ưa thích của các đại gia Nga. Theo nghiên cứu của Henley & Partners, quốc gia nhỏ bé này đã tiếp nhận ít nhất 4.000 nhà triệu phú Nga trong năm 2022, hầu hết ở Dubai.
Sau khi Putin đưa quân sang Ukraina, hàng trăm công ty xuất nhập khẩu nguyên vật liệu đóng đô ở Genève từ nhiều năm, đã dời trụ sở sang đây. Tập đoàn hàng hải Nga Sovcomflot chuyển sang Dubai 92/134 chiếc tàu : chưa có du thuyền nào của tài phiệt Nga bị tịch thu. Tiền bạc của nhà giàu Nga đổ như nước vào bất động sản siêu sang : một penthouse nhìn ra biển được trả tiền mặt 41 triệu euro, một mảnh đất trên đảo nhân tạo dành cho người siêu giàu giá 26 triệu euro…Các đại gia ngành thép, nhôm, dầu lửa thoải mái trả bằng đô la hay tiền kỹ thuật số.
Mã Vân tái xuất : Đảng cộng sản Trung Quốc muốn hòa giải với tư nhân ?
Chuyển sang khu vực châu Á, Le Figaro nhận thấy « Sự tái xuất rất đáng chú ý của Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập Alibaba ». Trong những tấm hình được đăng rộng rãi trên mạng xã hội, ông Mã Vân thăm một trường học ở Hàng Châu, nơi tập đoàn thương mại đặt trụ sở, nói chuyện về trí thông minh nhân tạo. Từ ba năm qua, nhà tỉ phú nổi tiếng đã kín tiếng hẳn sau khi bị đảng trừng phạt, chỉ thỉnh thoảng thấy xuất hiện ở Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Hoa Kỳ.
Chi nhánh Ant Group bị chận không cho niêm yết trên sàn chứng khoán, Alibaba bị phạt đến 2,3 tỉ euro…hai đế chế của Mã Vân bị đưa vào khuôn khổ. Lãnh vực công nghệ bị siết dẫn đến khủng hoảng lòng tin của giới doanh nhân. Tân thủ tướng dường như muốn gởi đi một thông điệp lạc quan cho lãnh vực tư nhân : theo Reuters, những người thân cận của ông Lý Cường từ một năm qua thúc giục Mã Vân kết thúc thời kỳ « lưu vong ». Dấu hiệu hòa giải này khiến cổ phiếu của Alibaba tăng lên 4 %.
Nổi loạn vì phải về hưu « sớm » : Châu Âu không thể hiểu !
Các vấn đề xã hội và kinh tế nước Pháp chiếm trang nhất các báo Paris hôm nay. Le Monde đưa tít « Hưu trí : Macron tìm cách làm dịu bớt nhưng không nhượng bộ gì cả », Le Figaro nhận thấy thủ tướng « Elisabeth Borne tìm kiếm một đa số bất khả ». Libération đăng ảnh tổng thống Pháp đang cô đơn bước đi, với dòng tựa « Khủng hoảng xã hội và chính trị, bạo động : Lối thoát ở đâu ? ». La Croix cảnh báo về nợ công : « Nợ nần, giếng sâu không đáy », với hình vẽ trên trang nhất là những tờ giấy bạc bị cuốn hút vào một xoáy nước màu xanh. Les Echos lạc quan hơn, ghi nhận « Thâm thủng ngân sách giảm mặc cho cú sốc lạm phát ».
Xã luận của Le Monde nhận định « Cuộc khủng hoảng ở Pháp khiến châu Âu không thể nào hiểu nổi ». TuyParis có thể hãnh diện là nơi được tân vương nước Anh chọn lựa cho chuyến thăm chính thức đầu tiên, nhưng rốt cuộc tổng thống Emmanuel Macron đành phải hồi lại vào phút chót - cả một sự xấu hổ ! Thay vì dạo bước trên đại lộ Champs-Élysées với tổng thống Pháp, như một dấu hiệu tốt lành hậu Brexit, vua Charles III thứ Năm 30/03 tới sẽ khởi đầu vòng công du tại Berlin bằng một bài diễn văn đọc trước Bundestag (Quốc Hội Đức).
Những người chống đối kế hoạch của chính phủ đã đem lại một tầm vóc châu Âu cho cuộc xung đột đang làm dậy sóng nước Pháp. Không chỉ ảnh hưởng đến quyết tâm tái lập sự hợp tác Anh-Pháp trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, mà còn khiến các láng giềng bàng hoàng : làm thế nào việc dời tuổi về hưu lên 64, thấp hơn nhiều nước khác, lại có thể gây náo loạn đến thế ở một quốc gia như nước Pháp ? Cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ làm Pháp bị cô lập tại châu Âu, thậm chí bị coi thường.
No comments:
Post a Comment