“Điểm nghẽn của điểm nghẽn”Nguyễn Đắc Kiên
22-11-2024
Tiengdan
Khi TBT Tô Lâm nói “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, thực ra ông đã chạm vào một điểm nghẽn khác, rất vi tế, nhưng lại cực kỳ hệ trọng, nếu không muốn nói là hệ trọng bậc nhất trong số các điểm nghẽn hiện nay.
Trước tiên, thử phân tích xem từ đâu lại có lối tư duy “không quản được thì cấm”?
Nguyên nhân sâu xa, lối tư duy này xuất phát từ sự tuyệt đối hóa nhà nước, xem nhà nước như một “ông chủ” với quyền hành bao trùm, độc đoán và tuyệt đối. Do đó, ở đâu, khi nào mà “ông chủ” cảm thấy bàn tay của mình không vươn tới hoặc bao trùm hết được, thì cách đơn giản là ngay lập tức đóng sập nó lại: “Cấm tiệt!” Tất nhiên, trong lối tư duy này, người dân sẽ chỉ được xem như những kẻ ít nhiều vô năng, luôn cần phải được bàn tay của “ông chủ nhà nước” dìu dắt, hướng dẫn.
Một cách trực tiếp hơn, nguyên nhân của “tư duy không quản được thì cấm” có thể đến từ sự ưa thích dễ dãi. Khi nhà nước cảm thấy ở đâu, lĩnh vực nào vượt ra ngoài tầm với, ngoài năng lực quản trị của mình thì cách ngắn nhất là “cấm chỉ”. Như thế, nhà nước không cần bất cứ sự cải thiện năng lực, thay đổi quản trị nào, vẫn có thể giữ mọi sự trong khuôn phép, quy củ cũ (Bất kể việc cấm đoán này có thể gây ra xung đột, căng thẳng hay kéo lùi sự phát triển xã hội như thế nào).
Bây giờ, ta mới thử phân tích xem “từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” có nghĩa là như thế nào?
Một cách ngắn gọn, nó có nghĩa là, khi người dân, doanh nghiệp mở ra những hoạt động mới, những lĩnh vực, hình thức kinh doanh mới mà nhà nước cảm thấy hệ thống quản trị của mình nhất thời chưa thể theo kịp, thì thay vì đẻ ra luật mới để “cấm chỉ” ngay tức khắc (cho nhẹ việc), nhà nước đầu tiên sẽ phải giữ một thái độ tôn trọng, sau đó sẽ phải tìm cách thấu hiểu, rồi từ từ tìm cách thay đổi luật pháp, cải thiện năng lực, thay đổi quản trị để đáp ứng, để theo cho kịp với những “cuộc chơi mới” mà người dân, doanh nghiệp vừa mở ra.
Tất nhiên, như vậy thì thật quá vất vả và đau đầu, do đó, để thực sự có thể làm được như vậy thì một lần nữa cần phải xuất phát từ những sự thay đổi căn bản, nếu không muốn nói là đảo ngược, trong tư duy, nhận thức về vị thế và vai trò của nhà nước với người dân. Nhà nước bây giờ không phải là một “chủ nhân ông tuyệt đối” đứng ở trên, ở cao ban phát quyền hành và “chăn dắt” nhân dân nữa, mà ngược lại, nhà nước sẽ chỉ là những đại diện được người dân (những người chủ đích thực) tín nhiệm, trao quyền và trả công để làm công việc quản trị đất nước, để phục vụ nhân dân.
Chỉ bao giờ và khi nào tư duy, nhận thức này được thấm nhuần trong cả người dân lẫn chính giới, thì khi đó, ở trên mới có các nhà làm luật “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, ở dưới mới có nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, thực sự coi người dân (những người nộp thuế nuôi nhà nước) là những “ông chủ” phải phục vụ, chứ không phải để “hành là chính”.
Như vậy, về bản chất, điểm nghẽn này nằm sâu trong nhận thức về quyền làm chủ, quyền tự do, tự trị và phẩm giá của nhân dân. Nó không dễ để nhận diện và thay đổi. Còn tháo gỡ được nó, thì quả thực là một cuộc cách mạng chứ chẳng chơi.
No comments:
Post a Comment