Thursday, December 19, 2024

Cuốn tiểu thuyết Nga đã trở thành kim chỉ nam tinh thần của Tập
Nguồn: John Garnaut và Sam Chetwin George, “This Unreadable Russian Novel Is Xi Jinping’s Spiritual Guide,” New York Times, 15/12/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
19/12/2024
NghiencuuQT

Cuối tháng 10, trong khi phần lớn thế giới đang tập trung vào cuộc bầu cử ở Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã đưa ra một lời kêu gọi toàn cầu phản đối trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Phát biểu tại Kazan, Nga, trong hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS, ông nói với các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Iran, Ai Cập, và một số quốc gia khác rằng: thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới quan trọng “được xác định bởi sự hỗn loạn và chuyển đổi.”

“Chúng ta nên để thế giới tiếp tục hỗn loạn, hay đưa nó trở lại con đường đúng đắn của sự phát triển hòa bình?” Tập hỏi. Ông cũng nhắc đến một cuốn tiểu thuyết Nga viết năm 1863 ca ngợi cuộc đấu tranh cách mạng và đã truyền cảm hứng cho Vladimir Lenin, như một hướng dẫn tinh thần cho nhiệm vụ phía trước.

Tập thường dựa vào truyền thống lịch sử và văn học của Nga để truyền đạt ý định hạ thấp – và cuối cùng là thay thế – các ý tưởng và thể chế phương Tây. Tuy nhiên, bằng cách thúc đẩy tinh thần hy sinh cách mạng trong BRICS, một nhóm đang được mở rộng để bao gồm các quốc gia thành viên mới, Tập đang báo hiệu ý định tập hợp các nước đang phát triển cho một cuộc đấu tranh mạnh mẽ hơn chống lại bá quyền Mỹ.

Cuốn tiểu thuyết khó hiểu và cấp tiến mà nhà lãnh đạo Trung Quốc trích dẫn làm nguồn cảm hứng cho ông đã hé lộ phần nào về tư duy của Tập, khi ông chuẩn bị thử thách cam kết của Donald Trump đối với các thể chế và liên minh làm nền tảng cho trật tự do Mỹ lãnh đạo.

Cuốn “What Is to Be Done? Tales of New People” (Cần phải làm gì? Câu chuyện về những con người mới) được Nikolai Chernyshevsky viết trong phòng giam vào năm 1862 và 1863, sau khi chính quyền Sa hoàng bỏ tù ông vì “ý định xấu xa là lật đổ trật tự hiện tại” do ông bị cáo buộc có liên hệ với các tổ chức chủ trương lật đổ. Cuốn tiểu thuyết này ít được biết đến ở phương Tây, có lẽ vì câu chuyện quanh co, khó hiểu, về mối tình tay ba trong một hợp tác xã may mặc thực sự là một tác phẩm khó đọc. Nhà thơ người Nga Afanasy Fet đã nói rằng tội ác thực sự của Chernyshevsky là “sự giả tạo đến mức tệ hại” và việc đọc cuốn sách là một nhiệm vụ “gần như không thể chịu đựng được.” Một trong hai tác giả của bài viết này có thể chứng thực điều đó – người đã cố gắng rất nhiều lần, nhưng vẫn không thể đọc xong cuốn sách trong thời gian còn làm việc như một nhà báo ở Bắc Kinh.

Sự hấp dẫn của cuốn sách đối với Tập nằm ở nhân vật chính, Rakhmetov. Là hậu duệ của một gia đình quyền quý, Rakhmetov nổi loạn chống lại người cha độc đoán của mình ở tuổi 16, bắt đầu rèn luyện thể chất bằng cách làm những việc chân tay nặng nhọc và chuyển đến St. Petersburg, nơi ông được tuyển dụng vào một nhóm hoạt động ngầm và được tái sinh thành một “người đàn ông phi thường” – một nhà cách mạng tối thượng.

Rakhmetov đã từ bỏ đồ ăn ngon, rượu quý, và phụ nữ. Ông đọc các tác phẩm kinh điển về triết học, văn học, và khoa học. Ông tránh ngủ trên nệm và thậm chí dành cả đêm trên giường đinh để thử thách bản thân, mặc kệ cơ thể bê bết máu. Ông “hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc cá nhân, không có trái tim cá nhân” và chỉ tập trung vào việc làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục tiêu cao cả của mình.

Tư tưởng thực dụng cấp tiến của cuốn sách đã truyền cảm hứng cho Lenin, người đã mượn tựa đề “Cần phải làm gì?” cho bài luận mang tính bước ngoặt của chính ông vào năm 1902, trong đó ông đã đoạn tuyệt với những người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội hòa bình, để ủng hộ việc thành lập một đội tiên phong gồm những người cách mạng chuyên nghiệp năng nổ.

Cuốn sách cũng truyền cảm hứng cho nhiều Hồng Vệ Binh cấp tiến của Mao Trạch Đông và những thanh niên thành thị đã đáp lại lời kêu gọi của Mao để đến sống với những người nông dân Trung Quốc ở vùng nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Trong số những thanh niên “hạ hương” (về quê) này có cả Tập. Theo lời kể của chính ông, lần đầu tiên ông đọc cuốn sách của Chernyshevsky là ở tuổi thiếu niên khi sống trong một hang động ở vùng nông thôn tỉnh Thiểm Tây. Ông đã “sốc” trước lối sống khổ hạnh của Rakhmetov, nhưng cho rằng chúng là lý tưởng để tôi luyện ý chí. Tập đã nói rằng ông noi gương Rakhmetov bằng cách không ngủ trên nệm, tắm nước lạnh, và tập thể dục ngoài trời trong mưa và tuyết.

Tập đã trích dẫn lại tinh thần hy sinh và lòng dũng cảm này tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, nói với các nhà lãnh đạo khác rằng “quyết tâm không gì lay chuyển và cuộc đấu tranh mãnh liệt của Rakhmetov chính xác là loại sức mạnh tinh thần mà chúng ta cần ngày nay. Những cơn bão của thời đại chúng ta càng lớn, thì chúng ta càng phải đứng vững ở tuyến đầu với quyết tâm không gì lay chuyển và lòng dũng cảm tiên phong.”

Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã hạ thấp bản chất cấp tiến trong chương trình của Tập nhắm đến chủ nghĩa tiêu dùng của phương Tây, xóa bỏ nội dung nhắc đến Rakhmetov khỏi bản ghi chép chính thức bằng tiếng Anh về bài phát biểu của ông.

Tập đã liên tục gia tăng áp lực trong nỗ lực làm suy yếu quyền lực của Mỹ. Năm 2022, ông tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga và âm thầm ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin về cuộc chiến của ông ở Ukraine. Tập cũng ủng hộ cái mà ông gọi là “Sáng kiến An ninh Toàn cầu,” vốn đóng vai trò là khuôn khổ lập luận và triết học cho các kế hoạch của ông. Sáng kiến này ủng hộ các lý tưởng như “an ninh chung” và bảo vệ “quan ngại an ninh hợp pháp” của mỗi quốc gia. Nhưng mục đích thực sự của nó dường như là để cung cấp vỏ bọc cho những nước đang thách thức lợi ích chiến lược của Mỹ (Trung Quốc đã viện dẫn sáng kiến này để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine của Putin), và cuối cùng là bảo vệ lợi ích và hệ thống chính trị của Trung Quốc cũng như của các đối tác của nước này khỏi những ràng buộc do Mỹ áp đặt.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn có nhiều quốc gia hơn cùng tập hợp trong khuôn khổ này. Tại Kazan, ông và Putin đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh khi BRICS chào đón các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – cùng những người nộp đơn xin gia nhập và quan sát viên như Cuba, Venezuela, và Tổ chức Giải phóng Palestine. Nhiều nước trong số này có nguồn gốc cách mạng hoặc Leninist của riêng họ, và không cần phải được khuyến khích để tập hợp chống lại Mỹ. Như Tổng thống Iran, Masoud Pezeshkian, đã nói trên đường đến hội nghị thượng đỉnh, “BRICS có thể là một lối thoát khỏi chủ nghĩa toàn trị của Mỹ.”

Tập đã nhận ra tầm quan trọng của đòn bẩy địa chính trị và đang cố gắng tạo ra một liên minh những nước theo chủ nghĩa chuyên chế. Ông đã củng cố quan hệ đối tác của Trung Quốc với Nga, tăng cường sự ủng hộ cho Iran trong các cuộc chiến ủy nhiệm với Israel, và kiềm chế không chỉ trích đồng minh chính thức duy nhất của Trung Quốc – Triều Tiên – về việc triển khai quân đội đến hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Trung Quốc cũng nỗ lực hàn gắn quan hệ trước đây từng rạn nứt với các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, và Brazil, và đang củng cố các quan hệ đối với các nước đang phát triển khác.

Tập dường như tin rằng lợi thế đang đứng về phía mình. Ngược lại, Trump chuẩn bị nhậm chức khi năng lực của Mỹ bị căng thẳng do xung đột ở Trung Đông và Ukraine. Đội ngũ của Tổng thống Mỹ cũng là sự kết hợp giữa những người theo chủ nghĩa cô lập và những người theo chủ nghĩa diều hâu Trung Quốc, trong khi gieo rắc sự nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác như Ukraine và Đài Loan.

Tập đã thể hiện tư thế cứng rắn của mình tại hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương ở Lima, Peru, vào tháng trước trong những bình luận rõ ràng nhắm vào vị tổng thống Mỹ sắp nhậm chức. Ông đã liệt kê một loạt “lằn ranh đỏ không thể bị thách thức,” bao gồm việc tránh xa các tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông, và nhấn mạnh rằng Washington “ủng hộ” mục tiêu thống nhất với Đài Loan của Trung Quốc – một cách diễn đạt vượt xa những gì Mỹ đã cam kết trong hàng chục năm qua.

Putin vẫn là đối tác quan trọng của Tập. Trong năm nay, truyền thông nhà nước Nga đưa tin rằng Putin đã lên kế hoạch tặng nhà lãnh đạo Trung Quốc một bản sao cũ của cuốn sách của Chernyshevsky vào sinh nhật của ông hồi tháng 6, và còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tại khu vực Tatarstan, quê hương của Rakhmetov. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau vào tháng 10 tại Điện Kremlin Kazan, nằm ở cuối con đường từng được gọi là Đường Chernyshevsky.

Nhưng đừng nhầm lẫn ai mới là đứng đầu. Chính Tập đang đảm nhiệm vai trò của Rakhmetov – “người phi thường,” tác nhân làm nên lịch sử – và tin rằng ý chí sắt đá và sự lãnh đạo có tầm nhìn của ông sẽ giải thoát thế giới khỏi sự hỗn loạn của nước Mỹ.

John Garnaut là đồng sáng lập của Garnaut Global, một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị. Ông là phóng viên chuyên mục Trung Quốc của tờ Sydney Morning Herald và là cố vấn cấp cao cho cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, và là tác giả của cuốn “The Fall of the House of Bo.”

Sam Chetwin George là giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Garnaut Global và là nghiên cứu viên tại ấn phẩm văn hóa China Heritage.

No comments:

Post a Comment