Thursday, April 3, 2025

Doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ loay hoay chống đỡ cơn bão thuế quan của Trump
Anh Vũ
Đăng ngày: 01/04/2025 - 15:17
RFI

Các đối tác kinh tế của Hoa Kỳ đang chuẩn bị đón cú sốc thuế quan, trong đó Trung Quốc đặc biệt bị nhắm tới. Các doanh nghiệp của cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đang chật vật tìm cách chống chọi với cơn bão thuế quan của chính quyền Trump lần này dự báo sẽ dữ dội. 

Một người đi ngang qua những thùng hàng ghi “sản phẩm của Trung Quốc”, tại khu phố Tàu của New York, Mỹ ngày 10/02/2025.   AP - Yuki Iwamura

Kể từ 02/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump, như đã thông báo, sẽ áp mức thuế mới 10% đối với 400 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu hàng năm sang Mỹ, mà trước đó hồi đầu tháng 3 đã bị áp mức thuế bổ sung 10%.

Các nhà cung cấp Trung Quốc, cũng như khách hàng Mỹ của họ, hiện đang đối mặt với thực tế nghiệt ngã: cuộc chiến thương mại này sẽ tác động mạnh hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump vào năm 2018.

Theo Reuters, lần này tình hình khác trước bởi vì các nhà sản xuất Trung Quốc trong cuộc thương chiến hồi 2018 đã phải vất vả tìm mọi cách giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh, biên độ lợi nhận của họ đã rất thấp, cho nên giờ đây họ không thể giảm giá thêm để hỗ trợ khách hàng Mỹ khi bị áp mức thuế mới. Ngoài ra, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, vốn vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp để bảo vệ việc làm, phần lớn cũng đang gặp khó khăn tài chính và không đủ khả năng cấp các khoản trợ cấp mới.

Các nhà cung cấp hàng Trung Quốc, vốn đã lao đao trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khởi phát năm 2018, giờ đây phải đối mặt với chi phí nguyên liệu thô đã leo thang đối với một số ngành, và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Trong điều kiện như vậy, các mức thuế mới được Donald Trump thông báo trở thành giọt nước tràn ly đối với nhiều nhà sản xuất giá rẻ.

Liz Picarazzi, nhà sáng lập kiêm tổng giám công ty sản xuất thùng rác Citibin, có trụ sở tại Brooklyn, New York, cho biết hàng hóa của công ty bà làm tại Trung Quốc hiện chịu thuế suất 52,5%, khiến bà không thể tiếp tục sản xuất tại đó.

Theo một khảo sát của Reuters, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc cho biết khách hàng Mỹ đang yêu cầu họ phải giảm giá tới 10%. Các cuộc đàm phán dường như không dễ dàng cho bên cung ứng.

Theo nhiều nhà phân tích cũng như nhà sản xuất, mức thuế mới của chính quyền Trump đã làm rung chuyển trung tâm công nghiệp của Trung Quốc và có thể dẫn đến tình trạng sa thải lao động hàng loạt khi các nhà máy đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô,

Ông Thi Hòa Linh (He-Ling Shi), giáo sư kinh tế tại Đại học Monash tại Melbourne, Úc, cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đang chịu áp lực từ nhiều phía. Ông nói : « Tôi nhận thấy khá nhiều doanh nghiệp đã quyết định đóng cửa ».

Nghiên cứu từ Đại học Stanford, sau cuộc chiến thương mại năm 2018, cho thấy mỗi mức tăng 1% thuế ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận của nhà cung cấp Trung Quốc khoảng 0,35%. Cuộc chiến thương mại đó cũng khiến khoảng 3,5 triệu việc làm trong ngành sản xuất của Trung Quốc bị mất, theo tính toán của Reuters dựa trên ước tính của Đại học Dartmouth (Mỹ).

Các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để ước tính mức thiệt hại lần này. Một số khách hàng Mỹ tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ can thiệp để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước thông qua việc giảm thuế, trợ cấp tiền thuê mặt bằng và điện nước hoặc các hình thức hỗ trợ khác, giống như họ đã làm trong quá khứ.

Tuy nhiên, một số nhà cung cấp được Reuters phỏng vấn, cho biết đến nay vẫn chưa có bất kỳ hỗ trợ nào.

Giáo sư Thi Hòa Linh cho biết, do gánh nặng nợ nần lớn của các chính quyền địa phương, nhiều nơi đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, họ không thể hào phóng trợ cấp như trước đây, bất kỳ hành động nào khiến địa phương lún sâu vào nợ nần sẽ không được chính quyền trung ương Trung Quốc hoan nghênh.

Thông điệp từ Bắc Kinh là các nhà xuất khẩu nên chuyển hướng sang các thị trường khác và nhắm vào 1,4 tỷ khách hàng trong nước, nhưng điều đó cũng không dễ dàng trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu nội địa vẫn còn thấp.

Mặc dù một trong những mục tiêu trong chính sách thuế quan của Trump là đưa sản xuất quay trở lại Mỹ, thế nhưng bà Picarazzi, thuộc công ty Citibin, được trích dẫn ở trên, cho biết bà đã không ít lần xem xét khả năng này và nhận thấy nó không khả thi về chi phí và chất lượng. Hiện tại, bà đang chuyển 100% hoạt động sản xuất sang Việt Nam, và đã thông báo cho khách hàng rằng giá thành sẽ tăng. Bà nói : "Đây thực sự là một điều bất công mà chính phủ Mỹ đang làm với các công ty và người tiêu dùng Mỹ. Hủy hoại các doanh nghiệp Mỹ thì làm sao gọi là yêu nước được.

No comments:

Post a Comment