Khi Chủ tịch nước Việt Nam thăm Liên Hiệp Quốc, việc “cân bằng lượng khí thải carbon” biến mất ở nhà
Asia Sentinel
Tác giả: David Brown
Song Phan chuyển ngữ
23-9-2024
Tiengdan
Tóm tắt: Ở Việt Nam, các vụ bắt giữ có nghĩa là không dễ để có năng lượng xanh
Chỉ vài ngày sau khi tướng công an Tô Lâm được xác nhận là Tổng Bí thư mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã đi thăm người đồng cấp Trung Quốc tại Bắc Kinh, nơi mà theo truyền thông Trung Quốc, Tập Cận Bình xác nhận ‘tầm quan trọng chiến lược’ của quan hệ song phương.
Điều này tất yếu làm dấy lên suy đoán trên các phương tiện truyền thông Việt Nam: Khi nào Tô Lâm sẽ cho thấy rằng Hà Nội vẫn một mực giữ “cân bằng” trong quan hệ với các siêu cường Thái Bình Dương qua việc đi thăm Tổng thống Hoa Kỳ?
Dù cuộc gặp giữa Biden và Lâm có thuận lợi đến đâu theo quan điểm của công chúng Việt Nam, Lâm nhiều nhất cũng chỉ giành được một cái bắt tay với Biden khi cả hai đều ở New York để tham dự “Hội nghị thượng đỉnh về tương lai” (Summit of the Future) của Liên Hiệp quốc trong tuần này. Lâm đã đến Mỹ hôm Chủ Nhật, ngày 22 tháng 9, để phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về tương lai và Đại hội đồng. Biden sẽ phát biểu trước Đại hội đồng vào ngày 24 tháng 9. Một cuộc họp thực chất chẳng có ý nghĩa gì trước khi Hoa Kỳ có tổng thống mới.
Rõ ràng, sẽ có sự khác biệt sâu sắc trong quá trình phát triển quan hệ Mỹ – Việt nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng và dựng lên bức tường thuế quan kìm hãm giao thương. Phân tích về khả năng đó, nếu có, có thể phải đợi đến tháng 1 [năm 2025]. Trong câu chuyện này, trọng tâm là các công việc song phương như thường lệ.
Trước hết, điều quan trọng cần lưu ý là các cuộc thăm dò đều cho thấy công dân Việt Nam luôn nằm trong số những người ủng hộ Hoa Kỳ và chống Trung Quốc nhất trên toàn thế giới. Khách du lịch Mỹ, thậm chí cả những người du lịch ba lô tiết kiệm, đều được chào đón nồng nhiệt [ở Việt Nam]. Điều đó khiến gây hiểu lầm. Phù hợp với lập trường của Đảng Cộng sản toàn năng, thái độ của chính phủ Việt Nam khác biệt đáng kể. Quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ là quan hệ vì lợi ích, không phải vì ưa thích. Hà Nội cần những gì mà đặc biệt Hoa Kỳ có thể cung cấp: Công nghệ để sản xuất các thành phần tinh vi và thị trường sẵn sàng cho các sản phẩm này và các sản phẩm khác của mình. Quan tâm của họ đối với các mặt hàng quốc phòng của Hoa Kỳ khá hạn chế và thực dụng (hàng của Nga rẻ hơn và quen thuộc hơn). Hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi quá trình tự do hóa kinh tế bắt đầu cách đây một phần tư thế kỷ, về các vấn đề kỷ luật, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề mềm dẻo; họ sẽ không nới lỏng quyền kiểm soát đối với việc ra quyết định hoặc định hướng phát triển.
Với suy nghĩ này, thật bổ ích khi xem xét hai cuộc gặp gỡ rộng mở và có vẻ có tính hợp tác giữa Hoa Kỳ cùng các đồng minh và Việt Nam.
Cam kết Đối tác xuyên Thái Bình Dương
“Các thế lực thù địch và phản động đã lợi dụng triệt để quá trình hội nhập quốc tế để tăng cường các hoạt động phá hoại và chuyển đổi chính trị nội bộ… hình thành các liên minh và mạng lưới ‘xã hội dân sự’, ‘các công đoàn độc lập’… tạo tiền đề cho việc hình thành các nhóm đối lập chính trị trong nước” – Chỉ thị số 24 của Bộ Chính trị Việt Nam, tháng 7 năm 2023
Mong muốn tận dụng hứa hẹn cho phép tiếp cận rộng rãi và tự do hơn với các thị trường nước ngoài, năm 2018, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định kế thừa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đã bị Trump hủy bỏ năm 2017, và Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN European Union-Vietnam Free Trade Agreement) vào năm 2021. Cả hai hiệp định đều đòi hỏi các thành viên cho phép hình thành các công đoàn tự do. Để tuân thủ, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật lao động sửa đổi cho phép “các tổ chức đại diện của người lao động” được kiến nghị với người sử dụng lao động mà không bị các cơ quan Đảng và nhà nước can thiệp.
Tuy nhiên, quốc hội vẫn chưa thông qua luật để thi hành. Thay vào đó, và rõ ràng là theo “Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị” – một văn bản mật ban hành năm 2023, bị rò rỉ vào tháng 2 năm 2024 – Bộ Công an đã bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động xã hội dân sự, những người đã dám góp ý với Chính phủ trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam về việc cho phép thành lập các công đoàn tự do.
Trong số các đối tác CPTPP của Việt Nam, chỉ có Canada là lên tiếng. Hoa Kỳ chưa từng lên tiếng. Liên minh châu Âu – trong quá trình đàm phán FTA đã gây sức ép mạnh mẽ để Việt Nam đồng ý về công đoàn tự do – vẫn chưa có thể trừng phạt Việt Nam.
Thất bại của Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)
Tại COP26, hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu lần thứ 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông báo đáng ngạc nhiên: Việt Nam sẽ là nước “trung hòa carbon” vào năm 2050. Một năm sau, các chuyên gia năng lượng Việt Nam và các đối tác nước ngoài đã tham gia sâu vào việc đàm phán các chi tiết của “Kế hoạch chuyển đổi năng lượng công bằng” (Just Energy Transition Plan – JTEP), một gói các khoản vay và trợ giúp kỹ thuật trị giá 15,5 tỷ đô la Mỹ trong 5 năm đầu tiên.
Cùng lúc đó, các viên chức năng lượng của Việt Nam đang nỗ lực để đưa ra Kế hoạch Phát triển Điện số 8. Kế hoạch này đã chậm tiến độ hai năm. Các viên chức này thấy dễ chịu với than, dầu khí và thủy điện, vốn là những nguyên tố chính của ngành điện quốc gia. Họ không thoải mái với năng lượng mặt trời và năng lượng gió, những công nghệ mới mà Việt Nam hoàn toàn thích hợp để khai thác. Họ khó chịu khi một nhóm chuyên gia “năng lượng mới” của xã hội dân sự góp ý không những cho các nhà đàm phán JTEP, mà còn cho cả Văn phòng Thủ tướng.
Một lần nữa, Bộ Công an đã giải quyết mọi việc. Công an đã bắt giữ từng người một, trong số các lãnh đạo của bốn tổ chức phi lợi nhuận, những người mà ông Ben Swanton của Dự án 88, một nhóm vận động nhân quyền, mô tả là “những người chuyên nghiệp… không đánh đồng với hệ tư tưởng chống nhà nước, những người tuân theo các quy tắc của chính phủ, làm việc trong không gian được nhà nước chấp thuận cho xã hội dân sự“.
Các cáo buộc áp dụng đối với sáu nhà hoạt động môi trường không phải mới lạ hay nghe có lý – không phải là “phát tán lời tuyên truyền chống nhà nước” thông thường hay các cáo buộc tương tự, mà là “trốn thuế” trong năm trường hợp và “chiếm đoạt tài liệu của chính phủ” trong trường hợp thứ sáu.
Mặc dù các quan chức phương Tây đàm phán JETP với Việt Nam không thể tin những cáo buộc này, nhưng họ đã không phản đối việc bắt giữ các đồng nghiệp người Việt, ít ra là không công khai. Rõ ràng, việc duy trì quan hệ làm việc với các đối tác chính phủ được coi là ưu tiên cao hơn.
Đó là một thắng lợi rõ ràng cho các viên chức năng lượng của Việt Nam, những người hiện phải chứng tỏ rằng, họ có thể chỉ đạo quá trình chuyển đổi thoát khỏi than thành công. Có lẽ họ có thể thấy: Trong mùa hè này, một đường dây truyền tải 500 kilovolt mới từ miền Trung Việt Nam đến các khu công nghiệp quanh Hà Nội đã được hoàn thành trong thời gian kỷ lục, tăng gấp đôi công suất và xoa dịu nỗi lo của các doanh nghiệp nước ngoài về một mùa hè thiếu điện.
_______
Tác giả: David Brown là cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam và là cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel.
No comments:
Post a Comment