Phúc Lai - Viết dài trung bình về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 20/11/2024
mercredi 20 novembre 2024
Thuymy
Hôm nay lan truyền trên mạng một bài dịch được cho là những ý kiến của Jeffrey Sachs. Có một số điểm khá bố láo, ủng hộ lý do gây ra cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putox. Điểm đáng chú ý nhất là, lão ta đưa ra “hai hành động có tính quyết định:”
- Năm 2002, Hoa Kỳ đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo. Đây có thể là một sự kiện quyết định, chưa bao giờ được thảo luận, nhưng trở thành bản lề để Hoa Kỳ bố trí các hệ thống tên lửa ở Đông Âu, điều mà Nga coi rằng là mối đe dọa rõ ràng và trực tiếp.
- Đến 14 tháng Hai năm 2014, Hoa Kỳ can dự vào hành động lật đổ Yanukovych. Không thể nghi ngờ, đó chính là một chiến dịch thay đổi chế độ rất đặc trưng kiểu Mỹ.
+ Về điểm đầu tiên, chúng ta hãy nhìn lại về Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM). Về hiệp ước này, Wikipedia bản tiếng Việt viết: “Vào ngày 26 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev đã ký hiệp ước ABM. Hiệp ước này có hiệu lực trong 30 năm, từ năm 1972 đến năm 2002. Vào ngày 13 tháng 6 năm 2002, Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp ước vì mục đích của mình.”
Trong bản tiếng Việt này, chúng ta thấy có một điểm quan trọng, nhẽ ra phải rõ ràng thì lại mập mờ: “Hoa Kỳ đã rút khỏi hiệp ước vì mục đích của mình” – Vậy thế nào là “vì mục đích của mình?”
Còn trong bản tiếng Anh thì có nhiều chi tiết đáng chú ý hơn nhiều. Khổ thứ hai ngay đoạn mở đầu, bản này viết: “Được ký vào năm 1972, hiệp ước này có hiệu lực trong 30 năm tiếp theo. Năm 1997, năm năm sau khi Liên Xô tan rã, bốn nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã đồng ý với Hoa Kỳ để kế thừa vai trò của Liên Xô trong hiệp ước, với việc Nga đảm nhận mọi quyền và nghĩa vụ với tư cách là quốc gia kế thừa Liên Xô. Trích dẫn những rủi ro bị đe dọa bằng vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước vào tháng 6 năm 2002, dẫn đến việc hiệp ước này bị chấm dứt.”
Tôi rất thích họ dùng cụm từ “nuclear blackmail” trong khổ này. Quý vị có thể đọc tại đây. Vậy hồi đó, ai tống tiền ai (bằng vũ khí hạt nhân)??? – xin hãy quay lại với bài báo trên The Guardian tháng 1/2000 tôi vừa post tại đây.
Đây là một bài báo, theo tôi là mẫu mực vì hầu như nó không bình luận gì, chỉ trích dẫn ý kiến của một số người liên quan, cụ thể là mấy quan chức Nga đứng đầu nhà nước. Nhờ có bài báo, chúng ta nhớ lại được rằng vào thời điểm này, Putox đã ký sắc lệnh sửa đổi học thuyết quốc phòng, tôi chưa có thời gian kiểm tra xem có phải lần đầu tiên hay không, nhưng chắc nếu không phải thì cũng… gần là đầu tiên. Theo học thuyết này thì… thôi quý vị đọc giúp trong bài tôi đã dịch.
Các nhà bình luận cũng cho rằng đây là sự đáp trả của nhiều hành động của phương Tây, từ việc kết nạp các thành viên Đông Âu thuộc khối Vác-xa-va cũ, đến ném bom Nam Tư năm 1999.
Cũng xin nhắc lại rằng, trước đây chính hệ tư tưởng Liên Xô – Nga còn hỉ hả về việc “Mỹ sai lầm khi chấm dứt Hiệp ước ABM, ‘tặng’ Nga hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến”, bài báo của BMZ tại đây. Nghĩa là vừa có lợi, vừa có cớ để chửi nó, và bây giờ có cớ để xâm lược Ukraine?
+ Về điểm thứ hai, liên quan đến cuộc cách mạng phẩm giá – Maidan của người Ukraine năm 2014, thiết nghĩ tôi không cần viết, quý vị biết quá rõ và người ta nói cũng nhiều rồi. Tôi chỉ xin nói như thế này: Yanukovych mà ai cũng biết, con rối của Putox đã bị lật đổ qua sự kiện đó, và số phận của hắn trong chiến tranh như thế nào, ai cũng rõ: Putox đã phải cứu hắn như thế nào. Vậy mà quân Jeffrey Sachs này còn cố lập lờ, quá đểu.
Cuối cùng, hắn bôi nhọ người Ukraine theo cách thường thấy khi viết: “Rồi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu. Và năm ngày sau, Zelensky nói, OK, trung lập OK. Lúc đó Hoa Kỳ và Anh nói: không được đâu! Các bạn phải đánh tiếp đi. Có chúng tôi đứng sau. Chúng tôi không có các bạn đứng trước, tất cả các bạn sẽ chết, nhưng chúng tôi đứng đằng sau. Và chúng ta đẩy họ ra tiền tuyến. Và đó là cho đến nay thêm 600.000 người Ukraine chết kể từ khi Boris Johnson bay đến Kiev, để nói với người Ukraine hãy dũng cảm lên.”
Một đứa trẻ con cũng có thể vả rơi răng quân bố láo Jeffrey Sachs này khi nhắc lại cho hắn câu trả lời cụ Biden của Zelenskyy: “Tôi cần đạn dược, chứ không cần một chuyến xe.”
Những người Ukraine ấy không đi đâu cả, họ ở lại để chiến đấu. Anh quốc, Hoa Kỳ nào bắt được họ chiến đấu khi họ muốn đầu hàng? Và Anh quốc, Hoa Kỳ nào khiến họ có được lòng yêu nước như thế? Hạng hèn hạ như Jeffrey có thể hiểu được sao?
2. Mấy ngày qua không có chuyện gì ngoài… ATACMS.
2.1. ATACMS nên được dịch là gì?
Căn cứ vào tên tiến Anh của nó – “Army Tactical Missile System” có nhiều bài trên mạng, thậm chí bài báo dùng Google dịch ra là “Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội” nghe rất ngớ ngẩn.
Về loại vũ khí này, trên trang Wikipedia bản tiếng Trung Quốc gọi là “陸軍戰術飛彈系統”, Hán Việt là “Lục quân chiến thuật phi đạn hệ thống” thì lại bao hàm ý nghĩa là thứ vũ khí của một quân chủng (dùng khái niệm tương đương với Việt Nam), theo định nghĩa thì “Quân chủng là một thành phần cao cấp trong tổ chức quân đội, hoạt động tác chiến có ý nghĩa chiến lược, trong một môi trường nhất định (trên không, trên bộ, trên biển), được tổ chức biên chế, trang bị, huấn luyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phương thức tác chiến. Mỗi quân chủng có các binh chủng.”
Vậy nếu theo cách tiếp cận này, thì các quân chủng khác như Hải quân, Thủy quân lục chiến khi cần được hỗ trợ thì không dùng ATACMS được à?
Lúc đầu, tôi cứ tưởng nó sẽ được phân biệt là một loại vũ khí dạng pháo binh theo kiểu Liên Xô – Trung Quốc ngày xưa, có pháo binh cấp trung đoàn, cấp sư đoàn, cấp tập đoàn quân và cấp phương diện quân. Nếu như vậy thì dùng khái niệm “Армейский тактический ракетный комплекс” – tổ hợp tên lửa chiến thuật cấp Tập đoàn quân – nghe rất… hấp dẫn, cứ như tài liệu quân sự của Liên Xô cũ ấy, quen thuộc đến đáng yêu, ha ha. Cuối cùng hóa ra không phải. Thực ra cách tư duy phân loại theo cấp này có lý chứ không phải là không. Bản tiếng Anh Wikipedia viết:
“Quá trình phát triển tên lửa hiện được gọi là ATACMS bắt đầu vào năm 1980, khi Quân đội Hoa Kỳ quyết định thay thế Lance bằng một tên lửa nhiên liệu rắn có đầu đạn hạt nhân tương tự, nhưng cũng có đầu đạn hóa học hoặc sinh học, được gọi là Hệ thống vũ khí hỗ trợ quân đoàn (CSWS).”
Nhưng đến đoạn dưới, người ta viết tiếp: “Lo ngại rằng hai nhánh đang phát triển quá nhiều tên lửa giống nhau với các đầu đạn khác nhau, Bộ Quốc phòng đã sáp nhập chương trình này với Assault Breaker của DARPA vào năm 1981 và với Vũ khí tấn công thông thường (CSW) của Không quân Hoa Kỳ (USAF) vào năm 1982–1983.
Hệ thống tên lửa mới, được gọi là Hệ thống tên lửa chiến thuật chung (JTACMS), đã sớm gặp phải sự phản đối của USAF đối với ý tưởng về một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không. Do đó, vào năm 1984, USAF đã chấm dứt sự tham gia của mình vào phần tên lửa không phải là tên lửa hành trình của chương trình, dẫn đến việc tên lửa được đổi tên thành Hệ thống tên lửa chiến thuật của Quân đội (ATACMS).”
Như vậy dịch theo tiếng Hoa là hợp lý: “Tổ hợp tên lửa chiến thuật lục quân” – thể hiện đây là kết quả, là sản phẩm của dự án phát triển tên lửa chiến thuật của Lục quân Hoa Kỳ. Đồng thời chúng ta cũng thấy rõ nó là vũ khí chiến thuật cấp quân đoàn, cao hơn sư đoàn, nhưng không lớn được như Tập đoàn quân thời Liên Xô ngày xưa (có thể đến 200.000 quân). Quân đoàn như Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 30.000 đến 40.000 người.
2.2. Ông Biden chỉ cho sử dụng ATACMS trên hướng Kursk. Vậy tác động của nó ra sao?
Xin quý vị xem bản đồ đính kèm tôi lấy trên mạng với minh họa tầm bắn của các loại vũ khí tầm xa, trong đó có ATACMS. Nếu nói “theo hướng Kursk”, nếu kéo hai đường dây cung từ các điểm mút đường biên giới quốc gia chung Ukraine – Nga khu vực Kursk về phía Nga, quý vị có thể thấy nó phủ gần đến… Tula về hướng Mục-tư-khoa, và phía nam, điều nghiêm trọng cho Nga là nó phủ luôn cả Voronezh.
Chúng ta cần hiểu rằng, “hướng Kursk” nhưng tầm bắn thì có thể xa hơn, phải chăng chỉ được bắn đến địa giới hành chính của tỉnh Kursk đổ lại? Tôi không nghĩ thế! Đã là “hướng Kursk,” nghĩa là tất cả những hoạt động phục vụ cho chiến dịch quân sự phản công của Nga trên hướng này, cả những đơn vị, cơ sở… được bố trí trên những địa phương lân cận.
Xin quý vị xem tiếp bản đồ thứ hai: hệ thống đường sắt của Nga. Chúng ta có thể thấy Voronezh đã là điểm nóng, có vị trí cực kỳ quan trọng trong hoạt động hậu cần của Nga. Các tuyến đường sắt từ đông sang tây rồi ra chiến trường, giờ này qua nó. Các tuyến đường sắt từ bắc xuống nam rồi vào chiến trường, cũng qua nó. Tôi không nghi ngờ về việc xung quanh Voronezh hình thành cả trăm trung tâm hậu cần các loại phục vụ chiến tranh của Nga. Vì vậy chưa cần ông Biden cho sử dụng với mức độ rộng lớn hơn mà chỉ cần thế này đã đủ khó khăn cho Nga rất nhiều rồi.
2.3. Ukraine có bao nhiêu quả ATACMS?
Có Chúa mới biết được! Hôm nay có một người bạn gửi cho tôi bài báo của Vi-ô-vi, BMZ viết: “Hồi tháng 9/2023, khi người ta vẫn còn tranh cãi về việc cấp ATACMS cho Ukraine, Tổng cục trưởng Tình báo quốc phòng Ukraine – tướng Kyrillo Budanov, nói với website WarZone của Mỹ rằng “Nếu chỉ có 100 quả tên lửa thì điều này sẽ chẳng thay đổi được tình hình”. Khi được hỏi Ukraine cần bao nhiêu, tướng Budanov trả lời rằng “cần ít nhất vài trăm quả tên lửa” như thế.”
Về vấn đề này, nếu đọc đoạn trên đây ai cũng hiểu luôn rằng, có mỗi 100 quả được giao cho Ukraine. Nên nhớ rằng nếu câu chuyện “nói với War Zone” này là có thật, thì nó cũng từ năm ngoái, tức cách đây 14 tháng, và từ đó đến nay không ai biết, hay chính xác là không ai công bố thêm về việc ngoài gói ban đầu hơn 100 quả, thì đã có thêm bao nhiêu lô, mỗi lô bao nhiêu quả nữa. Hoa Kỳ không công bố. Ukraine cũng không công bố.
Vậy có một cách hiểu thứ hai: Budanov nói với ý, không thể chỉ là 100 quả, vì nếu giao 100 quả thì chẳng ý nghĩa gì, (thà chẳng giao còn hơn!) Sở dĩ cách hiểu này là có căn cứ, vì hồi đầu tiên đi kèm với thông tin “gói ban đầu ATACMS sẽ được giao với số lượng hơn 100 quả” là thông tin “thuộc loại đạn chùm” (đầu đạn phân mảnh chống bộ binh). Ấy thế mà cú bắn vào kho đạn của Nga bị cho là người Ukraine đã sử dụng ATACMS, thì lại gây cháy nổ rất lớn (cột hình nấm bốc lên) – như vậy là đã có đầu đạn loại khác được giao. Vậy căn cứ vào đâu mà cho rằng chỉ có 100 quả ATACMS?
2.4. Liệu có quá muộn hay không?
Trong bài này của thằng lều báo, ngoài lý do “phạm vi hẹp” (tôi đã phân tích trên đây) và “số lượng quá ít” thì còn có một lý do nó đưa ra là… đã quá muộn. Nhưng quá muộn với cái gì, với chuyện gì?
Đầu tiên, hắn viết HIMARS đã là vũ khí thay đổi cuộc chơi. Sau đó “Nga đã có thêm nhiều thời gian để thích ứng, bằng cách bố trí phân tán các trung tâm hậu cần và điểm tập kết quân và bằng cách phát triển năng lực gây nhiễu cũng như đánh chặn.”
Thằng này viết không sai, nhưng vẫn mập mờ dạng đánh lận con đen. Đúng là Nga phân tán các trung tâm hậu cần nhưng là với các kho trong tầm HIMARS, nghĩa là chúng phải di dời các kho lớn ra ngoài phạm vi 90 ki-lô-mét tính từ giới tuyến (đường tiếp xúc). Từ phạm vi đó trở đi, không có quân đội nào lại tiếp tục… phân tán kho tàng cả, làm như vậy thì lực lượng hậu cần, vận tải của chúng có mà tự đập đầu vào tường mà chết.
Lý do này, không phải một mình cái thằng này viết, mà còn nhiều thằng khác tung tin rằng ATACMS chẳng có tác dụng gì vì Nga sẽ bê kho ra khỏi tầm của ATACMS, nghĩa là ngoài 300 ki-lô-mét, ha ha, đúng là bọn ngu hết phần thiên hạ.
2.5. Tác động của ATACMS sẽ ra sao?
Tôi nhớ có lần tôi mô tả với quý vị rằng, để chống HIMARS, Nga phải di dời các kho, các trung tâm hậu cần và các doanh trại lớn ra ngoài phạm vi của loại tên lửa này, dày đặc trong một vành đai từ 100 ki-lô-mét đến 150 ki-lô-mét tính từ giới tuyến – đường tiếp xúc. Từ đó tôi phân tích, để tiếp tế một chuyến xe hàng từ kho đến đơn vị tiền tiêu, một xe tải phải chạy 200 ki-lô-mét 1 ngày, tức là một chuyến đi về. Sở dĩ nó không chạy được xa hơn vì điều kiện chiến tranh. Do đặc thù của cuộc chiến tranh này với mức độ sử dụng máy bay không người lái sâu rộng, các không ảnh chụp từ vệ tinh theo thời gian thực cũng có chất lượng rất cao, nên Nga không có khả năng lập các kho trung gian trên quãng đường xe chạy.
Hiện tại, có thể ATACMS mới chỉ được sử dụng trên hướng Kursk, nhưng có một chi tiết thú vị là, ông Biden từ trước đến nay không cho sử dụng nó bắn vào lãnh thổ Nga. Nhưng bây giờ khi cho, lại nhằm vào củng cố chiến dịch xâm nhập lãnh thổ Nga của người Ukraine. Như thế thì việc đồng ý cho bắn nốt trên các hướng còn lại cũng chỉ trong thời gian ngắn sắp tới thôi.
Nhưng có vẻ với Storm Shadow thì không có hạn chế gì. Như vậy trong thời gian tới, quá trình “HIMARS hóa chiến tranh” lại lặp lại: Nga sẽ phải di dời các kho lớn đang ở tầm 100 đến 150 ki-lô-mét, ra ngoài phạm vi 300 ki-lô-mét.
Lại không nên quên, trời sắp sang đông, sau đó là mùa xuân tuyết tan. Cả hai mùa này đều không thuận lợi cho vận tải đường bộ bằng xe tải. Thứ nhất, Nga phải có đường nhựa, thứ hai, đường nhựa này phải được chống đóng băng và chống phủ tuyết. Thứ ba, tức cuối cùng, đường ô tô phải được bảo vệ khỏi đánh phá của đối phương, nhất là từ UAV.
Đây là lý do không chắc đã cần phải có nhiều ATACMS và Storm Shadow, mà tôi lại hình dung là từ khi được dùng những thứ vũ khí này để bắn vào những mục tiêu trên đất Nga, thì lực lượng UAV – drone của Ukraine lại sẽ làm việc hết công suất để… diệt xe tải. Tốc độ chạy xe trong mùa đông sẽ thấp, xe tải sẽ làm mồi cho drone. “Chết đói” sẽ là tình trạng không tránh khỏi đối với quân Nga.
Chúng ta cần nhìn lại, chính nhờ HIMARS đến nay vẫn có khả năng đe dọa trên một dải xấp xỉ 90 ki-lô-mét, nên số lượng xe tải bị tiêu diệt tăng vọt. 2912 là con số xe tải của Nga bị đốt tính đến hết 31/7/2022, hơn 1 tháng từ khi giàn HIMARS đầu tiên được giao (23/06/2022).
Tính đến hết hôm qua 19/11/2024, số lượng xe tải bị đốt là 29.648. Như vậy nhờ có HIMARS và những loại pháo tầm xa, chính xác khác đang được người Ukraine sử dụng, trong khoảng thời gian hơn 2 năm và 3 tháng đó, đã có 26.736 cái xe tải và xe bồn bị đốt cháy. Nhờ tạo ra được tình thế này, Nga không có khả năng mở được những chiến dịch tấn công cho đàng hoàng đúng như lý thuyết của chúng. Một chiến dịch như vậy phải tập trung được lực lượng nhân lực, khí tài và hậu cần rất lớn và như thế thì lại làm mồi cho HIMARS…
2.6. Tác động của ATACMS lên Kẩm-linh ra sao?
Hoảng loạn. Thông qua những cái mõm của lều báo BMZ, Mặt Ngựa dọa dùng vũ khí hạt nhân. Thậm chí RT của Nga còn nhét chữ vào mồm nghị sĩ Hoa Kỳ cho rằng ông Biden vi hiến. Tôi sẽ không nhắc lại những trò khỉ của bọn lều báo xứ Phía đông nước Lào nữa, nhưng kiểu “dìm hàng” ATACMS như trên đây, cho thấy không chỉ là sự hoảng loạn, mà còn là “hồn xiêu phách lạc.” Một lần nữa, ông Lê Văn Cương lạc giọng, phì nước miếng, tuyên bố Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Buồn cười nhất là chuyện bọn chúng định dùng quả tên lửa gì to lắm, tầm bắn đến… 6.000 ki-lô-mét với đầu đạn 1 tấn 200 ki-lô-gram để… trả đũa, ha ha. Nếu nói về tầm bắn, thì thứ 6.000 ki-lô-mét đáng nhẽ ra phải được đem bán cho mấy mụ đồng nát buôn sắt vụn từ lâu rồi, vì thứ người ta sợ là tên lửa tầm ngắn và tầm trung do khó đánh chặn. Nói về sức công phá của đầu đạn, người Ukraine bị ném bom lượn 3 tấn rưỡi lâu nay, quả là đáng sợ nhưng dần cũng quen.
Công nhận bọn Nga này làm hết trò cười này đến trò cười khác cho bàn dân thiên hạ.
3. Tác động lên cuộc chiến sẽ như thế nào?
Nếu ông Biden không mở rộng phạm vi cho sử dụng ATACMS, hoặc số lượng không đủ… hoặc bất cứ lý do nào khác, thì thứ nhất, đã có Storm Shadow. Thứ hai, trước đây chúng ta mong được dùng ATACMS để tàn phá hậu cần Nga một cách sâu rộng trên khắp chiến trường, nhưng ở hoàn cảnh chưa có Chiến dịch Kursk. Nay với ATACMS, chiến dịch phản công đòi lại Kursk của Nga khó khăn bội phần, nếu không muốn nói là khả năng thất bại rất cao.
Trong trường hợp Nga thất bại, người Ukraine cũng có khả năng chiếm thêm đất ở Kursk, buộc Nga phải tính toán lại các hướng khác để đưa quân về Kursk, đem lại cơ hội cho người Ukraine ở các hướng khác. Ngoài ra việc không đòi lại được Kursk, thì vẫn là cái giá treo cổ cho Putox. Tik tak, tik tak…
Có một thằng lều báo dọa khi ông Trump lên sẽ không cho sử dụng ATACMS nữa. Tôi nghĩ điều này là tốt, vậy thì trước khi ông ấy nắm quyền Tổng thống thì người Ukraine phải đánh cho ào ạt thôi.
PHÚC LAI 20.11.2024
No comments:
Post a Comment