Ngày 20.11 không phải là ngày nhà giáo ăn mừngThái Hạo
20-11-2024
Tiengdan
Nay, người ta nô nức chúc mừng, ăn mừng vào “Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11” mà gần như quên đứt đi lịch sử cũng như nội dung, ý nghĩa của nó. Nhắc đến, có chăng chỉ là một thói quen thuần túy ngôn từ.
20.11 là ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Năm 1946, ở Paris người ta thành lập một tổ chức quốc tế các nhà giáo mang tên: “Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục” (Féderation International Syndicale des Enseignants) viết tắt là FISE. Ba năm sau đó – năm 1949, tại Warszawa, thông qua một hội nghị quốc tế, FISE đã xây dựng một bản THE TEACHERS’ CHARTER – Hiến chương các nhà giáo, gồm 15 chương.
Việt Nam tham gia vào tổ chức FISE từ năm 1953. 1957, tại Warszawa, hội nghị FISE gồm 57 nước tham dự, trong đó bao gồm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Vậy, Hiến chương là gì? Là những nội dung ký kết giữa nhiều nước, trong đó quy định những nguyên tắc và thể lệ chung trong quan hệ quốc tế.
Báo VietnamNet (2017) đăng lời nhận định của một nhà giáo: “Hiến chương các nhà giáo, hiển hiện như một trong những văn bản tinh hoa, được soạn thảo bởi những cá nhân ưu việt, thấm nhuần những tư tưởng giáo dục tiến bộ, những giá trị vĩnh hằng, được sản sinh ra từ các nền giáo dục văn minh và từng trải. Nó không phụ thuộc vào thể chế chính trị, hay tôn giáo, sắc tộc nào cả. Chắc chắn nó như một ngọn hải đăng, soi sáng, hướng đạo cho mọi nền giáo dục, nhất là những nền giáo dục còn đang trưởng thành”.
Tóm lại, ngày 20.11 hay còn gọi là Ngày Hiến chương các nhà giáo, là ngày đánh dấu và kỷ niệm một một văn bản quan trọng bậc nhất của những người làm nghề giáo và giáo dục nói chung. Đọc vào bản Hiến chương này, chúng ta thấy tính chất đấu tranh của nó, nghĩa là sự ra đời của nó chính xác là sự đòi hỏi của các nhà giáo về các quyền và những giá trị cơ bản để làm nghề và, từ đó, xây dựng xã hội.
Nó không phải là một ngày hội, càng không phải là ngày để chúc tụng, ăn mừng. Nó là ngày để nhắc mỗi người hãy đọc lại bản Hiến chương, xem điều nào trong thực tế chưa được thực hiện và phải tranh đấu để nó trở thành hiện thực; nó nhắc mỗi nhà giáo về trách nhiệm và sứ mạng của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, nhắc mỗi người về sự tôn nghiêm nhân cách và tự trọng nghề nghiệp. Nó đòi hỏi mỗi người phải lên tiếng để đòi cho bằng được những gì mà chính phủ đã ký kết bên dưới bản Hiến chương ấy.
Xin trích vài điều trong Hiến chương để các nhà giáo so sánh với thực tế hiện nay và suy nghĩ, từ đó xem bản thân có nên ăn mừng hay phải làm gì khác nữa.
Điều 1. Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với nhau.
Điều 2. Quyền của nhà giáo không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, màu da, không phụ thuộc vào niềm tin và định kiến cá nhân, miễn là họ không áp đặt niềm tin và định kiến của mình cho trẻ.
Nhà giáo không bị phạt nếu việc giáo dục học sinh tuân thủ các quy định ở Điều 1.
Điều 3. Nhà giáo có quyền có các thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ họ chống lại quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến nhiệm kỳ công việc và nghề nghiệp của họ.
Cụ thể, các biện pháp bảo vệ cần được thực thi để chống lại các quyết định tùy tiện về tuyển dụng, tập sự, bổ nhiệm, đề bạt, hay các biện pháp kỷ luật bãi nhiệm.
Điều 5. Nhà giáo phải có quyền tự do tham gia tổ chức nghề nghiệp và các tổ chức ấy phải có quyền đại diện cho nhà giáo trong mọi hoàn cảnh.
Các bạn muốn đọc đầy đủ thì mời search Google. Còn bây giờ, mang bản Hiến chương này ra đối chiếu với những gì đang diễn ra, thì ngày hôm nay, 20.11, không có gì đáng để ăn mừng với hoa hòe, cờ quạt, cỗ bàn hay chúc tụng cả. Nó là một ngày tranh đấu.
Nếu được phép chúc, tôi chỉ muốn chúc một lời: Chúc cho mỗi thầy cô giáo Việt Nam sẽ dám sống, để được sống như những gì bản Hiến chương đã quy định.
No comments:
Post a Comment