Đại Việt dưới thời Lê Gia Tông (1672-1675)Tác giả: Hồ Bạch Thảo
17/11/2024
NghiencuuQT
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”
Tháng 11 năm Cảnh Trị thứ nhất [19/12/1672-17/1/1673] tướng họ Trịnh dẫn quân tiến sát đến lũy Trấn Ninh, quân Nguyễn dựa vào nơi hiểm trở, chiến đấu rất hăng, quân Trịnh không thể chống được, rút về đóng ở châu Bắc Bố Chính; từ đấy ngừng việc binh đao. Tại miền Nam, vào tháng 2 năm Dương Đức thứ 3 [7/3-5/4/1674], người hoàng tộc là Nặc Ô Đài nước Chân Lạp mưu làm phản. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm đem quân cứu nước Chân Lạp thắng trận; cho Nặc Thu là dòng đích làm Vua chính, đóng ở thành Long Úc [U Đông]; Nặc Nộn làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn, cùng coi việc nước, hằng năm triều cống. Về việc giao thiệp với nhà Thanh, các sứ bộ Nguyễn Mậu Tài và Hồ Sĩ Dương sang tiến cống, tố cáo Mạc Nguyên Thanh trong văn tế cha, có lời lẽ xúc phạm triều Thanh, nên xin cho chiếm toàn bộ đất đai Cao Bằng; bản chất nhà Thanh, muốn chia cắt để làm suy yếu An Nam, nên viện lý do từ chối.
Vua Lê Huyền Tông mất vào ngày 15 tháng 10 năm Cảnh Trị thứ 9 [16/11/1671], tháng sau vào ngày 19 tháng 11 [19/12/1671],Vương Trịnh Tạc và các quan đại thần văn võ, tôn lập em Vua là Lê Duy Cối lên ngôi Hoàng đế, lấy năm sau làm năm Dương Đức thứ nhất, miếu hiệu Gia Tông. Gia Tông là con thứ của Vua Thần Tông, trị vì 4 năm thì mất, hưởng dương 15 tuổi, chôn ở lăng Phúc An.
Tháng Giêng năm Cảnh Trị thứ nhất [30/1-27/2/1672], tức Thanh Khang Hy năm thứ 11, vẫn cấp ruộng tế cho công thần khai quốc Lê Lai, để lại cho con cháu giữ, đời đời thờ cúng. Trước kia, Lê Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn, bị quân Minh bức bách, Lê Lai khảng khái xông vào nơi hoạn nạn. Sau khi dẹp được quân Minh, đã nhiều lần Lê Lai được tặng phong tước Vương và ban cho ruộng tế tự. Đến nay, giảm bớt lộc điền của các công thần, triều đình lấy cớ rằng Lê Lai là người có công lớn, nên ruộng tế tự được cấp từ trước vẫn để nguyên như cũ, giao cho cháu chắt được đời đời giữ để tế tự.
Khoan quận công Vũ Công Tuấn, dòng dõi Gia quốc công Vũ Văn Mật, trước đây được phong làm Đô đốc thiêm sự ở Kinh sư. Vào tháng 6 [25/6-23/7/1672] trốn về Tuyên Quang đánh chiếm châu đó. Lưu thủ kinh thành là Thiếu phó Điện quận công Trịnh Ốc sai quân đuổi theo bắt giết đồng bọn.
Cũng vào tháng 6. Vương Trịnh Tạc đem xa giá nhà Vua, cùng điều động đại binh vào Nam gây hấn. Sai con, Trịnh Căn, giữ chức Nguyên soái quân thủy, Lê Thì Hiến giữ chức Thống suất quân bộ, hai tướng thống lãnh vài ba vạn quân chia đường cùng tiến, còn Tạc thì đi kèm với xa giá nhà vua đến châu Bắc Bố Chính [huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh]. Chúa Nguyễn Phúc Tần hạ lệnh cho người con thứ tư tên là Hiệp làm Nguyên soái, đem các tướng hiệu tiến đến Quảng Bình, dùng bọn Chưởng doanh Nguyễn Hữu Dật và trấn thủ Quảng Bình Nguyễn Mỹ Đức đóng hàng loạt đồn lũy chặn giữ ở nơi hiểm yếu. Quân họ Trịnh liền vượt qua sông Gianh, bố trí một loạt thuyền chiến ở cửa biển Nhật Lệ [Đồng Hới, Quảng Bình]. Chúa Nguyễn thân hành thống suất đại binh tiến đến tiếp ứng cho cánh quân Thống soái Hiệp, thanh thế quân lính vang dội xa gần. Tháng 11 [19/12/1672-17/1/1673], Thì Hiến, tướng của họ Trịnh, dẫn quân tiến sát đến lũy Trấn Ninh [huyện Quảng Ninh, Quảng Bình], bọn Nguyễn Hữu Dật dựa vào nơi hiểm trở, chiến đấu rất hăng, luôn thu được thắng lợi, quân họ Trịnh không thể chống chọi được, rút về đóng ở châu Bắc Bố Chính.
Tháng 12 [18/1-16/2/1673], nhân mùa đông giá rét, Chúa Trịnh Tạc dẫn quân về, để Lê Thì Hiến ở lại giữ chức Trấn thủ Nghệ An và Lê Sĩ Triệt giữ chức Đốc đồng, đóng ở doanh Hà Trung [huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh], chia nhau đóng đồn ở các đường hiểm yếu, vạch đôi sông Gianh [bắc Quảng Bình] làm giới hạn. Từ đây trở đi, phương Nam phương Bắc ngừng việc binh đao.
Tháng 3 năm Dương Đức thứ 2 [17/4-15/5/1673], tức Thanh Khang Hy năm thứ 12, sai Chánh sứ Nguyễn Mậu Tài và Hồ Sĩ Dương, Phó sứ là bọn Đào Công Chính, Vũ Công Đạo, Vũ Duy Hài chia thành hai sứ bộ sang tuế cống nhà Thanh, nhân thể báo tang Vua Huyền Tông.
Vào tháng 4, triều đình nhà Thanh bàn việc Đô thống sứ Mạc Nguyên Thanh xin can thiệp để nhà Lê trả thêm đất, nhưng không được chấp thuận:
“Ngày 12 Tân Hợi tháng 4 năm Khang Hy thứ 12 [29/5/1673]. Nghị chính vương cùng các đại thần bàn bạc rồi phúc tấu:
‘Ðô thống sứ An Nam Mạc Nguyên Thanh dâng sớ xưng ‘Trước đây thần bị Lê Duy Hỷ bức bách, chạy đến triều đình, được ơn sai sứ sắc dụ Lê Duy Hỷ trả lại 4 châu tại Cao Bằng, nên thần được trở về đất cũ. Nhưng vẫn còn 2 châu Bảo Lạc [huyện Bảo Lạc, Cao Bằng], Thất Nguyên [huyện Thất Khê, Lạng Sơn], và 12 tổng, xã, như Côn Lôn [huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang], Kim Mã [huyện Nguyên Bình, Cao Bằng] thì chưa trả về. Xin sắc dụ cho Lê Duy Hỷ trả lại toàn bộ đất đai.’
Tra xét về việc Mạc Nguyên Thanh dâng sớ xin triều đình sắc dụ trả lại đất tại các địa phương như Bảo Lạc, nhân lúc Mạc Nguyên Thanh đến đầu thuận, chỉ nói Lê Duy Hỷ đánh chiếm Cao Bằng, chưa từng nói đến 2 châu Thất Nguyên, Bảo Lạc. Sự việc tại ngoại quốc, xẩy ra từ lâu, có nhiều lần tấu cáo sai, thật lắm chuyện, không nên bàn xét.”
Thiên tử chấp nhận.” (Thánh Tổ Thực Lục quyển 42, trang 3)
Tháng 7 [12/8-10/9/1673], phục chức Phạm Công Trứ giữ công việc lục bộ và tham tán việc cơ mật. Công Trứ làm việc trong triều đã lâu, là một bậc lão thành thông suốt công việc chính trị, trước kia Công Trứ viện lẽ nhiều tuổi, cáo quan về nhà, nay triều đình nghĩ ông ta là người kỳ cựu, nên lại triệu ra làm quan, giao phó cho giữ công việc cơ mật. Công Trứ được triều đình ban ơn đãi ngộ hơn hẳn người khác.
Tháng 11 [8/12/1673-6/1/1674], thi Hội các cống sĩ trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Công Vọng 5 người. Đến kỳ thi Đình, cho bọn Bùi Quang Vận đều đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 12 [7/1-5/2/1674], thi Sĩ vọng trong nước, lấy bọn Nguyễn Hành 30 người bổ nhiệm các chức trong triều và các địa phương.
Tháng Giêng năm Dương Đức thứ 3 [1674], (từ tháng 10 trở đi đổi là Đức Nguyên năm thứ nhất, Thanh Khang Hy năm thứ 13), các sứ bộ Nguyễn Mậu Tài và Hồ Sĩ Dương khởi hành từ năm ngoái, nay đã đến Bắc Kinh. Sứ bộ tiến cống cho hai kỳ, cáo ai Vua Lê Huyền Tông mất, riêng tố cáo Mạc Nguyên Thanh trong văn tế cha, có lời lẽ xúc phạm triều Thanh, nên xin cho chiếm toàn bộ đất đai Cao Bằng. Bản chất nhà Thanh, cũng như nhà Minh trước kia, muốn chia cắt để làm suy yếu An Nam, nên viện lý do chần chừ từ chối:
“Ngày 21 Bính Tuất tháng Giêng năm Khang Hy thứ 13 [26/2/1674]
Người nối dõi tước Vương nước An Nam Lê Duy Ðịnh [Vua Lê Gia Tông] dâng sớ ‘Anh của thần, Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ [Vua Lê Huyền Tông] bệnh mất, căn dặn thần quyền quản nhiếp quốc sự, kính cẩn dâng tấu và sai bọn Bồi thần Hồ Sĩ Dương tiến nạp tuế cống cho năm Khang Hy thứ 8 [1669] và năm thứ 11 [1672].’ Ðem sự việc báo cho bộ dưới quyền hay biết.
Lê Duy Ðịnh lại có lời sớ rằng:
‘Các Quốc vương của thần trước đây đời đời giữ nước An Nam, trong nước đều là lãnh thổ của thần. Sau đó bị tên nghịch thần Mạc Ðăng Dung giết rồi cướp ngôi, nhờ tổ của viên Phụ quốc Trịnh Ý tiễu trừ khôi phục. Tàn dư giặc Mạc, chiếm cứ địa phương Cao Bằng, lúc thần phục, lúc phản, truyền đến Mạc Nguyên Thanh, sợ người trong nước thần đánh bắt, nên trốn tránh vào nội địa, lấy danh nghĩa thành tâm qui thuận, nhưng thực chất là tránh tội. Vào năm Khang Hy thứ 8 [1669], Khâm sai sứ thần Lý Tiên Căn tuyên đọc thánh chỉ mệnh trả lại cho Mạc Nguyên Thanh phủ Cao Bằng, anh thần là Lê Duy Hỷ phiền muộn khôn xiết. nhưng phụng thừa mệnh Thiên tử, không dám không tuân. Nhưng Mạc Nguyên Thanh là kẻ thù không đội trời chung của thần, Cao Bằng là đất thần đời đời giữ, mà chúng làm phản chiếm cứ, đối với kẻ nối dõi thực khó cam tâm. Khẩn khoản đội ơn Thiên tử, lệnh đưa đất Cao Bằng trở lại nước thần. Ngoài ra trước đây Mạc Nguyên Thanh có lời thề, cùng trong bài tế cha y là Mạc Kinh Diệu, có lời chống lại Thiên triều. Nay xin tiến trình, cùng tiến cống sản vật địa phương.’
Ðược chiếu chỉ ban:
‘Giao bộ bàn kỹ rồi tâu, những sản vật địa phương tiến cống cho trả về.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 45, trang 10-11)
“Ngày 13 Ðinh Mùi tháng 2 năm Khang Hy thứ 13 [19/3/1674]. Bộ binh bàn rồi phúc tấu:
‘Người nối tước Vương nước An Nam là Lê Duy Ðịnh xin Mạc Nguyên Thanh được thần thuộc. Tra năm Khang Hy thứ 7, dụ Lê Duy Hỷ trả lại Mạc Nguyên Thanh Cao Bằng và hai bên hòa hảo với nhau. Nay Lê Duy Ðịnh[1] bảo rằng thu được văn từ lời thề, theo dấu tích thực thì đây là tế văn, văn này viết đã lâu, văn từ lời thề liên quan đến Mạc Kính Diệu. Bản văn này tịch thu được từ thời Mạc Kinh Diệu, hoặc tại thời Mạc Nguyên Thanh ngày nay, trong sớ không đề cập rõ, nên rất khó phán xét. Vậy nên sắc dụ người nối chức Vương tại An Nam Lê Duy Ðịnh tra rõ ràng, đề xuất đầy đủ, rồi sẽ bàn lại.’
Thiên tử chấp thuận.” (Thánh Tổ Thực Lục, quyển 46, trang 6-7)
Tại miền Nam, vào tháng 2 [7/3-5/4/1674], Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ dinh Thái Khang thuộc đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm đem quân cứu nước Chân Lạp.
Trước đó, người hoàng tộc là Nặc Ô Đài nước Chân Lạp mưu làm phản, làm cầu phao và xích sắt, đắp thành Nam Vang, nhưng còn sợ Vua là Nặc Nộn, chưa dám hành động. Bèn ngầm cầu viện nước Xiêm La, nói phao rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy, và một nghìn voi ngựa đến hỏi tội Nặc Nộn vì đã cự mệnh. Nặc Nộn cả sợ, chạy sang cầu cứu dinh Thái Khang. Quan tại dinh này đem việc báo lên. Chúa nói rằng :
“Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”.
Bèn sai Nguyễn Dương Lâm [con Quận công Nguyễn Văn Nghĩa Thống suất dinh Quảng Bình] làm Thống binh, tướng thần Nguyễn Diên Phái làm Tham mưu, Văn Sùng làm Thị chiến, đem quân đi đánh. Bọn Dương Lâm chia binh làm hai đạo, đương đêm đánh úp phá các lũy Sài Gòn và Bích Đôi [Gò Bích], chặt cầu phao và xích sắt, thẳng tiến vây thành Nam Vang. Nặc Ô Đài hoảng sợ thua chạy, rồi chết, Nặc Thu đến cửa quân xin hàng. Tin thắng trận báo về, các quan bàn rằng Nặc Thu là dòng đích thì phong làm Vua chính, đóng ở thành Long Úc [U Đông], Nặc Nộn làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn, cùng coi việc nước, hằng năm triều cống. Thế là nước Chân Lạp yên. Hai tướng Diên Phái và Văn Sùng chết ở trong quân. Diên Phái sau khi chết có ứng hiện linh thiêng, nhiều người tin, cầu đảo, riêng người Chân Lạp lập đền thờ ở cửa biển Mỹ Tho [Định Tường]. Tháng 6 [4/7-1/8/1674], Thống binh Nguyễn Dương Lâm thắng trận khải hoàn, thăng làm Trấn thủ dinh Thái Khang, kinh lý mọi việc biên phòng.
Tại thành Đông Đô, vào ngày mồng 9 tháng 5 [12/6/1674], quân lính nổi loạn, giết viên Bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh,[2] cướp phá nhà viên Tham tụng Phạm Công Trứ. Bấy giờ ưu binh Thanh, Nghệ[3] cậy có công lao, sinh ra kiêu ngạo phóng túng. Quốc Trinh và Công Trứ bàn cách kềm hãm ức chế bớt đi, vì thế binh lính không bằng lòng. Lại gặp lúc ấy Thị lang bộ Hình Phan Kiêm Toàn và Thị lang bộ Binh Lê Hiệu vừa mới can tội phải giáng chức, có ý bất mãn, hai người này nhân đà lại xúc xiểm thêm vào. Quân sĩ bèn reo hò ầm ĩ, đón đường giết Quốc Trinh, rồi đến cướp nhà Công Trứ. Công Trứ phải trốn ra ngoài mới được thoát nạn. Chúa Trịnh Tạc sợ quá, sai quan đi phủ dụ và cho tiền bạc, bấy giờ quân lính mới chịu yên.
Trịnh Tạc vời Công Trứ vào trong phủ ban cho vàng bạc để an ủi, sau bắt giết ba người đứng đầu nổi loạn để tế Quốc Trinh, lại truy tặng Quốc Trinh chức Thượng thư bộ Binh, tước Trì quận công, cho tên thụy là Cương trung và lục dụng con cháu. Quốc Trinh khi làm quan ở triều, khảng khái dám nói điều phải điều trái, nay chết ở trong tay loạn quân, nên người ta đều thương tiếc. Kiêm Toàn và Lê Hiệu sau cũng phải tội vì dự mưu với loạn quân.
Ngày 18 tháng 7 [19/8/1674], Chúa Trịnh tâu Vua rằng con trưởng Nghi quốc công Trịnh Căn công lao nhiều, uy vọng lớn, tấn phong làm Nguyên soái điển quốc chính Định Nam Vương.
Tháng 10 [29/10-26/11/1674], Vua Gia Tông đổi niên hiệu là Đức Nguyên. Đại xá, xuống chỉ ban ơn các quan văn võ được thăng bậc.
Tháng 3 năm Đức Nguyên thứ 2 [26/3-24/4/1675], tức Thanh Khang Hy năm thứ 14, bọn sứ thần Nguyễn Mậu Tài, Hồ Sĩ Dương về nước. Xét công đi sứ, cho Nguyễn Mậu Tài làm Thượng thư bộ Hình, tước Tử, Hồ Sĩ Dương làm Thượng thư bộ Công, tước Quận công, Đào Công Chính làm Hữu thị lang bộ Hình, Vũ Công Đạo làm Hữu thị lang bộ Công, Vũ Duy Hài làm Đông các đại học sĩ.
Ngày mồng 3 tháng 4 [27/4/1675], vua băng, các quan dâng miếu hiệu là Gia Tông. Tháng 6 [23/7-20/8/1675], rước linh cữu Gia Tông về chôn ở lăng Phúc An tại huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa, lập điện Thiên Ninh để thờ, tại quê mẹ là Chiêu Nghi. Trong lễ tang, Vương Trịnh Tạc và Chính phi thân đến làm lễ viếng, khóc rất thương xót, Định Nam Vương Trịnh Căn cũng thân đi đưa đến bến sông làm lễ rất thương kính, các quan văn võ đều chảy nước mắt.
Tại miền Nam, vào tháng 4 [25/4-24/5/1675] Chúa Nguyễn Phúc Tần mở khoa thi lấy được 4 người trúng cách về môn chính đồ, 17 người trúng cách về môn hoa văn. Lại thi Thám phỏng, lấy 7 người trúng cách, phép thi qui định một ngày, hỏi tình trạng binh dân và sự việc liên quan đến thời Lê Trịnh, người trúng bổ vào làm việc tại các ty. Thi Thám phỏng bắt đầu từ đấy.
Tháng 6 [23/7-20/8/1675], con thứ tư của Chúa là Nguyên soái Hiệp mất vì bệnh đậu, mới 23 tuổi. Nguyên soái Hiệp có công trong chiến thắng quân Trịnh tại lũy Trấn Ninh 2 năm về trước, nên Chúa rất thương nói :
“Hiệp vì nước dẹp nạn, có công lớn với xã tắc, tuổi sao thọ ngắn thế!”.
——————–
[1] Lê Duy Ðịnh tức Vua Gia Tông, lên làm vua năm Nhâm Tý [1672], tên húy dùng trong nước là Lê Duy Cối.
[2] Sử liệu trên lấy từ Cương Mục, riêng Toàn Thư quyển 19, trang 38 b, chép tên Nguyễn Quốc Khôi, chứ không phải Quốc Trinh, và không chép việc binh sĩ nổi loạn, chỉ ghi “Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 9, Bồi tụng Lại bộ hữu thị lang Liên Trì tử Nguyễn Quốc Khôi chết.”
[3] Ưu binh: Binh chế thời Lê trung hung, quân lính lấy ở Thanh Nghệ gọi là ưu binh, hoặc quân Tam Phủ.
No comments:
Post a Comment