Về vấn đề kiểm soát vũ khí thông thường và chấm dứt chiến tranh Ukraine
Nguồn: William Lippert, “Conventional Arms Control and Ending the Russo-Ukrainian War”, War on the Rocks, 22/10/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
22/12/2024
NghiencuuQT
Kiểm soát vũ khí thông thường có ý nghĩa như thế nào đối với cách thức chiến tranh kết thúc? Ngay cả những cuộc chiến dài nhất cũng phải chấm dứt, và nhiều cuộc xung đột kết thúc bằng một số loại thỏa thuận, ngay cả khi đó là sự đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, bản thân thuật ngữ đầu hàng vô điều kiện đã gây hiểu lầm, mặc dù điều khác biệt giữa đầu hàng và đàm phán các điều kiện đầu hàng có thể chỉ nằm ở vấn đề mức độ. Các quốc gia chấp nhận đầu hàng hoàn toàn với nhận thức rằng chiến tranh thông thường sẽ kết thúc: Các thành phố sẽ không còn bị đánh bom, binh lính sẽ không còn bị tấn công và các cuộc tấn công quân sự sẽ được dỡ bỏ. Khi các cuộc chiến tranh hiện đại kết thúc, dù bằng thắng lợi hay thất bại, hay trong bế tắc, các quốc gia thường đồng ý kiểm soát vũ khí thông thường.
Đồng thời, con đường dẫn đến chiến thắng cho bên này và thất bại cho bên kia thường được dẫn dắt bởi các quan niệm về kiểm soát vũ khí thông thường. Có nghĩa là, các quốc gia sẽ tìm cách áp đặt sự kiểm soát đối với kẻ thù trong khi tránh việc bị áp đặt kiểm soát lên chính họ. Khi chúng ta nghĩ về cách thức cuộc chiến ở Ukraine có thể kết thúc, và khi mỗi quốc gia quan tâm nghĩ về cách họ muốn nó kết thúc, kiểm soát vũ khí thông thường nên là yếu tố quan trọng trong tính toán của chúng ta. Bài bình luận này sẽ thảo luận về việc kiểm soát vũ khí thông thường có thể bao hàm những lựa chọn và khả năng cụ thể nào khi cuộc xung đột kết thúc.
Như tôi đã từng lập luận, cuộc chiến này một phần không nhỏ xuất phát từ thất bại trong việc kiểm soát vũ khí thông thường. Dựa trên cả lịch sử về cách thức xung đột kết thúc và nguyên nhân gốc rễ của cuộc chiến này, có khả năng việc kiểm soát vũ khí thông thường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cuộc xung đột sẽ kết thúc khi nào và bằng cách nào và điều gì xảy ra tiếp theo. Với nguy cơ đơn giản hóa quá mức, tối đưa ra ba kết thúc khác nhau của cuộc chiến: Nga thắng, Ukraine thắng hoặc bế tắc. Tuy nhiên, một chiến thắng toàn diện của Nga có hàm ý hoàn toàn khác so với chiến thắng của Ukraine. Chiến thắng của Nga có nghĩa là Ukraine đầu hàng và nhượng bộ trước các yêu cầu của Nga, trong khi chiến thắng của Ukraine phần lớn sẽ có nghĩa là Nga rút quân và có thể chấp nhận một số biện pháp kiểm soát khả năng quân sự vì lợi ích an ninh của Ukraine. Do đó, các điều kiện kiểm soát vũ khí thông thường không giống nhau, bởi vì trong khi lực lượng Nga có thể diễu hành qua Quảng trường Độc lập của Kyiv, thì lực lượng Ukraine không có khả năng diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Điều này có nghĩa là, như tôi sẽ nói rõ hơn, Nga có thể buộc Ukraine phải kiểm soát vũ khí thông thường gần như không giới hạn, nhưng Ukraine khó có thể làm điều tương tự cho dù chiến thắng của họ mang tính quyết định đến đâu. Cuối cùng, bài bình luận này dựa trên quan điểm rằng Ukraine không bị sáp nhập hoàn toàn – điều chắc chắn có thể xảy ra trong trường hợp Nga giành chiến thắng quyết định – trong trường hợp đó, hầu hết mọi quan điểm về các thỏa thuận sau xung đột giữa Moscow và Kyiv đều không có liên quan.
Nền tảng của kiểm soát vũ khí thông thường
Tóm lại, kiểm soát vũ khí thông thường mang tính chất đối đầu tập trung vào các đối thủ (trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai) hoặc các quốc gia đang có xung đột. Vũ khí thông thường đề cập đến các loại vũ khí không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt, và kiểm soát vũ khí đề cập đến các thỏa thuận mà các quốc gia thiết lập để điều chỉnh khả năng quân sự theo một cách thức mang tính chất hợp tác nào đó. Các loại thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác tập trung vào các vấn đề nhân đạo hoặc cân bằng vũ khí hạt nhân, cả hai đều khác biệt đáng kể so với kiểm soát vũ khí thông thường mang tính chất đối đầu. Nguyên tắc cuối cùng về kiểm soát vũ khí thông thường là có ba cách tiếp cận: hạn chế ở cấp độ quốc gia, phi quân sự hóa ở mức độ địa lý hẹp và các biện pháp phân biệt đối xử. Hai cách đầu tiên thường phản ánh sự cân bằng giữa các đối thủ, trong khi cách thứ ba có nghĩa là một quốc gia chiến thắng hoặc mạnh hơn buộc một quốc gia bị đánh bại hoặc yếu hơn phải duy trì tình trạng yếu hơn đáng kể.
Cách thức chiến tranh kết thúc
Hầu hết tất cả các cuộc chiến đều kết thúc bằng một hình thức chiến thắng, thất bại hoặc bế tắc nào đó. Khi các biện pháp kiểm soát vũ khí được đàm phán vào cuối một cuộc xung đột, nhận thức chung về tình trạng hiện tại của cuộc xung đột giúp xác định không gian thương lượng và hiện trạng hoặc xu hướng của nó thường được duy trì. Có nghĩa là, quốc gia mạnh hơn vẫn luôn là mạnh hơn và quốc gia yếu hơn vẫn luôn yếu hơn. Điều này có ý nghĩa về mặt trực quan, nhưng phải luôn ghi nhớ yếu tố này khi hình dung tác động của nó đối với việc kiểm soát vũ khí thông thường. Kyiv, Moscow và tất cả các bên có liên quan, cho dù họ ủng hộ bên này hay bên kia hoặc thực sự tìm kiếm một nền hòa bình trung lập hơn (Ả Rập Saudi, Trung Quốc và những nước khác), cần phải hiểu chiến thắng hoặc thất bại có thể kéo theo điều gì, và chiến thắng càng lớn, thì càng có thể yêu cầu nhiều hơn, và thất bại càng lớn, thì càng phải nhượng bộ nhiều hơn. Ngược lại, một nước càng muốn đòi hỏi nhiều, thì chiến thắng của nước đó càng phải mang tính quyết định. Họ càng ít muốn từ bỏ trong một số hình thức thất bại, thì họ càng muốn thất bại của mình ít mang tính quyết định hơn.
Cách thức chiến tranh kết thúc mang hàm ý rất lớn đứng từ góc độ kiểm soát vũ khí thông thường. Thất bại và bất kỳ việc phi quân sự hóa địa lý nào của Nga sẽ khiến nước này dễ bị tấn công bởi NATO hơn, vì có lẽ sẽ không có giới hạn nào đối với lực lượng NATO ở Ukraine – và Ukraine sẽ ở vị thế mạnh hơn để hỗ trợ NATO trong bất kỳ loại hình chiến tranh nào (ngay cả khi không có binh lính NATO ở Ukraine). Một tình trạng bế tắc với khu vực phi quân sự gần như dọc theo tiền tuyến hiện tại sẽ tạo ra một cuộc xung đột bị đóng băng, khiến cả hai đội quân vượt ra ngoài các giới hạn và buộc phải đưa ra các quyết định chiến lược khó khăn. Chiến thắng của Nga có thể làm tăng đáng kể năng lực của Nga bằng cách tước bỏ hoàn toàn vũ khí của Ukraine – khiến nước này trở thành một tuyến đường xâm lược tiềm tàng nhắm vào các quốc gia NATO ngay cả khi Nga không có lực lượng ở Ukraine (không bị chiếm đóng).
Trường hợp Ukraine chiến thắng
Một chiến thắng của Ukraine sẽ bao gồm việc Nga đồng ý chấm dứt cuộc xâm lược và rút về biên giới trước năm 2014. Mục tiêu của Ukraine sẽ là giảm khả năng Nga có thể khởi động lại xung đột, và xâm lược trở lại khi có cơ hội. Mục tiêu của Nga sẽ là đạt được một thỏa thuận chấm dứt các cuộc tấn công của Ukraine ở bên trong lãnh thổ Nga và các cuộc tấn công thâm nhập vào Nga. Có một số biện pháp mà một Moscow bị đánh bại và một Kyiv chiến thắng có thể đồng ý để giảm khả năng tấn công trở lại của Nga. Đầu tiên, một vùng đệm có thể được thiết lập bên trong lãnh thổ Nga, đặt ra giới hạn về số lượng binh lính được phép hiện diện bên trong, nghiêm cấm việc triển khai các hệ thống vũ khí như xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, đồng thời loại bỏ các công sự và hệ thống phòng thủ. Những áp đặt như vậy đối với các quốc gia bại trận vốn là điều phổ biến; ví dụ, vào năm 1947, Ý buộc phải loại bỏ “các công sự và cơ sở quân sự dọc biên giới Pháp-Ý, và các loại vũ khí được triển khai kèm theo”; và vào năm 1999, NATO và Belgrade đã đồng ý về vùng an toàn trên không kéo dài 25 km và vùng đệm trên bộ 5 km dọc biên giới Kosovo-Nam Tư.
Một vùng đệm bên trong Nga có thể bao gồm các quan sát viên của Ukraine và/hoặc quốc tế – thậm chí cả NATO – để ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga chống lại Ukraine. Một vùng đệm phi quân sự không có người ở Nga cũng có thể chính thức thuộc quyền chiếm đóng của Ukraine trong trường hợp Ukraine tin rằng Nga đang ở trong tình trạng không tuân thủ. Pháp và Bỉ đã chiếm đóng vùng Ruhr phi quân sự ở Đức vào năm 1923–25 khi họ nhận thấy Đức đang chậm thanh toán bồi thường chiến phí. Một trong những lợi ích đối với vùng đệm do Ukraine chiếm đóng ở Nga là, nếu Nga tấn công, họ sẽ phải mạo hiểm làm tổn hại lãnh thổ của chính mình và giết chết công dân của chính mình trước khi tiến được vào Ukraine. Và, dù có bị chiếm đóng hay không, một khu vực như vậy sẽ cảnh báo Ukraine trước khi lực lượng Nga tiến vào lãnh thổ của mình.
Nga có thể chấp nhận các giới hạn bên ngoài biên giới trực tiếp, chẳng hạn như đối với tên lửa đạn đạo có tầm bắn nhất định hoặc cấm tàu hải quân có kích thước hoặc khả năng nhất định trong phạm vi nhất định của Ukraine hoặc trên toàn Biển Đen. Ví dụ, vào năm 1940, Liên Xô và Phần Lan đã đồng ý về một hạn chế đáng kể đối với hạm đội Bắc Cực của Phần Lan. Cuối cùng, Ukraine có thể yêu cầu Nga chấp nhận rằng quân đội của họ sẽ không được phép tập trung đông đảo ở Belarus.
Thật không may cho Ukraine, họ khó có thể ở vị trí áp đặt giải giáp ồ ạt trên quy mô tương tự như những gì phe Đồng minh đã tạm thời đạt được với các cường quốc Trung tâm sau Thế chiến I, và phe Đồng minh đã dự định đạt được sau Thế chiến II.
Trường hợp Nga chiến thắng
Một chiến thắng của Nga có thể đồng nghĩa với việc Ukraine bị giải giáp, mặc dù có nhiều quy mô và cách tiếp cận khác nhau đối với việc này. Các hiệp ước hòa bình ở Thế chiến I đưa ra các ví dụ về giải giáp mà không cần phải tiến hành chiếm đóng hoàn toàn. Khi kết thúc chiến tranh, phe Đồng minh đã thiết lập một khuôn mẫu mà họ áp dụng cho tất cả các cường quốc Trung tâm bao gồm giới hạn về số lượng quân, số lượng và loại tàu hải quân mà các nước phe Trung tâm có thể sở hữu, cấm các hệ thống vũ khí như máy bay chiến đấu, loại bỏ công sự, và đặt ra giới hạn đối với các ngành công nghiệp quốc phòng. Một khía cạnh quan trọng của chính sách giải giáp trong Thế chiến I là việc thành lập các Ủy ban Kiểm soát Quân sự Liên minh. Các ủy ban quốc tế về lục quân và công nghiệp, hàng không và hải quân này do các quốc gia Đồng minh thành lập và được trao quyền kiểm tra toàn diện với nhân viên được bố trí tại các quốc gia nơi họ đang kiểm tra.
Tình hình vào cuối Thế chiến II cho thấy các quốc gia Phe Trục bị đánh bại hoàn toàn và bị chiếm đóng ở các mức độ khác nhau. Các thỏa thuận ngừng bắn và đình chiến đã trao cho phe Đồng minh quyền hạn rộng rãi để về cơ bản làm những gì họ muốn ở bất cứ nơi nào họ muốn. Trong một số trường hợp, kiểm soát vũ khí thông thường trở nên rất cụ thể, đặt ra các giới hạn tương tự như Thế chiến I. Trong những trường hợp khác, chúng mơ hồ nhưng đề cập đến việc giải giáp chung ở mức độ thời bình đồng thời tuyên bố quyền quyết định tối cao của các cường quốc Đồng minh. Ví dụ, hiệp định đình chiến tháng 9 năm 1943 với Ý tuyên bố rằng họ cam kết “giải giáp, giải ngũ và phi quân sự hóa theo quy định của Tổng tư lệnh Đồng minh”, và đối với Bulgaria, hiệp định đình chiến tháng 10 năm 1944 tuyên bố rằng “lực lượng vũ trang phải được giải ngũ và đặt trong tình trạng hòa bình dưới sự giám sát của Ủy ban Kiểm soát Đồng minh.”
Các hiệp định hòa bình được ký kết trong thập kỷ tiếp theo sẽ cụ thể hơn, thực hiện các hạn chế tương tự như các hạn chế của Thế chiến I. Nhưng ngoại trừ Phần Lan và Áo, các hạn chế đã được dỡ bỏ một cách không chính thức khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Hơn nữa, ngay cả trong chính cuộc chiến, việc giải giáp đã bị thay thế khi các quốc gia Phe Trục bị đánh bại quyết định gia nhập phe Đồng minh.
Do đó, nếu Nga chiếm được phần lớn Ukraine, họ có thể áp đặt một chế độ giải giáp tàn khốc được hỗ trợ bởi quá trình chiếm đóng. Họ có thể cấm một cách hiệu quả sự tồn tại của bất kỳ lực lượng quân sự nào của Ukraine, chỉ cho phép các lực lượng cảnh sát được trang bị tối thiểu. Một chiến thắng kém toàn diện hơn có thể đi cùng với việc Ukraine đồng ý với các giới hạn định lượng đối với các hệ thống vũ khí bao gồm tàu hải quân, máy bay chiến đấu, pháo binh, xe bọc thép và hệ thống tên lửa đất đối không. Ngoài ra, một thỏa thuận có thể thiết lập một vùng đệm bên trong Ukraine – tương tự như vùng đệm đã thảo luận ở trên – chỉ trong trường hợp Nga chiến thắng, mục đích sẽ là ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine.
Kyiv cũng có thể chấp nhận lệnh cấm đối với các lực lượng quân sự nước ngoài nói chung (có thể ngoại trừ lực lượng Nga). Thật vậy, đây là yêu cầu của Nga trong Điều 4 của đề xuất tháng 12 năm 2021 gửi NATO. Tương tự, Điện Kremlin gần như chắc chắn sẽ yêu cầu Ukraine đứng ngoài NATO – một yêu cầu lặp đi lặp lại thậm chí được đưa ra chính thức ngay trước cuộc xâm lược trong Điều 6 của đề xuất tháng 12 năm 2021. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể thấy Nga tiến hành các hoạt động giám sát và xác minh, và họ có thể làm như vậy với sự hỗ trợ của các đối tác như Iran, Triều Tiên và Trung Quốc.
Bế tắc
Nếu chiến tranh chấm dứt vào ngày hôm nay, nó có thể được coi là một bế tắc, bởi vì mặc dù cả hai bên đều nhìn thấy con đường dẫn đến chiến thắng, nhưng họ cũng có thể nhận thức được rằng những tổn thất và những thách thức khác có thể ngăn cản chiến thắng. Một vùng đệm phi quân sự dọc theo đường tiếp xúc hiện tại có thể là giải pháp ngắn hạn và trở thành biểu ngữ cho một cuộc xung đột đóng băng. Khu phi quân sự nổi tiếng nhất và là một trong những khu phi quân sự lâu đời nhất sau xung đột là khu vực nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Các vùng đệm khác do quốc tế điều hành bao gồm các vùng được thiết lập vào năm 1974 ở Síp, ở Moldova vào năm 1992 và ở Ukraine vào năm 2015.
Các loại vùng đệm này hoạt động theo cách tương tự. Một khoảng cách gần bằng nhau từ đường tiếp xúc được tuyên bố là phi quân sự, cấm bất kỳ hoạt động quân sự nào trong khu vực đó ngoài hoạt động do lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế trung lập tiến hành hoặc cho phép. Các mục tiêu bao gồm nhiều mặt: chấm dứt các hoạt động chiến đấu tích cực để dành thời gian cho ngoại giao, tách các lực lượng chiến đấu để ngăn chặn các sự cố và xen kẽ các lực lượng hoặc nhân sự quốc tế để ngăn chặn, thường bằng các chi phí ngoại giao hơn là kháng cự quân sự, các nỗ lực vượt qua vùng đệm và tấn công bên kia.
Hơn nữa, có thể không có bất kỳ thỏa thuận chính thức nào để chấm dứt chiến sự, hoặc một thỏa thuận ngừng chiến sự có thể đơn giản như một thỏa thuận chấm dứt các hoạt động chiến đấu, mà không có thỏa thuận tương xứng nào để thiết lập vùng đệm hoặc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Cách tiếp cận như vậy có thể làm giảm khả năng ngừng bắn kéo dài, nhưng một thỏa thuận có thể liên quan đến các cam kết tối thiểu nếu cả hai bên không thể thống nhất về các biện pháp thúc đẩy ngừng bắn.
Các hàm ý rộng hơn cho NATO/EU và Nga
Chiến tranh Nga-Ukraine rõ ràng có sự tham gia của NATO, và mặc dù tác động đối với bất kỳ sự kiểm soát vũ khí thông thường nào trên toàn châu Âu là không chắc chắn, nhưng một số điểm đã rõ ràng. Nếu Nga thắng, họ có thể thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu cho đến khi chiến thắng đồng thời chỉ ra những điểm yếu của NATO. Trong trường hợp này, Nga có thể sẵn sàng áp đặt các giới hạn đối với NATO – hoặc ít nhất là tương đối nhiều hạn chế hơn.
Một phần cốt lõi của vấn đề là sự bất đồng về sức mạnh tương đối và tác động của hiện trạng đối với việc kiểm soát vũ khí thông thường. Tuy nhiên, nếu kết quả rõ ràng là bên này vượt trội về mặt quân sự so với bên kia, thì một thỏa thuận mất cân bằng nhưng không thiên vị như thỏa thuận sau chiến thắng/thất bại có thể là con đường tốt nhất hướng tới ổn định. Hai hiệp định thời bình phản ánh và khóa chặt sự mất cân bằng quyền lực là Hiệp định Ngũ cường trong Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922, thiết lập tỷ lệ tàu chiến chủ lực giữa Vương quốc Anh, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý là 5:5:3: 1:0,75 (tương ứng) và thỏa thuận Hải quân Anh-Đức năm 1935, ấn định tỷ lệ trọng tải hải quân tương ứng là 100:35.
Trước chiến tranh, các đề xuất của Nga đối với NATO và Mỹ có lợi cho Nga. Nếu Nga thắng thế, họ sẽ có nhiều khả năng được chấp nhận những yêu cầu này hoặc những yêu cầu tương tự. Mặt khác, nếu Ukraine chiến thắng, NATO có thể sẽ tìm cách ổn định mối quan hệ với Nga có lợi cho NATO – ví dụ, một hiệp ước có một số điểm tương đồng với Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu năm 1990, chỉ thay vì tỷ lệ lực lượng 1:1 giữa NATO và Khối Warsaw trong năm loại hệ thống vũ khí chính, tỷ lệ được áp dụng có thể là 2:1. Nếu có bế tắc, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thông thường rộng lớn hơn giữa NATO và Nga có thể tìm cách đơn giản chấp nhận rằng mỗi bên đều có những lợi thế và bất lợi, nhưng vì lợi ích ổn định mối quan hệ, họ có thể chấp nhận sự ngang bằng (như năm 1990).
Kết luận
Mức độ mà Nga và Ukraine muốn hạn chế khả năng quân sự của nhau khi chấm dứt xung đột sẽ được xác định bởi cách thức xung đột kết thúc, và đặc biệt là bởi bên nào, nếu có, là bên chiến thắng được thừa nhận. Bên chiến thắng sẽ có thể đưa ra những yêu cầu mà bên thua cuộc có thể buộc phải chấp nhận. Mặt khác, một bế tắc sẽ có nghĩa là không bên nào có thể buộc bên kia phải chấp nhận những hạn chế lớn về khả năng quân sự, đặt ra các điều kiện cho một cuộc xung đột đóng băng hoặc bạo lực tái diễn trong tương lai. Do đó, kiểm soát vũ khí thông thường sau xung đột tạo thành cơ sở cho các mục tiêu quân sự chiến lược của Moscow và Kyiv, và có thể sẽ là một thành phần quan trọng của hòa bình sau xung đột. Điều này có nghĩa là cả hai bên, các đối tác của họ và các bên trung lập tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột nên xác định các điều kiện chấm dứt xung đột một phần bằng các mục tiêu kiểm soát vũ khí thông thường; và sau đó các bên nên chuẩn bị kết hợp kiểm soát vũ khí thông thường trong bất kỳ thỏa thuận chấm dứt xung đột nào, đồng thời ghi nhớ những yêu cầu và cách tiếp cận nào là hợp lý và những yêu cầu và cách tiếp cận nào khó có thể được chấp nhận.
William Lippert là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu An ninh và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Leiden, Hà Lan. Ông có bằng thạc sĩ về nghiên cứu an ninh tại Đại học Georgetown, Washington, DC. Trọng tâm nghiên cứu chính của ông là kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu, lĩnh vực mà ông đang hoàn thành luận án của mình. Trước đây, ông từng làm việc cho INTERPOL với tư cách là nhà phân tích tình báo tội phạm và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ với tư cách là nhà phân tích tình báo và chiến lược.
No comments:
Post a Comment