Friday, December 27, 2024

Phúc Lai - Viết dài trung bình về cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine ngày 26/12/2024
jeudi 26 décembre 2024
Thuymy


1. Hôm nay đúng là không viết không được. Mà cũng đúng là “tôi sợ tôi quá,” cách đây gần 2 tuần nói trong buổi tọa đàm, rồi viết lại thành báo cáo rằng: Trước sau bọn Nga này cũng sẽ có vấn đề với vũ khí cá nhân, y như rằng.

Hôm nay đã có tin rồi đây: Súng máy (trung liên) loại ít gặp, do Triều Tiên sản xuất từ năm 1973 được nhìn thấy quân Nga sử dụng trên chiến trường.

TríchNhững bức ảnh và báo cáo gần đây cho thấy lực lượng Nga đã bắt đầu triển khai súng máy Type 73 của Bắc Triều Tiên, một loại vũ khí thời Chiến tranh Lạnh, như một phần trong nỗ lực chiến tranh đang diễn ra của họ ở Ukraine.

Súng máy Type 73, lần đầu tiên được Bắc Triều Tiên đưa vào sử dụng trong quân đội vào năm 1973, kết hợp các đặc điểm thiết kế từ vũ khí của Liên Xô và Séc. Vũ khí này sử dụng đạn 7,62x54mmR của Nga và tích hợp các thành phần từ súng máy PK của Liên Xô và Vz. 52/57 của Tiệp Khắc. Nó có hệ thống nạp đạn kép, cho phép sử dụng cả hộp tiếp đạn gắn trên cùng và đạn nạp đạn bằng dây đai.”

Riêng chuyện này thì có cả tỉ điều có thể suy ra được nếu hiểu đôi chút về… tổ chức sản xuất cơ khí. Đầu tiên, chúng ta có thể bàn luận về trình độ sản xuất của Triều Tiên. Tôi vẫn thường nghe câu: đã chế tạo được tên lửa (vượt đại châu) thì cũng sản xuất được súng cá nhân. Nhưng có một khía cạnh khác cần nói: Chế tạo được tên lửa không có nghĩa là sản xuất được súng cá nhân. Đây là một câu nói mang tính hình tượng. Như Liên Xô trước đây vẫn phóng tàu vào vũ trụ ầm ầm, nhưng cái tủ lạnh thì không ra hồn gì.

Có một người nói câu này khi cuộc chiến tranh của Putox bắt đầu: Riêng súng AK, Nga có hàng triệu khẩu. Câu này tôi tin. Nhưng trong suốt thời gian từ khi Liên Xô sụp đổ đến năm 2022, nếu chúng có hàng triệu khẩu AK thì chúng sẽ… không cần sản xuất làm gì, đánh nhau với ai mà sản xuất. Đồng thời trong suốt thời gian đó trên thế giới có bao nhiêu cuộc xung đột? Rất nhiều. Chúng ta có thể thống kê sơ sơ riêng ở châu Phi:

+ Chiến tranh Congo lần thứ hai. Còn được gọi là Đại chiến châu Phi hoặc Chiến tranh thế giới châu Phi, cuộc xung đột này bắt đầu vào năm 1998 tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

+ Nội chiến Bờ Biển Ngà lần thứ hai. Cuộc xung đột này bắt đầu vào năm 2011 khi những người ủng hộ tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara chiến đấu chống lại các lực lượng trung thành với Tổng thống Laurent Gbagbo.

+ Nội chiến Angola. Cuộc xung đột này kéo dài từ năm 1975 đến năm 2002 và lan sang các quốc gia lân cận, bao gồm Namibia và Cộng hòa Dân chủ Congo.

+ Cuộc diệt chủng Rwanda. Năm 1994, lực lượng dân quân Hutu cực đoan đã giết hại từ 800.000 đến một triệu người ở Rwanda trong khoảng thời gian 100 ngày.

+ Nội chiến Nigeria. Cuộc xung đột này là cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa dân tộc nhằm thống nhất Nigeria, nhưng lại dẫn đến các phe phái sắc tộc giao tranh với nhau và khiến nhiều thường dân thiệt mạng.

+ Chiến tranh Eritrea-Ethiopia (1998-2000).

Trước thời gian đó, có các cuộc xung đột như:

(1) Chiến tranh biên giới Nam Phi, còn được gọi là Chiến tranh giành độc lập Namibia, là một cuộc xung đột diễn ra từ năm 1966 đến năm 1990 tại Namibia, Angola và Zambia. Cuộc chiến diễn ra giữa Lực lượng Phòng vệ Nam Phi (SADF) và Quân đội Giải phóng Nhân dân Namibia (PLAN), cánh vũ trang của Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO).

(2) Nội chiến Ethiopia (1974-1991)

(3) Chiến tranh Ogaden (1977-1978)

(4) Chiến tranh giành độc lập Eritrea (1961–1991) …

Vũ khí Liên Xô đặc biệt là khẩu AK vẫn thường được tự hào là “biểu tượng của cách mạng thế giới” xuất hiện có thể nói là nhan nhản. Tất nhiên, không thể loại trừ việc sau này có sự tham gia của súng AK-47 của Trung Quốc vào thị trường. Nhưng qua mặt được súng Liên Xô không phải là điều dễ dàng, vì súng xịn của Liên Xô bán “như lậu” còn rẻ hơn súng xịn của Trung Quốc, còn súng sản xuất lậu của Trung Quốc mua được không dễ – chuyện này tôi biết chắc là có nhưng không dễ giải thích trong một bài viết như thế này.

Chỉ cần tính riêng các cuộc xung đột ở châu Phi như trên đây trong khoảng thời gian 30 năm cho đến cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine, cũng chính là giai đoạn “chắc chắn có chuyện bọn sĩ quan Nga moi vũ khí trong kho ra bán”. Mà 30 năm đó, như thằng Igor Girkin nói “đại tàn phá công nghiệp Nga”, không có lý gì chúng phải sản xuất súng mới để trang bị cho quân đội cả. Có bán chi tiết đủ lắp lên vài trăm nghìn khẩu, vẫn có vài chục vạn bộ khác đủ lắp để trang bị cho quân đội. Lượng chi tiết để hàng năm cấp cho ngành quân khí quân đội để duy trì và phục hồi súng đang phục vụ vẫn cứ thừa.

Vì vậy tôi cũng tin luôn cả tình trạng rút ruột súng trong kho bán cho… phiến loạn, à nhầm, anh em Cách mạng toàn thế giới chắc chắn diễn ra trong suốt 30 năm qua. Vì vậy số súng trong kho sẽ là đủ, thậm chí thừa để đánh nhau với Ukraine trong 5, 10 năm tới, nhưng thực chất nó như thế nào chỉ có… Trời mới biết. Câu chuyện trong sổ sách có 5 triệu bộ quân phục nhưng hóa ra chẳng có bộ nào vẫn còn nguyên đó.

Vậy có điều gì tôi không tin trong câu chuyện này? Câu chuyện tập đoàn Kalashnikov có thể sản xuất được hàng triệu khẩu súng AK-12 tân kỳ họ vừa cho ra lò trong vòng vài năm tới.

Cuộc chiến tranh tiêu hao khủng khiếp cỡ này, nó bắt đầu tự dự định chớp nhoáng và chóng vánh của chóp bu Nga, không ngờ bị kéo dài như vô tận, không thể đủ năng lực để sản xuất ra số lượng súng lớn như vậy. Làm số lượng nhỏ, với vài chục máy CNC, hoàn toàn có thể làm được, làm ra cái gì cũng được. Nhưng với sản xuất lớn, cùng với việc chưa có đầy đủ chuỗi cung ứng, nhất là công nghệ vật liệu lởm khởm, có thể nói đảm bảo rằng không thể có chuyện sản xuất được ào ạt “nhanh nhiều tốt rẻ” được.

Súng mới bây giờ nó khác: gọn nhẹ, uy lực nhưng vẫn đảm bảo độ bền; đó là câu chuyện của công nghệ vật liệu. Về công nghệ vật liệu, Nga và Trung Quốc cẫn còn quá nhiều thèm muốn với một số vật liệu, như vật liệu làm máy bay và động cơ máy bay chẳng hạn. Với súng cũng vậy thôi, sẽ lại nổi lên câu chuyện “muốn làm tốt thì phải nặng, còn muốn vừa tốt vừa nhẹ thì phụ thuộc nhập khẩu.”

Hôm trước có bài của chị Phạm Thị Minh bạn Facebook của tôi viết về công nghệ vật liệu đối với đuya-ra trong ngành hàng không, và chị ấy có viết Nga thua kém phương Tây trong chuyện này. Điều này mọi người không tin, nhưng nó là sự thật.

Trong ngành hàng không có loại nhôm là 7050, mà Nga và Trung Quốc là hai nước xuất khẩu nhôm loại đó lớn nhất thế giới. Tuy nhiên trong nhôm 7050 lại có một loại đặc biệt mà trong chiếc máy bay thương mại nó có thể chỉ chiếm 30 % về khối lượng, nhưng nếu không có loại nhôm đó thì cái máy bay có thể bị nặng lên cả chục % đến hơn. Nhôm này Pháp là nước dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu. Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản đều có thể làm được nhưng hình như họ để cho Pháp làm.

Không có gì khó hiểu nếu người ta cho rằng, cái C919 của Trung Quốc cũng sẽ phải dùng loại nhôm này, trong khi phần lớn nhôm của các phần khác Trung Quốc tự sản xuất được.

Tôi không hề dông dài khi chuyển từ súng AK sang nhôm máy bay, vì Nga chắc chắn sản xuất được những cái tân kỳ thậm chí hàng đầu về tính năng luôn, nhưng sản xuất được bao nhiêu cái và mức độ tự chủ đến đâu, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bây giờ thì quý vị đã tin câu chuyện vòng bi của tôi, chứ trước đây nghe lảm nhảm khiếp hồn, nhưng không ai ngờ rằng vòng bi, chính là chuyện thắng thua của cả một cuộc chiến.

Quay lại với khẩu trung liên Type 73 của Triều Tiên, nó còn giúp chúng ta suy ra một chuyện thú vị nữa: nó được làm bằng thép dập. Nhìn nó tôi nhớ đến ngay khẩu súng tiểu liên PPS-43 của Hồng quân Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai – trên bản Wikipedia tiếng Việt nói là nó làm bằng “thép ép” – chính là thép dập, thay vì đúc các cơ phận.

Làm bằng thép dập thì nhẹ hơn nhiều, và dễ tăng năng suất. Nếu thiết kế nó với nhiều bộ phận đúc, thì lại còn mất công gia công làm trau chuốt sau khi đúc loại bỏ sai số về kích thước. Hơn nữa, trong cuộc chiến tranh này Liên Xô nhận được rất nhiều máy gia công cơ khí (tiện, đột dập…) từ Mỹ, có thể tính hàng chục nghìn chiếc, cũng như nhận được thép tấm từ Mỹ rất nhiều, ngoài thép thỏi để đúc xe tăng.

Với Bắc Triều Tiên cũng nên là như vậy: Làm như thế súng vừa rẻ, vừa dễ sản xuất, lại vừa nhẹ và điều quan trọng là phù hợp trình độ phát triển công. Đến đây chúng ta có thể suy ra được một kết luận quan trọng: Một khi đã không cho rằng Nga có thể sản xuất được cả triệu khẩu AK mới với thiết kế tân kỳ của nó, kể cả về công nghệ sản xuất lẫn vật liệu của nó với nghĩa là tự chủđộc lập được; thì chẳng có lý gì Triều Tiên có thể sản xuất được cho Nga.

Nhưng Triều Tiên thì vẫn còn có thể được sản xuất được súng theo công nghệ cũ, nghĩa là… bằng thép dập. Còn có một vài ý kiến nữa sáng nay mấy người bạn gửi cho tôi: có thể súng này từ đâu đó Trung Đông hay Iran gì đó quay về lọt vào tay quân Nga... Người khác bảo: thằng Ủn khôn lỏi, gí đểu súng cũ cho Nga vì bây giờ Triều Tiên dùng mẫu Type 82… tất cả những chuyện đó không quan trọng. Súng trung liên mà đã thiếu thì rồi trước sau súng trường tấn công cũng sẽ thiếu. Nếu như các công ty Trung Quốc được cho là sản xuất chi tiết cho súng trường tấn công của Nga với mục đích thay thế, sửa chữa… gặp khó khăn trong thanh toán, thì chuyện thiếu súng sẽ diễn ra.

2. Vẫn chị Phạm Thị Minh. Chị ấy cho rằng trò tấn công bằng tên lửa dữ dội của Nga vào Ukraine trong đêm Giáng sinh chính ra lại là bất lợi cho Nga vì đặc phái viên về Ukraine được ông Trump bổ nhiệm lại là ông Keith Kellogg

Vậy thái độ của ông này thế nào? “Món quà” Giáng sinh của những người Nga man rợ này dành cho Ukraine khi “mở ra” có 184 tên lửa và máy bay không người lái. Keith Kellogg đã lên án các cuộc tấn công, mô tả chúng là sự phản bội khủng khiếp đối với tinh thần hòa bình của mùa lễ.

“Giáng sinh đáng lẽ phải là thời điểm của hòa bình, nhưng Ukraine đã bị tấn công dã man vào đúng Ngày Giáng sinh,” Kellogg viết trong tài khoản mạng xã hội của mình. Ông này còn mô tả Nga như Grinch (nhân vật xấu xí trong cuốn sách thiếu nhi xuất bản lần đầu năm 1957, “How the Grinch Stole Christmas!” – nhưng ông viết “Nga không chỉ đánh cắp Giáng sinh mà còn cố gắng đánh cắp chủ quyền của Ukraine.”

Ông viết tiếp: “Việc tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn vào Ngày Giáng sinh là sai trái. Thế giới đang theo dõi chặt chẽ hành động của cả hai bên. Hoa Kỳ quyết tâm hơn bao giờ hết để mang lại hòa bình cho khu vực.”

Sắp tới, ông Keith Kellogg sẽ có chuyến thăm Ukraine, điều đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận. Như vậy có thể nói, chính quyền mới thực sự quan tâm đến cuộc chiến. Cựu đặc phái viên Kurt Volker gọi Kellogg là một “lựa chọn đúng đắn” (của Trump).

Tôi thì cho rằng một mình ông Keith Kellogg thì chưa đủ. Điều đem lại chiến thắng quyết định cho người Ukraine là ở chính họ, Mỹ quan trọng, nhưng không phải là tất cả.

Nói thêm, với trò bắn tên lửa này, chính quyền Biden cũng có phản ứng mạnh mẽ.

Về kết quả của nó. Hệ thống phòng không của Ukraine đã đánh chặn 113 vũ khí Nga trong đó có 59 tên lửa và 54 máy bay không người lái. Theo các anh chị ở Ukraine, đợt này đã đánh trúng một số cơ sở năng lượng gây ra mất điện ngoài kế hoạch cắt luân phiên.

Một món quà khác cho Lễ Giáng sinh. Ngày 25 tháng 12, Nhật Bản đã cam kết gửi thêm 3 tỉ đô-la cho Ukraine, từ nguồn các tài sản bị đóng băng của Nga. Thông báo được đưa ra bởi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sau cuộc trò chuyện với Thủ tướng Nhật Bản mới nhậm chức, Shigeru Ishiba đúng vào ngày Giáng sinh. Zelenskyy đã chúc mừng Ishiba về chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông, trước khi cảm ơn Nhật Bản vì sự hỗ trợ liên tục và hào phóng của họ. Cho đến nay Nhật Bản đã cung cấp 12 tỉ đô-la viện trợ nhân đạo và tài chính, mà Zelenskyy cho là đã giúp cứu vô số sinh mạng ở Ukraine.

Ngoài gói tài chính, Nhật Bản sẽ cung cấp thiết bị năng lượng, bao gồm tua bin khí và máy phát điện, để giúp tái thiết các thành phố bị tàn phá là Kharkiv và Odesa. Đồng thời đóng góp vào việc xây dựng nơi trú ẩn cho dân chúng trước trò đánh phá bằng không kích của những tên Nga tàn bạo.

Xin cảm ơn người Nhật!

No comments:

Post a Comment