Thái Hạo - Một môn hai thầy!jeudi 21 novembre 2024
Thuymy
Hỏi vì sao phải học lắm thế, thì được biết rằng, học ở nhà với thầy giáo chủ nhiệm là học để “đủ nghĩa vụ” – nếu không sợ sẽ bị đì. Còn thầy giáo bên ngoài là học để có kiến thức.
Chưa hết, ngoài hai "trận học” như trên, nhà trường còn tổ chức dạy thêm, cũng môn đó. Và gắn cho nó những cái tên trá hình như “phụ đạo”, “tăng cường”, “bồi dưỡng”, “câu lạc bộ”...
Một môn học thôi mà phải học 4 lần, trong đó 3 lần là học thêm. Nhà trường tổ chức vì hiệu trưởng cũng muốn kiếm tí phần trăm; giáo viên kéo học sinh về nhà vì “ở trường chẳng được bao nhiêu”. Còn học sinh, muốn có kiến thức thì sau khi hoàn thành tất cả những “nghĩa vụ thiêng liêng” là nuôi bộ máy quản lý nhà trường và “cải thiện đời sống” cho giáo viên, lúc đó mới được phép lo đến phần mình, là đi “tầm sư học đạo” bên ngoài.
Một môn đã thế, ba, bốn môn thì học sinh sống làm sao đây? Nghĩ đi, thế sinh ra một chương trình giáo dục với đội ngũ nhà giáo ăn lương để làm gì mà sau khi học xong, các em, ít thì một lần, nhiều thì ba, bốn lần, phải đi học lại môn đó? Học lại, hoặc học trước, đúng vậy, cần gọi đúng tên, không phải “học thêm”.
Hỏi, sao không bỏ học thêm ở trường và ở nhà thầy cô đi, chỉ đi học thêm bên ngoài thôi? “Nguyện vọng” đấy, “nhu cầu chính đáng” đấy, “tự nguyện” đấy! Thử xem không có “nguyện vọng, nhu cầu và tự nguyện” kiểu ấy xem, có yên ổn được không? Chỉ một thiểu số, rất ít, cha mẹ có bản lĩnh mới đủ dũng khí đứng mé mé ra khỏi cái guồng quay tàn khốc ấy, tất nhiên bao giờ cũng phải trả giá; còn lại, đa số, không thể cưỡng lại.
Trẻ con chứ đâu phải bò sữa đâu mà vắt đến cùng kiệt như thế? Ác độc, để nuôi sống mình, thậm chí là làm giàu, người lớn đã ăn hết tuổi thơ, sức khỏe, và linh hồn những đứa trẻ.
Các vị điều hành và quản lý nền giáo dục mà quan liêu không bút mực nào tả được. Bao nhiêu những nào là liên kết, kỹ năng sống, câu lạc bộ...do các công ty bên ngoài vào móc nối với nhà trường để bào tiền phụ huynh học sinh, chèn cả vào chương trình chính khóa. Bao nhiêu những cái đơn in sẵn chỉ cần phải ghi chữ “tự nguyện” vào, bao nhiêu những cắt xén, mượn danh, trù dập diễn ra khắp nơi.
Báo chí và người dân rầm rộ phản ánh không ngớt từ năm này qua năm khác, nhưng các vị dường như không thấy, không nghe, không biết. Các vị để mặc học sinh khổ, phụ huynh khổ, cả xã hội rối ren. Các em đi học đến tối tăm mặt mũi, học đến đờ đẫn ngu ngơ, học đến sức cùng lực kiệt. Sao ác thế?
Một cách đơn giản thôi, tôi cũng như bao nhiêu người đã hét vào tai các vị hàng trăm lần rồi. Là chỉ cần đưa việc học thêm dạy thêm ra ngoài, cấm tuyệt đối trong nhà trường và với giáo viên chính khóa. Để cho tư nhân hoặc những người không hoạt động trong hệ thống giáo dục nhà nước thực hiện, là xong.
Chỉ lúc đó những chữ như tự nguyện, như nhu cầu chính đáng mới mang ý nghĩa thật của nó. Chỉ lúc đó môi trường giáo dục mới trở nên trong sáng, sạch sẽ. Một việc dễ nhất trên đời như thế, nhưng các vị quyết không làm, vẫn một mực bao biện quanh co, cãi chày cãi cối đến cùng. Là vì làm sao vậy? Càng lúc, tôi càng không tài nào hiểu được cái suy nghĩ và động cơ của các vị.
Đừng hiểu lầm, tôi lên tiếng không phải vì con tôi đang phải trực tiếp gánh chịu cái khổ nạn này. Con tôi lớp 7 và chưa từng đi học thêm một ngày nào. Và chắc chắn rồi, nếu cháu không thích thì cho đến hết phổ thông cháu cũng sẽ không phải đi học thêm ngày nào cả. Không ai ép buộc được hay trù dập được. Tôi sẽ bảo vệ con tôi đến cùng.
Vấn đề là không phải cha mẹ nào cũng dám làm như thế, nên hàng triệu đứa trẻ vẫn đang bị người lớn bào ra ăn mỗi ngày. Từ cái đám cỗ tập thể này, nhân cách của tất cả cứ suy dần đi: thầy cô méo mó, trẻ em khốn đốn, nền giáo dục trở thành chợ đen... Còn tiếp tục đến bao giờ nữa đây?
THÁI HẠO 21.11.2024
No comments:
Post a Comment