VNTB – Cục An ninh mạng chỉ mang tính hình thức để dân bị lừa vô tội vạ
Châu Nam Việt
22.12.2024 5:10
VNThoibao
Các cơ quan chuyên trách về an ninh mạng như Cục An ninh mạng và Phòng Tội phạm công nghệ cao được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người dân trước tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy họ chỉ hoạt động mạnh mẽ trên các báo cáo và các buổi họp. Trong khi đó, những kẻ lừa đảo vẫn đang ngày càng tinh vi, tấn công trực tiếp vào người dân.
Tại sao các tổ chức này được hưởng lương từ tiền thuế nhân dân, lại không thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu các vụ lừa đảo gian lận? Phải chăng do họ thiếu năng lực hay còn lý do nào khác? Có phải các cơ quan này chỉ được thiết lập để kiểm soát thông tin và tiếng nói bất đồng chính kiến, thay vì thực sự phục vụ lợi ích cộng đồng? Cộng với dàn lãnh đạo yếu kém chỉ biết suy nghĩ giữ chức quyền và đấu đá lẫn nhau, thì nạn nhân của những vụ lừa đảo với số tiền khổng lồ ngày một nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Theo số liệu từ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy, cứ 220 người dùng internet tại Việt Nam thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. (1) Con số 18.900 tỷ đồng bị lừa đảo không chỉ là nỗi đau xương máu của nhiều gia đình mà còn là nỗi thất vọng lớn cho nền kinh tế. Đáng nói hơn, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vì thực tế, số lượng nạn nhân không báo cáo vì mất niềm tin vào cơ quan chức năng còn cao hơn rất nhiều. Vốn được kỳ vọng là “lá chắn” bảo vệ dân nhưng cơ quan chức năng lại đang ngày càng đánh mất niềm tin từ dân.
Mỗi năm, thống kê thiệt hại do lừa đảo trực tuyến đều được báo cáo rộng rãi, nhưng các biện pháp pháp lý có thể để ngăn chặn và giảm thiểu rất ít khi được triển khai. Thay vào đó, điều mà người dân được nhận, lại chỉ là những lời kêu gọi “nâng cao cảnh giác”, “chủ động phòng ngừa”,… Nếu người dân phải tự bảo vệ mình, thì sự tồn tại của các cơ quan chức năng có còn ý nghĩa?
Ngoài ra, nhà cầm quyền luôn yêu cầu người dân khai báo thông tin cá nhân khi đăng ký các dịch vụ trực tuyến, nhưng lại không có cơ chế bảo vệ dữ liệu đủ mạnh, khiến các thông tin này trở thành thành “mồi ngon” cho tội phạm. (Năm 2024, có tới 66,24% người dùng xác nhận rằng thông tin của họ từng bị sử dụng trái phép). Vậy thì các cơ quan an ninh mạng với ngân sách hàng năm được cung cấp từ tiền thuế của người dân, đang thực sự làm gì?
Có thể thấy rằng các lực lượng an ninh mạng, cơ quan công an với những trang thiết bị công nghệ cao được đầu tư hàng ngàn tỷ trong thời gian qua mà lại không truy bắt được triệt để tội phạm công nghệ cao thì có lẽ số tiền này đã được sử dụng sai mục đích. Hoặc có lẽ do các cán bộ công an không đủ năng lực để sử dụng các thiết bị công nghệ chăng. Trong nhiều trường hợp, các tổ chức tội phạm lừa đảo còn được cho là có “dây mơ rễ má” với những cá nhân hoặc nhóm lợi ích trong bộ máy nhà nước. Điều này giải thích vì sao tội phạm công nghệ cao ngày càng lộng hành, trong khi cơ quan chức năng thì chỉ đứng ngoài cuộc.
Phải biết rằng một trong những yếu tố quan trọng giúp các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi của mình là khả năng tiếp cận được thông tin cá nhân và lập tài khoản ngân hàng dễ dàng. Những kẻ lừa đảo lấy thông tin cá nhân của người dân từ đâu và tại sao chúng có thể lập tài khoản ngân hàng dễ dàng như vậy? Liệu rằng có sự tiếp tay của cán bộ nhà nước, hay việc bảo mật thông tin của các cơ quan nhà nước quá yếu kém? Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này thì tất cả người dân Việt Nam đều có thể bị mất tiền oan bất cứ lúc nào mà không biết nhờ ai xử lý.
____________________
Tham khảo:
https://baophapluat.vn/trung-binh-220-nguoi-dung-smartphone-co-1-nguoi-bi-lua-dao-post535072.html
No comments:
Post a Comment