Monday, September 23, 2024

VNTB – Tô Lâm đi Mỹ nhưng không bỏ thói côn đồ
Chánh Thành
23.09.2024 1:04
VNThoibao



(VNTB) – Cưỡng bức ân xá chính là “bắt chim để phóng sanh”, bắt giam chính công dân của mình để đổi lấy viện trợ và thoả thuận quốc tế

 Đầu tháng 9 Tô Lâm đã ký lệnh ân xá cho ít nhất hai người có liên quan tới những bản án vi phạm nhân quyền, gồm phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao và bà Nguyễn Phương Hằng, giám đốc công ty Đại Nam.

Ông Giao là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ông đã lên tiếng mạnh mẽ để sửa đổi những điều luật bất lợi cho dân, trong vụ Đồng Tâm, ông cũng ra sức bảo vệ người dân bị hại. Cuối năm 2022, ông Giao bị bắt với cáo buộc ban đầu là “gián điệp”, sau đó sửa thành “trốn thuế”, được thả về sau 21 tháng bị giam giữ. Bà Nguyễn Phương Hằng được đặc xá giảm 3 tháng tù trong bản án 3 năm vì vi phạm điều 331, tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Cùng với việc thả người thì Tô Lâm cũng đã cho phép tờ New York Times mở lại văn phòng ở Sài Gòn. Có thể nói Tô Lâm đã chuẩn bị rất kỹ trước chuyến đi Mỹ lần này. Một là không muốn bị chính quyền Mỹ lên án nặng nề về việc vi phạm nhân quyền, hai là mong muốn đạt được những mục tiêu có lợi cho cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, có lẽ hai người trên cùng tờ New York Times không đủ nặng ký để đưa lên bàn đàm phán với Hoa Kỳ. Thế là rạng sáng ngày 21/9, dư luận rúng động khi cộng sản Việt Nam (CSVN) bất ngờ thả ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng.

Bà Hồng là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam, được quốc tế vinh danh là Anh Hùng Khí Hậu. Bà bị bắt năm 2023 với cáo buộc trốn thuế và chịu bản án 3 năm tù. Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một kỹ sư, doanh nhân, nhà bất đồng chính kiến nổi bật nhất Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây. Ông Thức bị bắt năm 2009 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và chịu bản án 16 năm tù.

Như vậy, bà Hồng được giảm 20 tháng tù, ông Thức được giảm 8 tháng tù. Nhưng điều đáng nói là Tô Lâm cho thả người một cách rất “côn đồ”. Thả vào lúc nửa đêm, ngay trước khi đi Mỹ. Trên Facebook của mình, ông Trần Huỳnh Duy Thức kể lại rằng ông đã bị “đặc xá cưỡng bức”. Vì ông không nhận tội, không xin đặc xá, nhưng lúc 17h45 ngày 20/9/2024, hơn 20 người ở Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam, khiêng ông ra khỏi tù và đưa ông ra sân bay đưa từ Vinh vào Sài Gòn.

Hành vi này cho thấy dã tâm của người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam khi bất chấp tất cả để đạt được mục đích cuối cùng. Tô Lâm không quan tâm dư luận đánh giá cách làm của mình, miễn là ông ta tới Mỹ, gặp được Biden và đạt được những thỏa thuận có lợi cho ông ta.

Ở ao nhà thì là con cá sấu, nhưng ra biển lớn thì Tô Lâm cũng chỉ là con cá lòng tong. Rõ ràng rằng với chuyến đi Mỹ đầu tiên trong vai trò người đứng đầu hệ thống chính trị lần này, Tô Lâm khát khao có thể khẳng định vị thế chính trị mình với quốc tế.

Có lẽ Hoa Kỳ cũng không lạ gì với cách hành xử côn đồ này của Tô Lâm và cộng sản Việt Nam. Tô Lâm từng làm dậy sóng quốc tế với việc cho lính sang tận Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về Hà Nội. Còn Việt Nam thì từ lâu nay vẫn có truyền thống “bắt chim để phóng sanh”, họ bắt giam chính công dân của mình để đổi lấy viện trợ quốc tế. Thậm chí các tổ chức khủng bố cũng không bằng, vì khủng bố thì bắt cóc người Mỹ để đổi lấy tiền, chứ không bắt dân của họ làm con tin như cộng sản Việt Nam.

Một câu hỏi nữa đặt ra là sau khi Tô Lâm về thì ai sẽ bị bắt tiếp. Năm ngoái, với mong muốn được Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cộng sản đã thả ông Nguyễn Bắc Truyển (một người hoạt động dân chủ) và ông Mai Phan Lợi (người hoạt động môi trường) trước khi Biden qua Việt Nam. Sau khi được tổng thống Hoa Kỳ ký hiệp định thì 4 ngày sau, Việt Nam cho bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên, một nhà hoạt động môi trường, giám đốc điều hành tổ chức Sáng Kiến Về Chuyển Dịch Năng Lượng Việt Nam (VIETSE).

Tù nhân chính trị là một món hàng không cần vốn nên cộng sản Việt Nam sẽ không thể để cho nhà tù được trống. Họ sẽ tìm mọi cách lấp đầy để có thể khai thác bất cứ lúc nào. Dẫu biết rằng tự do không hề miễn phí, khi nào xã hội chưa có tự do, khi đó vẫn còn người đứng lên đòi. Tự do, dân chủ là xu hướng tất yếu của thời đại!

No comments:

Post a Comment