Việt Nam: Dự báo bùng nổ nhu cầu xe điện, cần hàng tỷ đô la cho mạng lưới trạm sạc
VOA Tiếng Việt
16/12/2024
VOA
Nhu cầu thị trường xe điện tại Việt Nam vào khoảng hơn 7 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2030 và tăng lên 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031 – 2050, theo WB.
Nhu cầu sử dụng xe điện tại Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh lên đến 71 triệu chiếc cho đến năm 2050 và sẽ cần đến 32,6 tỷ đô la để phát triển mạng lưới các trạm sạc để phục vụ cho hệ thống giao thông xanh, theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây.
Báo cáo của WB cho biết nhu cầu thị trường đối với tất cả các loại xe điện tại Việt Nam vào khoảng hơn 7 triệu chiếc trong giai đoạn 2024 – 2030 và sẽ tăng lên 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031 – 2050.
Theo Ngân hàng Thế giới, để xe điện trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với những người mua xe lần đầu, thì việc phát triển hệ thống trạm sạc đóng vai trò then chốt. Cơ quan này ước tính Việt Nam sẽ cần 2,2 tỷ đô la vào năm 2030 để xây dựng mạng lưới các trạm sạc công cộng. Con số này sẽ tăng lên 13,9 tỷ đô la vào năm 2040 và 32,6 tỷ đô la vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu xe điện của hầu hết người dân.
Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng. Mục tiêu này đã giúp Hà Nội được EU và các đối tác G7 hỗ trợ gói tài trợ trị giá 15,5 tỷ USD cho việc triển khai Dự án Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JEPT).
Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng trên, báo cáo của WB đề xuất một lộ trình chuyển đổi sang xe điện và khử phát thải carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo đó, đến năm 2030, 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt và taxi nội đô đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% các phương tiện giao thông đường bộ đều chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh. Quá trình chuyển đổi này sẽ giảm 5,3 triệu tấn phát thải CO2 (tương đương 8% chỉ tiêu giảm phát thải của Việt Nam) vào năm 2030 và 226 triệu tấn (tương đương 60% chỉ tiêu) vào năm 2050.
Ngoài ra, WB cho rằng lộ trình chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam cần tập trung vào 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo của WB cũng đề nghị chính phủ Việt Nam cần có các chính sách thuận lợi và rõ ràng để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực xe điện thông qua các ưu đãi tài chính, phi tài chính và hình thành lộ trình rõ ràng cho việc áp dụng xe điện với các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt về cơ sở hạ tầng sạc.
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam hôm 13/12 cho rằng việc phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện là yếu tố quyết định trong quá trình phổ biến và phát triển xe điện. Theo bộ này, một mô hình đầu tư lắp đặt trạm sạc xe điện với các giải pháp thông minh, tích hợp AI, thanh toán qua mã QR và tự động ngắt khi pin đầy, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như kết hợp lưới điện mặt trời vào hạ tầng sạc xe điện là một trong các mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.