Cha của người tùNguyễn Anh Tuấn
23-9-2024
Tiengdan
Đọc bài viết đầu tiên sau khi ra tù của anh Thức về việc anh bị “cưỡng bức đặc xá” và đã phản đối hành động đó ra sao, ngay cả khi đang phải thụ án 16 năm tù, mới thấy hết được lòng quả cảm và sự kiên cường nơi anh.
Một số người có thể sẽ thấy khó hiểu. Ra tù sớm ngày nào tốt ngày đó, sao anh lại phản đối? Nhưng những ai dõi theo hành trình 16 năm của anh sẽ hiểu. Đó là phản kháng của lương tri một con người, không bao giờ chấp nhận phẩm giá của mình bị rẻ rúng như một món hàng để đem ra đổi chác.
Đó còn là phản ứng đầy tinh tường. Anh nhắc công chúng nhớ rằng, anh hoàn toàn không chấp nhận cái gọi là sự khoan hồng của chính quyền, bởi lẽ đây đơn thuần là sự tính toán: Đợi 8 tháng nữa anh mãn hạn tù thì mang tiếng đày đoạ một con người 16 năm, chi bằng trả tự do bây giờ sẽ được tiếng là nhân đạo, lại thuận lợi cho công du quốc tế.
Nhưng khi nói về sự kiên cường của anh, tôi không muốn bàn về chính quyền, mà về một người khác.
Tôi nhớ đến ba anh, bác Huỳnh, những ngày rong rủi ở DC và New York vận động cho anh đúng 10 năm về trước. Cái tuyết đầu tiên trong đời của bác Huỳnh không may lại là bão tuyết ở những thành phố xa lạ bờ Đông nước Mỹ, và người đàn ông bát tuần với nhiều chứng bệnh trong người đã ngã xuống tuyết không biết bao nhiêu lần mỗi khi buộc phải cuốc bộ cho kịp các buổi hẹn của một lịch trình dày đặc.
Hành trình ba tháng qua ba châu lục đã không biết bao lần trắc trở như thế, nhưng lần nào bác Huỳnh cũng đứng dậy và bước tiếp, chưa bao giờ có một lời phàn nàn. Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết ở độ tuổi 80, bác lấy đâu ra nghị lực để hoàn thành một hành trình như thế. Tôi đồ rằng nghị lực đó chỉ có thể đến từ niềm tin tưởng xen lẫn tự hào từ gan ruột của một người cha, rằng con mình chẳng những không làm gì sai, mà còn đang làm điều đúng đắn.
Những bước chân của bác Huỳnh, bởi vậy, có thể không được thôi thúc bởi những lời hiệu triệu dân chủ, nhân quyền quen tai, mà từ những điều nguyên sơ giản dị hơn nhiều: Phải làm gì đó để bảo vệ con mình khi con bị ức hiếp vì làm điều đúng đắn, bất luận kẻ ức hiếp là ai, một tên du côn hay một đám bạo quyền.
Anh Thức từng đề xướng mọi người nghĩ về Con đường Việt Nam – con đường đi đến một tương lai tươi sáng hơn của đất nước. Dù chưa rõ hết hình thù con đường đó thế nào, nhưng tôi tin chắc giữa rất nhiều bước chân trên đó, có bước chân của ba anh, bác Huỳnh.
***
Dưới đây là đoạn trích bài viết 9 năm về hành trình của bác Huỳnh:
“Hơn mọi chứng cứ
Cuối năm 2013, người ta thấy một người đàn ông Việt Nam chừng 75 tuổi chậm rãi từng bước chân trong phòng lãnh sự của sứ quán Hoa Kỳ ở Manila, Philippines.
Ông đến đây với hy vọng xin được visa sang Mỹ để vận động quốc tế đòi tự do cho con trai ông, người đang thụ án tù chỉ vì viết ra những trăn trở với hiện tình và tương lai đất nước.
“Sao ông không xin visa ở Việt Nam, mà lại sang đây?”, nhân viên lãnh sự người Mỹ, giọng lạnh lùng, hỏi.
“Bởi nếu lấy visa từ Việt Nam, công an sẽ không để tôi đi”, người đàn ông đáp.
“Nhưng làm sao chúng tôi tin được là sau khi sang Mỹ ông sẽ trở về? Làm sao chắc chắn được ông sẽ không ở lại đất nước của chúng tôi?”, nhân viên lãnh sự tiếp tục hỏi, vẫn với một giọng phớt tỉnh.
Người đàn ông sững lại vài giây, hồ như lòng ông đang tràn ngập niềm thất vọng, vì ông đào đâu ra bây giờ những giấy tờ nhà đất, công ty hay tài khoản ngân hàng làm chứng cứ cho việc ông sẽ quay lại Việt Nam, như yêu cầu của đa số những trường hợp xin visa đi Mỹ.
Rớm vài giọt nước mắt. Hai bàn tay nắm chặt. Thoáng một nụ cười đắng ngắt trên môi, ông đáp với giọng run run: “Thưa ông, tôi ở lại nước Mỹ của ông làm gì kia chứ khi con trai tôi đang thụ án 16 năm trong tù? Không phải một năm, hai năm, mà là… 16 năm tù, thưa ông. Tôi phải về lại Việt Nam để làm mọi điều có thể, giúp nó sớm được ra tù chứ”.
Không gian bỗng nhiên lắng lại và đến lượt nhân viên sứ quán là người phải lặng đi chốc lát. Có vẻ như áy náy với những câu hỏi đầy thực dụng trước đó theo thói quen nghề nghiệp, và nhận ra niềm nghi hoặc của mình quá nhỏ bé trước tấm lòng của một người cha đang đi đòi công lý cho con trai, người nhân viên lãnh sự bỗng thay đổi thái độ. Ân cần, từ tốn, ông gửi lời chúc may mắn và báo rằng visa sẽ được cấp trong một vài ngày tới, với một giọng trầm ấm lạ thường.
Người đàn ông Việt Nam này không ai khác chính là ông Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Việt Nam, đã ở trong tù tính đến nay là 6 năm cho bản án kéo dài 16 năm”.
***
Ảnh dưới: Bác Huỳnh (bên trái), cùng cô Liên và cô Trâm, hai người mẹ của tù nhân lương tâm khác, ở phi trường Manila, Philippines tháng 12/2013 trước khi khởi hành chuyến vận động không ngờ sẽ kéo dài tận ba tháng, kéo dài từ Bờ Tây sang Bờ Đông nước Mỹ, tiếp nối ở Geneva, Thuỵ Sĩ và Melbourne, Sydney, Canberra nước Úc. Lúc này bác Huỳnh 80 tuổi, và nay đã 91 tuổi.
PS: Lời nhắn gửi bác Huỳnh: Con không biết bác có đọc được bài viết này không, nhưng con có thể hình dung được nụ cười của bác ngày sum họp. Con tin chắc anh Thức có yêu đất nước này nhiều như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ ngang tình yêu của bác dành cho anh ấy. Con chúc bác khoẻ.
No comments:
Post a Comment