« Liberation Day » của Trump : Ngày giải phóng hay ngày áp bức ?
Thụy My
Đăng ngày: 03/04/2025 - 08:17
RFI

« Dirty 15 » bị áp thuế nặng, trong đó có Việt Nam
Tất cả các nhật báo đều chú ý đến « Liberation Day » : Tổng thống Mỹ loan báo áp một loạt thuế hải quan vào hôm nay, làm đảo lộn thương mại thế giới. Một chính sách cưỡng bức đối với các nước liên quan, nhưng đồng thời cũng gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Trong bài xã luận, Les Echos lưu ý là Donald Trump đã cẩn thận dời lại một ngày « Liberation Day », ngày được cho là « giải phóng » nước Mỹ khỏi sự lợi dụng của các đối tác thương mại, vì nếu tuyên bố ngày 01/04 có thể bị cho là « cá tháng Tư ». Tổng thống Mỹ muốn nói rõ là ông không đùa. Trump sẽ trừng phạt « Dirty 15 » bị cho là « lừa đảo » Hoa Kỳ.
Dưới cái nhìn của ông, kinh tế thế giới là một chiếc bánh mà phần của các « loser » bị nhỏ đi và của các « winner » lớn thêm. Le Figaro cho biết thêm « Dirty 15 » (« 15 tên khốn », theo bộ phim « Mười hai tên khốn »), là các đối tác mà Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại nhiều nhất. Theo chuyên gia Christopher Dembik là Liên Hiệp Châu Âu, Mêhicô, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, về phía các nước mới nổi có Brazil và Việt Nam. Tin giờ chót cho biết Việt Nam bị áp thuế đến 46 %, Trung Quốc 34 %, Liên Hiệp Châu Âu 20 %.
Libération dẫn một báo cáo của Goldman Sachs, ước tính khả năng suy thoái đến 35 %, đối với một nền kinh tế mà mới hai tháng trước còn là niềm mơ ước của cả hành tinh. Các vấn đề được nêu ra là lạm phát, chỉ số lạc quan của người tiêu thụ bị sụt giảm ở mức chưa từng thấy kể từ năm 2008, giá xe hơi có thể tăng thêm từ 2.000 đến 15.000 đô la, đầu tư bị đóng băng. Trong bài diễn văn hôm 20/03, giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell lặp lại chữ « thuế quan » đến 15 lần, lấy làm tiếc về không khí bất ổn và nguy cơ lạm phát, nhưng Donald Trump vẫn thản nhiên trước viễn cảnh suy thoái.
Mỹ dùng thuế quan để gây áp lực hay để bù vào ngân sách ?
Từ nhiều tháng qua, cả thế giới vẫn băn khoăn về mục tiêu kinh tế thực sự của ông Trump. Mỹ muốn dùng thuế quan làm phương tiện gây áp lực quốc tế, hay là nguồn thu nhập bù vào việc giảm thuế cho người giàu? Cố vấn Peter Navarro ước tính sẽ thu được 600 tỉ đô la mỗi năm nhờ áp thuế. Michael Froman, chủ tịch think tank Council on Foreign Relations và là cựu đại diện thương mại của Barack Obama, ghi nhận tham vọng tìm lại sức sống cho kỹ nghệ Mỹ, bằng cách buộc các nước dịch chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ.
Nước Mỹ vốn nổi bật về công nghệ cao, sẽ trở thành công xưởng mới của thế giới, sau nhiều năm trời và hàng tỉ đô la đầu tư. Nhưng Libération nhắc lại thất bại trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump : các nhà sản xuất đậu nành Mỹ, bị Trung Quốc tẩy chay để trả đũa việc áp thuế, tuy được trợ cấp 20 tỉ đô la để tồn tại nhưng không bao giờ tìm lại được thị trường đã bị Brazil giành mất. Số 1.000 việc làm tạo ra được nhờ đánh thuế thép năm 2018 đã khiến 75.000 việc làm trong các kỹ nghệ sử dụng nguyên liệu này bị mất đi.
Donald Trump bác bỏ tác động của « Liberation Day » lên lạm phát. Ông tin tưởng vào tài liệu 41 trang về tái cấu trúc thương mại thế giới của nhà kinh tế Stephen Miran, cố vấn Nhà Trắng về thương mại. Trump và Miran đều cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là công cụ cưỡng ép hiệu quả hơn trừng phạt. Thuế quan chỉ là giai đoạn đầu của việc tái cấu trúc. Từ nhiều năm qua Donald Trump vẫn muốn giảm giá đồng đô la, bằng sức mạnh nếu cần.
Vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ bị lung lay
Miran đề nghị một « thỏa thuận Mar-a-Lago » tương lai, với các cường quốc khác, bán lại đô la dự trữ để làm tăng giá đồng tiền nước mình. Cái tên này không phải là tình cờ, mà nhắc lại thỏa thuận Plaza trong đó Ronald Reagan được G5 đồng ý trợ giúp để giảm giá đô la. Nhưng thời thế đã khác trước. Châu Âu chẳng có lợi gì khi tăng giá đồng euro làm phương hại đến xuất khẩu, cũng như tham gia vào một trận địa chấn trên thị trường tiền tệ. Phức tạp hơn nữa là Trump không muốn mất vai trò trong dự trữ ngoại hối quốc tế, tuy đây là một trong những lý do khiến đô la cao giá.
Trả lời La Croix, ông Gilles Moëc, kinh tế gia trưởng của tập đoàn Axa nhận định « Chiến lược kinh tế của Trump về lâu về dài có thể làm phương hại đến vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ ». Ông Moëc cho rằng thuế quan là công cụ để buộc châu Âu và Nhật Bản chấp nhận xem lại hối suất, đổi lại sẽ được vào thị trường Mỹ, hoặc được bảo vệ về quân sự, bên cạnh đó cũng giúp bù vào thâm hụt ngân sách công. Stephen Miran tin là châu Âu sẽ quy phục. Tuy nhiên theo ông Moëc thì không dễ dàng, vì không phải các ngân hàng trung ương, mà các nhà đầu tư tư nhân tài trợ cho thâm thủng ngân sách Mỹ.
Và như vậy Mỹ cho thấy rõ việc thâm nhập thị trường gắn liền với chiếc dù bảo hộ, tuy trước đây chỉ ngầm hiểu. Từ đó châu Âu có thể tính toán giữa cái giá phải trả và lợi ích. Để tránh bị mất tính cạnh tranh vì thuế quan và hối suất, họ có thể đầu tư vào quốc phòng, tái vũ trang thay vì dựa vào Mỹ. Các đối tác khác cũng vậy. Tại châu Mỹ La tinh, Brazil và Chilê có thể quay sang phía Trung Quốc thay vì Hoa Kỳ. Trong nước Mỹ, thuế quan còn làm doanh nghiệp và người tiêu dùng thiệt hại, khiến tăng trưởng chậm lại. Le Figaro đặt câu hỏi « Ngày 02/04 là ‘’ngày giải phóng’’ hay ngày áp bức ? Chẳng phải là « Nước Mỹ trước hết » mà là « Nước Mỹ đơn độc ».
« Đam mê đánh thuế » của Donald Trump, bước lùi vĩ đại cho thương mại
Les Echos coi việc áp thuế là « bước thụt lùi vĩ đại » của Trump. Trong « Ngày giải phóng », mức thuế có thể lên cao nhất kể từ đỉnh cao của chủ nghĩa bảo hộ cuối thế kỷ 19, dù từ tháng Ba đã đạt mức chưa từng thấy từ 1969. Các đối tác hồi hộp chờ đợi được biết số phận mình trước « Vạn lý Trường thành thuế quan » của Trump. Thuế suất là 13 đến 20 % có nghĩa mọi nỗ lực từ Đệ nhị Thế chiến về thương mại đa phương đều bị xóa sổ.
Ông Trump ca ngợi người tiền nhiệm McKinley đã làm giàu cho nước Mỹ nhờ hàng rào thuế quan năm 1890, tuy nhiên điều khác biệt với thế kỷ trước là các chuỗi cung ứng và phân phối toàn cầu tăng trưởng rất nhanh, nên thuế quan sẽ gây rối loạn kinh tế rất nhiều. Hơn nữa, rốt cuộc, chính McKinley cũng nhìn nhận rằng đánh thuế không hiệu quả bằng mối quan hệ hữu nghị.
Nhật báo kinh tế nhận thấy đây là đam mê của Trump, hồ sơ hiếm hoi mà ông nói những điều mình nghĩ và làm những gì mình nói. Donald Trump dựa vào cũng những lý lẽ, sử dụng cùng từ ngữ trong năm 2025 cũng như hồi 1987, khi ông chi gần 100.000 đô la tiền túi để quảng bá ý tưởng của mình, mua hẳn cả trang báo trên « New York Times », « Washington Post » và « Boston Globe ».
Những nước bị Trump nhắm đến đã thay đổi, nhưng ám ảnh của ông về chính sách thương mại Mỹ và tự do mậu dịch vẫn y nguyên. Hơn 35 năm sau, ông có dịp áp dụng quan điểm của mình, mà không có những « cái thắng » hồi nhiệm kỳ 1. Không còn ai ở Nhà Trắng đặt lại vấn đề về thuế quan, chỉ tranh luận xung quanh phạm vi áp dụng và mục tiêu.
Trung Quốc tập trận quy mô phong tỏa Đài Loan
Tại châu Á, Le Figaro và La Croix quan tâm đến sự kiện Trung Quốc tập trận phong tỏa Đài Loan, huy động cả ba binh chủng lục quân, hải quân và không quân trong đó có hàng không mẫu hạm Sơn Đông. Từ nhiều năm qua Bắc Kinh vẫn trắc nghiệm nhiều kịch bản để xâm lược Đài Loan, nhưng đây là cuộc tập trận quy mô nhất kể từ tháng Hai.
Có đến 71 chiến đấu cơ, mười mấy chiến hạm cùng với tàu sân bay tập trận bắn đạn thật tại khu vực cách Đài Loan 40 hải lý về phía nam. Theo quân đội Trung Quốc, đó là « lời cảnh cáo nghiêm khắc ». Bắc Kinh đe dọa « Độc lập của Đài Loan có nghĩa là chiến tranh », gọi tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) là « kẻ ăn bám đầu độc Đài Loan ».
Đáng lo hơn cả là hai sáng kiến quân sự của Trung Quốc về một chiến dịch nhắm vào Đài Loan được phát hiện vào tháng trước. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy một dãy dài các phà trên một bờ biển, có thể giúp đổ bộ mấy chục xe tăng và binh lính từ trên biển. Một tờ báo tiếng Anh ở Hồng Kông tiết lộ về một thiết bị hiệu quả có thể cắt cáp dưới đáy biển ở độ sâu kỷ lục. La Croix dẫn lời Thomas Shugart, cựu quân nhân trên tàu ngầm Mỹ và là chuyên gia quốc phòng, nhận xét phương Tây không có thiết bị nào có thể so sánh với loại này.
Cận Đông và Ukraina rối loạn, Bắc Kinh dấn tới
Nhà nghiên cứu Collin Koh của Rajaratnam School of International Studies (RSIS) ở Singapore phân tích, điều đáng cảnh báo ở đây là bối cảnh chính trị. Nhân lúc tình hình đang căng thẳng ở Cận Đông và Ukraina, Trung Quốc dấn lên tại châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật Bản bớt lo hơn khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đến thăm vào cuối tuần qua, trao đổi với đồng nhiệm Nhật Gen Nakatani, khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ về việc duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, « kể cả vượt qua eo biển Đài Loan ». Về phía Đài Bắc, tháng Bảy tới sẽ diễn ra cuộc tập trận thường niên phối hợp ba binh chủng nhằm tự vệ trước khả năng Trung Quốc tấn công « vào năm 2027 ».
Le Figaro nhắc lại, trong những tuần vừa qua, quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc thêm căng thẳng. Coi Trung Quốc là « thế lực thù địch bên ngoài », tổng thống Lại Thanh Đức tố cáo việc xâm nhập vào xã hội Đài Loan trên đủ mọi phương diện, từ vô số ca gián điệp cho đến việc dùng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) vận động ủng hộ « thống nhất ».
Một người Trung Quốc nhiều ảnh hưởng đã bị trục xuất khỏi Đài Loan, Bắc Kinh trả đũa bằng bản án ba năm tù cho « Fucha », một chủ nhà xuất bản nổi tiếng ở Đài Loan. Theo nhà nghiên cứu Joseph Tsai, đại học Chung Cheng, cuộc tập trận nhằm gởi thông điệp cho Hoa Kỳ, chứng tỏ Trung Quốc dư sức đe dọa Đài Loan. Chuyên gia Su Tzu Yun cho rằng tập trận còn nhằm tuyên truyền trong nội bộ, vào lúc các lãnh đạo cao cấp trong quân đội đang bị thanh trừng.
Bản án cho thủ lãnh cực hữu Pháp : Không ai đứng trên pháp luật
Về thời sự nước Pháp, Le Monde nhận định bản án hôm thứ Hai dành cho bà Marine Le Pen, là một đòn sấm sét trên chính trường Pháp. Ba lần là ứng cử viên tổng thống, thủ lãnh cực hữu sẽ không thể ra tranh cử vào năm 2027. Đây không phải là lần đầu tiên quyết định của tư pháp ảnh hưởng đến một chính khách hàng đầu, các cựu thủ tướng Alain Juppé năm 2004 và François Fillon năm 2017 đã từng bị, và mỗi lần tư pháp đều bị cho là quá nặng tay. Chính đảng cực hữu đã đòi trừng trị không thương tiếc các can phạm, còn khi mình vi phạm thì lại phản đối, cứ như là đứng trên pháp luật. Nhưng Nhà nước pháp trị trước hết là áp dụng luật pháp với mọi người, kể cả chính khách nổi tiếng.
No comments:
Post a Comment