VNTB – Đám Bắc KỳS.T.T.D Tưởng Năng Tiến
03.09.2024 4:08
VNThoibao
Trong bài viết “Tổng Quan Về Hồi Ký Tô Hoài,” Đặng Tiến có nhận xét sau:
“Ở các tác phẩm trước, Tô Hoài thường bao che, bào chữa, như là một hồi ký bao cấp. Đến Chiều Chiều, giọng kể nghiêm nghị hơn về đời sống chính trị và văn nghệ ngột ngạt những năm 1955-1970, về những sai lầm trong chính sách Cải cách ruộng đất, về những đợt học tập chiếu lệ ở trường Đảng cao cấp là trường Nguyễn Ái Quốc …”
Thực là quí hóa! Nhờ Tô Hoài đã chán viết “hồi ký bao cấp” nên qua Chiều Chiều độc giả mới biết được cuộc sống (thực) của một gia đình nông dân ở miền Bắc, Việt Nam.
Từ cái năm xây cống Trà, đồng bớt mặn khỏi mặn, ông Ngải ra vỡ hoang được chín miếng thành ruộng rồi ở luôn đấy, chẳng bao lâu những nhà khác cũng kéo ra, cái xóm to dần. Bà Ngải lại kể ngày trước ông ấy đi kéo cày mướn thay trâu.
Một con trâu thường đi suất ba sào. Ông kéo một buổi năm sào ruộng dầm gần gấp đôi trâu, chỉ đổi vai thừng một lần. Ngày công cao gấp rưỡi người khác mà các chủ ruộng đều ưa gọi ông, nhiều người đặt hẳn cọc đầu năm.
Rồi lại việc sông nước, đi cất vó. Cái năm ra phá hoang, chưa nên đất phải bện cỏ đánh luống để vũi dây khoai. Được ba tháng lá tốt um, móc lên ngốt mắt những củ khoai mập mạp. Rồi ông ấy lợp lều ở luôn, vừa trông vừa làm. Đến khi thành ruộng đã cấy được rồi mà cứ gặt xong lại cuốc, đất ngấu như bãi bồi. Thế là lại cắm luống dưa hồng, dưa gang, được quả to như lợn tháu lăn lóc cả đồng.
Nghe cứ như nếp sinh hoạt của đám nông dân vào Thời Trung Cổ: tối tăm và ngập bùn lẫn đất. Được cái là an bình và no đủ, dù đạm bạc.
Giá vợ chồng và con cái của ông bà Ngãi cứ được tiếp tục cuộc sống tối tăm như thế mãi thì chắc… họ cũng không có (và không biết) gì để phàn nàn. Nhưng cách mạng bùng lên, với nhiều đường lối và chủ trương vô cùng quyết liệt: Cải Cách Ruộng Đất, Hợp Tác Xã Nông Nghiệp, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Giải Phóng Miền Nam …
Trong nhà ông Ngải cũng nhiều đối thay. Ốc đã đi bộ đội. Cả Toàn con rể, ông bà cho ở gửi rể, cũng đi bộ đội. Chỉ ông bà Ngải vẫn ngày ngày nghe kẻng ra đồng làm. Nhưng ông Ngải ghét nhất cái cảnh ra đầu xóm đứng lố nhố, chuyện râm ran, điểm danh mấy lần vẫn chưa đủ người, đến khi cả tổ ra tới giữa đồng thì mặt trời đã lên ngang lưng tre.
Ông Ngải bực mình chửi làm ăn thế này thì đói rã họng ra đến nơi. Ông Ngải không đi với mọi người. Ông hỏi hôm nay làm gì rồi ông xuống đồng trước. Ông Ngải đi sớm về muộn.
Ông làm theo ý ông, không biết cái kẻng. Ông đã quá tuổi lao động, ông làm hay không cũng thế, nhưng hôm nào không đi làm thì chân tay như uỗi ra. Cái gì ông cũng tự nghĩ rồi làm. Ông chỉ cho con cái học cho biết mặt chữ.
Ông gả chồng cho cái Hến cũng không biết thế là tảo hôn, mà làng nước cũng chẳng ai bắt bẻ ông. Thằng Ốc nhà độc đinh ông vẫn cho đi bộ đội. Ông bảo “đi cho biết đó biết đây”.
Suy nghĩ của ông Ngãi xem chừng hơi giản dị nhưng cuộc đời thì không, dù là đời sống của một ông nông dân chân chất, vẫn theo ngòi bút của Tô Hoài :
Tôi lại về xóm Đồng… Bao nhiêu năm rồi, ông Ngải ngồi bên búi tre lép, ngày ngày mọi việc trôi qua như dòng sông quanh ngoài chân tre. Cũng đồng đất ấy, nhưng chẳng ai nhắc đến thời hợp tác xã. Người đời hay tránh cái đau, cái hèn kém cả đến trong ăn nói cũng kiêng những tiếng thô, tiếng bỗ bã…
Một con trâu vào xóm. Đường ngõ vướng tường và nhà cao, chân trâu bước âm âm rời rạc như tiếng chày giã bèo. Rồi ló ra con trâu đi, một bé cưỡi trâu, một người đàn bà vai vác như cái sào, như cây mía, một bé quảy gánh cỏ rảo bước như chạy. Ông Ngải không nhìn ra, nhưng nói:
– Mẹ con nhà nó.
Nói rồi ông ngước mặt:
– Anh Tư về chơi, mẹ Hến à!
Cô Hến ngả nón. Cô Hến chỉ bé sắt người lại còn thì vẫn như trước, cứ hao hao mà không khác mấy.
– Anh mới về. Mấy chục năm rồi…
– Năm nay cô bao nhiêu tuổi, cứ trừ đi khoảng mười lăm năm thì là bấy nhiêu lâu.
– Tính làm gì cho già người. Trông anh vẫn thế, bố em mà không gọi tên. em vẫn nhận ra.
– Cô với cháu đi làm đồng về. Thằng bé cưỡi trâu này ngày trước nằm võng phải không?
– Em vào trong xóm mua chuối…
– Thế thì cô là lái chuối…
Tôi hỏi:
– Anh Toàn nhà cô đâu?
– Báo cáo với anh, nhà em lên Hà Nội làm xế lô. Có khi anh gặp mà không nhận ra thôi. Đến mùa thì về đỡ đần việc nhà. Cày cuốc ra hạt gạo, thì đồng tiền lại hiếm. Chẳng đạp cái xế lô thì đào đâu ra tiền làm nhà, trát sân, lại tiêu pha cho các cháu đi học. Thằng nhớn cũng thôi học rồi, chưa đến tuổi tuyển quân, đương đòi xuống Diêm làm cửu vạn …
Cô Hến lại kể:
– Nhà em bảo em lên ở Hà Nội. Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ, vẫn đồn thế mà. Người hèn đớn cũng kiếm được, không mất bữa. Gánh đồng nát mà lãi quan viên. Nhà em bảo thế, em cũng đã lên xem sao.
Rồi cô Hến cười rúm mặt lại:
– Chưa nổi phiên chợ em phải nhảo về. Kệch đến ngày xuống lỗ
– Thủ đô đấy, mà cô chê a?
– Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường. Cả đêm không tài nào chợp mắt, ăn cơm lại oẹ ra, ốm đến nơi. Thế là cút ngay. Thuê kẹo em cũng không bao giờ dám lên Hà Nội nữa.
Chiều Chiều xuất bản vào năm 1997. Tô Hoài từ trần năm 2014. Ông bà Ngải chắc cũng không còn trên dương thế. Cậu con rể (hẳn) đã trở thành một công dân lão hạng, và e không còn sức vóc để tiếp tục đạp xế lô như xưa nữa. Loại xe này, nghe đâu, cũng đã bị cấm tiệt cả rồi.
Cháu ngoại ông Ngải (chắc) đang làm cửu vạn ở Diêm, như dự ước. Cái Hến (không chừng) đã thành bà nội và (có lẽ) vẫn ở lại xóm Đồng vì không quen cảnh sống (“bốn bên lủng củng người nằm đéo nhau huỳnh huỵch”) ngay giữa Thủ Đô Của Lương Tri & Phẩm Giá Con Người!
Cả gia đình ông Ngãi chỉ có mỗi thằng Ốc là đi bộ đội vào giải phóng miền Nam nhưng chưa đến nơi đã trở thành liệt sĩ nên lỡ mất cái cơ hội mang cái khung xe đạp, hay con búp bê, về lại xóm làng. Ấy thế chứ cứ theo dư luận thì cả nhà vẫn bị điều tiếng (và đay nghiến) là… đám Bắc kỳ:
– Trần Yên Hoà: Nói đến dân bắc kỳ bảy lăm thứ thiệt đang làm mưa làm gió ở Sài gòn đó là những ông lớn đang cai trị dân miền Nam, từ công an, thuế vụ, ngoại thương, chủ tịch quận huyện, giám đốc các công ty quốc doanh, đám nầy đang làm mưa làm gió ở miền Nam và toàn quốc. Ở Sài Gòn, suốt đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2) những ngôi nhà cao tầng khang trang sang trọng được mọc lên, đó là đất của quân đội cũ bọn việt cộng chiếm và chia chác cho nhau, cất nhà lầu cho thuê, buôn bán…
– Nguyễn Hữu Huấn: Từ sau năm 75 thì Bắc kỳ lại càng ăn trên ngồi trốc, các cụ không tin cứ mở cái máy “dzô tuyến truyền hình” hay cái “ra dzô” ra thì thấy liền, các “xướng ngôn dziêng” hầu như “trăm phần trăm” đều là Bắc kỳ, không cậu thì mợ. Còn các mợ tiếp dziêng “E Việt Nam”, mợ nào mợ nấy đều khoe “em người Hà Lội” hết ráo! Chẳng biết tại “dziêng dzáng” hay” phe đảng”?
– Nguyễn Văn Tuấn: Ai cũng biết phần lớn phi công VNA là người Bắc, nhưng ít ai biết rằng phần lớn tiếp viên VNA cũng là người phía Bắc. Ðó là hệ quả của chủ nghĩa lý lịch và chủ nghĩa địa phương, “chủ nghĩa chiến thắng.
Quí vị thức giả thượng dẫn viết không có gì sai nhưng e không đúng lắm với hoàn cảnh của gia đình ông Ngải, nơi cái Xóm Đồng (nào đó) ngoài miền Bắc. Ông bà Ngãi chưa chắc đã có lần nào đặt chân đến miền Nam, nói chi đến chuyện “làm mưa làm gió’ hay “chiếm đất đai” của bất cứ ai ở xứ sử này. Con cháu họ có lẽ cũng chưa đứa nào được “may mắn” bước chân lên một chiếc phi cơ, và cái cơ hội được trở thành một tiếp viên của VNA (e) còn xa vời lắm.
Như đã thưa (đôi lần) tôi chưa bao giờ được đặt chân đến miền Bắc nên không thể biết là có bao nhiêu triệu nông dân (đang sống trong cảnh bần cùng) ở vùng đất này, như gia đình ông Ngãi. Chỉ đoán già đoán non rằng họ chiếm khoảng chừng 60 đến 70 phần trăm dân số của nửa phần đất nước. Họ mới chính là những nạn nhân lâu năm nhất, khốn khổ và khốn nạn nhất của chế độ hiện hành.
Ở Việt Nam hiện nay chỉ còn có hai loại người thôi: thống trị và bị trị. Cả nước đã rơi vào tay cộng sản mà còn chia phe (Bắc/Nam/Trung) nữa bao giờ mới thoát nạn được, hả Trời?
No comments:
Post a Comment