Monday, September 23, 2024

TIẾP TỤC GIẬM CHÂN TẠI CHỖ
Phạm Trần
(09/024)

Hội nghị Trung ương 10/khóa đảng XIII kết thúc sau 3 ngày họp (18-20/09/2024) tại Hà Nội nhưng không có đột phá nào, mọi chuyện vẫn “tròn như hòn bi” dù đây là hành động đầu tiên của tân Tổng Bí thư Tô Lâm.

Bằng chứng này cô đọng trong Diễn văn bế mạc của ông Tô Lâm, theo đó ông tái khẳng định tiếp tục:” Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”

Đây là đường lối cũ đã quy định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Xã hội Chủ nghĩa” (Bổ sung, phát triển năm 2011).

Cương lĩnh phô trương rằng : “ Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh…”

Tuy nhiên, tính “kiêu ngạo Cộng sản” đã khiến đảng mắc “sai lầm Thế kỷ” không chữa được khi Cương lĩnh  kết luận rằng : “ Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”


Thái độ “mơ tưởng” này của đảng CSVN không phù hợp với tình hình khi đó, sau 20 năm Liên bang Sô Viết tan rã (26/12/1991). Có điều lạ là Thế giới Cộng sản do Nga đứng đầu đã khủng hoảng từ năm 1980 khi các nước Cộng sản Đông Âu nối đuôi nhau sụp đổ, nhưng Lãnh đạo CSVN vẫn chưa tỉnh ngủ.

ĐỔI MỚI HAY LÀ CHẾT

Mãi cho đến khi Nga không còn là nước Cộng sản ĐỠ ĐẦU nữa thì Việt Nam chới với bám theo Trung Quốc để đổi mới tồn tại. Lãnh đạo Bắc Kinh, Tập Cận Bình tuy không dứt khóat từ bỏ Chủ nghịa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông nhưng tuyên bố theo chủ trương “Chủ nghĩa Xã hội có đặc sắc Trung Quốc” tháng 10 năm 1997 (Trung văn giản thể:, Trung văn phồn thể).

Về phía Việt Nam, tên nước mới “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được Quốc hội khóa VI quyết định tại kỳ họp ngày 2/7/1976.

Tuy nhiên Trung Quốc không muốn đứng đầu các nước theo Chủ nghĩa Cộng sản còn lại, mặc dù khi ấy có tin Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh đứng ra nhận trách nhiệm quy tụ các quốc gia Cộng sản gồm Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và Lào.

TIẾP TỤC HỎNG

Tuy vậy,  Việt Nam vẫn phải dựa vào Trung Quốc , đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1995 để cân bằng quyền lực. Nhưng Bắc Kinh tiếp tục chủ trường bành trướng lãnh thổ qua các cuộc chiếm đóng biển, đảo của Việt Nam ở vùng Trường Sa (Biển Đông).

Cho đến  nay (2024), Việt Nam giữ 21 vị trí, trong khi Trung Quốc chiếm đóng thêm 7 Vị trí chiến lược ở Trường Sa gồm: : Đá Châu Viên, đá Chữ Thập, cụm đá Gaven, đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Vành Khăn và đá Xu Bi.

Trung Quốc đã đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, vào lúc Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tập trung vào Hòa đàm Paris để chấm dứt chiến tranh.

Sau chiến tranh chấm dứt, quân Cộng sản miền Bắc được Nga-Tầu cung cấp vũ khí và lương thực vẫn tiếp tục cuộc chiến “chiếm đất, giành dân” cho đến ngày “toàn thắng” thống nhất đất nước, 30/04/1975.

Tuy nhiên, sau khi chế độ hà khắc và độc tài miền Bắc bao phủ miền Nam thì lộ ra tình trạng chia rẽ Nam – Bắc. Tình hình kinh tế kiệt quệ, sau 10 năm đi theo chủ trương kinh tế bao cấp do nhà nước lãnh đạo theo mô hình Liên Sô cũ.

Đảng bị buộc phải “đổi mới” làm kinh tế thị trường kiểu Mỹ để cứu nguy và hội nhập với Thế giới tây phương đễ tôn tại. Nhưng sợ xấu hổ nên CSVN đã thòng thêm mấy chữ “theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa” để chứng tỏ sự trung thành của mình.

Tuy nhiên, lãnh đạo CSVN vẫn “không đổi mời chính trị” để đòan kết toàn dân và đoàn kết với người Việt tị nạn ở nước ngoài xây dựng đất nước. Đảng tiếp tục lấy  Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh làm nền tảng độc quyền cai trị.

Nhưng độc tài  đã đẻ ra  tham nhũng từ hạ tầng cơ sở lên Trung ương. Tình trạng “cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng tồi tệ, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Vì vậy, Hội nghị Trung ương 10, kết thúc tại Hà Nội ngày 10/09/2024, đã tái khẳng định khóa đảng XIV sẽ tiếp tục: làm theo phương châm”độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Về lĩnh vục nhân sự khóa XIV, Thông báo Trung ương 10 viết : “ Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là công việc hệ trọng; là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.”

Chi tiết hơn, Thống báo cho hay : “ Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu, yêu cầu công tác nhân sự Đại hội XIV, trong đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải là một tập thể trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực lãnh đạo và uy tín; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Thực hiện tốt phương châm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao.

Lời hứa này không mới, vì những “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới” đã được bàn hành qua Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024.

TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC

Quy định này buộc cán bộ, đảng viên phải :

1. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng.

2. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


3. Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Vấn đế đặt ra là dưới “thời đại Tô Lâm”, hay “bất cứ ai làm Tổng Bí thư khóa đảng XIV”, có khả năng “thay đổi tư duy lãnh đạo để đưa đất nước ra khỏi nhóm các quốc gia chậm tiến và lạc hậu trên Thế giới, hay vẫn cứ chạy quanh tìm thóc như đàn gà “chạy quẩn cối xay lúa” như bấy lâu nay ? -/-


Phạm Trần

 

(09/024)

 

 

 

No comments:

Post a Comment