Wednesday, September 11, 2024

VNTB – Kinh tế sẽ là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri
Thái Hóa Lộc
12.09.2024 3:31
VNThoibao



(VNTB) – Yếu tố thiết thực vẫn là “cơm no áo ấm” của người dân Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến quyết định lá phiếu của cử tri bầu ông Trump hay bà Harris

 Chỉ còn hơn 50 ngày nữa là cuộc bầu cử Hoa Kỳ bắt đầu và mọi người cả thế giới đều chú trọng đến ai sẽ là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ: Bà Kamala Harris hay ông Donald Trump? Tuy nhiên lá phiếu của người dân đã bắt đầu gửi lá phiếu theo qui định luật lệ và hiến pháp Hoa Kỳ! Động lực quyết định và là yếu tố thiết thực nhất vẫn là “cơm no áo ấm” hay nói một cách khác đời sống gia đình của người dân Hoa Kỳ không phải chịu cơ cực hơn trong cuộc sống. Cũng chính vì thế mà cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris vừa mới đây cùng cáo buộc nhau “đe dọa túi tiền của cử tri”

Cả hai ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Kamala Harris của Đảng Dân chủ đều đang tích cực vận động tranh cử ở các bang chiến trường khi chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến ngày người dân đến bỏ phiếu, ngày 5 tháng 11 tới.

Cựu Tổng thống Trump dừng chân ở TP Harrisburg, thủ phủ tiểu bang Pennsylvania, trong cuộc vận động được phát sóng trên khung giờ vàng của đài Fox News. Trong khi đó, Phó Tổng thống Harris có mặt ở New Hampshire, tiểu bang mà các ứng viên của Dân chủ giành chiến thắng trong mọi kỳ bầu cử kể từ năm 2004.

Trong lúc một số nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa kêu gọi ông Trump bám sát các vấn đề chính sách quan trọng – chủ yếu là tình trạng nhập cư bất hợp pháp và kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden, cựu tổng thống vẫn tiếp tục các công kích nhiều tranh cãi đối với đối thủ. 

Ngày 5/9, ông Trump có bài phát biểu kéo dài một giờ tại Câu lạc bộ Kinh tế New York trước những gương mặt nổi tiếng của Phố Wall, vào thời điểm Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, đã thu hẹp lợi thế của cựu tổng thống trong các cuộc khảo sát cử tri về vấn đề kinh tế. Cả ông Trump và bà Harris đều chịu áp lực phải đưa ra tầm nhìn chính sách cụ thể để giúp thúc đẩy nền kinh tế, vốn bị sa lầy bởi giá cao và lãi suất vay tăng cao, khi có nhiều lo ngại về nguy cơ tăng trưởng chậm.

“Tôi cam kết thuế thấp, cắt giảm quy định, chi phí năng lượng thấp, lãi suất thấp, biên giới an toàn, tỷ lệ tội phạm cực thấp và thu nhập cao cho công dân bất kể chủng tộc, tôn giáo, màu da hay tín ngưỡng. Kế hoạch của tôi sẽ đẩy lùi lạm phát, nhanh chóng hạ giá và khôi phục mức độ tăng trưởng kinh tế bùng nổ”, ứng viên đảng Cộng hòa nói.

Ông nêu kế hoạch bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk làm lãnh đạo ủy ban “chịu trách nhiệm giám sát tài chính và hiệu suất của toàn bộ chính phủ liên bang, cũng như đưa ra các khuyến nghị cải cách mạnh mẽ”. Cựu tổng thống đặt mục tiêu rằng ủy ban này sẽ giúp loại bỏ “hàng nghìn tỷ USD” chi tiêu lãng phí.

Ông Trump ca ngợi thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ đầu của mình, đồng thời chỉ trích các chính sách của chính quyền Biden – Harris về kinh tế và nhập cư. “Chúng tôi đã tạo ra phép màu kinh tế, nhưng Harris và Biden đã biến nó thành thảm họa”, ông Trump nói, đổ lỗi cho chính quyền hiện tại về lạm phát cao.

Lạm phát đã tăng vọt trong nhiệm kỳ của ông Biden sau khi đại dịch Covid-19 làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng, song đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào năm 2022. Lạm phát đang theo đà giảm và dự kiến xuống mức mục tiêu 2%, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump và các đồng minh vẫn liên tục công kích phe Dân chủ về vấn đề này.

Một lời hứa hẹn của ông Trump làm hài lòng giới doanh nghiệp là ông sẽ gia hạn đạo luật cắt giảm thuế mà ông từng thông qua năm 2017. Ông nhấn mạnh sự tương phản giữa mình với bà Harris, khi bà đã nêu kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp từ 21 lên 28%.

Ông Trump đề xuất giảm thuế doanh nghiệp xuống 15%. Tuy nhiên, mức giảm sẽ chỉ dành cho các công ty sản xuất tại Mỹ, những công ty thuê sản xuất ngoài, chuyển dây chuyền ra nước ngoài hoặc không thuê lao động Mỹ không đủ điều kiện hưởng ưu đãi.

“Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: hãy tạo ra sản phẩm của bạn ở Mỹ. Chỉ ở Mỹ mà thôi”, ông Trump nói.

Cựu tổng thống cũng hứa hẹn mang lại “năng lượng dồi dào, độc lập và thậm chí thống trị ngành năng lượng” nếu trở lại Tòa Bạch Ốc. Ông dự định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cắt giảm các quy định liên quan tới khai thác dầu khí và tăng cường sản xuất năng lượng trong nước.

Ông Trump khẳng định những hành động này sẽ làm giảm giá năng lượng ít nhất một nửa trong vòng 12 tháng sau khi ông nhậm chức, cam kết chấm dứt “cuộc thập tự chinh chống năng lượng” của ứng viên đảng Dân chủ. Giá xăng và các chi phí năng lượng khác tại Mỹ hiện cao hơn so với thời ông Trump còn tại nhiệm.

Về thuế quan, Trump đã đề xuất mức thuế chung là 10% với tất cả sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, tại một sự kiện tháng trước ở North Carolina, ông gợi ý thuế suất có thể tăng lên 20%. Với các sản phẩm từ Trung Cộng, ông muốn áp thuế 60%.

Trong bài phát biểu ngày 5/9, ông Trump gọi đây là “chính sách thương mại có lợi cho Mỹ, sử dụng thuế quan để khuyến khích sản xuất trong nước” và sẽ dẫn đến “sự phục hưng kinh tế quốc gia”.

Ông Trump gợi ý rằng ông có thể sử dụng số tiền thu được từ thuế quan để thành lập một quỹ đầu tư quốc gia, nhằm tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng, chi phí chăm sóc trẻ em hay trả nợ công.

Nhiều nhà kinh tế cảnh báo những mức thuế quan đó có thể phản tác dụng bằng cách làm tăng giá cả cho các gia đình Mỹ, làm mất việc làm và gây ra chiến tranh thương mại toàn cầu. “Đó là chính sách bảo hộ kinh tế khủng khiếp”, Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch tổ chức tư vấn trung hữu Diễn đàn Hành động Mỹ, nói.

Trong khi đó, ông Trump tin các chính sách của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng, chứ không dẫn tới những hậu quả như làm suy yếu tăng trưởng và khiến giá cả tăng vọt như nhiều nhà kinh tế cảnh báo. Chiến dịch tranh cử của bà Harris cáo buộc ông Trump “nói dối trắng trợn người dân Mỹ, không cho họ biết những hậu quả nghiêm trọng từ kế hoạch kinh tế của ông ấy”.

Theo báo Washington Post, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris gần như ngang nhau về tỉ lệ ủng hộ trong 2 cuộc thăm dò mới nhất được công bố ngày 8-9, cho thấy cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc 2024 đang gay cấn và sít sao khi chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến ngày 5-11. Kết quả thăm dò các cử tri mới nhất do New York Times/Siena College thực hiện cho thấy ông Trump hơn bà Harris 1 điểm phần trăm, đạt mức 48% so với 47%.

Tuy nhiên, với biên độ sai số 3%, điều này có nghĩa là bất cứ ứng cử viên nào cũng có thể giành chiến thắng, và cách biệt mà ông Donald Trump tạo được so với đối thủ là vô cùng mong manh.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy cử tri Mỹ cần có thêm chi tiết về bà Harris, trong khi ý kiến của công chúng về ông Trump gần như đã được xác định. Có 28% số người được hỏi cho biết họ cần có thêm thông tin về Phó tổng thống Harris, trong khi chỉ 9% có ý kiến như vậy về ông Trump. Trong cuộc thăm dò của CBS News/YouGov, hai ứng cử viên này cũng đang trong cuộc đua rất sít sao ở các bang chiến trường là Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên và cuối cùng 10 tháng 9 cho thấy khả năng kiềm chế của ông Trump, cách bà Harris tạo dấu ấn hay ngôn ngữ cơ thể được cho là những yếu tố có thể xem quyết định ai thắng thế trong màn tranh luận. Nhưng ngay cả với những lợi thế như vậy, việc ghi điểm trước ông Trump của bà Harris trên sân khấu tranh luận cũng không phải chuyện dễ dàng. Ông Trump được đánh giá là người tranh luận giàu kinh nghiệm nhất lịch sử tổng thống hiện đại. Từng là một ngôi sao truyền hình thực tế, ông biết cách khiến sự chú ý tập trung vào mình. Và rõ ràng là ông thích tranh đấu, giới chuyên gia nhận định. Điều này được chứng tỏ khi ông có quyển phát biểu kết thúc trong cuộc tranh luận. Ông Trump đặt ra “một câu hỏi đơn giản” rằng vì sao trong 3 năm rưỡi làm phó tổng thống vừa qua, bà Harris không làm những điều đó. “Bà ấy sẽ làm toàn bộ những điều tuyệt vời đó. Vì sao bà ấy không làm đi? Bà ấy đã ở đó trong 3 năm rưỡi”, ông Trump nói, đồng thời chỉ trích ông Biden và bà Harris…

Cuộc tranh luận ngày 10 tháng 9 sẽ được đánh giá ai thắng ai thua và một lần nữa dư luận thăm dò sẽ thay đổi nhất là các tiểu bang chiến trường. Theo nhận định mới nhất ai thắng 2 tiểu bang Pennsylvania và Georgia sẽ trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc.

No comments:

Post a Comment