Thursday, September 26, 2024

‘Ở Phía Đông Âm Phủ’ nhìn từ phía Tây - Phân Lý Văn Học
Ngu Yên
Diễn đàn
26/09/2024
VOA

Sách truyện của nhà văn Nguyễn Viện, Tiếng Quê Hương xuất bản, 184 trang. Bao gồm hai truyện: “Ở Phía Đông Âm Phủ” & “Và, Hắn Đã Đến”, kết thúc bằng lời bạt “Độc sáng Độc thoại-Đối Thoại” của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình. (Hình: Tác giả cung cấp)


Ngu Yên

“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024.

Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.

Ngạc nhiên đầu tiên nằm ở trang đầu. Tác giả giới thiệu bốn nhân vật theo thứ tự: minh, diệm, huệ, và ánh. Tên không viết hoa. Sau vài dòng kể, chúng ta nhận ra bốn âm hồn này là Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Huệ-vua Quang Trung, và Nguyễn Ánh-vua Gia Long. Thắc mắc, tại sao không viết hoa tên riêng để bày tỏ kính trọng với người đã từng lãnh đạo quá khứ? Có ngụ ý gì hay chỉ vì xem thường những người có tội? Câu hỏi này khiến tôi muốn tìm hiểu.

Nếu nhìn bằng tầm quan sát của luận lý văn học Tây Phương, truyện “Ở Phía Đông Âm Phủ” mang một hình thức phá thể. Không sử dụng một số quy luật về cấu trúc, không gian, và thời gian như luật Kim tự tháp Freyutag, học thuật BADS, phương pháp LOCK, kỹ thuật xây dựng năm giai đoạn, vân vân. Những quy luật này đã trải qua nhiều năm tháng, nhiều thành tựu trong lịch sử văn học, được hướng dẫn trong các chương trình sáng tác văn chương ở đại học. Tiến một bước nữa, tác giả cũng bỏ qua những quy tắc xây dựng tâm trạng căng thẳng, đưa lên đỉnh cao để trả lời câu hỏi kịch tính chủ yếu của truyện, giải quyết điều chủ lực mà tác giả muốn nói và người đọc muốn được thỏa mãn. Có vẻ như tác giả muốn thử thách một con đường khác, nguy hiểm, nhiều khả năng thất bại, nhiều khả năng bị người đọc dừng lại giữa chừng, nhưng nếu tiếp tục phát triển và thành công, sẽ mang đến một lề lối thủ thuật khác về sáng tác truyện. Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.

Truyện này gồm có 10,845 chữ, nằm trong khung truyện ngắn từ 3,000 đến 30,000 từ. Tuy không rõ ràng nhưng có thể miễn cưỡng phân chia, phần mở đầu rất ngắn, 286 chữ và phần kết thúc cũng rất ngắn, 264 chữ. Tất cả chữ nghĩa còn lại nằm trong phần xây dựng chính của truyện. Hầu hết bằng lời đối thoại và lời kể truyện. Đối thoại giữa các âm hồn chia ra nhiều nhóm. Phần đối thoại chính do ông minh và ông diệm đảm nhiệm. Lời kể xuất hiện như những móc nối giữa các cuộc đối thoại. Ngoài ra, lời kể còn mang đến những thông tin tài liệu lịch sử và những hư tưởng để làm nền hoặc giải thích dẫn đưa các sự kiện. Lời kể còn thể hiện như những tóm tắt để tăng tốc câu truyện vì đối thoại thường làm tốc độ kéo dài chậm lại.

Vị trí âm phủ chỉ là cái phong màn cho kịch bản nên không được mô tả chi tiết, thậm chí, sự mô tả nhân vật cũng quanh quẩn về hành vi, cử động lúc đối thoại. Trong khi kỹ thuật mô tả không gian, địa thế, bối cảnh, nhân vật được Tây phương xem trọng và cổ xúy trong nghệ thuật sáng tác chữ. Âm phủ mà tác giả sử dụng làm địa hình chỉ là “… nơi không bao giờ có mưa và thời tiết chỉ là khí sắc của ngọn lửa trên gương mặt thời gian, linh hồn con người trong suốt nhưng ký ức của nó là một ngọn lửa không bao giờ tắt tự thiêu đốt và tồn tại bởi chính sự thiêu đốt ấy.”

Về thời gian, truyện không có tương lai, đã chết rồi, còn tương lai gì? Chỉ có hiện tại rất ít, toàn truyện dựng trên thời gian và bối cảnh quá khứ. Việc này khiến câu truyện bị giới hạn. Kể lại quá khứ là kể lại những gì mà đa số độc giả đều biết ít nhiều, dù có phần hư cấu thay đổi nhưng vẫn không thoát hết sự kiện lịch sử. Mất đi một phần thú vị bất ngờ của diễn tiến, và sáng tạo trong cốt truyện. Để thay thế vào chọn lựa này, tác giả tập trung vào đối thoại, một trong số kỹ thuật tạo truyện mạnh mẽ nhất. Vì vậy, người đọc phải tìm đến những quan điểm độc đáo, những chi tiết bất ngờ trong lời thoại của các nhân vật. Và dĩ nhiên không thể thiếu, hãy quan sát ngôn ngữ không âm thanh qua cử chỉ và hành vi của mỗi âm hồn.

Về hình thức, tại sao tôi nói “miễn cưỡng phân chia”, vì dưới tầm nhìn từ phong cách Chekhov, truyện ngắn không cần mở đầu, không cần kết thúc, chỉ là một thân bài. Truyện “Ở Phía Đông Âm Phủ” gần như nằm trong dạng này. Dù sao, Nguyễn Viện đã can đảm đầu tư một đường riêng lối hẹp trong bình nguyên mênh mông của truyện kể.

Đi sâu vào nội dung, có lẽ tác giả áp dụng tinh thần chủ nghĩa Tối Giản (Minimalism), cắt bỏ hầu hết những gì được đánh giá là cần thiết, (như nhà thơ Ezra Pound đã nói: chỉ cần những điểm sáng,) chỉ tập trung vào đối thoại và lời nói của các nhân vật đã được Nguyễn Viện cân nhắc, hư cấu để đưa ra những ý tưởng sắc bén, những chi tiết bất ngờ. Hiệu quả của lời nói, hình ảnh và màu sắc trong chữ nghĩa, chính là nguồn sáng đẩy lui sự âm u ở âm phủ và trong câu truyện.

Ông minh ông diệm đều là nhân vật chính không phân cấp, không được tác giả xác định ai chính ai phụ, mỗi người mỗi vị trí, mỗi lý tưởng, mỗi tâm sự, đối đáp với nhau tạo ra kịch tính. Trong The Writing of Fiction (1924), Edith Wharton nhận xét, “truyện ngắn có được sức sống hoàn toàn nhờ vào việc thể hiện một tình huống đầy kịch tính.”

[ Ông minh mơ màng nói:

- Cả maotrạchđông, stalin và mấy đời tổng thống mỹ đều bị tôi lừa.

Ông diệm bật người dậy, giọng nghi ngờ:

- Không, tôi nghĩ cụ mới bị chúng nó lừa.

Ông minh cười lớn:

- Cả thế giới đều nghĩ như cụ. Nhưng tôi là con kiến cắn mù mắt con voi. Chiến thắng là một bí mật của số phận. Cụ là con của chúa, cụ không bao giờ hiểu được sự khôn ngoan của satan. Và cụ cũng không bao giờ biết được sức mạnh của thù hận. ] (trích)

Và,

[ Ông minh:

- Thời tôi còn lang thang ở paris, chắc cụ còn nhớ cục gạch mà tôi vẫn ôm hằng đêm, khi ấy cụ đã hỏi tôi, sao không kiếm một cô để ôm lại đi ôm cục gạch? Tôi đã nói với cụ thế nào cụ còn nhớ không?

Ông diệm:

- Sao tôi quên được. Cụ đã diễn ngay từ hồi đó.

Ông minh cười nhạt:

- Sẽ không ai tin. Nhưng chính đó là cục gạch trong bếp của mẹ tôi. Đi bất cứ đâu, tôi cũng bỏ vào túi xách mang theo. Đấy là quê hương.]

Simon Wood trong tác phẩm “Mastering Multiple Points of View,” nhấn mạnh rằng, việc đan xen nhiều nhân vật có nhiều góc nhìn, dễ gây rối, làm người đọc lầm lẫn giọng nói, cá tính và quan điểm của các nhân vật. “Trong một cuốn tiểu thuyết, giống như trong một cuộc trò chuyện, không phải ai cũng có thể nói cùng một lúc. Có rất nhiều cách để cho mỗi nhân vật một giọng nói mà không cần họ phải nói chồng lên nhau.” Quan điểm của mỗi nhân vật và thống điệp của tác giả là những điểm đánh giá bậc thang giá trị của tác phẩm. Cách của Nguyễn Viện trình bày quan điểm của bốn âm hồn”

[Ông minh:

- Chúng ta vừa là thiêu thân, vừa là ảo ảnh của chính mình.

Ông diệm:

- Chúng ta là đấng cứu tinh và chúng ta cũng là đọa đày.

Ông ánh:

- Các ông không phải bận tâm mình là gì. Điều đó vô ích. Tất cả đều vô ích. Bởi vì chúng ta không là gì.

Ông minh:

- Chúng ta là hành động và hành động là tồn tại.

Ông ánh:

- Chúng ta tưởng là hành động nhưng thực ra chúng ta không làm gì.

Ông diệm:

- Niệm là hành động. Ý cũng là hành động. Và chúng ta tạo nghiệp. Nghiệp là thời gian của chúng ta.

Ông huệ bước vào vẫn với vẻ bất cần.

Ông huệ:

- Máu vẫn chảy trên trần gian và máu bốc cháy dưới hỏa ngục. Các ông nói như bọn lảm nhảm rao hàng ngoài chợ.]

Thông điệp của hai nhân vật chính thể hiện khá rõ ràng:

[ Ông diệm:

- Thế thì sứ mệnh của chúng ta là gì?

Ông minh trầm giọng, chắc nịch:

- Thực hiện sử mệnh của mình].

Còn thông điệp của tác giả thì sao?

Đối thoại và lời kể đã diễn đạt một số kỹ thuật sáng tác. Chính xác nhất là việc cấu tạo những nhân vật nổi bật, thú vị, đáng nhớ: đó là minh và diệm. “Những nhân vật hấp dẫn nhất là những nhân vật có vẻ nhất quán bên trong nhưng vẫn có khả năng gây bất ngờ.” (David Corbelt trong Emotion-Driven Characters.) Thứ hai là tạo chiều sâu qua lý luận. Dọc theo các lời thoại, cả bốn nhân vật đều phát ngôn trong dạng trí tuệ. Sức nặng của ý tưởng và suy nghĩ xây dựng ý nghĩa. Tiêu chí này đã đạt được trong “Ở Phía Đông Âm Phủ.”

Cũng ở ưu điểm này, tôi phát giác ra những lời thoại ít thể hiện cảm xúc của nhân vật và của tác giả. Lời thoại và lời kể trình bày nhiều kiến thức, hiểu biết, và tưởng tượng nhưng thiếu phần thể hiện của nửa não bộ bên phải, nơi sản xuất vô thức và cảm xúc. Ngoài ra, đọc kỹ hết lời thoại, tôi không được yêu thích lắm những lời lặp lại ý tưởng và những lời dư dài không cần thiết, làm loãng sức tập trung của độc giả.

Ở gần cuối truyện, tác giả cho “sói-nâu” xuất hiện một cách đột ngột và ngắn ngủi, tôi cho rằng không có đoạn đó, câu truyện vẫn diễn tiến suôn sẻ. Truyện ngắn và ngay cả tiểu thuyết, đôi khi ít hơn sẽ khiến người đọc tham gia tưởng tượng nhiều hơn. Bí quyết này do Hemingway ẩn dụ trong lý thuyết sáng tác Băng Nổi.

Một chi tiết khác có thể gây sốc cho một số độc giả tôn giáo và độc giả yêu mến hai lãnh tụ minh và diệm. Tác giả hư cấu chuyện tình giữa minh và diệm. Ngay vào đầu câu truyện, “Chân ông minh gát lên đùi ông diêm.”

Rồi, “Thỉnh thoảng người phụ nữ lên núi với ông. Chị dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và phục vụ ông như một tì thiếp. Chị yêu ông và kính trọng ông. Nhưng càng gần gũi chị bao nhiêu thì ông lại càng thương nhớ ông diệm bấy nhiêu. Ông không biết thế nào là tình yêu đích thực. Ông diệm luôn cho ông cái cảm xúc khẩn thiết về thực tại mà ông cần phải chiếm hữu.”

Rồi, “Ông minh hôn ông diệm, nụ hôn kéo dài suốt lịch sử con người trên dương thế. Ông diệm ôm chặt ông minh, cái ôm không rời từ kiếp này qua kiếp khác.”

Chuyện tình sốc này có khả năng làm người đọc ghi nhớ hoặc vì thích thú việc hư cấu của tác giả; hoặc ghét bỏ vì sự kiện thiếu đạo đức. Riêng tôi, nhìn chi tiết này như một ẩn dụ. Hai nhà lãnh tụ hai miền Nam Bắc, lúc còn sống đã công chiến với nhau vì lý tưởng và sở thích khác biệt. Khi chết, tác giả cho cư chung ở phía đông âm phủ, yêu thương nhau, biểu tượng cho sự hòa hợp để người đời sau nhận ra rằng, cuối cùng hết, lòng yêu thương vượt qua tất cả những thứ gì chúng ta cho là lớn lao, ghê gớm trong cõi đời. Trong hư cấu, sự sáng tạo là sinh vật hai đầu: đầu rồng và đầu rắn. Tùy người đọc thấy đầu nào thì nó sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm và tác giả theo điều ấy.

Đọc đến hơn ba phần tư truyện, chúng ta sẽ hiểu ra vì sao tên của các âm hồn không viết hoa. minh, diệm, huệ, ánh, dù là tên riêng ở dương trần, nhưng không phải tên riêng ở âm phủ, càng không phải là tên riêng trong thế giới hư cấu Nguyễn Viện, vì minh, diêm, huệ, ánh là tên chung. Chỉ là những đại biểu cho những loại người trọng hư tưởng về cái tôi, trong những bối cảnh thuận lợi, trở thành cái đẹp che cái xấu, cái thiện che cái ác, cái lý tưởng che cái vị thân. Đó cũng là thông điệp chính của tác giả: “Ở đâu có bất công, ở đó có đấu tranh. Bình đẳng là ảo tưởng. Con người luôn thất bại trong lý tưởng của mình” và ông đưa đến kết luận: Họ phải mãi mãi ở nơi mà sự tồn tại của những linh hồn chồng lấn vào nhau và níu giữ nhau tạo nên hỏa ngục.

Houston, tháng 9, 2024.

No comments:

Post a Comment