Putin ký học thuyết hạt nhân mới sau quyết định về vũ khí của Biden đối với Ukraine
AP
19/11/2024
VOA
Tổng thống Vladimir Putin.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 19/11 đã ký một học thuyết hạt nhân sửa đổi, tuyên bố rằng một cuộc tấn công thông thường vào Nga của bất kỳ quốc gia nào mà được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ sẽ được coi là một cuộc tấn công chung vào nước ông.
Ông Putin thông qua chính sách răn đe hạt nhân mới đúng vào ngày thứ 1.000 kể từ khi ông cho đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Việc ký này diễn ra sau quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, theo đó cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp.
Việc ký học thuyết, trong đó nêu rằng bất kỳ cuộc tấn công trên không lớn nào vào Nga đều có thể gây ra phản ứng hạt nhân, cho thấy ông Putin đã sẵn sàng khai thác kho vũ khí hạt nhân của đất nước ông để buộc phương Tây phải lùi bước trong khi Moscow đang tiến hành một cuộc phản công chậm chạp ở Ukraine.
Khi được hỏi liệu học thuyết sửa đổi có được ban hành một cách cố ý sau quyết định của ông Biden hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng tài liệu này được công bố "kịp thời" và ông Putin đã chỉ thị cho chính phủ cập nhật vào đầu năm nay để "phù hợp với tình hình hiện tại".
Ông Putin lần đầu tiên công bố những thay đổi trong học thuyết hạt nhân vào tháng 9, khi ông chủ trì một cuộc họp để thảo luận về các bản sửa đổi được đề xuất.
Tổng thống Nga trước đây đã cảnh báo Hoa Kỳ và các đồng minh NATO khác rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga sẽ có nghĩa là Nga và NATO ở trong tình trạng chiến tranh.
Học thuyết mới nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào Nga của một cường quốc phi hạt nhân với "sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân" sẽ được coi là "cuộc tấn công chung của họ vào Liên bang Nga".
Học thuyết này nói thêm rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc tấn công thông thường mà gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Nga và đồng minh Belarus, một cách diễn đạt mơ hồ có thể dẫn tới nhiều cách diễn giải.
Học thuyết không nêu rõ liệu một cuộc tấn công như vậy có nhất thiết gây ra phản ứng hạt nhân hay không. Tài liệu này đề cập đến "sự không chắc chắn về quy mô, thời gian và địa điểm có thể sử dụng vũ khí răn đe hạt nhân" trong số các nguyên tắc chính của răn đe hạt nhân.
Tài liệu cũng lưu ý rằng một cuộc xâm lược chống lại Nga của một thành viên trong khối quân sự hoặc liên minh được coi là "một cuộc xâm lược của toàn bộ khối", một sự ám chỉ rõ ràng đến NATO.
Đồng thời, tài liệu này nêu rõ các điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân chi tiết hơn so với các phiên bản trước của học thuyết, trong đó lưu ý rằng chúng có thể được sử dụng trong trường hợp có một cuộc tấn công trên không lớn liên quan đến tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, máy bay, máy bay không người lái và các phương tiện bay khác.
Việc diễn đạt như vậy dường như mở rộng đáng kể các yếu tố kích hoạt khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân so với phiên bản trước của tài liệu, trong đó nêu rằng Nga có thể khai thác kho vũ khí nguyên tử của mình nếu có cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Alexander Lukashenko, người đã cai trị Belarus bằng bàn tay sắt trong hơn 30 năm và dựa vào trợ cấp cũng như hỗ trợ của Nga, đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của đất nước mình để đưa quân vào Ukraine và triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình.
Kể từ khi đưa quân vào Ukraine, ông Putin và những tiếng nói khác của Nga đã thường xuyên đe dọa phương Tây bằng kho vũ khí hạt nhân của Nga để ngăn cản họ tăng cường hỗ trợ cho Kyiv.
Những người theo chủ nghĩa diều hâu của Nga đã kêu gọi thắt chặt học thuyết trong nhiều tháng, khi lập luận rằng phiên bản trước đó đã không ngăn cản được phương Tây tăng viện trợ cho Ukraine và tạo ra ấn tượng rằng Moscow sẽ không dùng đến vũ khí hạt nhân.
No comments:
Post a Comment