Monday, September 23, 2024

Nguyễn Hồng Lam - Giác thư tan rã
lundi 23 septembre 2024
Thuymy



Trong quan hệ chính trị ngoại giao, chỉ có duy nhất một điều không thể thay đổi được theo thời gian và mục đích, đó là địa chính trị.

Tối 20/09, lúc 22:43, trên trang Fresh News, trong mục Breaking có một tin không nhiều người chú ý nhưng rất đáng chú ý, nhan đề: "Cambodia Decides to End Its Participation in the CLV-DTA: Foreign Ministry" (Campuchia quyết định chấm dứt hợp tác trong CLV - DTA).

Theo đó, Campuchia đã chính thức thông báo đến Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn: quốc gia này chính thức rút khỏi cơ chế hợp tác cấp cao tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (Cambodia-Laos-Viet Nam Development Triangle Area /CLV - DTA).

Như vậy, "quan hệ đoàn kết, hữu nghị, gắn bó và tin cậy" giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam sẽ khuyết đi một góc. Cụm từ "di sản quý báu" chỉ mối quan hệ hợp tác xây dựng suốt 25 năm qua, với riêng phía Campuchia đã không còn ý nghĩa nữa. Họ đã chính thức từ bỏ nó.

Cách đây 25 năm, chính ông Hun Sen là người đầu tiên đưa ra sáng kiến thiết lập mối quan hệ/cơ chế hợp tác tam giác ba nước này. Bây giờ, cũng chính ông ấy đưa ra ý tưởng rút lui mà Bộ Ngoại giao Campuchia vừa tuyên bố chính thức bằng văn bản, cũng như đưa ra nhiều chủ trương, quyết định quan trọng khác cho Campuchia.

Lưu ý, quyết định là do Hun Sen chứ không phải do Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet, con trai của ông ta đưa ra. Điều này cho thấy vị thế, ảnh hưởng của Hun Sen quan trọng đến thế nào; cũng cho thấy sức ép từ phía nhóm 18/8 (gọi tên theo ngày họ tổ chức biểu tình chống đối, 17 và 18/8/2024) đối với chính phủ Campuchia hiện tại là lớn đến mức nào.

Còn nhớ, cách đây đúng một tháng, ngày 22/08, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã thông tin chính thức, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Campuchia và Lào để tổ chức tốt hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam dự kiến vào tháng 12 năm nay tại Campuchia. E rằng, với tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Campuchia ngày hôm qua, những nỗ lực tích cực của Việt Nam sẽ trở nên uổng phí.

Chỉ cách đây vài tuần, Campuchia vẫn còn đề nghị được Việt Nam viện trợ.

Cách đây chưa lâu, những tuyên bố kiểu như "sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam đối với Campuchia, quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia là vô giá"... vẫn được các thế hệ lãnh đạo đất nước này tuyên bố hùng hồn và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Họ cũng vừa mới khởi công kênh đào Phù Nam, bất chấp mối quan ngại của Việt Nam, kèm tuyên bố trước là nhận thấy "không cần thiết phải tham vấn ý kiến của quốc gia khác". Đó là kiểu quan niệm hợp tác gắn bó của họ.

Và bây giờ họ tuyên bố chấm dứt một mối "hợp tác vô giá, tối quan trọng" của ba nước Đông Dương.

Cuối cùng thì lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn là trên hết và họ sẽ bất chấp. Xem ra, sự chống đối kịch liệt của phe đối lập cánh tả, chuyên dùng chiêu bài bài xích, hằn học với Việt Nam và tác động đi kèm những khoản viện trợ không nhỏ của Trung Quốc đã thắng thế trong việc tạo ảnh hưởng, chi phối nhiều quyết định của đảng cầm quyền CPP và chính phủ Campuchia. Vị trí địa chính trị bất biến khiến Việt Nam không thể không ưu tư, lo lắng với tuyên bố "ly khai quan hệ hợp tác" này. 

Lo lắng thì thường trực, nhưng không thể hiểu nổi. Đây phải gọi là ngoại giao, hợp tác kiểu gì?

NGUYỄN HỒNG LAM 21.09.2024

No comments:

Post a Comment