Nhà bình luận ở VN ủng hộ Quốc hội Mỹ cấm TikTok; Tối cao Pháp viện sẽ xét lại lệnh cấm
An Tôn - VOA
Reuters
20/12/2024
VOA
Logo TikTok tại văn phòng của hãng ở thành phố Culver, bang California, Mỹ, hồi tháng 3/2023 (Photo: Patrick T. Fallon / AFP).
Hôm 18/12, TikTok tỏ ý “hài lòng” vì Tối cao Pháp viện Mỹ nói trong cùng ngày rằng sẽ xem xét đơn khiếu nại của hãng về một luật của Quốc hội Mỹ ép hãng phải bán đi ứng dụng chia sẻ video ngắn, nếu không sẽ bị cấm, Reuters đưa tin. Một nhà bình luận người Việt nói với VOA ông ủng hộ việc Mỹ cấm TikTok.
Hồi tháng 4, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật và Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành thành luật theo đó yêu cầu TikTok và hãng mẹ là ByteDance ở Trung Quốc phải bán đi ứng dụng (app) của họ, hoặc sẽ bị cấm ở Mỹ từ ngày 19/1/2025 với lý do về an ninh quốc gia.
Bộ Tư pháp Mỹ từng nói rằng TikTok là một hãng Trung Quốc tạo ra “mối đe dọa về an ninh quốc gia sâu rộng” vì hãng này tiếp cận được với lượng dữ liệu cực lớn về người sử dụng ở Mỹ, từ địa điểm cho đến tin nhắn riêng, và hãng có khả năng thao túng một cách bí mật các nội dung mà người Mỹ xem trên app. TikTok nói họ không tạo ra mối đe dọa hiển hiện đối với an ninh của Mỹ.
TikTok và ByteDance đã khiếu nại về luật của Quốc hội, nhưng hôm 6/12, Tòa Phúc thẩm Khu vực Quận Columbia ở thủ đô Washington đã bác bỏ lập luận của hai hãng cho rằng luật đó vi phạm quyền tự do ngôn luận quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Đến hôm 16/12, hai hãng tiếp tục khiếu nại lên Tối cao Pháp viện Mỹ đề nghị tạm hoãn thi hành luật, vẫn với lập luận là luật vi phạm quyền tự do ngôn luận. Hai ngày sau, Tối cao Pháp viện quyết định sẽ nghe tranh tụng về vấn đề này vào ngày 10/1/2025, Reuters tường thuật.
TikTok nói hôm 18/12: “Chúng tôi tin rằng tòa [Tối cao Pháp viện] sẽ thấy lệnh cấm TikTok là vi hiến và như vậy 170 triệu người Mỹ sử dụng nền tảng của chúng tôi có thể tiếp tục thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ”.
Đưa ra quan sát từ Việt Nam, nhà bình luận Dương Quốc Chính có hơn 86.000 người theo dõi trên Facebook trao đổi qua email với VOA rằng ông đã sử dụng TikTok và thấy việc Mỹ cấm ứng dụng này “là đúng”.
So sánh với hai mạng xã hội phổ biến khác là Youtube và Facebook, do các hãng Mỹ tạo ra, ông Chính nhận xét rằng TikTok “như một thế giới hoàn toàn khác” và nhấn mạnh rằng “trên TikTok hầu như không có nội dung tử tế” trong khi nhìn chung các nền tảng mạng xã hội đều có cả nội dung “nhảm” lẫn nội dung “tử tế”.
Ông Chính, một kiến trúc sư được công chúng đánh giá cao qua các bài bình luận của ông về lịch sử và thời cuộc, thận trọng lưu ý với VOA rằng “Thế nào là tử tế thì chỉ là cảm nhận cá nhân dựa trên kiến thức nền của tôi, có thể sẽ rất khác với quan điểm của đám đông”.
Đi vào các dẫn chứng chi tiết, nhà bình luận ở Hà Nội chia sẻ rằng nội dung mà TikTok hay đề xuất cho ông “thường xoay quanh chủ đề bán hàng, rao vặt và dạy nhau làm chuyện ấy. Ngoài ra là những thứ hài nhảm vô thưởng vô phạt”.
Điều mà ông Chính cho là “kỳ lạ nhất” là TikTok đề xuất rất nhiều “video dạng bò đỏ” với nội dung “lải nhải suốt ngày chửi phản động”.
“Bò đỏ” là tiếng lóng trên mạng xã hội ở Việt Nam chỉ những người cuồng tín về ý thức hệ cộng sản hoặc luôn bênh vực chính quyền Việt Nam bất chấp đúng sai. “Phản động” là từ mà chính quyền Việt Nam thường dùng để nói về những người phê phán, chỉ trích chính quyền, đòi đa nguyên, đa đảng…
Dưới con mắt của ông Chính, những video đó có “giọng điệu kiểu giang hồ vặt, nói tục chửi bậy…” thế nhưng không bị chặn, mà trái lại, chúng được đề xuất liên tục.
Bên cạnh đó là các video được lan truyền, do một vài “idol” [thần tượng] trên TikTok tạo ra, bao gồm một TikToker trẻ với một phần nội dung của người này “góp phần giới thiệu hình ảnh, văn hóa, lối sống miền Tây”, vẫn ông Chính nhận xét.
Dạng nội dung như vậy tạo nên trào lưu theo dõi và chia sẻ nhờ vào sự tò mò của đám đông mà “rất có thể do TikTok cố tình thổi lên tạo idol để kích cầu cho giới trẻ lao vào sản xuất nội dung trên nền tảng này”, ông Chính suy đoán.
Một vài “idol” thu lợi dễ dàng như thế đang và sẽ là “tấm gương” kích thích nhiều người trẻ tuổi theo đuổi "Giấc mơ TikTok", hiểu theo nghĩa là từ một người không tiếng tăm gì trở nên thành đạt, giàu có, nhờ chăm chỉ làm nội dung TikTok, ông nhận định và bình luận thêm:
“Trên TikTok nói chung không có những nội dung mang tính giáo dục, kiến thức nghiêm túc, mà tôi cho là tử tế. Thế nên đúng là nó độc hại với giới trẻ. Vì giới trẻ sẽ đắm chìm vào các thông tin giải trí nhảm nhí, chửi bới, định hướng chính trị, lịch sử kiểu méo mó, văn hóa thấp”.
Nhà bình luận ở Việt Nam lưu ý rằng TikTok tuy thuộc sở hữu của một hãng Trung Quốc nhưng lại không được hoạt động ở chính đất nước này. “Tức là Trung Quốc xuất khẩu sự nhảm nhí này ra nước ngoài thôi”, ông Chính nói.
Theo quan sát của VOA, ngay cả Bộ Thông tin-Truyền thông và nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam cũng từng đăng các bài viết cho rằng TikTok gây ra “ảnh hưởng tiêu cực”, “làm lệch lạc lối sống, băng hoại giá trị văn hóa”, hay tạo “hệ lụy khó lường”, v.v… cho giới trẻ trong nước.
Một bài viết trên trang web của Bộ Thông tin-Truyền thông đăng hồi năm 2022 và hiện vẫn còn xem được có đoạn nêu rõ trên TikTok “tràn lan nội dung ‘rác’, nội dung độc hại dành cho trẻ em”.
Trang tin 24h.com.vn đăng bài vào năm 2023 liệt kê 10 “tác hại” của TikTok gồm “lãng phí thời gian”, “ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần”, “thiếu kiểm soát nội dung”, “xâm phạm quyền riêng tư”, “nguy cơ an ninh mạng”, “tác động đến sức khỏe thể chất”, “phụ thuộc và nghiện”, “tiếp cận thông tin thiếu khoa học”, “ảnh hưởng đến tư duy và sự tập trung”, và “tiềm năng gây bạo lực và quấy rối”.
VOA liên lạc với TikTok để tìm hiểu quan điểm của họ đối với các bình luận của ông Dương Quốc Chính và trên báo chí Việt Nam nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Hôm 18/12, lãnh đạo khối thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell, thúc giục Tối cao Pháp viện bác bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm làm trì hoãn việc thực thi luật của Quốc hội về TikTok và ông so sánh nền tảng này với một tên tội phạm cộm cán, theo tin của Reuters.
Tổng thống đắc cử Donald Trump, người thuộc đảng Cộng hòa, từng cố gắng cấm TikTok hồi năm 2020 trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất của ông, nhưng không thành.
Gần đây, ông đã thay đổi lập trường 180 độ và đã hứa khi tranh cử trong năm nay rằng ông sẽ cố cứu TikTok. Ông Trump nói hôm 16/12 rằng ông có "một chỗ ấm áp ở trong trái tim của mình dành cho TikTok" và ông sẽ "cân nhắc" vấn đề này.
Lệnh cấm của Mỹ nếu được thi hành sẽ làm cho TikTok bị mất đi nhiều giá trị đối với hãng ByteDance và các nhà đầu tư, cũng như sẽ gây tổn hại đến các doanh nghiệp dựa vào TikTok để thúc đẩy việc bán hàng.
No comments:
Post a Comment