Vũ Hùng - Báo hạimercredi 25 septembre 2024
Thuymy
Họ bị điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
Đưa tin về vụ việc này, một số báo cho rằng đây là “lần đầu tiên” có một cơ quan báo chí mà từ lãnh đạo đến phóng viên, nhân viên cùng nhau tổ chức hoạt động cưỡng đoạt tài sản.
Thực ra không phải như vậy. Nếu bạn có người nhà, người thân, bạn bè là chủ doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nươc và tư nhân, dù lớn nhỏ tầm cỡ khác nhau. Bạn sẽ thấy rằng việc cả một tập thể từ lãnh đạo tới phóng viên của một số tờ báo cùng nhau tổ chức đi xin tiền, xin không được thì doạ dẫm đăng bài “đánh” và cưỡng đoạt bằng được “phong bì” của các doanh nghiệp là không hề hiếm suốt nhiều chục năm qua.
Tôi xin kể lại một câu chuyện xảy ra cách đây 22 năm để chứng minh cho nhận xét cá nhân nói trên là không hề hồ đồ và chụp mũ.
Anh là giám đốc một công ty sản xuất nước ngọt dưới đường Phạm Văn Đồng, (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Công ty của anh, vào năm 2002, đã suýt tan tành, anh rất có thể đã tan vỡ cả một gia đình hạnh phúc, thậm chí là không thiết sống nữa, chỉ vì một tờ tạp chí, cũng có tên là Môi trường và …, có trụ sở đóng trên một con phố ven bờ sông Hồng, đoạn thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Câu chuyện là thế này. Trong quá trình sản xuất nước ngọt đóng chai, công ty của anh phải sử dụng một loại đường hoá học. Loại đường ấy trên thế giới có một vài nước cấm dùng khi sản xuất nước ngọt đóng chai, nhưng đại đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ko hề cấm. Do cạnh tranh xấu, một doanh nghiệp cũng sản xuất nước ngọt ở Hà Nội đã viết đơn tố cáo gửi tới tạp chí nói trên.
Tờ báo nhận được lá đơn tố cáo ấy lập tức cử phóng viên xuống viết bài điều tra - một tác nghiệp thông thường và đúng luật của mọi tờ báo. Mặc dù anh giám đốc công ty bị tố cáo đã kỳ công sưu tầm cơ man các tài liệu quốc tế và Việt Nam viết về loại đường hóa học ấy, để chứng minh cho tạp chí đó là n ókhông hề bị cấm sử dụng ở Việt Nam, nhưng vẫn không thuyết phục được tổng biên tập và các phóng viên của tờ báo đó. Họ nhất định đòi viết bài đúng như nội dung đơn tố cáo của doanh nghiệp đối thủ.
Năm lần bảy lượt xuống xưởng sản xuất nước ngọt gọi là để thu thập chứng cứ mà không thu được gì. Nhưng lúc ra về, các phóng viên của tạp chí này đều để lại số điện thoại, kèm theo lời dặn nửa vỗ về nửa hăm dọa: “Anh xem thế nào không là chúng tôi sẽ phải đăng bài đấy". Suốt mấy tháng trời, cứ vài tuần lại khi là một cô phóng viên tập sự chưa có thẻ nhà báo, khi là một ông phóng viên già dặn tay bút, khi là cả tốp ba, bốn phóng viên của tờ báo nọ kéo xuống xưởng "điều tra". Và khi về nhất định không thể thiếu mỗi phóng viên một phong bì tạm lót tay.
Vợ anh giám đốc khi đó mới sinh con phải nghỉ ở nhà không đi làm nên thu nhập rất thấp. Cha mẹ anh là giáo viên nghỉ hưu, ốm đau triền miên, thay nhau nằm viện hết Tây y đến Đông y. Lại cuối năm, mùa sản xuất đang vào vụ hàng bán Tết, việc lo ngập đầu. Anh giám đốc bấn loạn cả lên, sinh nóng nảy, bất lực, dồn sự tức tối lên đầu vợ con trong khi không biết làm sao để chứng minh cái đúng của mình với các vị nhà báo trên. Vợ anh, phần vì đau khổ do các phóng viên hành tỏi công ăn việc làm của chồng mình, phần uất ức vì bị chồng mắng mỏ oan uổng, đã mấy lần suýt ôm con thơ bỏ về quê ngoại bên Bắc Giang.
Thật may cho anh giám đốc, đúng lúc thấy cùng đường nhất, cơ cực nhất thì một người bạn làm luật sư biết chuyện đã khuyên anh lên Bộ Y tế, xin gặp những người có trách nhiệm ở Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, xin được cái giấy xác nhận đóng dấu đỏ chót kèm danh mục các loại đường hóa học ko bị Bộ Y tế Việt Nam cấm sử dụng hiện thời. Mất bao ngày chạy lên chạy xuống, chầu chực đợi chờ xin xỏ, cầm tờ giấy xác nhận ấy về, a mừng hơn bắt được vàng.
Nhưng hỡi ôi, ngay cả khi đã có cái bửu bối ấy từ Bộ Y tế, thì ông tổng biên tập và các phóng viên tạp chó nọ, dù đọc kỹ càng, soi từng chữ các văn bản, vẫn không chịu lùi bươc. Họ đòi mang các văn bản xác nhận của Bộ Y tế về tòa soạn để " kiểm tra độ chân thực của văn bản và con dấu".
Khoảng chục ngày sau, một ngày gần cuối năm 2002, một chiếc xe ô tô con chở bốn người của tòa báo ấy xuống tận xưởng sản xuất nước ngọt của công ty, trong đó có cả vị tổng biên tập đích thân "xuất tướng ra chiến trường". Họ “xuất tướng” để làm gì các bạn biết không? Để công nhận lá đơn tố cáo của doanh nghiệp đối thủ là vu cáo? Để công nhận giấy xác nhận của Bộ Y tế là đúng? Không phải. Mà là để xin tiền Tết cho tạp chí và bắt công ty phải đăng quảng cáo trên số Xuân báo đó !!!
Hôm đó, có người bạn của anh giám đốc là luật sư chứng kiến từ đầu cuộc mặc cả ở xưởng bạn mình. Anh luật sư này đã không thể chịu đựng nổi cảnh "chó cắn áo rách'' nên một mặt dặn anh giám đốc công ty cứ kéo dài thời gian mặc cả với ông tổng biên tập, một mặt đành gọi điện thoại nhờ tôi xuống can thiệp theo kiểu gia đình thân chủ xin xỏ, với tư cách tự nhận là ông chú (em bố anh giám đốc).
Tôi phi xuống công ty nằm trên đường Phạm Văn Đồng, cách cơ quan tôi đang làm việc thời đó khoảng 10 phút xe máy, không quên dắt túi áo ngực cái bút ghi âm Samsung.
Xuống xưởng, cuộc mặc cả của các nhà báo với anh giám đốc đang đến lúc gay cấn cao trào, bên báo đập bàn quát tháo, bên chủ doanh nghiệp tay xoắn van xin. Trong vai ông chú ruột, tôi cũng hết sức van nài các nhà báo nọ đừng ép cháu nó phải đăng quảng cáo, xin khất sau vụ Tết nếu hàng hóa bán chạy được sẽ có quà đầu Xuân mang lên mừng các anh chị.
Tay tổng biên tập ngừng đập bàn quát tháo, lạnh tanh nghiêm mặt quát:" Không chịu đăng quảng cáo, không lo chi tiền Tết cho chúng tôi thì cháu anh cũng mất Tết, vì chúng tôi sẽ đăng đơn tố cáo lên, kể cả cháu anh có đúng gì đi nữa. Anh là chú thì khuyên cậu ta nên biết điều mà làm theo yêu cầu của chúng tôi ngay đi, tết nhất đến nơi rồi, mất thời giờ quá…”
Không thể nhún nhường, chịu đựng hơn được nữa, sau khi ghi âm trọn vẹn cuộc mặc cả và dọa dẫm của tay tổng biên tập và mấy nhân viên thuộc cấp, tôi lấy cớ ra vỉa hè hút thuốc vì trong xưởng cấm hút tuyệt đối, và ra hiệu cho anh luật sư theo ra vỉa hè trao đổi nhanh về một phương án xử lý.
Ngay sau đó, tôi gọi cho Trung tá Ch., Phó Trưởng Công an Huyện Từ Liêm (khi đó Huyện chưa lên Quận và chưa tách thành hai quận Nam-Bắc Từ Liêm), báo cáo có một vụ tống tiền doanh nghiệp đang diễn ra tại số nhà...trên đường PVĐ thuộc địa bàn huyện Từ Liêm, đề nghị Công an Huyện cho cảnh sát xuống xử lý giúp.
Rồi tôi dặn anh luật sư quay vào bảo anh giám đốc mở tủ lấy một cọc tiền ra theo yêu cầu của ông tổng biên tập nọ, nhưng cứ đếm đủ, đếm kỹ, đếm rất chậm để chờ anh em công an tới kịp.
Khoảng 15 phút sau, trong khi tất cả xúm lại đếm và kiểm tiền cho vào các phong bì, trong khi tay tổng biên tập đang nhồi các phong bì vào trong một cái cặp da nâu xách theo người, thì xe cảnh sát của Công an huyện Từ Liêm ập đến, bắt quả tang vụ cưỡng đoạt làm tiền doanh nghiệp đó.
Câu chuyện xảy ra đã hơn hai chục năm rồi, nhưng hôm nay, nghe tin cơ quan điều tra vừa bắt ông tổng biên tập và một số phóng viên, nhân viên của tờ tạp chí Môi trường & Đô thị, tôi lại nhớ tới nó.
Tôi nhớ lại, trong nỗi xấu hổ thay cho những người đồng nghiệp, những người làm báo lương thiện và chân chính một thời của mình!
Có người sẽ nói, như xưa nay trước những vụ việc tương tự, rằng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng, đau xót thay, trong “nồi canh” báo chí hiện nay, hình như “sâu” đã nhiều hơn “nước” rồi, than ôi!
VŨ HÙNG 25.09.2024
No comments:
Post a Comment