Hai nhà giáo: VN nên từ bỏ ‘xây dựng con người xã hội chủ nghĩa’ vì quá cũ kỹ, kìm hãm
VOA Tiếng Việt
20/11/2024
VOA
Sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh tư liệu, tháng 11/2000).
Thày giáo Đỗ Việt Khoa ở Việt Nam và Giáo sư Phạm Minh Hoàng ở Pháp nhận xét hôm 19/11 rằng Việt Nam nên bỏ đi việc “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”, bị hai ông xem là “cũ kỹ” và “ngăn chặn sự phát triển của con người”.
Bình luận của hai ông được đưa ra trong bối cảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tô Lâm vừa họp hôm 18/11 với các đại diện ngành giáo dục của đất nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong đó, ông Lâm nhấn mạnh “ưu tiên hàng đầu” trong việc đổi mới giáo dục, đào tạo là “tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”.
Ông Lâm, người có thực quyền lãnh đạo cao nhất Việt Nam, đề nghị chú trọng “giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”.
Theo ông, cần tập trung vào “những giá trị cơ bản” của dân tộc, “tinh hoa văn hóa nhân loại”, “giá trị cốt lõi và nhân văn” của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và “cương lĩnh, đường lối của Đảng”, trang web mang tên Báo Chính Phủ cho biết.
“Tôi thất vọng vì ông ấy nói rõ ràng là không được đi ra ngoài những điều lệ từ trước đến giờ vẫn cấm kỵ, chẳng hạn như đa nguyên đa đảng. Đối với tôi chuyện đó không có gì thay đổi hết”, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói với VOA.
Ông Hoàng từng giảng dạy môn toán học ứng dụng trong nhiều năm tại Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bị chính quyền Việt Nam bắt giam, tước quốc tịch và trục xuất khỏi Việt Nam hồi tháng 6/2017 vì ông thể hiện các quan điểm một cách ôn hòa cổ súy cho dân chủ và nhân quyền ở trong nước.
Vị giáo sư hiện sống ở Pháp chỉ ra rằng cho đến thời điểm hiện tại, sinh viên đại học Việt Nam vẫn phải học 4 môn về chính trị gồm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội khoa học. Ông đưa ra bình luận:
“Những cái đó họ gần như là nhồi nhét vào đầu sinh viên. Khủng khiếp hơn, lúc các em thi vào, họ dạy trong vòng năm đầu tiên và trước khi các em ra trường, họ dạy thêm một lần nữa, làm như là để các em khỏi quên. Nếu còn giữ tư duy đó, tôi thấy đó là cái ngăn chặn sự phát triển của con người”.
“Cái mong muốn về con người xã hội chủ nghĩa, tôi thấy là nên bỏ cụm từ này đi vì nó lạc hậu, cũ kỹ quá rồi. Không ai biết con người xã hội chủ nghĩa là con người như thế nào cả. Chỉ biết là từ sau 1975 đến nay, đạo đức, con người Việt Nam, cả người thày, cứ mất dần mất dần phẩm giá, danh dự, liêm sỉ”, thày giáo Đỗ Việt Khoa nói với VOA.
Ông Khoa nổi tiếng khi tố cáo gian lận thi cử ở Trường Trung học Cơ sở Phú Xuyên A hồi năm 2006 và đã được nhận bằng khen của bộ trưởng giáo dục và đào tạo vì đã dũng cảm chống tiêu cực.
Hơn 18 năm kể từ sự kiện đó, thày giáo Khoa đưa ra quan sát về ngành của mình:
“Sự thiếu liêm sỉ của ngành giáo dục ngày càng nặng, ngày càng phổ biến. Nổi bật nhất là tình trạng trấn lột tiền của phụ huynh học sinh ở tất cả các cấp học mà người ta dùng từ mềm mỏng đi là lạm thu. Trường nào mà hiệu trưởng tuyên bố nói không với các khoản thu trái phép thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi ở trong ngành biết rất rõ điều đó”.
Báo chí Việt Nam nhiều năm qua cũng đã phản ánh về tình trạng nêu trên với các phóng sự chi tiết. Từ các vấn đề của ngành giáo dục và thực trạng xã hội trên bình diện rộng hơn, thày Khoa đề xuất với giới lãnh đạo:
“Mục tiêu con người xã hội chủ nghĩa càng xây dựng càng xa vời, lý thuyết suông, không hiện thực. Quan chức ngày càng ‘làm gương’ cho tệ nạn tham nhũng, làm trái, làm ngơ. Tôi có một câu ngắn gọn, nếu bộ trưởng giáo dục và các lãnh đạo phát biểu, xin cứ nói thẳng: hãy xây dựng ngành giáo dục Việt Nam theo 4 triết lý đơn giản là hiện đại, nhân bản, khai phóng và tính dân tộc”.
“Sẽ không có gì thay đổi” nếu Tổng Bí thư Tô Lâm và Việt Nam vẫn bám vào mục tiêu “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa”, Giáo sư Hoàng nói.
Ông Hoàng lưu ý rằng một trong những mục tiêu được nêu trong Luật Giáo dục của Việt Nam là đào tạo con người trung thành với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, theo ông, để thay đổi, Việt Nam “phải xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp” vốn quy định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Giới lãnh đạo và bộ máy tuyên truyền của Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ những lời kêu gọi từ các bên khác nhau về việc xóa bỏ Điều 4 đó.
Họ lập luận rằng Đảng Cộng sản đã vượt trội các đảng phái khác trong quá khứ, giành “chiến thắng vĩ đại” trong các cuộc chiến với Pháp, Mỹ, vì vậy, được lịch sử dân tộc tất yếu lựa chọn làm lực lượng lãnh đạo đất nước và nhân dân.
Trong bài phát biểu hôm 18/11 trước các đại diện ngành giáo dục, TBT Tô Lâm cũng đưa ra định hướng rằng nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục cần được “đổi mới mạnh mẽ” theo hướng “tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng tri thức, kỹ năng, phẩm chất của người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng thực học…”.
“Chuyển mạnh giáo dục đại học từ lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang dạy kỹ năng, dạy cách học, cách tư duy là chủ yếu”, ông Lâm nói, theo nội dung bài phát biểu được đăng trên Báo Chính Phủ.
Thày giáo Đỗ Việt Khoa đánh giá rằng điều ông Tô Lâm nhắm đến thật tốt đẹp, còn thực tế cho thấy các trường ở Việt Nam mới đạt được những kết quả ít ỏi về mặt này. “Những trường quốc tế, học sinh làm những điều đó tốt hơn”, thày Khoa nhận xét và chỉ ra nguyên nhân:
“Lâu nay Việt Nam có cái dở, cái cản trở mục tiêu thứ hai là chỉ được nói theo quan điểm của lãnh đạo, chỉ được ca ngợi Đảng, chính quyền, không được phê phán. Ai phê phán, phản biện là phản động. Thế là tiêu diệt hết những tiếng nói, tư duy độc lập. Một số người viết hay, sắc sảo, họ góp ý, chê trách đảng thì dễ bị án tù”.
Các tổ chức quốc tế theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam cho rằng đến năm 2023, nước này giam cầm ít nhất 160 tù nhân chính trị là những người lên tiếng hoặc hoạt động vì các quyền tự do, phản biện chính quyền và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
“Những người hiểu biết có tiếng nói phản biện sớm họ đều đi tù cả. Đấy là cái rất khó cho mục tiêu thứ hai. Rất mong muốn là ông Tô Lâm có biện pháp cụ thể để xây dựng con người tự học tập, tư duy độc lập. Biện pháp đầu tiên là tôn trọng ý kiến trái chiều, khuyến khích người dân đấu tranh với những cái chưa được của đảng viên, bộ máy lãnh đạo”, thày Khoa bày tỏ.
“Thứ hai là triệt để xử lý quan chức sai phạm, tham nhũng, làm trái, trù dập người dân hay là gây lãng phí thất thoát”, vẫn lời người thày nổi tiếng về chống tiêu cực.
“Phải xử lý mạnh mẽ người dân mới tin tưởng, mới dám có chính kiến, mới cống hiến, phát huy”, ông Khoa nói.
Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một đất nước nằm dưới sự cai trị của duy nhất một đảng cộng sản vẫn có thể phát triển về giáo dục, khoa học-kỹ thuật như trường hợp của Trung Quốc với các thành tựu của nước này về xây dựng đường sá, mạng viễn thông 6G hay xe hơi điện EV… được xem là vượt trội so với khối EU, G7.
Tuy nhiên, Giáo sư Hoàng phân tích rằng để đạt được điều đó, Trung Quốc có những ưu tiên và sự linh hoạt nhất định:
“Có lẽ họ để cho giáo dục có bước giống như tự trị, độc lập, dành cho giáo dục những khoản đầu tư, tiền bạc, chấp nhận để giáo dục tiếp xúc với phương Tây – ở Mỹ, ở Anh có biết bao nhiêu giáo sư gốc Hoa – những người đó vẫn có thể đóng góp cho Trung Quốc. Có lẽ họ để cho giáo dục được một số tự do về tư tưởng và nền giáo dục của họ tương đối trong sạch chứ không bẩn thỉu, xấu xa như Việt Nam”.
Đó là những yếu tố làm cho Trung Quốc khác biệt với Việt Nam, dù cả hai đều theo chủ thuyết cộng sản, mà ông Hoàng so sánh rằng Việt Nam “không bằng một phần trăm của Trung Quốc”.
Nêu dẫn chứng là có nhiều nhà trí thức Việt Nam thành đạt ở Mỹ, phương Tây nhưng ít người về nước đóng góp vì các điều kiện không phù hợp, và các vụ bê bối gian lận bằng cấp làm mất niềm tin vào ngành giáo dục, Giáo sư Hoàng nhận định: “Với tình trạng giáo dục Việt Nam như hiện thời thì vô phương”.
No comments:
Post a Comment