VNTB – Thực phẩm ngâm hóa chất chết người: phạt người ngâm thì chưa đủ
Dân Trần
29.12.2024 3:25
VNThoibao
Chỉ trong mấy ngày cuối năm, hàng loạt cơ sở dùng hóa chất độc hại làm ra hàng ngàn tấn giá đỗ đã bị phát hiện từ Huế tới Đắk Lắk, ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân trên khắp Việt Nam. Vụ án lớn nhất là 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã dùng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để làm rễ cây giá ngắn lại, tập trung dưỡng chất phát triển thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Đây là hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Chất này có tác dụng kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi phụ nữ mang thai hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh. Con người ăn vào lượng lớn thực phẩm có chứa hoạt chất 6-Benzylaminopurine có thể gây tử vong. (1)
Trong khi đó, giá là loại thức ăn phổ biến trong các món ăn hàng ngày của người Việt như phở, hủ tiếu, bún bò, các món cơm… Việc trộn hoá chất độc hại, có thể gây tử vong vào thực phẩm có thể ví như việc tấn công khủng bố bằng vũ khí hoá học để đầu độc, diệt chủng cả dân tộc. Thể trạng người Việt những năm gần đây càng ngày càng suy yếu, cùng với vô vàng bệnh tật, một phần lớn nguyên nhân cũng từ những loại hoá chất độc hại được sử dụng tràn lan này. Thế nhưng loại tội phạm này chỉ bị xử những mức án rất nhẹ tại Việt Nam.
Như vụ 6 cơ sở tại Đắk Lắk ở trên, công an cho biết năm 2024 nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày từ 8 – 10 tấn. Có 1 cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng bán cho Bách Hóa Xanh từ 350 – 400kg giá đỗ/1 ngày. (1) Con số khủng khiếp là vậy, nhưng công an chỉ khởi tố 4 chủ cơ sở về tội “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Còn trong vụ án tại Huế thì chủ cơ sở trồng giá bằng hóa chất độc hại hoàn toàn không bị khởi tố, mà công an chỉ xử phạt hành chính 45 triệu đồng, đình chỉ sản xuất cơ sở này 2 tháng và tiêu hủy toàn bộ số giá nói trên. Lý giải cho mức phạt này, ngày 27/12, đại úy Hồ Toàn Thành, đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Huế, cho biết “Dù số giá lên đến 750kg nhưng giá bán ra thị trường chỉ 8.000 đồng/kg (khoảng 6 triệu đồng), chưa đủ 10 triệu đồng nên chưa đủ điều kiện để khởi tố vụ án. Nếu chủ cơ sở có hành vi tái phạm thì chúng tôi mới tiến hành khởi tố theo quy định” (2).
Biết là chất độc, gây hại tới mạng sống con người nhưng cơ quan chức trách chỉ “xử phạt cho có” thì không thể làm gương cho dân và dập tắt hoàn toàn vấn nạn này được. Điển hình là hầu như cứ vài tháng là lại có một vụ ngâm hoá chất bị phát hiện, phạt hành chính rồi đâu lại vào đó. Như hồi tháng 3, Công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện 2 cơ sở có sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine để sản xuất giá. Nhưng chỉ xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động 2 tháng. (3)
Qua những vụ bị phát hiện thì có thể thấy việc dùng hóa chất 6-Benzylaminopurine để ngâm giá là chuyện thường ngày ở huyện. Mà không chỉ giá, các loại rau củ quả khác bị ngâm chất độc hại, kích thích tăng trưởng, và vẫn được bày bán khắp nơi tại Việt Nam. Chỉ cần kiểm tra là ra. Nhưng vì sao chúng vẫn tồn tại?
Nên nhớ rằng thực phẩm ở mỗi địa phương tại Việt Nam đều bị quản lý bởi hàng chục cơ quan chuyên trách của các bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp.
Chỉ tính riêng bộ Y tế, khoản 3 Điều 5 Thông tư 17/2023/TT-BYT quy định các cơ quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm:
– Cục An toàn thực phẩm;
– Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
– Phòng Y tế, Trung tâm Y tế hoặc Cơ quan chuyên môn tham mưu;
– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Trạm Y tế xã. (4)
Với một lực lượng khủng lồ như vậy mà hoá chất độc hại vẫn tràn lan, người dân vẫn bị đầu độc mỗi ngày. Thì rõ ràng rằng chỉ xử tù những kẻ tẩm độc vẫn là chưa đủ (chứ đừng nói là phạt hành chính), mà cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu luật quá nhẹ cho các tội danh này thì phải sửa luật, còn nếu sửa luật mà vẫn không xử lý được thì cần phải thay đổi thể chế, để dân bầu chọn người tài đức vào làm thay những tham quan hiện nay!
_____________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment