Áp thuế nặng với Việt Nam, Trump làm rung chuyển ngành giày dép và may mặc thế giới
Thanh Phương
Đăng ngày: 04/04/2025 - 14:05
RFI
Đây là một cú sốc rất lớn đối với chuỗi cung ứng của các công ty giày dép và may mặc hàng đầu thế giới: Ngày 02/04/2025, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã loan báo áp mức thuế quan "đối ứng" 46% với hàng hóa Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ, như một phần trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Giày dép và hàng dệt may hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Việt Nam có những lợi thế là chi phí lao động thấp, nhân công lành nghề về sản xuất giày dép và quần áo, cơ sở hạ tầng giao thông tốt và được coi là ít có nguy cơ bị vướng vào các cuộc xung đột địa chính trị. Việt Nam còn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 44 tỷ đô la hàng dệt may, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất. Đúng là ngành này đã phát triển mạnh mẽ khi các thương hiệu nổi tiếng như Nike và Adidas hợp tác với hàng chục nhà máy sản xuất giày thể thao và đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam trong thập kỷ qua.
Trong khi cả hai công ty này chưa bao giờ sản xuất hơn 20% số lượng giày của họ ở Trung Quốc, thì hiện nay gần một nửa số giày Nike và 39 % số giày Adidas được sản xuất tại Việt Nam. Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp giày dép lớn nhất cho cả hai công ty và giày dép sản xuất tại nước này mang lại tổng doanh thu hàng năm hơn 20 tỷ đô la.
Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi cổ phiếu của Nike trên thị trường Wall Street đã giảm đến 6,4% vào lúc 5 giờ 6 phút chiều thứ tư 02/04, giờ New York, ngay sau khi tổng thống Trump loan báo mức thuế 46% đối với Việt Nam. Trong ngày hôm đó, cổ phiếu của Lululemon Athletica, công ty sản xuất 40% sản phẩm tại Việt Nam, đã giảm gần 9,6% vào cuối phiên giao dịch. Cổ phiếu của Gap, công ty mua khoảng 27% hàng hóa từ các nhà máy ở Việt Nam, thì đã giảm rất mạnh: 11%.
Chính ngành công nghiệp giày dép và may mặc đã thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Trump, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc leo thang, kéo theo việc nhiều công ty đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Nhưng ngày từ năm 2019, đã có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam rồi cũng sẽ là một trong những mục tiêu chính yếu trong cuộc chiến thương mại toàn cầu mà Trump phát động. Vào năm đó, tổng thống Trump đã nói rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ Hoa Kỳ "thậm chí còn nhiều hơn cả Trung Quốc". Theo những người am hiểu tình hình nói với hãng tin Bloomberg, các nhà vận động hành lang cho các tập đoàn bán lẻ ở Mỹ đã từng lo ngại Trump sẽ áp dụng thuế quan đối với Việt Nam vào tháng cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên.
Nay thì Donald Trump không ngần ngại áp mức thuế lên tới 46% với Việt Nam, một trong những nước có mức thặng dư thương mại cao nhất với Hoa Kỳ. Theo số liệu của phía Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ vào năm ngoái là hơn 123 tỷ đô la, chỉ thua có Trung Quốc và Mêhicô. Hãng tin Bloomberg hôm qua trích dẫn một lãnh đạo của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, David French: "Nhiều mức thuế quan hơn có nghĩa là nhiều lo lắng và bất ổn hơn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ". Ông nhấn mạnh: "Thuế hải quan là loại thuế do nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trả và cuối cùng sẽ do người tiêu dùng gánh chịu." Nói cách khác, những người dân Mỹ chuộng giày Nike sẽ phải mua mặt hàng này với giá đắt hơn.
Vấn đề là dù có muốn, tập đoàn Nike cũng không thể đưa hoạt động sản xuất trở về Hoa Kỳ. Poonam Goyal, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, lưu ý: "Thay đổi chuỗi cung ứng không phải là một phương án khả thi, bởi vì sản xuất giấy chất lượng cao đòi hỏi những kỹ năng và những nhà máy rất đặc thù cụ thể".
No comments:
Post a Comment